Chảy máu chất xám do Brexit khiến khoa học Anh gặp rủi ro

Nền khoa học Anh đang phải đối mặt với nguy cơ chảy máu chất xám cao vì nhiều nhà nghiên cứu trẻ hàng đầu đang rời khỏi Vương quốc Anh. Ngoài ra, tương lai của một số dự án quốc tế lớn do Anh dẫn đầu cũng đang gặp nguy hiểm do EU chậm trễ cấp vốn, bao gồm các dự án y tế nhằm giải quyết những vấn đề sức khỏe toàn cầu như sốt rét - phải đối mặt với nguy cơ bị hủy bỏ. 

Sau Brexit, các bộ trưởng đã chấp nhận một thỏa thuận cho phép Anh tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong các chương trình nghiên cứu lớn của châu Âu. Nhưng sau đó, các cuộc đàm phán về Bắc Ireland gặp thất bại, dẫn đến thỏa thuận trên bị trì hoãn. Kết quả là hàng chục nhà khoa học vừa nhận tài trợ của EU vào đầu tháng hai vừa qua đã bị thu hồi tài trợ chỉ vài ngày sau đó. 

Nhóm nghiên cứu của GS. Chris Drakeley tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London (LSHTM) đã nhận được thư chúc mừng kèm quyết định tài trợ 8 triệu euro từ chương trình Horizon của EU cho dự án sốt rét. Họ đã xây dựng chương trình nghiên cứu nhằm xác định những người bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét Plasmodium vivax – có thể nằm im trong gan của bệnh nhân nhiều năm trước khi phát bệnh. “Sau đó vài ngày, chúng tôi nhận được một thư mới nói rằng Vương quốc Anh hiện không đủ điều kiện để tham gia”, Drakeley nói. 

Drakeley hiện đang cố gắng tìm kiếm các thỏa thuận hợp tác mới trong EU để đảm bảo dự án của mình có thể được tiến hành. Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ với tờ Observer rằng “tất cả đều rất bất định”.

EU có hai cách tiếp cận chính để tài trợ nghiên cứu trong chương trình Horizon. Một là trao các khoản tài trợ có uy tín cao của Hội đồng nghiên cứu châu Âu (ERC) cho cá nhân nhà nghiên cứu. Hai là trao thưởng cho các nhóm nghiên cứu muốn kết hợp các bên để cùng nghiên cứu, chẳng hạn như dự án sốt rét. Sau Brexit, Anh đồng ý trả 15 tỷ bảng Anh trong bảy năm để tiếp tục thực hiện các kế hoạch này. Dù đã được chấp thuận một năm trước nhưng hiện nay, thỏa thuận này lại bị đình chỉ. 

“Các nhà khoa học Anh hiện đang ở trong tình thế không nhận được tài trợ từ EU và không có tài trợ từ Chính phủ Anh để lấp đầy khoảng trống đó”, Liam Smeeth, Giám đốc LSHTM cho biết. “Mọi thứ sẽ sụp đổ và gây hại cho nền khoa học Anh. Chúng tôi là một siêu cường toàn cầu về nghiên cứu, và giờ đây vị trí đó đang tuột khỏi tầm tay. Điều này cũng sẽ dẫn đến mất niềm tin và mất các đối tác tiềm năng trong những hợp tác tương lai”. 

Nguy cơ không chỉ giới hạn trong khoa học tự nhiên. Viện Hàn lâm Anh quốc cho biết khoảng một phần ba nghiên cứu khảo cổ của Anh nhận tài trợ từ châu Âu, trong khi các nghiên cứu về văn hóa Hy Lạp và La Mã cổ đại, luật và triết học cũng chủ yếu nhận tài trợ theo cách này. “Nếu không còn nguồn này, chúng tôi sẽ thực sự đối mặt với nguy cơ chảy máu chất xám”, Hetan Shah, giám đốc điều hành của Viện Hàn lâm cho biết. 

Chính phủ nói rằng họ đang cố gắng tìm cách bù đắp các khoản tài trợ bị thất thoát cho các nhà nghiên cứu ở Anh. Tuy nhiên, các nhà khoa học cấp cao cho biết quyết định không chắc chắn này đang gây thiệt hại lớn. Họ cũng chỉ ra rằng các khoản tài trợ của Hội đồng nghiên cứu châu Âu rất có uy tín, nhận được tài trợ là một bước tiến đối với sự nghiệp của một nhà nghiên cứu trẻ. Do vậy, một khoản tiền tài trợ thay thế khó có thể đủ hấp dẫn để giữ chân họ ở lại Anh.   

Điều này cũng được John Dainton, người sáng lập Viện Cockcroft, một trung tâm nghiên cứu máy gia tốc hạt ở Cheshire, nhấn mạnh. Nơi đây đã thu hút hàng chục nhà nghiên cứu trẻ hàng đầu trên khắp thế giới trong nhiều năm. “Bây giờ tất cả đều đang bị đe dọa,” Dainton nói. “Các nhà nghiên cứu trẻ sẽ không thấy lí do gì để ở lại và làm việc ở một quốc gia nằm ngoài rìa châu Âu và đang trôi dạt vô định vào Đại Tây Dương. Điều này rất đáng lo ngại”. □

Thanh An dịch
Nguồn: https://www.theguardian.com/science/2022/feb/27/uk-scientists-fear-brain-

Tác giả