Cần những đối sách hợp lý

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng và những tác động về vấn đề nguồn nước xuyên biên giới đang và sẽ là những thử thách rất lớn uy hiếp sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam khiến nền nông nghiệp vùng ĐBSCL có thể bị mất bền vững. Các nhà quản lý vĩ mô cần phải sớm nhận thức các nguy cơ này để có những đối sách hợp lý.

Trong khoảng hai thập niên vừa qua, các dấu hiệu của biến đổi khí hậu và nước biển dâng càng lúc càng thể hiện rõ hơn lên vùng đồng bằng, nhiều hiện tượng thiên tai, thời tiết bất thường đã được ghi nhận. Hầu hết mọi hoạt động canh tác nông nghiệp đều bị chi phối lớn do các yếu tố khí hậu. Sự bất thường của thiên nhiên sẽ gây nên những tổn thất về năng suất và sản lượng hoặc làm gia tăng chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Với mức độ gia tăng về tần suất và cường độ các hiện tượng thời tiết cực đoan đến khu vực sẽ làm gia tăng mối đe dọa an ninh lương thực.

Những phỏng đoán về biến đổi khí hậu

Nhiều nhà khoa học trong Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã được chứng minh có sự liên quan giữa mức gia tăng nồng độ khí thải do các hoạt động của con người và sự nóng lên toàn cầu hiện nay. Từ các kịch bản phát thải khí nhà kính do IPCC đề xuất, nhiều mô hình toán học đã cho thấy nhiệt độ không khí toàn cầu và khu vực tiếp tục gia tăng nhanh trong thế kỷ 21. Sự tăng nhiệt độ không khí làm băng ở hai cực Trái đất và trên các đỉnh núi cao tiếp tục tan chảy khiến mực nước biển tăng lên, khối nước trong các đại dương mở rộng và các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão tố, lũ lụt, hạn hán, … cũng xuất hiện với tần số và cường độ lớn hơn.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất Việt Nam. ĐBSCL có 4 triệu ha diện tích đất tự nhiên, trong đó đất nông nghiệp là trên 2,4 triệu ha, chủ yếu là sử dụng cho sản xuất lúa (hơn 85%), còn lại là sử dụng cho nuôi trồng thủy sản, hoa màu và cây ăn trái. Hiện nay, vùng đồng bằng này sản xuất gần 21 triệu tấn lúa/năm, chiếm trên 50% tổng sản lượng lúa cả nước, đóng góp khoảng 90% lượng lúa gạo xuất khẩu ra thế giới. Trung bình mỗi năm, vùng ĐBSCL xuất ra thế giới từ 3,0- 3,5 triệu tấn gạo, đặc biệt năm 1999, lượng gạo xuất khẩu đã đạt đến mức 4 triệu tấn.
Nằm ở hạ lưu cuối cùng của hệ thống sông Mekong, có địa hình rất thấp và phẳng (độ cao trung bình phổ biến ở mức 1,2 – 1,5 m so với mực nước biển), vùng đồng bằng hiện đang chịu hai tác động dòng chảy, dòng chảy của sông Mekong từ thượng nguồn đổ về và dòng triều do tác động biển xâm nhập vào đất liền. Trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 là thời gian vùng đồng bằng bị ngập lũ, còn từ tháng 1 đến tháng 4 là thời đoạn vùng đồng bằng bị tác động mạnh mẽ của hiện tượng xâm nhập mặn và khô hạn.

Theo kết quả phỏng đoán các biến đổi khí hậu ở ĐBSCL từ các mô hình toán (chương trình hợp tác nghiên cứu giữa Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu – Đại học Cần Thơ, Việt Nam và Trung tâm START vùng Đông Nam Á của Đại học Chulalongkorn, Thái Lan) cho thấy, trong khoảng thập niên 2030 – 2040, nhiệt độ trung bình cũng như nhiệt độ lớn nhất và nhỏ nhất trong vùng ĐBSCL đều gia tăng, phổ biến tăng khoảng 2°C. Kết quả này cũng phù hợp với các kết quả khác từ kịch bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường của Việt Nam và một số mô hình khí hậu khu vực. Các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế cũng cho biết, khi nhiệt độ về đêm của không khí tăng lên 1°C, năng suất lúa sẽ giảm đi khoảng 10%. Giả thiết điều này xảy ra, vùng ĐBSCL có thể mất từ 2 – 4 triệu tấn lúa mỗi năm chỉ riêng do sự nóng lên của nhiệt độ khu vực.


Lũ nhỏ năm 2010 khiến nông dân Cần Thơ gặp khó khăn hơn vì thiếu nước và phù sa  (Ảnh Lê Anh Tuấn, 2010)

Mô hình cũng phỏng đoán trong khoảng 30 năm tới, tổng lượng mưa trung bình trong vùng ĐBSCL cũng sẽ giảm sút phổ biến từ 10 – 20% khiến việc cung cấp nước ngọt cho canh tác lúa thêm khó khăn. Điều đáng lưu ý là sự phân bố mức giảm sút này thay đổi theo tháng

Hiện Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu – Đại học Cần Thơ đang có một chương trình hợp tác quốc tế với Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế IRRI, Viện Nghiên cứu Lúa ĐBSCL, Viện Quy hoạch hoạch Thuỷ lợi Nam Bộ, Viện Khoa học Nông nghiệp, trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, và các nhà khoa học Úc để nghiên cứu các tác động của biến đổi khí hậu lên ĐBSCL và tìm ra các giải pháp thích ứng cho hệ thống canh tác trên nền lúa. Dự án này kéo dài 5 năm với kinh phí 5 triệu dollar Úc do Chính phủ Úc tài trợ.

trong mùa mưa. Các tháng đầu mùa vụ Hè Thu như tháng 4, tháng 5 và qua giữa tháng 6, lượng mưa có thể giảm sút từ 20 – 40% khiến việc gieo sạ, phát triển chồi của cây lúa bị ảnh hưởng. Các tuần lễ từ giữa đến cuối tháng 7, hạn Bà Chằn thêm gay gắt khiến việc trổ đòng của lúa bị tác động. Nhưng đến cuối mùa mưa, lượng mưa gia tăng dần lên, đôi khi có những cơn mưa có cường độ lớn bất thường cộng thêm lũ về, khiến việc thu hoạch lúa Hè Thu thêm khó khăn, tỷ lệ thất thoát sẽ gia tăng và chi phí xử lý sau thu hoạch sẽ làm thu nhập của nông dân giảm đi. Mưa và nhiệt độ thay đổi thất thường cũng sẽ gây ra những sự bùng phát khó lường của sâu bệnh, nấm bệnh hại lúa. Lượng mưa giảm đáng kể trong mùa khô khiến hạn hán và sự xâm nhập mặn thêm trầm trọng làm ảnh hưởng đến canh tác lúa vụ Đông Xuân. Ngoài ra, sự gia tăng khô hạn trong mùa khô và giảm sút lượng mưa trong đầu mùa mưa sẽ làm tăng sự nhiễm phèn, độc chất của phèn sẽ ảnh hưởng lớn đến cây lúa nhất là giai đoạn đầu, thậm chí sẽ làm chết hàng loạt mạ mới gieo sạ nếu không có đủ nước để rửa phèn. Nếu không có biện pháp chủ động về nguồn nước tưới, sự giảm sút và sự thay đổi thất thường lượng mưa ở ĐBSCL sẽ làm cho thu nhập của nông dân giảm đi khoảng 20 – 40 % so với hiện nay. Nông dân phải gia tăng chi phí cho việc bơm nước tưới lúa, gia cố kênh mương trữ nước, sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, thay đổi cơ cấu canh tác, chi phí xử lý sau thu hoạch.


Đê ngăn mặn và chống xâm thực biển ở Bạc Liêu . 
(Ảnh Lê Anh Tuấn, 2010)

Hiện tượng nóng lên toàn cầu hiện vẫn tiếp tục tiếp diễn ngày càng nghiêm trọng. Hệ quả của hiện tượng nóng lên toàn cầu là sự tan băng và nước biển dâng khiến nhiều vùng đất thấp sẽ bị ngập chìm và xâm nhập mặn. Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu đã từng cảnh báo vùng ĐBSCL là một trong ba vùng đồng bằng ven biển sẽ bị tác động nghiêm trọng nhất do biến đổi khí hậu và nước biển dâng lên cộng đồng dân cư so với các nơi khác trên thế giới. Theo phỏng đoán từ nay đến cuối thế kỷ này, trường hợp mực nước biển trung bình dâng lên từ 0,75 m đến 1 m, sẽ có ít nhất 25% diện tích đất nông nghiệp vùng ven biển ĐBSCL sẽ bị chìm ngập và khoảng 75% diện tích canh tác hiện nay sẽ bị nhiễm mặn mùa khô và khoảng 40-50% diện tích nông nghiệp bị ảnh hưởng của nước mặn ngay cả trong mùa mưa, khó có thể trồng lúa được. Điều này có thể tạo nên một nguy cơ là sản lượng lúa của khu vực sẽ giảm đi ít nhất một nửa và Việt Nam có thể sẽ là một quốc gia không có lúa xuất khẩu.

Cần những đối sách hợp lý

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng và những tác động về vấn đề nguồn nước xuyên biên giới đang và sẽ là những thử thách rất lớn uy hiếp sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam khiến nền nông nghiệp vùng ĐBSCL có thể bị mất bền vững. Các nhà quản lý vĩ mô cần phải sớm nhận thức các nguy cơ này và phải có những đối sách hợp lý cho vấn đề.

Do nhu cầu phát triển kinh tế và năng lượng cũng như đối phó các vấn đề về biến đổi khí hậu, các nước thượng nguồn sông Mekong càng quyết liệt trong việc khai thác nguồn tài nguyên nước trên sông Mekong như việc xây dựng các đập nước nhà máy thuỷ điện trên dòng chính và dòng nhánh như trường hợp ở Trung Quốc, Lào và Campuchia, kế hoạch chuyển nước sông Mekong qua các lưu vực khác để sử dụng như Trung Quốc và Thái Lan triển khai, tại Campuchia cũng đang chuẩn bị mở rộng các hệ thống thuỷ nông để gia tăng việc thâm canh sản xuất lúa và nuôi trồng thuỷ sản khiến nguồn nước sông Mekong sẽ bị đe doạ hơn bao giờ hết.

Đối với sản xuất lúa, cần phải có những điều chỉnh lịch thời vụ kịp thời, đẩy mạnh nghiên cứu tìm ra các giống lúa mới có thể chịu đựng khô hạn, nhiễm mặn tốt hơn. Trong canh tác lúa, biện pháp tưới tiết kiệm nước sẽ là một giải pháp giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và phù hợp với sự suy kiệt nguồn nước.

Cần xây dựng các công trình như ngăn mặn, giữ ngọt, khai thác nước ngầm, nạo vét củng cố hệ thống kênh mương nhằm gia tăng hiệu quả sử dụng nước, xây dựng và khai thác các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối, dòng chảy) nhằm phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Ngoài ra, nên có những tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và các nhà quản lý, tập huấn phương pháp lồng ghép biến đổi khí hậu và kế hoạch phát triển của địa phương. Các địa phương nên phối hợp với các nhà khoa học để tìm ra những biện pháp thích nghi hợp lý cho cộng đồng. Việc tăng cường hợp tác khoa học với các tổ chức trong và ngoài nước cũng cần đẩy mạnh để có những chia sẻ thông tin và kiến thức nhằm ứng phó hợp lý nhất cho vấn đề nóng về biến đổi khí hậu.

Các giải pháp cho vấn đề sản xuất lượng thực ở Đồng bằng sông Cửu Long không những có ý nghĩa đối với việc an ninh lượng thực quốc gia mà còn là một bảo đảm cho nguồn cung lương thực cho thế giới, cứu sống nhiều người ở các quốc gia đói nghèo khác nữa.
——-
* TS. Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu – Đại học Cần Thơ

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)