“Cháy” vắcxin: vẫn là câu chuyện thiếu chiến lược

Thời điểm này, khi nguy cơ các loại dịch bệnh đang tăng thì Việt Nam lại rơi vào tình trạng thiếu trầm trọng vắcxin, nhất là các loại vắcxin “5 trong 1”, “6 trong 1” và thủy đậu. Điều này càng làm tăng những nghi ngại sẵn có về công tác quản lý vắcxin, đặc biệt là về việc thiếu một chiến lược sản xuất và sử dụng vắcxin dài hạn. 

Tạp chí Tia Sáng đã có cuộc trao đổi với GS. TSKH Nguyễn Thu Vân, nguyên Giám đốc Công ty Vắcxin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), để tìm hiểu về vấn đề này.

Xin bà cho biết đâu là nguyên nhân của tình trạng thiếu vắcxin ở nước ta thời gian gần đây?

GS.TSKH Nguyễn Thu Vân: Thật ra, nói rằng nước ta “thiếu vắcxin” là chưa chính xác. Hiện nay trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, 11 loại vắcxin cơ bản lúc nào cũng có và hoàn toàn là vắcxin do Việt Nam sản xuất. Các loại vắcxin được viện trợ từ nước ngoài là “5 trong 1” cũng có trong chương trình nhưng các bà mẹ ngần ngại không cho con mình đi tiêm đúng đợt do một số sự cố đã xảy ra với trẻ sau khi tiêm vắcxin trước đây. Vì trẻ không được tiêm chủng nên các bệnh dịch lại dễ quay trở lại hơn, dẫn đến tình trạng mọi người đổ xô cho con đi tiêm dịch vụ khi thấy dịch có chiều hướng bùng phát, ví dụ như gần đây là dịch sởi. Quy trình nhập khẩu vắcxin phải qua nhiều bước kiểm định chặt chẽ và phải có kế hoạch trước cho các nhà sản xuất, vì vậy các nhà sản xuất và nhập khẩu không thể cung cấp vắcxin theo nhu cầu đột phát trong một sớm một chiều được. Như vậy, thực chất tình trạng ở nước ta hiện nay là vắcxin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng thừa, trong khi vắcxin dịch vụ thiếu.

Bà đánh giá thế nào về độ an toàn của các loại vắcxin đang được sử dụng ở Việt Nam?

Thực chất tình trạng ở nước ta hiện nay là vắcxin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng thừa, trong khi vắcxin dịch vụ thiếu.

Tất cả các loại vắcxin được cấp phép sử dụng, dù là vắcxin ngoại hay do Việt Nam sản xuất, đều phải qua nhiều bước kiểm định, thử nghiệm lâm sàng và đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế và an toàn sử dụng. Do đặc tính của vắcxin, những phản ứng không mong muốn trong tiêm chủng là thường gặp, ví dụ như sốt, đau bụng, nặng hơn là dị ứng… Một số trường hợp gặp phải những phản ứng mạnh hơn và nguy hiểm đến tính mạng có thể là do trẻ bị ủ một bệnh nào đó từ trước, bị trùng lặp với một bệnh bẩm sinh nào đó, hoặc do không được chăm sóc kĩ lưỡng sau khi tiêm. Ở Việt Nam thời gian gần đây có xảy ra một số trường hợp trẻ em tử vong sau khi tiêm vắcxin, nhưng điều tra đã cho thấy, trong tất cả các trường hợp đã xảy ra cho đến nay, không có trường hợp nào mà nguyên nhân liên quan đến vắcxin. Ví dụ như trường hợp ba trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm chủng ở Bệnh viện Hướng Hóa, Quảng Trị hồi tháng 5 năm 2013 là do cán bộ y tế tiêm nhầm thuốc. Nhưng đến tháng 4 năm nay, nguyên nhân mới được công bố chính thức. Như vậy việc điều tra và thông tin không được kịp thời đã gây hoang mang cho người dân trong cả một năm trời.

Như vậy, các nhà quản lý đã không có phương án nào ứng phó kịp thời với việc người dân thấy bệnh dịch bùng phát mới đổ xô cho con đi tiêm phòng, dẫn đến tình trạng “cháy” vắcxin?

Đúng như vậy. Đáng ra thì chúng ta đã có thể giải quyết được phần nào tình trạng này nếu nhà quản lý có chiến lược và ngân quỹ cho việc dự phòng vắcxin, cụ thể là đặt hàng nhà sản xuất đảm bảo cung cấp một số lượng vắcxin dự phòng nhất định- tức là vẫn phải mua để dự phòng dù có thể không dùng đến. Nhưng hiện tại Nhà nước chưa có một chiến lược sản xuất và sử dụng vắcxin lâu dài mà vẫn buông lỏng cho thị trường tự điều tiết nên rất bị động và không ứng phó được với những tình huống bệnh dịch khẩn cấp.

Vậy nhà quản lý cần một chiến lược sản xuất và sử dụng vắcxin cụ thể như thế nào để tránh trường hợp thiếu vắcxin đột biến tương tự xảy ra trong tương lai?

Việt Nam hiện đang rất cần một chiến lược có tính dài hạn, định hướng rõ cần phát triển những loại vắcxin gì, số lượng, chủng loại, tiến độ, đặt hàng và sử dụng như thế nào v.v. Hiện tại chương trình Tiêm chủng mở rộng của nước ta vẫn đi theo định hướng của quốc tế, sử dụng các loại vắcxin do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo theo từng đợt chiến lược và tận dụng nguồn viện trợ vắcxin không hoàn lại từ họ. Nhưng sau một thời gian, nếu các tổ chức quốc tế cắt tài trợ thì ta sẽ phải hoặc tự bỏ tiền ra mua vắcxin nước ngoài nếu trong nước chưa sản xuất được, hoặc tự sản xuất vắcxin trong nước. Nếu không có chiến lược dài hạn và chuẩn bị từ trước nguy cơ thiếu vắcxin, bùng phát bệnh dịch sẽ rất dễ xảy ra. Bài toán ở đây là làm sao để chúng ta có thể chủ động điều tiết nguồn vắcxin để không bị phụ thuộc hoàn toàn vào cả viện trợ lẫn thị trường nhập khẩu.

Liệu các cơ sở sản xuất vắcxin trong nước có đủ năng lực để đáp ứng các yêu cầu mà bài toán này đặt ra? 

Nhà nước chưa có một chiến lược sản xuất và sử dụng vắcxin lâu dài mà vẫn buông lỏng cho thị trường tự điều tiết nên rất bị động và không ứng phó được với những tình huống bệnh dịch khẩn cấp.

Hiện nay chúng ta có tổng cộng bốn cơ sở sản xuất vắcxin trong nước và đã tự sản xuất được toàn bộ 10 loại vắcxin cơ bản bao gồm vắcxin viêm gan B, viêm não Nhật Bản, “3 trong 1 Bạch hầu-Uốn ván-Ho gà”, Bại liệt, Sởi, Lao, Tả, Thương hàn.  Hiện tại công ty Vabiotech đang thử nghiệm lâm sàng vắcxin viêm màng não mủ (Hib), và cũng chuẩn bị triển khai nghiên cứu sản xuất vaccine “5 trong 1”. Như vậy nước ta hoàn toàn có khả năng tự cung cấp vắcxin, nhưng trước hết ta cần một chiến lược có tầm nhìn dài hạn để phát triển hệ thống sản xuất vắcxin trong nước. Một cái khó là bản thân WHO cũng thay đổi các loại vắcxin sử dụng theo từng giai đoạn (ví dụ như hiện tại đang là giai đoạn 2011-2020). Bởi vậy, Nhà nước cần dựa vào định hướng của WHO nêu trong Kế hoạch Hành động vắcxin Toàn cầu (Global Vaccine Action Plan) để giao nhiệm vụ nghiên cứu và đặt hàng sản xuất các loại vắcxin cụ thể theo giai đoạn cho các cơ sở. Thực tế là các cơ sở trong nước đang gặp nhiều khó khăn: do đơn đặt hàng, đầu ra ít nên không nuôi dưỡng được cơ sở và lại càng không có khả năng đầu tư để nghiên cứu tiếp.

Vậy tại sao các cơ sở sản xuất vắcxin trong nước chưa đẩy mạnh việc xuất khẩu, tiến tới cung cấp số lượng lớn cho quốc tế để giúp duy trì hoạt động?

Thật ra chúng tôi đã xuất khẩu vắcxin sang một số nước như Ấn Độ, Hàn Quốc, Philippines, Sri Lanka v.v., nhưng đều là những giao dịch mang tính thỏa thuận song phương. Để cung cấp vắcxin lượng lớn cho WHO đòi hỏi nước ta phải có hệ thống quản lý chất lượng vắcxin đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay Cơ quan Quản lý Vắcxin Quốc gia (NRA) của ta và các cơ sở sản xuất còn chưa đủ tiêu chuẩn tiền thẩm định (prequalification) của WHO. Cơ quan Quản lý Vắcxin Quốc gia đang cố gắng có được chứng chỉ tiền thẩm định trong năm nay và sau đó thì các cơ sở mới có thể được xét cấp chứng chỉ này.

Về phía các cơ sở sản xuất vắcxin của Việt Nam cần khắc phục những mặt hạn chế gì trước khi đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của WHO?

Các cơ sở sản xuất vắcxin của chúng ta vẫn còn những hạn chế về nhà xưởng, máy móc, dây chuyền sản xuất, các khâu quản lý hồ sơ thẩm định, quản lý vắc xin, v.v. Trong vòng 2-3 năm tới, chúng ta sẽ phải tiếp tục khắc phục các mặt hạn chế này để đạt các tiêu chuẩn mà WHO đặt ra.

Xin trân trọng cảm ơn bà.

PV thực hiện

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)