Cần tận dụng tối đa sự hỗ trợ chuyên môn từ quốc tế

Việt Nam nên tận dụng tối đa sự hỗ trợ chuyên môn từ quốc tế, đồng thời đảm bảo chương trình hạt nhân của mình tuyệt đối minh bạch. Nếu không làm vậy, kết quả sẽ là thảm họa. Sẽ là có tội nếu ai đó kiêu ngạo cho rằng Việt Nam không cần phải thể hiện trước Thế giới khả năng sẵn sàng của mình trước khi bước chân vào cuộc chơi này.


Trong một bài báo gần đây trên Tia Sáng, tôi đã bình luận về những phản ứng [của công chúng và giới chuyên môn] sau sự cố Fukushima, và thử tìm ra các bài học, trong đó có những điều có thể được rút ra và đặt vào bối cảnh của Việt Nam. Sau bài báo này và qua những khuyến nghị từ hội nghị cấp bộ trưởng được IAEA tổ chức gần đây tại Vienna từ ngày 20 tới 24 tháng 6 năm 2011, Tạp chí Tia Sáng đã đề nghị tôi bày tỏ rõ hơn những quan điểm của mình về cơ hội Việt Nam gia nhập câu lạc bộ năng lượng hạt nhân.

Trước hết, tôi xin phép trình bày lại những luận điểm chính trong bài báo trước của mình. Đối với phương Tây, sự cố Fukushima làm dấy lên làn sóng phản đối năng lượng hạt nhân, mà tuy đa phần là cảm tính, nhưng cũng không thể xem nhẹ. Sự thiếu vắng thái độ có trách nhiệm đối với năng lượng hạt nhân – hay nói cách khác là sự thiếu một quyết tâm làm chủ năng lượng hạt nhân thay vì chống lại nó – đã lên tới mức khiến người ta chỉ muốn vứt bỏ cho xong. Không ai có thể áp đặt năng lượng hạt nhân vào một xã hội chối bỏ nó.

Rõ ràng là từ lâu đã cần phải có một chương trình đào tạo nghiêm túc, cần những chính sách thu hút nhân tài, và cần có một Viện chuyên đào tạo và phát triển năng lực cho các nhà khoa học, kỹ sư, và nhà quản lý, những người vận hành nhà máy hạt nhân. Nhưng dù có muộn còn hơn không.

Tuy nhiên, ở Châu Á, cụ thể là Trung Quốc và Ấn Độ, những luận điệu từ các nhóm tổ chức phương Tây chống năng lượng hạt nhân, đề cao năng lượng tái sinh lại không có mấy tác dụng. Dù người khác muốn hay không, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục phát triển các chương trình năng lượng hạt nhân của mình. Việt Nam ở cùng một bối cảnh điều kiện địa chính trị và kinh tế tương đương cũng có thể gia nhập câu lạc bộ điện hạt nhân. Tuy nhiên đây là một thử thách lớn đối với Việt Nam trong việc chuẩn bị các điều kiện cần đáp ứng, mà tới nay chúng ta vẫn chưa thấy những dấu hiệu cho thấy thử thách này được giải quyết với mức quyết tâm cần thiết. 

Tôi không đủ tư cách khẳng định Việt Nam nên hay không nên theo đuổi một chương trình năng lượng hạt nhân. Đây là một quyết định chính trị, đòi hỏi một tầm nhìn về một tương lai địa chính trị và kinh tế của quốc gia vượt quá khả năng và kiến thức của tôi. Nhưng điều tôi có thể nêu ra, là những quan điểm về các điều kiện mà Việt Nam cần đáp ứng nhằm đảm bảo một sự vận hành an toàn.

Trong bài báo trước, tôi đã viết, “Mọi vấn đề liên quan tới năng lượng hạt nhân phải được xem xét trong điều kiện kinh tế, công nghệ và xã hội cụ thể. Việc cần thiết và khẩn cấp hiện này là phải xác định ngay những vấn đề mà Việt Nam đã có sự chuẩn bị để giải quyết và những lĩnh vực chuyên môn khác có thể cần. Sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn; nguy cơ mất tự chủ trong lĩnh vực này không phải là nhỏ. Phải đánh giá cẩn thận đội ngũ nhân viên có tài, có chuyên môn về công nghệ hạt nhân để xác định không chậm trễ quy mô của việc đào tạo tăng cường rõ rằng là rất cần thiết. Người dân cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng để hiểu và chấp nhận quyết định khởi động chương trình điện hạt nhân. Các hệ quả ngắn hạn và dài hạn về tài chính cũng cần phải được hiểu rõ trong bối cảnh kinh tế hiện nay của đất nước. Việc quy hoạch dự án phải được đặt dưới điều kiện rằng mỗi bước thực hiện phải được bảo đảm rằng đất nước đã sẵn sàng đạt được nó một cách thành công.

Các quyết định không được sao chép từ các nước khác. Mỗi vấn đề phải được đánh giá và thấu hiểu trong điều kiện và đặc trưng riêng của Việt Nam”.

Chỉ chăm chăm phê phán là điều vô ích; người ta phải có tinh thần xây dựng. Đây là tinh thần tôi muốn đạt được khi viết những dòng trên đây. Nhưng khi đọc qua những dòng này, rõ ràng người ta dễ có ấn tượng (rất có thể là ấn tượng sai) rằng, cho tới nay, chưa có điều kiện trong những điều được nêu trên đây đã được nỗ lực giải quyết với mức quyết tâm cần thiết. Còn nếu có, thì có lẽ công chúng vẫn chưa nhận ra. Từng vấn đề được nên trên đây cần phải là mục tiêu của một kế hoạch, và kế hoạch này phải được quảng bá đầy đủ tới công chúng. Người ta có thể lo ngại rằng dù bây giờ làm thế thì cũng đã là muộn. Rõ ràng là từ lâu đã cần phải có một chương trình đào tạo nghiêm túc, cần những chính sách thu hút nhân tài, và cần có một Viện chuyên đào tạo và phát triển năng lực cho các nhà khoa học, kỹ sư, và nhà quản lý, những người vận hành nhà máy hạt nhân. Nhưng dù có muộn còn hơn không.

Công chúng không thể bị đẩy ra ngoài cuộc, chúng ta đã học được bài học về tầm quan trọng của sự chấp thuận từ công chúng đối với chính sách hạt nhân của quốc gia. Nhưng không dễ để duy trì thành công kênh thông tin giữa nhà chức trách và công chúng. Chúng tôi đã thất bại trong công tác này ở các nước phương Tây.

Fukushima đã gây ra một hiệu ứng tâm lý rất mạnh (chưa kể những bài học rút ra từ hậu quả của sóng thần). Việt Nam nên tận dụng những kết luận của cuộc Hội thảo tại Vienna để tích cực dựa vào các chuyên gia nước ngoài giúp đánh giá mức độ sẵn sàng của mình [cho việc xây dựng một chương trình hạt nhân]. Cụ thể, Hội nghị này đã nhấn mạnh rằng “các nước mới theo đuổi các chương trình hạt nhân nhất thiết phải thực hiện đầy đủ Các Tiêu chuẩn An toàn IAEA, gắn các bài học rút ra từ tai nạn Fukushima vào sự phát triển chương trình hạt nhân của mình và nhằm thể hiện khả năng hoàn toàn sẵn sàng vận hành các nhà máy hạt nhân trước khi tiến hành khởi động lò phản ứng hạt nhân đầu tiên”. Hội thảo cũng khẳng định rằng “IAEA có thể hỗ trợ bằng cách tiến hành thẩm định độc lập đối với các báo cáo đánh giá an toàn [hạt nhân] quốc gia, thông qua dịch vụ từ các nhóm chuyên gia quốc tế, qua đó sẽ công bố công khai các kết quả. Điều này có thể giúp tăng cường tính công khai và đáng tin cậy của những báo cáo đánh giá an toàn [hạt nhân] quốc gia.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)