CERN – Chặng đường 60 năm

Nhân dịp Tổ chức Nghiên cứu Nguyên tử châu Âu (CERN) kỷ niệm 60 năm ngày thành lập, một vài người bạn đề nghị tôi chia sẻ ký ức của mình về những ngày tươi đẹp trong hơn 30 năm làm việc tại cơ quan này. Đúng là tôi đã vô cùng may mắn được sống và làm việc tại một môi trường như vậy trong suốt những ngày tháng ấy. CERN đã cho tôi rất nhiều mà những điều tôi đem lại cho CERN lại rất ít, bởi vậy tôi có thể ca ngợi sự ưu việt của tổ chức này mà không e ngại người khác cho rằng mình tự phụ.

Điều đầu tiên đến trong tâm trí tôi khi nhớ về CERN là phẩm chất tuyệt vời của những người tôi được gặp ở đây, từ các sinh viên đến những nhà khoa học đoạt giải Nobel, từ các kỹ sư đến những nhà quản lý, tất cả đều có chung một thái độ nghiêm túc cả về học thuật lẫn đạo đức, cùng cống hiến hết mình cho thành công của tổ chức, và cùng có chung một tình yêu dành cho khoa học.

Vào thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước, tôi may mắn được tham gia vào một trong những thí nghiệm thành công nhất mà CERN từng thực hiện, chính là thí nghiệm đã khám phá ra các hạt boson truyền tương tác yếu và những tia hạt tương tác mạnh (hadronic jets), qua đó cho thấy cấu trúc bên trong của các hạt proton là các parton. Cùng tham gia nỗ lực này với chúng tôi là những sinh viên và nghiên cứu sinh sau tiến sỹ trẻ tuổi giỏi nhất trên khắp thế giới. Cách đây không lâu, vào ngày 4/7/2012, thật xúc động khi chúng tôi được chứng kiến hai người trong số họ, Fabiola Gianotti và Joe Incandela, lúc này là phát ngôn viên của thí nghiệm ATLAS và CMS, báo cáo về khám phá hạt Higgs boson sử dụng Máy gia tốc Đối chùm Hạt tương tác mạnh (Large Hadron Collider).

Chúng ta không nên phấn đấu vì vinh quang, mà nên vì những mục tiêu cao quý hơn, như tự do, công bằng hay sự xuất sắc về chuyên môn; vinh quang sẽ tự tìm đến khi ta thành công, như một phần thưởng miễn phí kèm theo, nhưng ta không nên coi vinh quang là mục đích.

Tôi cũng có may mắn được làm việc cùng những nhà khoa học sau này đoạt giải Nobel như Carlo Rubbia, Jack Steinberger, Burton Richter, Georges Charpak, đồng thời được kết bạn với nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel khác như Jim Cronin, Leon Lederman, Tiny Veltman, Martin Perl hay Sam Ting. Gần gũi với họ thật là một trải nghiệm đáng giá, không chỉ vì lợi ích rõ ràng khi được làm việc cùng với họ, mà còn bởi sự giải thiêng kèm theo đó. Ý tôi là, những ai không may mắn được làm việc bên các nhà khoa học danh tiếng này thường hình dung về họ như những vị thần cao vời, và điều đó không hề có lợi cho các sinh viên, khiến họ nghĩ rằng ở những vị thần này có gì đó vô cùng đặc biệt và việc trở thành giống như họ là điều bất khả thi. Nhưng khi đã có dịp làm việc cạnh các nhà khoa học này, ta sẽ nhận ra họ cũng là người giống như tất cả chúng ta, ngoại trừ thực tế là họ có thái độ nghiêm túc hơn, quyết tâm hơn để đạt được thành công, cống hiến nhiều hơn trong công việc, hăng say hơn trong nỗ lực giải mã các bí mật của tự nhiên, và sẵn sàng lao động hết mình hơn.

Không phải là những thần tượng mà các nhà khoa học đó là những tấm gương sáng để chúng ta học hỏi, và chính điều ấy khiến họ đáng được chúng ta tôn trọng hơn so với các vị thần thánh cao vời. Để làm nên những khám phá thay đổi lịch sử của ngành vật lý đòi hỏi rất nhiều may mắn, nhưng phẩm chất khác biệt mang tính quyết định ở các nhà khoa học này là họ không bỏ lỡ cơ hội. Đó là khi nảy sinh những sai lệch giữa dự báo của lý thuyết hiện có với kết quả thực tiễn, họ không chần chừ tạm gác những vấn đề đó sang một bên mà quyết tâm theo đuổi đến cùng để tìm ra bí ẩn đằng sau.

Rất nhiều người bạn và đồng nghiệp tuyệt vời của tôi đến từ khắp nơi trên thế giới. Làm việc trong một môi trường quốc tế như vậy khiến chúng tôi phần nào trở thành những công dân toàn cầu. Khi còn là sinh viên, khẩu hiệu của trường đại học nơi tôi học là “Vì Tổ quốc, Khoa học và Vinh quang”. Nhưng không lâu sau, tôi nhận ra sự phù phiếm đằng sau cái gọi là vinh quang; chúng ta không nên phấn đấu vì vinh quang, mà nên vì những mục tiêu cao quý hơn, như tự do, công bằng hay sự xuất sắc về chuyên môn; vinh quang sẽ tự tìm đến khi ta thành công, như một phần thưởng miễn phí kèm theo, nhưng ta không nên coi vinh quang là mục đích. Sống và làm việc tại CERN, tôi nhận ra phụng sự Tổ quốc cũng không còn là mục tiêu chính yếu; bởi ở nơi đây tôi đã sát cánh cùng rất nhiều người bạn tốt là những đồng nghiệp từ nước Đức, kẻ thù một thời của thế hệ chúng tôi trong Chiến tranh thế giới thứ II, cũng là kẻ thù gây ra những hi sinh của ông cha chúng tôi trong cuộc đại chiến trước đó. Làm việc bên họ, chúng tôi nhận ra Tổ quốc thực sự của chúng ta là Trái đất chứ không phải là một quốc gia riêng lẻ nào. Tất nhiên, khi ta mang lại lợi ích cho Trái đất thì các quốc gia cũng đều được lợi. Khi tôi làm việc tại CERN, tác động của toàn cầu hóa chưa rõ ràng như bây giờ; sự hình dung về một siêu quốc gia của chúng tôi cũng chỉ mới dừng lại ở phạm vi châu Âu. Những người sáng lập ra CERN tin tưởng mạnh mẽ vào một châu Âu thống nhất và chúng tôi cùng chia sẻ với giấc mơ của họ. Chúng tôi không hề nghĩ đến việc châu Âu có thể đem lại cho mình những gì – khác với cách nghĩ phổ biến của các nước châu Âu ngày nay– mà chỉ nghĩ tới những gì bản thân mình có thể cống hiến cho châu Âu, nghiễm nhiên coi rằng tất cả những gì có ích cho châu Âu thì sẽ đều có ích cho chúng tôi.

Tất nhiên tình yêu dành cho Tổ quốc riêng của mỗi người cũng xứng đáng được ca ngợi, tương tự như tình yêu mỗi người dành cho miền quê, ngôi làng, hay gia đình riêng của mình; đó là những cộng đồng sinh ra chúng ta, được xây dựng bằng máu và nước mắt, là nền tảng để chúng ta sống một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng tình yêu quê hương đất nước không nên đi kèm theo sự căm ghét các quốc gia láng giềng, các ngôi làng láng giềng, hay những gia đình láng giềng. Khi xuất hiện sự căm ghét thì tất yếu sẽ dẫn đến chủ nghĩa dân tộc cực đoan, tác nhân của những trang sử đen tối nhất trong lịch sử loài người. 

Một giá trị quan trọng khác của CERN đó là tổ chức này đã tập hợp nhiều người thuộc các lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau lại gần nhau, sống trong môi trường đó chúng tôi được dạy về sự tôn trọng lẫn nhau, không có sự phân biệt giữa các nhà vật lý, các kỹ sư, hay các nhà quản lý. Là một người làm về thực nghiệm nhưng tôi rất thân với các nhà lý thuyết như Maurice Jacob, Jacques Prentki, John Ellis. Mỗi khi một câu hỏi nào đó, tôi có thể thoải mái hỏi họ tại phòng làm việc hay tìm đến căng tin của CERN, vốn nổi tiếng là nơi giao lưu của nhiều kiểu người có kỹ năng và tài năng khác nhau. Những “nhà vật lý máy móc” (“machine physicists”) là biệt danh chúng tôi thường gọi những người phụ trách thiết kế, chế tạo, vận hành, và bảo dưỡng các cỗ máy gia tốc, là một cộng đồng đặc biệt với các tài năng xuất chúng như Simon van der Meer hay John Adams.

Sống và làm việc tại CERN, tôi nhận ra phụng sự Tổ quốc cũng không còn là mục tiêu chính yếu… Chúng tôi nhận ra Tổ quốc thực sự của chúng ta là Trái đất, không phải là một quốc gia riêng lẻ nào. Tất nhiên, khi ta mang lại lợi ích cho Trái đất thì các quốc gia cũng đều được lợi.

CERN còn có một phẩm chất riêng biệt mà tôi chưa từng thấy ở những nơi khác, đó là chất lượng bộ máy quản lý. Là một tổ chức còn non trẻ nên sự quan liêu với những quy định trói buộc thường gắn với các tổ chức già nua chưa có cơ hội để phát triển tại CERN. Do đó, CERN có một bộ máy quản lý nhỏ gọn, với một bộ nội quy không quá một trăm trang, nhưng hoạt động rất hiệu quả. Các hoạt động trong tổ chức được vận hành trơn tru dưới tay các nhà quản lý, trong mọi lĩnh vực, từ tài chính đến nhân sự, hoạt động của họ đều xuất phát từ tinh thần phục vụ tận tụy. Với tinh thần đó, họ không tuân thủ các quy định một cách máy móc như các robot, mà thường vận dụng chúng một cách thông minh. Điều đó khiến chúng ta không khỏi liên tưởng tới đời sống hằng ngày, nơi những con người tuyệt vời nhất thường chỉ mong muốn làm công việc phục vụ cho cộng đồng, trong khi những người tầm thường lại thích thể hiện quyền lực của mình bằng cách hành xử như những bạo chúa nhỏ mọn.

Trong bảy năm, tôi được giao làm giám đốc nghiên cứu trong ban giám đốc của CERN, và tôi được chứng kiến một tinh thần phụng sự rất đặc thù, yếu tố tạo thành động lực trong công việc của chúng tôi ở đây. Một trong các nhiệm vụ của tôi là tham dự các cuộc họp Hội đồng, trong đó mỗi quốc gia thành viên có hai đại biểu, gồm một nhà khoa học và một nhà quản lý, có chức năng định hướng cho hoạt động của CERN. Tham dự các cuộc họp này là một cơ hội khác để tôi được gặp những con người tuyệt vời, thường là các nhà khoa học hoặc các nhà ngoại giao, tất cả đều có chung một mục tiêu: hỗ trợ cho công cuộc nghiên cứu khoa học tiến triển. Các nhà quản lý khoa học tốt là những người làm việc với tinh thần này, điều đó có nghĩa là không thiên vị khoa học một cách thiếu công bằng so với các lĩnh vực hoạt động khác mà luôn coi tri thức như một mục tiêu đấu tranh cao quý.

Đó quả là những ngày hạnh phúc. Trong số ba thành tố trong khẩu hiệu ở trường đại học của tôi, Khoa học thực sự là mục tiêu được chúng tôi cống hiến cuộc đời, thời gian, và những nỗ lực của mình. Trong thời gian tôi làm việc tại CERN, ngành vật lý hạt đã trải qua một cuộc cách mạng cơ bản với sự ra đời của Mô hình Chuẩn. Các nhà khoa học thế hệ tôi đã rất may mắn được chứng kiến một tiến trình khám phá tri thức tự nhiên kỳ diệu như vậy trong cuộc đời khoa học của mình. Và cũng thật đáng kể khi tiến trình này không chỉ có ở ngành vật lý hạt mà thậm chí còn diễn ra ở mức độ cao hơn với các ngành thiên văn và khoa học sự sống. Kết quả là ngày nay, trong ba ngành này, mặc dù vẫn còn nhiều câu hỏi khoa học chưa tìm ra lời giải, nhưng không có câu hỏi nào có thể coi là vĩnh viễn không thể giải đáp. Thế giới quan của con người ngày nay đã thay đổi đáng kể. Chúng tôi quả là may mắn khi có cơ hội được góp phần nhỏ bé vào tiến trình phát triển đó của khoa học, và hi vọng rằng thế hệ các nhà khoa học tiếp theo cũng có được may mắn như chúng tôi.
           
            PHẠM TRẦN LÊ dịch

Carlo Rubbia
Nhà vật lý hạt và phát minh người Ý Carlo Rubbia, sinh năm 1934, đã giành giải Nobel Vật lý năm 1984 cùng Simon van der Meer cho nghiên cứu dẫn đến phát hiện về hạt W và hạt Z tại CERN.

Tốt nghiệp đại học tại Pisa, năm 1957 Carlo Rubbia chuyển sang Mỹ và bắt đầu làm thí nghiệm về các tương tác yếu tại Đại học Columbia. Năm 1970, ông được chỉ định chức danh Giáo sư Vật lý Higgins tại Đại học Harvard, nơi ông giảng dạy trong 18 năm, song song với công việc nghiên cứu tại CERN. Năm 1989, ông được chỉ định là Tổng Giám đốc Phòng thí nghiệm CERN.

Các nghiên cứu của GS Rubbia tập trung vào vấn đề cung cấp năng lượng cho tương lai và đặc biệt chú trọng phát triển các công nghệ mới cho những nguồn năng lượng tự tái tạo, ví dụ như phương pháp làm tăng mật độ năng lượng mặt trời (method for concentrating solar power) ở nhiệt độ cao, hay máy khuếch đại năng lượng – một phương pháp sản xuất năng lượng nguyên tử an toàn, sử dụng các công nghệ tăng tốc hiện đại.

Hiện tại, Carlo Rubbia đang giữ chức danh Giám đốc Khoa học của Viện Nghiên cứu Bền vững Cấp cao tại Potsdam, Đức.

Georges Charpak
Nhà vật lý người Pháp Georges Charpak (1924-2010) là người gần đây nhất (1992) giành giải Nobel Vật lý một mình cho sáng chế và sự phát triển các máy dò hạt của ông, đặc biệt là buồng tỷ lệ nhiều dây (multiwire proportional chamber) khi nghiên cứu tại CERN và ESPCI ParisTech.

Sau khi nhận bằng Tiến sĩ Vật lý nguyên tử tại Collège de France, từ năm 1959 George
Charpak bắt đầu làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp (CNRS) và sau đó là CERN tại Geneva cho đến khi nghỉ hưu năm 1991. Các công trình nghiên cứu của ông tập trung chủ yếu vào Vật lý hạt nhân và Vật lý hạt năng lượng cao.

Là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp từ năm 1985, GS Charpak cổ động mạnh mẽ cho năng lượng nguyên tử.

Jack Steinberger
Sinh năm 1921, nhà vật lý gốc Do Thái Jack Steinberger, cùng với Leon Lederman và Melvin Schwartz, đã giành giải Nobel Vật lý năm 1988 cho phương pháp chùm neutrino và chứng minh được cấu trúc song tuyến (doublet structure) của lepton thông qua sự khám phá ra hạt neutrino muon.

Steinberger nhận bằng Tiến sĩ tại Đại học Chicago năm 1948 với khám phá rằng các hạt muon của tia vũ trụ phân rã thành ba chứ không phải hai hạt. Phát hiện này đã đặt nền tảng thí nghiệm cho khái niệm về một tương tác yếu phổ quát, một trong bốn lực cơ bản trong tự nhiên.

Sau khi làm việc tại Viện Cao học Princeton và Đại học California, Berkeley, Steinberger chuyển đến Đại học Columbia năm 1950, nơi ông nghiên cứu và giảng dạy trong suốt 18 năm.
Đến năm 1968, GS Steinberger bắt đầu làm việc tại CERN, Thụy Sĩ. Tại đây ông thực hiện thí nghiệm sử dụng phát minh buồng tỷ lệ nhiều dây của Charpak và đạt được một số kết quả quan trọng về các kaon trung tính vào đầu những năm 1970, ví dụ như quan sát sự phân rã hiếm của kaon trung tính thành một cặp muon, sự phụ thuộc vào thời gian của sự bất đối xứng cho những phân rã semileptonic, và sự đo đạc chính xác hơn của khác biệt về khối lượng của kaon trung tính.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)