Châu Á bỏ xa châu Âu và Mỹ về đầu tư cho R&D

Lạm phát đã ăn lạm vào khoản chi thực tế cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Mỹ và châu Âu. Trong khi đó Trung Quốc lại đầu tư rất mạnh vào cuộc cạnh tranh quốc tế vì sáng chế phát minh.

Chi cho nghiên cứu ở Mỹ và châu Âu giảm. Đây là kết quả nghiên cứu của R&D Funding Forecast thuộc Viện Battelle của Mỹ và tạp chí chuyên đề R&D Mag. Theo đó , đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ở hai nơi này không theo kịp mức lạm phát. Trong khi đó chi cho nghiên cứu trên thế giới tăng khoảng 3,7 %, chủ yếu là nhờ Trung Quốc – nước trong hơn mười năm qua đầu tư cho nghiên cứu luôn ở mức hai con số.

Trong năm 2013, tổng đầu tư của các doanh nghiệp và chính phủ trên toàn thế giới cho lĩnh vực nghiên cứu là 1,5 nghìn tỷ USD. Trong đó phần chi cho nghiên cứu về công nghệ thông tin và truyền thông chiếm tỷ trọng lớn nhất. Công nghệ Nano, năng lượng tái sinh và sự phát triển công nghệ điện toán đám mây và phần cứng được coi là các ngành công nghiệp mũi nhọn.

Cách đây mười năm, Liên minh châu Âu đề ra mục tiêu dành 3% tổng sản phẩm quốc nội cho nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên EU chỉ đạt được mức 1,88%, thấp hơn nhiều so với dự kiến. Theo báo cáo, nguyên nhân chính của tình trạng này là do khủng hoảng nợ nhà nước và khủng hoảng tài chính. EU phấn đấu đến năm 2020 đạt chỉ tiêu này. Trong khi đó, Nhật Bản vẫn giữ được mức đầu tư cho nghiên cứu và phát triển đạt 3,5% tổng sản phẩm quốc nội.

Doanh nghiệp Đức chi cho nghiên cứu nhiều nhất châu Âu

So sánh giữa các nước châu Âu với nhau thì Đức đang dẫn đầu. Đức là nước có nhiều công bố nhất về nghiên cứu, gấp đôi so với Pháp. Do nhu cầu cao về công nghệ năng lượng tái sinh nên đầu tư nghiên cứu ở mảng này lớn nhất.

Các doanh nghiệp Đức, so sánh giữa các nước châu Âu với nhau, cũng đầu tư mạnh nhất cho công tác nghiên cứu. Trong mười doanh nghiệp đầu tư mạnh nhất cho nghiên cứu và phát triển ở châu Âu thì một nửa là doanh nghiệp Đức, dẫn đầu là tập đoàn công nghiệp ô tô VW.

Các tác giả của công trình nghiên cứu đã thăm dò ý kiến của hơn 900 nhà khoa học ở hơn 70 nước. Ở Đức các nhà nghiên cứu chủ yếu phàn nàn về việc hỗ trợ đầu tư thường không đủ độ dài cần thiết. Bản thân các tác giả cũng có nhận xét tương tự. Họ đã đề cập trong báo cáo “Nghiên cứu và phát triển không phải là công cụ để người ta có thể ngày một ngày hai thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế”.

Mỹ vẫn đứng hàng đầu về đầu tư cho nghiên cứu

Nếu tính theo con số tuyệt đối thì Mỹ vẫn đứng vị trí hàng đầu về chi cho nghiên cứu và phát triển, 423 tỷ USD. So với năm 2012, con số này chỉ tăng 1,2 %. Nhưng với lạm phát ở mức 2%, thực tế đầu tư cho nghiên cứu của Mỹ bị giảm. Hơn một nửa khoản đầu tư xuất phát từ công nghiệp.

Theo nghiên cứu của R&D Funding Forecast, trong giới khoa học, các nhà nghiên cứu Mỹ vẫn đứng ở vị trí hàng đầu ở tám trong 10 lĩnh vực mũi nhọn, như hàng không, quân sự và hóa học. Tuy nhiên tác giả của nghiên cứu dự báo, đến năm 2023, Trung Quốc sẽ giành vị trí hàng đầu của Mỹ. Đang có sự dịch chuyển trong số 40 quốc gia đầu tư nhiều nhất cho nghiên cứu và phát triển. So sánh với năm 2012 thì Hy Lạp không còn trong danh sách và hai nước Iran và Pakistan đã có tên trong số 40 nước đầu tư nhiều nhất cho nghiên cứu và phát triển.

Xuân Hoài dịch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)