Cần một cơ quan độc lập, có năng lực và thẩm quyền quản lý an toàn hạt nhân (Kỳ I)
Ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ (Bộ KH&CN), trả lời phỏng vấn của tạp chí Tia Sáng về sự cần thiết của một cơ quan quản lý quốc gia về an toàn hạt nhân trong quản lý an toàn, an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân đối với tất cả các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. 
Thưa ông, vấn đề an toàn hạt nhân có ý nghĩa và tầm quan trọng như thế nào đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?
Ngày 25/11/2009, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 41 về chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận có công suất khoảng 4.000 MW, công nghệ lò phản ứng nước nhẹ thế hệ hiện đại nhằm bảo đảm tính an toàn và hiệu quả kinh tế cao. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã tiến hành triển khai thực hiện thông qua việc hợp tác với Liên bang Nga để xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và với Nhật Bản xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Điện hạt nhân gắn liền với văn hóa an toàn nên việc triển khai thực hiện các dự án điện hạt nhân trước hết phải bảo đảm được vấn đề an toàn cho con người và môi trường. An toàn hạt nhân là vấn đề quan trọng cần nhận được quan tâm của các cấp quản lý, các chuyên gia đối với toàn bộ quá trình triển khai thực hiện các dự án, từ khâu lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy, lựa chọn công nghệ đến thiết kế, chế tạo xây dựng, lắp đặt và vận hành nhà máy…
Như chúng ta đã biết, trong lịch sử phát triển điện hạt nhân, sự cố hạt nhân dẫn đến nhiều hậu quả không lường trước được như các sự cố tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl, Fukushima là ví dụ.
Việc Việt Nam bắt đầu triển khai dự án điện hạt nhân thì phải xem an toàn hạt nhân là mối quan tâm chung của tất cả mọi người dân và những người trực tiếp thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải ý thức được trách nhiệm cao nhất của mình đối với việc bảo đảm an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân của chúng ta.
Tại sao Việt Nam phải thành lập cơ quan quản lý quốc gia về an toàn hạt nhân?
Việc triển khai thực hiện dự án điện hạt nhân có hai chủ thế chính tham gia vào quá trình này là: 1) Chủ đầu tư hay người vận hành nhà máy điện hạt nhân và 2) Cơ quan pháp quy hạt nhân hay còn gọi là cơ quan quản lý quốc gia về an toàn hạt nhân.
Cơ quan pháp quy sẽ chịu trách nhiệm thay mặt cho Chính phủ quản lý hoạt động bảo đảm an toàn của nhà máy điện hạt nhân từ giai đoạn lựa chọn địa điểm, thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo dưỡng và tháo dỡ nhà máy khi hết hạn sử dụng. Cơ quan này phải xây dựng khuôn khổ luật pháp; thẩm định an toàn, an ninh; cấp các loại giấy phép liên quan như phê duyệt địa điểm, phê duyệt thiết kế, cấp phép xây dựng, cấp phép vận hành, cấp phép chấm dứt hoạt động và tháo dỡ nhà máy khi hết hạn sử dụng; thanh tra và xử lý vi phạm; quản lý về bảo đảm an toàn bức xạ, phóng xạ môi trường và ứng phó sự cố của nhà máy điện hạt nhân.
Ông có thể lý giải cụ thể hơn các hoạt động của cơ quan quản lý quốc gia về an toàn hạt nhân trong việc đảm bảo an toàn và an ninh hạt nhân?
Đây là các hoạt động quản lý nhằm đảm bảo an toàn (safety), an ninh (security) và thanh sát hạt nhân (safeguards), hay theo cách gọi của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thì Cơ quan này chịu trách nhiệm quản lý về ba chữ S (safety, security và safeguards).
Việc thiết bị phóng xạ của nhà máy thép Pomina 3 bị thất lạc vào tháng 4/2015 gây xôn xao dư luận.
Về an toàn bao gồm an toàn hạt nhân, bảo vệ bức xạ, chiếu xạ nghề nghiệp, chiếu xạ dân chúng, phóng xạ môi trường, chuẩn đo lường bức xạ, kiểm định và hiệu chuẩn, ứng phó sự cố, an toàn vận chuyển, an toàn chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng,…
Về an ninh bao gồm an ninh nguồn phóng xạ, an ninh vật liệu hạt nhân, an ninh cơ sở hạt nhân, bảo vệ thực thể hạt nhân, an ninh vận chuyển,…
Về thanh sát hạt nhân là kiểm soát vật liệu hạt nhân, kế toán và kiểm toán vật liệu hạt nhân, ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, …
Với mỗi một chữ S như vậy thì phải xây dựng đủ hệ thống văn bản quy phạm phục vụ quản lý, xây dựng năng lực để thẩm định an toàn, tổ chức cấp phép liên quan, tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất và hàng năm xây dựng báo cáo quốc gia về công tác quản lý, báo cáo các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan. Để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, các điều kiện hỗ trợ về hợp tác quốc tế, đào tạo cán bộ, thông tin là những hoạt động cần thiết của cơ quan này.
Để đảm bảo thực thi tốt những nhiệm vụ trên, cơ quan này cần được trao những cơ chế gì?
Đầu tiên phải bảo đảm đủ năng lực cho cơ quan quản lý quốc gia về an toàn hạt nhân bao gồm nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật và nguồn lực tài chính đầy đủ. Tiếp theo là trao cho cơ quan pháp quy thẩm quyền đầy đủ về cấp phép, thanh tra và xử lý vi phạm, bảo đảm tính độc lập cần thiết để việc ra các quyết định pháp quy của nó như dừng hoạt động của cơ sở, xử phạt vi phạm,…mà không bị bất kỳ cản trở nào từ những người có lợi ích vật chất hay tinh thần có liên quan, không bị chi phối bới các mệnh lệnh hành chính,… Cơ quan này có quyền được trực tiếp báo cáo lên lãnh đạo Chính phủ và Quốc hội về các vấn đề an toàn bức xạ và hạt nhân của quốc gia. Ngoài ra, cơ quan này được quyền có được các trợ giúp hay hỗ trợ kỹ thuật từ bên ngoài để giải quyết các công việc có liên quan đến các quyết định pháp quy, quyền được hợp tác quốc tế trực tiếp với các tổ chức quốc tế và các nước về an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân.
Khuyến cáo của IAEA về vấn đề này?
IAEA đã nhiều lần khuyến cáo chính phủ Việt Nam về sự cần thiết của một cơ quan quản lý quốc gia về hạt nhân. Cụ thể là các Đoàn đánh giá cơ sở hạ tầng năm 2009, 2012 và 2014 cũng như các đoàn đánh giá pháp quy tích hợp của IAEA năm 2009 và 2014 đều đã khuyến cáo Chính phủ Việt nam trước hết phải xây dựng một Cơ quan pháp quy hạt nhân độc lập, có năng lực và thẩm quyền để quản lý an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân đối với các hoạt động của ngành năng lượng nguyên tử, trong đó có các nhà máy điện hạt nhân. Khuyến cáo này dựa trên các nguyên tắc an toàn cơ bản của IAEA cũng như quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, cụ thể là Công ước An toàn hạt nhân và Công ước An toàn chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Việt Nam là thành viên của IAEA và luôn khẳng định là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì vậy việc tuân thủ các quy định của quốc tế về vấn đề này là cần thiết và là trách nhiệm của quốc gia. (Còn tiếp)
Thanh Nhàn thực hiện