Chìa khóa của những vấn đề lớn

Các nhà khoa học đang giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và một số vấn đề nan giải khác rất ưa chuộng nghiên cứu liên ngành, tuy vậy vẫn còn nhiều ý kiến phản đối mạnh mẽ xu hướng “lấn sân” này.


Những mô hình liên ngành sơ khai

Không dễ gì mà xin được khoản tài trợ 40 triệu USD để xây dựng một viện nghiên cứu trong trường đại học. Đó là thách thức cho Theodore Brown, Phó hiệu trưởng nghiên cứu tại ĐH Illinois ở Urbana–Champaign, khi ông tìm cách xin tài trợ từ một nhà hóa học kiêm doanh nhân thành đạt Arnold Beckman, vốn là cựu sinh viên của trường. Brown đã xây dựng một dự án vô tiền khoáng hậu, một mô hình viện nghiên cứu mà vào thời kỳ đó rất khó để xin tài trợ từ các kênh thông thường, bởi nó thách thức cách phân chia ngành học đã trở thành đặc điểm cơ bản của rất nhiều trường đại học thời hiện đại, quy tụ các thành viên của các khoa khác nhau vào cùng làm việc trong những dự án chung. Brown cho rằng điều này sẽ cho phép các thành viên giải quyết những vấn đề khoa học và xã hội lớn hơn so với khi họ làm việc trong từng ngành riêng rẽ. “Những vấn đề đang thách thức chúng ta hiện nay – những vấn đề thực sự đáng được giải quyết – rất phức tạp và đòi hỏi những công cụ trí tuệ và thiết bị tinh vi, không có chỗ cho một cách tiếp cận hạn hẹp. Cấu trúc khoa ngành truyền thống của các trường đại học sẽ không dẫn đến được những nghiên cứu cộng tác, liên ngành,” ông nói.

Đây là một ví dụ sơ khai về tiến trình thúc đẩy các nghiên cứu liên ngành mà ngày nay đang lan rộng ở khắp các trường đại học trên toàn cầu.

Brown không hoàn toàn đơn thương độc mã. Cùng thời gian đó, Viện [nghiên cứu liên ngành] Santa Fe cũng được thành lập ở New Mexico), và Brown là người đã ủng hộ xu hướng này khi nó gặp sự phản kháng mạnh mẽ. Các trưởng khoa lo ngại sẽ mất đi các giảng viên của mình cùng với trợ cấp của họ. Một số đồng nghiệp chế giễu ý tưởng tạo ra những không gian làm việc mở để thúc đẩy sự tương tác giữa các sinh viên sau đại học, cho rằng trong môi trường huyên náo như vậy thì sẽ không thể làm việc nghiêm túc được. Ngoài ra, còn có định kiến rằng nghiên cứu liên ngành chỉ dành cho những người không đủ giỏi trong chuyên ngành của mình, như một nhà vật lý nổi tiếng đã từng tuyên bố.

Nhưng Beckman, người vốn có quan điểm riêng rằng lẽ ra các trường đại học phải được chính quyền bang hỗ trợ phần lớn, lại thích ý tưởng của Brown và đã cam kết tài trợ toàn bộ khoản tiền 40 triệu USD được yêu cầu – lúc bấy giờ là khoản tài trợ tư lớn nhất cho một đại học công ở Mỹ. Sau một vài năm chuẩn bị bận rộn, Viện KH&CN Tiên tiến Beckman (Beckman Institute for Advanced Science and Technology) rộng 29.000m2 ra đời.

Nhận vị trí lãnh đạo Viện lúc đó chính là Brown, bởi Viện gặp khó khăn trong việc tuyển được một giám đốc đủ khả năng và chịu đánh cược với mô hình mới này. Chẳng mấy chốc, Viện bắt đầu nhận được những khoản tài trợ lớn từ các tổ chức như Bộ Quốc phòng và Quỹ Khoa học Quốc gia, từ đó cũng bớt đi những lời chỉ trích. Đến năm 1993, khi Brown rời Viện, các đại học hàng đầu khác bắt đầu cử người đến học hỏi mô hình này.

Truyền thống phân chia khoa học thành các ngành riêng biệt

Truyền thống phân chia kiến thức học thuật thành những phạm trù riêng biệt đã có từ thời Plato và Aristotle, nhưng đến thế kỷ 16, Francis Bacon và các nhà triết gia khác bắt đầu lo lắng cho sự phân chia rời rạc của kiến thức. Một vấn đề đặt ra cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học là: có quá nhiều thông tin trải rộng khắp các lĩnh vực mà không một người nào có thể bao quát xuể. Nhà nghiên cứu lịch sử khoa học Peter Weingart của ĐH Bielefeld (Đức) lấy luận thuyết phân loại sinh học Systema Naturae của Carl Linnaeus làm ví dụ: từ phiên bản đầu tiên vào năm 1735 đến phiên bản cuối cùng năm 1768, danh mục liệt kê đã tăng từ 10 lên thành 2.300 trang, bao gồm 7.000 loài.

Vào thế kỷ 19, ranh giới phân chia các ngành trong trường đại học hiện đại bắt đầu bén rễ. Cùng với sự đẩy mạnh hỗ trợ nghiên cứu khoa học ở các quốc gia, đặc biệt là ở Mỹ, các ngành học tăng vọt cả về số lượng lẫn sức mạnh sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Theo Vincent Lariviere, nhà khoa học thông tin tại ĐH Montreal (Canada), đó là thời điểm các trường đại học tăng vọt theo cấp số nhân, và quy mô các trường được mở rộng nhờ tăng thêm số lượng các khoa.

Weingart cho rằng những căng thẳng thời Chiến tranh Lạnh cũng đóng vai trò trong sự phát triển xu hướng nghiên cứu theo chuyên ngành ở Mỹ. Thời kỳ đó, trong khi Liên Xô hướng khoa học đến ứng dụng giải quyết các vấn đề thực tiễn xã hội, ví dụ như cải thiện nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực, thì Mỹ lại thể hiện quan điểm ngược lại, cho rằng phải cởi trói và tăng cường nghiên cứu cơ bản. Vô hình trung điều này cổ xúy cho nghiên cứu theo chuyên ngành biệt lập, bởi nghiên cứu cơ bản không chịu áp lực phải hướng đến tính liên ngành như các nghiên cứu ứng dụng. Do vậy, số lượng các chuyên ngành ở Mỹ ngày càng nở rộ khi các lĩnh vực đơn lẻ liên tục được phân chia nhỏ hơn.

Sự trỗi dậy của xu hướng liên ngành

Là một phong trào học thuật, xu hướng liên ngành bắt đầu phát triển từ những năm 1970. Lariviere cho rằng sự phát triển đó một phần là nhờ vào các thư viện, nơi bắt đầu tăng dự trữ tạp chí đặt định kỳ và cải thiện khả năng các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận các tạp chí thuộc các lĩnh vực khác, ví dụ một nhà vật lý hạt có thể dễ dàng tham khảo các tạp chí về sinh học. Hơn nữa, Mỹ cũng bắt đầu chuyển hướng tập trung từ nghiên cứu cơ bản sang những vấn đề xã hội như bảo vệ môi trường, những vấn đề khó có thể được giải quyết bởi một lĩnh vực riêng lẻ.

Năm 1994, một cuốn sách có tầm ảnh hưởng lớn được tài trợ một phần bởi Hội đồng Hoạch định và Phối hợp Nghiên cứu Thụy Điển mang tựa đề The New Production of Knowledge (Cách sản sinh tri thức mới) của NXB Sage đã tiên đoán trong tương lai, khoa học ngày càng mang tính liên ngành, khi mà khoa học tìm cách giải quyết các vấn đề liên quan đến xã hội. Lariviere cho rằng, cuốn sách đó có tầm ảnh hưởng đặc biệt đến chương trình hỗ trợ tài chính Fifth Framework của Liên minh châu Âu từ năm 1998 đến 2002, trong đó chú trọng các nghiên cứu liên ngành, định hướng theo vấn đề cụ thể cần giải quyết.

Chẳng mấy chốc, các viện nghiên cứu liên ngành bắt đầu mọc lên trên khắp thế giới, mỗi viện có cơ cấu và mục đích riêng. Một trong những viện đầu tiên là Viện Sante Fe, thành lập năm 1984, chuyên ứng dụng toán cao cấp và các kĩ năng điện toán vào một loạt các lĩnh vực khác. Các viện như Viện Nghiên cứu Ung thư Tích hợp David H. Koch thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), hay Janelia Research Campus ở Ashburn (Virginia) chuyên nghiện cứu khoa học thần kinh, thì giải quyết các vấn đề nằm trong một lĩnh vực nhưng lại yêu cầu những nghiên cứu từ các lĩnh vực khác. Một số viện như Viện Bền vững Monash ở Úc thì tập trung vào những vấn đề rất cụ thể.

Xu hướng liên ngành cũng đang phát triển ở châu Á. Năm 2000, Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia của Trung Quốc (NSFC) đã đặt ra chiến lược cho nghiên cứu liên ngành, và các trường đại học đã cho ra đời một số trung tâm nghiên cứu liên ngành trong vòng một thập kỷ qua, trong đó có Học viện Nghiên cứu Liên ngành Tiên tiến thuộc ĐH Bắc Kinh. Ông Yonghe Zheng, Phó tổng giám đốc Vụ Chính sách Khoa học của NSFC, cho biết, quỹ còn lên kế hoạch mở thêm các dự án liên ngành nữa trong những năm tới. “Trung Quốc là một nước đang phát triển, bởi vậy các trường đại học và viện nghiên cứu có thể nhanh chóng thành lập các trung tâm mới phản ánh được xu thế nghiên cứu liên ngành mới này,” ông nói.

Ở Singapore, ĐH Công nghệ Nanyang đã thành lập Khoa sau đại học Liên ngành (Interdisciplinary Graduate School) từ năm 2012, với số sinh viên hiện nay là 335 người trong tổng số 2.000 sinh viên sau đại học tại trường. Chương trình sau đại học liên ngành của Nanyang, mà trường tự xác nhận là chương trình đầu tiên thuộc loại này ở châu Á, được thiết kế một phần nhằm mở rộng những chọn lựa gây quỹ của trường, chủ nhiệm chương trình Bo Liedberg cho biết. Giới doanh nghiệp thường tập trung vào các vấn đề thực tế liên quan đến nhiều lĩnh vực trên thế giới, bởi vậy một chương trình liên ngành có thể đẩy mạnh sự cộng tác với các doanh nghiệp.

Việc chú trọng vào nghiên cứu liên ngành như một nguồn tăng thu nhập là khá phổ biến. Merlin Crossley, Trưởng khoa Khoa học sự sống của ĐH New South Wales (Úc), cho biết: “Tôi luôn nhận được áp lực phải lập các mối liên kết liên khoa, liên viện. Ví dụ, khi tôi muốn xây một tòa nhà mới thì sẽ dễ xin tài trợ hơn nếu tôi có nhiều đồng minh hơn.” Tài trợ liên bang của ĐH Bang Arizona đã tăng 162% từ năm 2003 đến 2012 nhờ việc đẩy mạnh nghiên cứu liên ngành trong toàn trường.

Tuy nhiên, bất chấp những áp lực này, sức lan tỏa của nghiên cứu liên ngành vẫn còn khiêm tốn. Ngoài một vài trường như Nanyang hay Durham, vẫn còn hàng trăm đại học chưa thay đổi nhiều. Ở hầu hết các viện, sự phân chia khoa ngành vẫn còn chiếm vị thế chính. Đối với một số nhà khoa học thì đây là một thất vọng lớn.

Những trở ngại thường gặp

Sự chuyển đổi sang làm nghiên cứu liên ngành ở nhiều tổ chức nghiên cứu gặp không ít trở ngại. Sai lầm thường thấy nhất ở nhiều chương trình liên ngành là chưa nhận thức hết sự cần thiết của việc huy động lòng quyết tâm cá nhân và xây dựng các mối quan hệ gắn kết cần thiết giữa các nhà nghiên cứu để có thể có được một dự án liên ngành thành công. Laura Meagher, một nhà tư vấn chuyên huấn luyện các nhóm liên ngành ở St Andrews (Anh), chia sẻ, mọi người thường nghĩ chỉ cần gộp hồ sơ các nhà khoa học vào với nhau là có một dự án liên ngành thành công, nhưng thực ra phải mất nhiều thời gian để có thể xây dựng được mối quan hệ cần thiết giữa các nhà khoa học cùng làm việc trong một nhóm.

Khi áp lực phải hợp tác đến từ chỉ đạo phía trên, việc chú trọng vào xây dựng mối quan hệ của đội ngũ có thể bị lơ khiến dự án thất bại. Một ví dụ điển hình về tính nhạy cảm của các mối quan hệ trong một dự án liên ngành có thể thấy ở Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Anh, nơi tổ chức và thực hiện các nghiên cứu về năng lượng bền vững từ năm 2004. Mark Winskel, nhà khoa học xã hội và chính trị tại ĐH Edinburgh đã đánh giá công việc của Trung tâm trong 10 năm qua và cho biết, năm năm đầu tiên Trung tâm hoạt động rất tốt, công bố được một xuất bản quan trọng là Năng lượng 2050, trong đó tổng hợp các kết quả nghiên cứu của mình và đưa ra được các khuyến nghị. Nhưng trong năm năm tiếp theo, kết quả lại không được như ý. Winskel đã tiến hành khảo sát các thành viên và thấy rằng những thay đổi trong cấu trúc của Trung tâm nhằm hướng tới một cộng đồng rộng hơn (ví dụ như đưa ra nhiều vòng tài trợ mới ngay giữa giai đoạn năm năm lần thứ hai) đã làm ảnh hưởng đến một số mối quan hệ lâu dài từ trước. Việc cố gắng đa dạng hóa cộng đồng các học giả và lĩnh vực nghiên cứu đã làm Viện trở nên ít gắn kết hơn. Rút kinh nghiệm từ bài học này, trong giai đoạn tiếp theo từ năm 2014, Trung tâm chủ trương giữ ổn định cho các mối quan hệ hợp tác.

Đặc biệt ở các ngành xã hội, các nhà khoa học thường phải đối mặt với sự thiếu gắn kết này hơn. Khi nhà tài trợ muốn nhấn mạnh vào các tác động xã hội của nghiên cứu mà họ tài trợ, các nhà khoa học xã hội thường được huy động để đánh giá những tác động rộng hơn của dự án. Nhưng nhiều nhà khoa học cảm thấy bị xúc phạm nếu họ được đề nghị tham gia chỉ để đáp ứng vấn đề mang tính hình thức đó trong khi lại không được cống hiến những đóng góp thực sự về chuyên môn.

Một số nghiên cứu của Anh đã cho thấy các nhà khoa học xã hội thường ít muốn tham gia vào các dự án liên ngành hơn các nhà nghiên cứu ở những lĩnh vực khác. Một trong những sai lầm nằm ở cái gọi là “quyền bá chủ của khoa học tự nhiên”. Những ngành này thường được coi trọng hơn các lĩnh vực mang nhiều tính định tính như các môn khoa học xã hội, và được các nhà tài trợ và cả nhà nghiên cứu coi là nghiêm túc hơn. Sự mất cân bằng này đã gây nhiều thất vọng và làm suy yếu sự hợp tác. Các nhà khoa học tự nhiên thường ngây thơ cho rằng họ có thể tự thiết kế và tiến hành các khảo sát về ý kiến cộng đồng nhờ các công cụ Internet như SurveyMonkey, nhưng trên thực tế, các chuyên gia trong lĩnh vực khảo sát xã hội cho biết những phép đo lường của khoa học xã hội rất phức tạp và không dễ thực hiện.

Sự thiếu tôn trọng lĩnh vực của nhau sẽ gây nhiều khó khăn trong quá trình tương tác giữa các nhà nghiên cứu từ các lĩnh vực khác nhau. Các nhà kỹ thuật sinh học thường phản đối việc các đề tài nghiên cứu của họ được xét duyệt bởi hội đồng các nhà sinh học, bởi họ hay xem thường những mục tiêu nghiên cứu và đo lường kỹ thuật. Ngược lại, cũng có những hội đồng kỹ thuật sinh học xem thường những hạn chế của nghiên cứu lâm sàng.

Tình hình xuất bản cũng khá lẫn lộn. Từ lâu, các nhà nghiên cứu liên ngành đã than phiền rằng những bài báo của họ khó được công bố trên các tạp chí chuyên ngành hàng đầu. Có nhà nghiên cứu liên ngành thì cho rằng sự nổi lên của các tạp chí liên ngành là có ích cho lĩnh vực của mình, nhưng cũng lo ngại về chất lượng một số bài báo được đăng trên những tạp chí này. Người ta cũng phân vân liệu có phải là khôn ngoan không khi đào tạo các sinh viên sau đại học theo hướng liên ngành trước khi họ thực sự được tôi luyện trong một chuyên ngành.

Nhiều người xem xu thế nghiên cứu liên ngành ở các viện vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. Một số viện đang thử nghiệm nhiều cách thức mới trong tổ chức nghiên cứu, một số khác lại tìm cách thay đổi phương thức đánh giá các nghiên cứu. Ở nhiều quốc gia, cuộc thử nghiệm làm nghiên cứu liên ngành mới chỉ bắt đầu. Đơn cử như ở Nhật Bản, tại một số viện nghiên cứu như RIKEN ở Wako đã bắt đầu hình thành những nhóm nghiên cứu liên ngành gồm các nhà vật lý, hóa học và sinh học lý thuyết, nhưng ở  một số trường đại học hàng đầu như ĐH Tokyo, xu hướng làm nghiên cứu chuyên ngành vẫn rất phổ biến.

Khánh Minh  và  Bùi Thu Trang lược dịch

Nguồn:http://www.nature.com/news/how-to-solve-the-world-s-biggest-problems1.18367#auth-1

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)