Cần một cơ quan độc lập, có năng lực và thẩm quyền quản lý an toàn hạt nhân (Kỳ cuối)
Ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ (Bộ KH&CN), nói về những biện pháp nhằm đảm bảo tính độc lập của cơ quan quản lý quốc gia về an toàn hạt nhân.
Kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến về điện hạt nhân trong việc xây dựng cơ quan quản lý quốc gia? Việt Nam học hỏi được những gì từ đó?
Hiện nay thông tin về lĩnh vực này rất cởi mở trên thế giới. Chúng ta có thể tiếp cận rất dễ dàng. Ngoài ra, IAEA là một kênh hợp tác quốc tế quan trọng nhằm giúp các quốc gia mới bắt đầu phát triển điện hạt nhân học tập kinh nghiệm về công tác quản lý ba S. Các hệ thống văn bản của IAEA về an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân đã được xây dựng rất đầy đủ và IAEA cũng có nhiều kênh hỗ trợ cho công tác đào tạo và xây dựng tiềm lực trong lĩnh vực này. IAEA cũng tổ chức một diễn đàn hợp tác pháp quy hạt nhân giữa cơ quan pháp quy hạt nhân của các nước phát triển và các nước mới đi vào phát triển điện hạt nhân (RCF) nhằm hỗ trợ, chia sẽ kinh nghiệm và điều phối hiệu quả các hợp tác giữa các nước công nghiêp điện hạt nhân phát triển với các nước bắt đầu phát triển điện hạt nhân. Việt Nam đã là thành viên của Diễn đàn này. Năm 2012, chúng ta đã tổ chức Hội nghị của RCF tại Hà Nội với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao của các cơ quan phát quy hạt nhân các nước.
Ngoài ra, EC cũng đã hỗ trợ chúng ta một dự án hai triệu Euro nhằm giúp Cục An toàn bức xạ hạt nhân xây dựng năng lực quản lý pháp quy hạt nhân cho giai đoạn đầu tiên của dự án điện hạt nhân. Chúng ta học hỏi được rất nhiều từ IAEA, EC và các nước công nghiệp điện hạt nhân pháp triển về xây dựng khuôn khổ luật pháp, văn bản pháp quy và đào tạo cán bộ.
Một trong những vấn đề công chúng quan tâm là tính công khai và minh bạch trong các hoạt động quản lý, thông tin về an toàn hạt nhân. Vậy làm thế nào để cơ quan quản lý quốc gia về an toàn hạt nhân đảm bảo được sự công khai và minh bạch trong quá trình quản lý?
Đây là vấn đề rất quan trọng để tăng cường sự ủng hộ của người dân cho chủ trương phát triển điện hạt nhân. Cơ quan này phải thực sự là người bảo vệ lợi ích cho người dân đối với các ảnh hưởng của điện hạt nhân. Do đó thông tin liên quan đến an toàn ở tất cả các giai đoạn của việc triển khai dự án điện hạt nhân cần được công khai cho công chúng thông qua Cơ quan pháp quy hạt nhân. Người dân có thể vào trang web của cơ quan pháp quy là sẽ biết được tình hình hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân, cũng như tình trạng phóng xạ môi trường trên toàn quốc hay cụ thể tại từng khu vực của nhà máy điện hạt nhân. Khi có bất kỳ sự cố hay tai nạn đối với các hoạt động ứng dụng bức xạ hay nhà máy điện hạt nhân thì Cơ quan pháp quy phải kịp thời cung cấp thông tin cho công chúng. Cơ quan này cũng sẽ đưa ra các khuyến cáo cần thiết cho công chúng, kể cả kế hoạch sơ tán như thế nào.
Hiện chúng ta đang chuẩn bị sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử cho phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt là với Luật Năng lượng nguyên tử mẫu của IAEA. Vì vậy, các yêu cầu về công khai, minh bạch thông tin về an toàn hạt nhân cần phải được đưa vào trong Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi cùng với việc xây dựng một cơ quan pháp quy đủ mạnh về tiềm lực (con người, cơ sở vật chất).
Việc công khai, minh bạch thông tin trong các hoạt động quản lý sẽ góp phần tăng cường sự ủng hộ của người dân cho chủ trương phát triển điện hạt nhân
Chúng ta cần làm thế nào để thực thi tốt cơ chế đó?
Để thực thi tốt cơ chế này, chúng ta phải triển khai công việc đúng theo các quy định của pháp luật về vấn đề này. Do đó phải xây dựng đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan, bao gồm các quy định nguyên tắc trong Luật và các quy định chi tiết trong Nghị định và các thông tư liên quan. Đây là cơ sở để Cơ quan vận hành và Cơ quan pháp quy có căn cứ thực hiện và người dân có căn cứ giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực này như thế nào.
Việt Nam cần chuẩn bị những gì cho việc thành lập và kiện toàn tổ chức này, nếu được sự phê chuẩn đồng ý thành lập của chính phủ?
Cục An toàn bức xạ và hạt nhân được thành lập năm 2003 và đã được quy định trong Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008. Tuy nhiên, như đã nói trên, Cục ATBXHN hiện nay chưa tương xứng như một Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia theo yêu cầu của IAEA và kinh nghiệm quốc tế. Hiện nay, Cục đang được giao sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử, trong đó có quy định về Cơ quan pháp quy hạt nhân. Để chuẩn bị cho việc ra đời một Cơ quan pháp quy hạt nhân, theo chỉ đạo của Hội đồng An toàn hạt nhân quốc gia và Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Cục đang xây dựng dự án phát triển Cục An toàn bức xạ và hạt nhân để bảo đảm đủ năng lực về con người và cơ sở vật chất kỹ thuật của một Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia. Khi Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi đi vào hiệu lực thì về cơ bản chúng ta đã có một Cơ quan pháp quy hạt nhân có đủ năng lực để thực thi các nhiệm vụ quản lý về 3 S.
Chúng ta cần có biện pháp gì để đảm bảo tính độc lập của cơ quan này, tránh tình trạng chồng chéo nhiệm vụ với các tổ chức khác về quản lý về an toàn hạt nhân?
Tính độc lập theo hướng dẫn của IAEA và các yêu cầu của Công ước an toàn hạt nhân được thể hiện như sau:
– Chính phủ cần phải bảo đảm tính độc lập hiệu quả trong các quyết định liên quan đến an toàn của Cơ quan pháp quy. Cơ quan này phải có sự tách biệt về chức năng với các tổ chức có trách nhiệm hay lợi ích mà nó có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định của Cơ quan pháp quy.
– Cơ quan pháp quy cần phải thực hiện chức năng nhằm đảm bảo tính độc lập hiệu quả của Cơ quan pháp quy.
– Cần có các biện pháp bảo đảm sự tách biệt hiệu quả giữa Cơ quan pháp quy với các cơ quan chịu trách nhiệm thúc đẩy ứng dụng năng lượng hạt nhân.
– Mỗi quốc gia thành viên cần phải tiến hành các bước đi thích hợp nhằm bảo đảm sự tách biệt hiệu quả giữa chức năng của Cơ quan pháp quy hạt nhân với chức năng của bất kỳ tổ chức hay cơ quan nào chịu trách nhiệm về thúc đẩy hay ứng dụng năng lượng nguyên tử.
Trên cơ sở các nguyên tắc về độc lập nêu trên, chúng ta sẽ xem xét và thiết lạp mô hình tổ chức của Cơ quan pháp quy phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhưng vẫn bảo đảm được nguyên tắc độc lập nêu trên của IAEA và yêu cầu của các điều ước quốc tế liên quan.
Cám ơn ông
Thanh Nhàn thực hiện
Đọc thêm: Cần một cơ quan độc lập, có năng lực và thẩm quyền quản lý an toàn hạt nhân (Kỳ I)
Nguồn: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&News=9167&CategoryID=36