Cây sắn: Cần sự đối xử công bằng

Không còn là thứ củ cứu đói mùa giáp hạt, cách đây gần 10 năm, sắn từng đường hoàng bước vào câu lạc bộ “cây trồng tỷ đô” của Việt Nam. Tuy nhiên, sự đầu tư còn khiêm tốn khiến cây sắn Việt Nam đang thiếu cơ hội quý để có thể vượt qua thân phận “chiếu dưới” thành cây “đổi đời”.


Nông dân huyện miền núi Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, nơi có 4.000 ha trồng sắn, thu hoạch sắn với năng suất từ 20 đến 25 tấn/ha. Nguồn: danviet.vn

Ngoại trừ số ít người làm nghiên cứu chuyên sâu, không nhiều người ở Việt Nam biết đến sắn (hay còn gọi là khoai mì), một loại cây lương thực có nguồn gốc từ Nam Mỹ, không phải là cây trồng bản địa. Thậm chí dù được du nhập vào Việt Nam qua ngả Trung Quốc vào cuối thế kỷ 19 nhưng đến nay, tên gọi sắn tàu (ám chỉ nguồn gốc nhập từ Trung Quốc) đã phai nhạt dần trong ký ức mọi người. Thay vào đó, cây sắn “chết danh” với cái nhìn về một loại cây trồng của người nghèo như câu dân ca “Đói thì ăn sắn ăn khoai, Đừng thấy lúa trổ tháng hai mà mừng”.

Tuy nhiên, công bố mới của các nhà nghiên cứu Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT)… và các đồng nghiệp quốc tế “Cassava breeding and agronomy in Asia: 50 years of history and future directions” mới xuất bản trên Breeding Science Preview, một tạp chí thuộc nhóm Q1 của Hội Giống cây trồng Nhật Bản, đã cho chúng ta một góc nhìn khác về cây sắn1. “Từ một cây không là gì trở thành cây đóng góp cả tỷ đô la, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người, sắn thực sự là một loại cây phát triển rất thành công ở Việt Nam nhưng đáng buồn là đến nay, nó vẫn không được đối xử một cách công bằng. Kinh phí đầu tư cho nó hết sức thiếu thốn, không những thiếu cho việc mở rộng diện tích trồng mà cả đầu tư vào nghiên cứu cũng thiếu”, giáo sư Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp và là một trong những đồng tác giả công trình, nhận xét về vị trí của cây sắn qua lịch sử 50 năm tồn tại một cách bền bỉ của nó bên cạnh những loại cây lương thực khác.    

   Thân phận “chiếu dưới”

 

Có lẽ, không ai ở Việt Nam xa lạ với cây sắn. Giáo sư Lê Huy Hàm cho biết “Ngày xưa, các cụ lấy sắn cắm làm rào giậu, sau để đấy vài năm moi lên là có củ. Nó dễ như thế, cắm xuống không chăm sóc mà vẫn có ăn, không cây nào được như nó cả. Năm nay được giá thì thu hoạch ngay, nếu không được giá thì cứ để nguyên đấy, sang năm đào lên vẫn không hỏng”. Đặc tính dễ thích nghi riêng có khiến loại cây trồng của người nghèo này được người nông dân tận dụng cả những diện tích rất nhỏ, trồng phổ biến ở trên nhiều vùng khác nhau, từ trung du miền núi, cao nguyên đến đồng bằng.

Tuy vậy, trước những năm 1990, sắn không được coi là một loại cây lương thực có giá trị kinh tế cao bởi chủ yếu củ sắn sau khi được đào lên đều trải qua công đoạn chế biến rất đơn giản thành sắn luộc hoặc bột sắn, nguyên liệu làm một số loại bánh trái truyền thống. “Với giống ‘sắn tàu’, ‘sắn nếp’ sẵn có, năng suất của sắn chỉ ở mức 5 đến 7 tấn củ/ha. Lúc đó chúng ta chưa có công nghệ chế biến nên sắn củ chưa biến thành sản phẩm đáng giá gì cả, chủ yếu phơi khô và ăn tươi”, giáo sư Lê Huy Hàm giải thích vì sao vào giai đoạn đó, sắn mới chỉ là loại cây ‘bên lề’ danh sách cây lương thực quan trọng.

Thân phận của cây sắn chỉ bắt đầu thay đổi vào đầu những năm 1990 với sự nhập cuộc của Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT) – một thành viên thuộc Nhóm tư vấn về nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR). CIAT đã phối hợp với nhiều đơn vị nghiên cứu của Việt Nam nhập một số giống sắn mới có năng suất cao hơn vào Việt Nam. “Sự phát triển của các giống mới đã đưa năng suất trung bình của cả nước lên tới khoảng 19 tấn/ha/năm, trong đó ở các tỉnh miền Nam như Tây Ninh chẳng hạn, năng suất còn lên tới hơn 30 tấn/ha/năm. So với trước thì tình hình đã khác hẳn, việc trồng sắn trở nên có hiệu quả kinh tế hơn”, ông nói. Đây là lý do để diện tích trồng sắn của Việt Nam đã tăng lên: trên toàn quốc có 270 địa điểm thuộc 43 tỉnh thành trồng sắn với 128 giống khác nhau.


Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ (Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam) đang xem xét các cây sắn trong phòng thí nghiệm. Nguồn: nongnghiep.vn

Trong cuộc trò chuyện, nhiều lần ông Lê Huy Hàm nhắc đến giai đoạn hoàng kim của cây sắn vào những năm 2000 – 2010. Nhờ những đột biến về sản lượng thu hoạch và sự phát triển của các công nghệ chế biến mới ở Việt Nam, tinh bột sắn trở thành nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành như công nghiệp thực phẩm (mì chính, bánh kẹo…), công nghiệp giấy (nguyên liệu tạo chất bao phủ bề mặt, giấy không tro, tã giấy…), công nghiệp khai khoáng (tuyển nổi quặng, dung dịch nhũ tương khoan dầu), công nghiệp hóa mỹ phẩm (đồ trang điểm, phụ gia xà phòng, kem dưỡng da, tá dược…), công nghiệp xây dựng (chất kết dính nhiều loại vật liệu, phụ gia sơn…), công nghiệp dệt (hồ sợi, in màu…)… Bên cạnh việc cung cấp khoảng 30% tổng lượng sắn cho thị trường trong nước, sắn còn được xuất khẩu đi nước ngoài. Vào năm 2012, khi đem về cho Việt Nam nguồn thu 1,35 tỷ USD từ xuất khẩu, chủ yếu dưới dạng tinh bột và sắn lát, sắn chính thức trở thành một trong năm loại cây xuất khẩu quan trọng, đem lai nguồn thu trên một tỷ đô la cho Việt Nam cùng với lúa gạo, cà phê, cao su, điều2. “Nhờ đó, Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia thứ hai thế giới, chỉ sau Thái Lan, về xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn. Trồng sắn trở nên kinh tế hơn, thậm chí ở thời kỳ ‘hoàng kim’ của sắn, người dân còn nhổ cà phê đi trồng sắn”, giáo sư Lê Huy Hàm kể lại thời khắc ngắn ngủi mà cây sắn được đánh giá cao.

Vào giai đoạn phát triển nóng của sắn, người trồng đã nhanh chóng mở rộng diện tích bằng nhiều cách, trong đó có cả việc xâm phạm đất rừng. Theo dẫn chứng từ cuộc tọa đàm “Phát triển sắn và bảo vệ rừng ở Việt Nam: Thực trạng và ý nghĩa về chính sách” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) và Tổ chức Forest Trends tổ chức vào năm 2015, hơn 2.200 ha đất lâm nghiệp trong ranh giới khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông (Tánh Linh, Bình Thuận) bị phá để lấy đất trồng các loại cây trọng điểm như cao su, sắn 3.

Tuy nhiên, niềm vui về cơ hội đưa sắn khỏi vị trí “chiếu dưới” kéo dài không lâu do các diện tích trồng sắn bị thu hẹp lại do cơ quan quản lý và cơ quan truyền thông đưa ra cảnh báo về việc trồng sắn gây bạc màu đất, bằng chứng là những nơi trồng sắn sau 4 vụ thì đất bị cạn kiệt dinh dưỡng, không trồng được cây khác. “Kết luận như vậy là cảm tính, chưa căn cứ vào nghiên cứu nào cả. Cây trồng nào cũng lấy đi dinh dưỡng của đất, muốn kết luận sắn làm nghèo đất thì phải đối chứng với các loại cây khác, phân tích hàm lượng dinh dưỡng của đất trước và sau khi trồng”, giáo sư Lê Huy Hàm nhận xét về nỗi hàm oan của cây sắn trong quá khứ. Theo giải thích của ông, mọi người đổ oan cho cây sắn là do “thứ nhất thấy tán nó không phủ kín đất nên bảo đất dễ bị rửa trôi, thứ hai là cứ chỗ đất cằn nhất, dốc nhất thì người ta cắm cành sắn vào, thành ra họ tưởng đất cằn và bạc màu là do sắn”.

Vào thời điểm đó, những tiếng nói ngược lại với số đông đều lạc lõng, không được ai để tâm. “Hôm có hội nghị về sắn trên Phú Thọ, chị giám đốc một trung tâm khuyến nông ở Phú Thọ bảo ‘từ tấm bé, mảnh ruộng trước nhà tôi đã trồng sắn rồi. Bây giờ nhà tôi trồng sắn vẫn có ăn thì bạc màu chỗ nào, đấy là người bạc chứ không phải đất bạc’”, ông kể lại và rút ra một nhận xét thấm thía “Người ta đã ‘đổ lỗi’ cho cây sắn quá nhiều…”.


Chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) buồn rầu với cảnh ruộng sắn bị nhiễm bệnh khảm lá. Nguồn: nhandan.vn

Phải đến cuối năm 2015, cây sắn mới được “rửa oan” qua lời nhận lỗi của ông Cao Đức Phát – lúc đó là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – trong một hội nghị về sắn: “Sắn là cây trồng đem lại cơ hội lớn để tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân. 10 năm trước, tôi đã ký chỉ thị yêu cầu các địa phương kiểm soát diện tích trồng sắn vì hại đất. Tuy nhiên, vài năm gần đây, chúng tôi đã khẳng định cây sắn không có lỗi, do đó chúng ta phải có cách tiếp cận mới về cây sắn để có cách ứng xử phù hợp”.

 

Những đầu tư cần thiết cho cây sắn

 

Công trình nghiên cứu về sự tồn tại của cây sắn ở Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế cho thấy một bức tranh khá rộng và đầy đủ về những hoạt động nghiên cứu để phát triển cây sắn một cách bền vững cũng như cách thức đầu tư của từng chính phủ. Trong các hoạt động nghiên cứu về cây sắn, đặc biệt phát triển các giống sắn sản lượng cao, ở phần lớn các quốc gia châu Á đều có sự hỗ trợ của CIAT. “Nghiên cứu về sắn thì mình vẫn còn làm chưa nhiều, chủ yếu là các viện nghiên cứu quốc tế, trung tâm nghiên cứu quốc tế như CIAT họ rả rích làm từ những năm 1980, 1990”, giáo sư Lê Huy Hàm kể về những tư liệu mà ông và đồng nghiệp thu thập trong quá trình thực hiện đề tài này.

Số phận long đong của cây sắn khiến cho việc đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu trên loại cây trồng này chưa được các nhà quản lý thực sự chú trọng, dù những đề xuất của các nhà khoa học đều xoáy quanh những vấn đề thiết thực cho cây sắn: giống, đất trồng, sâu bệnh, phương thức canh tác… “Tôi còn nhớ năm 2008, anh Triệu Văn Hùng lúc bấy giờ là Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ NN&PTNT) đọc thống kê xuất khẩu sắn là 800 triệu USD và bảo ‘có lẽ cây nào ít đầu tư thì hiệu quả cao hơn’”, giáo sư Lê Huy Hàm kể về hiểu lầm đáng tiếc của nhà quản lý với cây sắn, dù trong đó tiềm ẩn một sự thật: sự thừa nhận của nhà quản lý về việc chưa quan tâm đầu tư cho cây sắn.

Tuy nhiên, ông chỉ ra một hiểu lầm của nhà quản lý: những gì đạt được bước đầu của Việt Nam với cây sắn không phải ngẫu nhiên mà đều do được thừa hưởng kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học nước ngoài, “người ta đã len lỏi làm từ lâu rồi, mình được hưởng lợi từ những cái đấy”, ví dụ các giống sắn cao sản được trồng ở Việt Nam đều là giống ngoại nhập. Trong công bố cũng nêu rõ, 85% các khu vực trồng sắn ở Việt Nam đều được trồng bằng những giống được cải tiến, trong đó giống KM94 (KU50) từ Thái Lan và đưa vào Việt Nam từ năm 1992, chiếm ưu thế với 45% diện tích canh tác.

So với nhiều người, quãng thời gian tập trung vào cây sắn của giáo sư Lê Huy Hàm chưa nhiều nhưng cũng tạm đủ để ông rút ra một kết luận “Nói chung là kinh phí thiếu, không những thiếu cho đầu tư phát triển cây sắn mà với các công việc nghiên cứu KH&CN về cây sắn đều thiếu cả. Chúng tôi muốn làm nghiên cứu nhưng hầu như ít được phê duyệt, muốn làm thì phải hợp tác quốc tế, kết nối được thì được”.

Trong bối cảnh chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng, các nhà khoa học Việt Nam vẫn cặm cụi làm các đề tài nghiên cứu “nhân giống sắn, chuyển gene sắn, nhập các giống sắn về để thích nghi chuyển giao cho các nước” thông qua những hợp tác quốc tế với CIAT và Viện nghiên cứu Hóa Lý RIKEN (Nhật Bản), theo giáo sư Lê Huy Hàm. “Hiện nay ngay tại Viện Di truyền nông nghiệp, chúng tôi có phòng thí nghiệm sinh học phân tử cây sắn có đủ nhân lực và thiết bị, một cơ sở nghiên cứu hợp tác ba bên là Viện Di truyền, CIAT và RIKEN”. Công trình xuất bản trên Breeding Science Preview là một kết quả hợp tác như vậy.

May mắn là trong thời gian gần đây, ông và cộng sự đã được Bộ NN&PTNT giao một đề tài nghiên cứu về khảm lá sắn (Sri Lanka Cassava Mosaic Virus SLCMV), một loại bệnh nguy hiểm lan truyền qua trung gian bọ phấn trắng (Bemisia tabaci) và qua hom giống lấy từ cây bị bệnh. Thời gian thực hiện sẽ kéo dài trong vòng 5 năm và bắt đầu từ năm 2020. “Trước kia chúng ta vẫn trồng quảng canh, giờ trồng thâm canh, bệnh tật trên sắn tăng lên gấp 4-5 lần, nhiều bệnh mới xuất hiện. Nguyên nhân là trước kia một cánh đồng chỉ có vài ba thửa trồng sắn, nếu nó bị bệnh không lan rộng được nhưng bây giờ cả cánh đồng trồng sắn, một nơi bị bệnh thì nó lây hết ra. Thứ hai là bây giờ trao đổi quốc tế nhiều lắm, các nhà máy chế biến của mình mua sắn từ Campuchia về để chế biến ở Tây Ninh, nếu nguồn bị bệnh thì bệnh cũng theo về”, ông Lê Huy Hàm nói về những rủi ro có thể đến với cây sắn. Không riêng gì Việt Nam, những quốc gia trồng sắn ở châu Á hay châu Phi cũng đều đau đầu vì các loại bệnh như vậy mà chưa có được cách xử lý.

Đây mới chỉ là một phần rất nhỏ trong câu chuyện đầu tư nghiên cứu cây sắn để hạn chế được những rủi ro trong quá trình canh tác và đem lại một tương lai bền vững hơn cho cây sắn. “Chúng ta phải đầu tư nghiên cứu theo nhiều hướng như chọn tạo những giống sắn mới có năng suất cao, hàm lượng tinh bột lớn, kháng các loại sâu bệnh hoặc đầu tư vào công nghệ chế biến hiệu quả và ít ô nhiễm hơn”, giáo sư Lê Huy Hàm cho biết. Giống là vấn đề quan trọng với những cây trồng chủ yếu là giống lai như sắn bởi nếu không đầu tư nghiên cứu liên tục, các giống sắn sẽ nhanh chóng thoái hóa theo thời gian. “Hiện nay các giống sắn cũ đang bị giảm năng suất và hàm lượng tinh bột. Nhiều loại dịch bệnh mới xuất hiện trên cây sắn như bệnh chổi rồng, bệnh khảm lá sắn cũng gây thiệt hại nặng nề, một khi đã mắc thì chỉ có cách tiêu hủy toàn bộ. Cây sắn mắc bệnh này sẽ không có củ hoặc cho củ nhỏ, hàm lượng tinh bột thấp”, ông Phạm Vũ Hà, Tổng thư ký Hiệp hội sắn Việt Nam cho biết.

Hiện tại, mọi người đều mong đợi những ứng xử với cây sắn cần được thay đổi như câu nói của nguyên Bộ trưởng Cao Đức Phát bởi nếu cây sắn có một tương lai tươi sáng hơn thì cuộc sống của hàng triệu người trồng sắn và sự thịnh vượng của ngành chế biến các sản phẩm từ sắn sẽ ổn định hơn. Đôi khi, điều mà những người trồng sắn cần không chỉ là một giống sắn tốt mà cần cả kỹ thuật canh tác. Ví dụ một bài viết năm 2008 về cây sắn trên blog của TS. Hoàng Kim, một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về cây sắn ở Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, từng nhận được rất nhiều câu hỏi về kỹ thuật canh tác của nhiều người trồng sắn ở Huế, Gia Lai,… Mãi tới 10 năm sau, những độc giả mới vẫn đặt ra những câu hỏi y hệt.

Rõ ràng, cây sắn đang chờ đợi một “phương thuốc thần” từ khoa học để thoát khỏi thân phận “cây của người nghèo”, điều mà khoa học có thể góp phần giải quyết nếu có sự đầu tư từ nhà nước.

1.https://www.jstage.jst.go.jp/article/jsbbs/advpub/0/advpub_18180/_pdf/-char/en

https://congthuong.vn/nam-2012-kim-ngach-xuat-khau-nong-lam-thuy-san-dat-khoang-2754-ty-usd-12604.html

2.https://www.moit.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/tinh-hinh-san-xuat-xuat-khau-san-nam-2013-102827-22.html

3.http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/xa-hoi/2015-07-17/nganh-nong-nghiep-de-nghi-ngan-chan-tinh-trang-san-can-rung-22805.aspx?google_editors_picks=true

Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến sắn hiện nay đang gặp khó khăn về nguyên liệu đầu vào. Cả nước hiện có 120 nhà máy sản xuất tinh bột sắn với công suất hơn 15 triệu tấn, trong khi đó tổng sản lượng sắn trung bình mỗi năm là 8,8 triệu tấn củ tươi/năm, theo báo cáo của Hiệp hội Sắn Việt Nam năm 2018. Như vậy, công suất chế biến đã vượt gần gấp đôi so với nguồn nguyên liệu. Theo ông Phạm Vũ Hà, phần lớn các nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Việt Nam phải nhập khẩu sắn lát từ Lào và Campuchia. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ bởi tinh bột sắn chiếm 72% cơ cấu xuất khẩu các sản phẩm sắn của Việt Nam. “Cây sắn chưa được đầu tư tương xứng với giá trị mà nó mang lại cho kinh tế”, ông Phạm Vũ Hà nhận xét.
Bản thân Hiệp hội sắn cũng đang nỗ lực xoay xở. Hiện nay 90% sản phẩm sắn của Việt Nam được xuất sang Trung Quốc, việc phụ thuộc vào một thị trường khiến giá sắn dễ bị biến động. Trước đây, Trung Quốc là một thị trường dễ tính nhưng thị trường này đang ngày càng cạnh tranh hơn. Họ tăng cường nhập khẩu sắn của Lào, Campuchia, đồng thời siết chặt các quy định về bao bì, nhãn mác, thông tin sản phẩm sắn của Việt Nam. “Việc mở rộng thị trường thị trường ngoài Trung Quốc là yêu cầu bắt buộc, muốn vậy, phải nắm bắt được thông tin thị trường, tùy theo nhu cầu để nâng cao chất lượng, phát triển các sản phẩm chế biến sâu từ sắn. Bước đầu chúng tôi đã xây dựng tiêu chuẩn quốc gia TCVN về tinh bột sắn năm 2014, hiện nay chúng tôi đang nghĩ cách, làm thế nào để có được cơ chế, trích một phần nguồn thu từ xuất khẩu sắn để tái đầu tư lại cho ngành sắn như hỗ trợ người trồng sắn, thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu”, ông Phạm Vũ Hà cho biết.

Tác giả

(Visited 122 times, 1 visits today)