Cần tập trung trở lại vào nghiên cứu cơ bản
Khảo sát tại 12 quốc gia cho thấy sự không hài lòng của các nhà khoa học với chính phủ chỉ ưu tiên nghiên cứu khoa học với thành tích ngắn hạn.
Việc chính phủ nhiều nước không ngừng đòi hỏi nghiên cứu phải sớm đem lại lợi ích kinh tế tức thì đã đe dọa sự tự do học thuật của các nhà khoa học ở nhiều nước trên thế giới. ông Patrick Monfort, Tổng thư ký của Liên minh Quốc gia các nhà nghiên cứu khoa học Pháp (SNCS-FSU), một trong những nhà khoa học thuộc các tổ chức khoa học hàng đầu thế giới đã cảnh báo như vậy.
Ông còn cho rằng các chính phủ không chỉ thúc ép việc tập trung vào nghiên cứu ứng dụng mà còn đưa ra nhiều quy định, thủ tục hành chính trong việc xin cấp vốn cho các dự án nghiên cứu. Các chính sách này được cho là “hướng tới tăng cường sự đổi mới để thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các nhà nghiên cứu trong việc xin tài trợ đề án”, nhưng điều đó lại ảnh hưởng xấu tới tự do học thuật.
Ông Monfort đã tổng hợp các kết quả của một cuộc khảo sát từ các tổ chức giáo dục và nghiên cứu mà SNCS-FSU thực hiện ở Pháp và 11 quốc gia khác –bao gồm Argentina, Canada, Đan Mạch, Ý, Bồ Đào Nha, Nga, Senegal, Serbia, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ cùng ý kiến của tổ chức Giáo dục Quốc tế (Education International – EI), một hiệp hội bao gồm 401 đoàn thể giáo dục ở 171 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ kết quả đáng chú ý của cuộc khảo sát, Ông Monfort nói rằng SNCS-FSU và công đoàn giáo dục sau đại học Pháp SNESUP-FSU sẽ kêu gọi một chiến dịch quốc tế nhằm giải quyết vấn đề này khi Hội thảo Nghiên cứu và Giáo dục sau đại học của EIdiễn ra tại Accra trong tháng Mười Một tới.
Hiện nay, xu hướng tài trợ cho nghiên cứu ở mỗi quốc gia đều có sự khác nhau, nhưng ở mọi nơi, các tổ chức nghiên cứu đều đang phải cải tổ nhằm đưa khoa học vào sự quản lý chặt chẽ hơn của chính phủ, Ông Monfort nói và đưa ra ví dụ cụ thể là các nhà khoa học Canada phải đối mặt với một loạt các khó khăn đặc biệt khi chính phủ siết chặt không chỉ việc cấp vốn nghiên cứu, mà còn cả sự tự do trình bày quan điểm ý kiến của họ.
Những điều kiện để bảo đảm cho các nhà khoa học làm việc đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đưa ra từ năm 1974. Nhưng, trước bối cảnh hiện nay, họ đang tiến hành tham vấn sâu rộng vấn đề này với mục tiêu sẽ cập nhật và làm phong phú thêm văn bản quy chế vào năm 2017.
Geneviève Fioraso, Bộ trưởng Giáo dục và Nghiên cứu Pháp, không đồng ý với các kết luận của SNCS-FSU, ít ra là về trường hợp của Pháp bởi “Pháp là một quốc gia tin tưởng và đầu tư vào nghiên cứu công ích,” bà nói với tạp chí Nature. Bà còn cho biết rằng chính phủ Pháp đã dành 16,5 tỷEuro (tương đương 21,6 tỷ đô la Mỹ) cho nghiên cứu công trong năm nay, đó là 0,8% tổng sản phẩm quốc nội – so với mức trung bình 0,7% trong 34 quốc gia thành viên của OECD. “Chúng tôi đã duy trì mức này bất chấp việc phải đối mặt với những rào cản đặc biệt khó khan về kinh tế”, Fioraso nói.
Pháp cũng nhận thức được tầm quan trọng của những đột phá trong nghiên cứu cơ bản. Vì vậy, “một nửa ngân sách nghiên cứu của Bộ là dành cho các nghiên cứu cơ bản”. Bà nói
Bà Fioraso cũng đồng ý với các tổ chức công đoàn rằng việc cấp vốn nghiên cứu sẽ cần được sắp xếp hợp lý để các nhà nghiên cứu “có điều kiện dành phần lớn thời gian và năng lực của mình để duy trì và phát huy những thế mạnh của khoa học Pháp “. Cơ quan Nghiên cứu Quốc gia Pháp (ANR) trong tháng 7 năm 2013 đã đơn giản hóa các thủ tục lựa chọn cấp vốn cho cho các loại đề án nghiên cứu ở tất cả các ngành khoa học – và bà Fioraso còn cho biết rằng việc đó đã cho thấy kết quả thấy ngay: “Cho đến nay, 28% các nhóm nghiên cứu nộp đề cương chi tiết các dự án đã nhận được vốn tài trợ, so với mức 16,5% các nhóm nghiên cứu ANR được cấp vốn theo hệ thống trước đó. “
Nhưng Sciences en Marche, một nhóm các nhà nghiên cứu đang lên kế hoạch biểu tình trong tháng Chín và tháng Mười, không cho rằng tình hình đã được cải thiện. Ngược lại, họ cho biết chỉ có 8,5% số dự án năm nay trình lên ANR sẽ được tài trợ. Tình hình tại các trung tâm nghiên cứu công ích mà ANR cấp vốn tài trợ chủ yếu đang ở mức “thảm họa”. “Nhiều trung tâmnghiên cứu thậm chí không cònđủ vốn để tiếp tục hoạt động.”
Hoàng Tuấn Anh (lược dịch)
Nguồn:
http://www.nature.com/news/