Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
Hàn Quốc có được những thành tựu vượt bậc về phát triển kinh tế và khoa học công nghệ một phần là nhờ những định hướng đúng đắn từ rất sớm của Chính phủ Hàn Quốc trong thúc đẩy đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Những chính sách đó rất đáng để chúng ta nghiên cứu và áp dụng.
Để thực hiện hiệu quả chính sách này, điều kiện cần đầu tiên là Bộ KH&CN cùng Bộ Tài chính phối hợp xác định rõ mục tiêu đầu tư thế nào là đầu tư cho R&D? Nhân sự làm việc như thế nào là tham gia nghiên cứu R&D? (Bài học từ Hàn Quốc cho thấy bằng cấp cao không quan trọng, báo cáo về sản phẩm thực tiễn mới quan trọng). Trang thiết bị nhập khẩu như thế nào là phục vụ đầu tư R&D? (Tránh tình huống xe hơi siêu sang cũng được nhập về phục vụ R&D).
Khi có một hệ thống khái niệm minh bạch, rõ ràng về đầu tư R&D, chúng ta có thể bắt đầu xây dựng hệ thống chính sách tài chính hỗ trợ ưu đãi. Hệ thống khái niệm càng rõ ràng thì việc áp dụng càng nhanh chóng, chính xác, giảm thời gian thủ tục hành chính cho cơ quan chức năng lẫn đối tượng thụ hưởng hỗ trợ.
Đối tượng thụ hưởng hỗ trợ ở đây phải là các doanh nghiệp hoặc các viện, tổ chức nghiên cứu hoạt động theo hình thức tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính.
Hàn Quốc có một hệ thống chính sách đa dạng hỗ trợ tài chính cho R&D, từ hỗ trợ trả lương chuyên viên nghiên cứu tới giảm thuế thu nhập, giảm thuế nhập khẩu thiết bị phục vụ nghiên cứu. Đây là những chính sách hoàn toàn khả thi và khá gần gũi với các chính sách tài chính hỗ trợ cho các ngành công nghiệp của Việt Nam mà chúng ta có thể áp dụng (cụ thể xem box).
Hệ thống ghi nhận công nghệ mới
Để bảo đảm việc hỗ trợ tài chính cho đầu tư R&D được chính xác, Hàn Quốc có hệ thống ghi nhận công nghệ mới, gọi là hệ thống chuẩn KT, được xác lập bởi Bộ Khoa học và Công nghệ, và thuộc trách nhiệm quản lý của Tổ chức Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc. Hệ thống này hỗ trợ những sản phẩm công nghệ mới đang trong giai đoạn tiếp cận thị trường. Bất kỳ công nghệ mới nào đạt chuẩn KT thì công ty phát kiến sẽ được hỗ trợ dưới dạng quyền ưu tiên bán cho các cơ quan Nhà nước; quyền ưu tiên đăng ký kinh phí từ quỹ hỗ trợ phát triển của Chính phủ và các quỹ phát triển công nghệ của các ngân hàng thương mại; quyền ưu tiên quảng bá tại những chiến dịch truyền thông hội chợ triển lãm công nghệ.
Cấp bảo lãnh cho các khoản vay phục vụ R&D
Một số ví dụ về chính sách hỗ trợ tài chính của Nhà nước cho đầu tư R&D:
Hỗ trợ trả lương: Hỗ trợ 80% tiền lương hằng năm cho mỗi chuyên gia, tối đa là 30 nghìn USD trong 2 năm đầu tiên. Giảm thuế nhập khẩu: Giảm 80% thuế nhập khẩu thiết bị phục vụ nghiên cứu: hóa chất, hàng hóa sơ chế đầu vào, nguyên vật liệu, và vật mẫu. Miễn thuế thu nhập cá nhân cho kỹ sư nước ngoài: Trong 5 năm với chuyên gia phục vụ R&D trong lĩnh vực công nghiệp cần sử dụng nhiều công nghệ trong danh sách được Nhà nước quy định. |
Ở Việt Nam, việc vay vốn từ các tổ chức tài chính, đặc biệt là các ngân hàng thương mại, là không dễ dàng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là các doanh nghiệp KHCN, vì các khoản vay này luôn bị các ngân hàng coi là có tính rủi ro cao, do các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều bất trắc và dễ tổn thương trước các biến động từ thị trường và nền kinh tế.
Vì vậy, để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ vay vốn đầu tư cải tiến công nghệ, các quỹ đổi mới CN quốc gia cần đưa vào vận hành cơ chế cấp bảo lãnh cho các khoản vay phục vụ R&D. Cơ chế này cần có một quy trình xét duyệt bảo lãnh đòi hỏi linh hoạt, nhưng không được thiếu tính chính xác, chặt chẽ và được kiểm toán đầy đủ. Nếu không thì việc duyệt bảo lãnh biến thành cơ chế xin cho tùy hứng, tạo cơ hội cho tham nhũng phát sinh.
Ngược lại, nếu cơ quan duyệt bảo lãnh vì sợ trách nhiệm mà làm việc quá chặt tay, thì các dự án đầu tư R&D – dù có triển vọng tốt nhưng trong bản chất tự thân đã có tính mạo hiểm – sẽ không có được bảo lãnh, và không huy động được nguồn vốn cần thiết.
Việt Nam có thể tìm hiểu giải pháp cho vấn đề này qua mô hình Kotec của Hàn Quốc.
KOTEC (quỹ bảo lãnh tín dụng công nghệ Hàn Quốc) cung cấp dịch vụ bảo lãnh tín dụng công nghệ. Khoản bảo lãnh này có nhiều hình thức, nhưng mục tiêu chung là đảm bảo các tổ chức cho vay thu hồi khoản nợ trong trường hợp người đi vay mất khả năng thanh toán. Nhờ vậy khuyến khích các tổ chức tài chính cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có dự án triển vọng tốt nhưng không có đủ tài sản thế chấp, hoặc không có hồ sơ tín dụng đầy đặn phù hợp để chứng minh uy tín trả nợ.
Quy trình cấp bảo lãnh tín dụng công nghệ như sau. Một người đi vay nếu không đáp ứng các tiêu chí cho vay có thể được ngân hàng giới thiệu sang KOTEC. Các chi nhánh của KOTEC sẽ độc lập nghiên cứu hồ sơ để thẩm định uy tín tín dụng của người đi vay, khả năng trả nợ, mục đích khoản vay, và quan trọng nhất là tính chất cải tiến công nghệ mà việc sử dụng vốn vay mang lại. Trong đa số các trường hợp, ngân hàng sẽ tin vào kết luận thẩm định của KOTEC trước khi đưa ra quyết định cho vay. Nếu được KOTEC chấp thuận, người đi vay sẽ quay lại ngân hàng cùng với thư bảo lãnh của KOTEC. Việc cấp bảo lãnh này cũng đòi hỏi người đi vay phải trả phí bảo lãnh, tỉ lệ tương ứng theo quy mô khoản vay.
Đồng thời, để quá trình thẩm định và cấp bảo lãnh được bảo đảm tính công bằng và minh bạch, KOTEC thành lập ra Văn phòng Chi nhánh Từ xa (Cyber Branch Office) cung cấp dịch vụ tự thẩm định tài chính, trong đó một doanh nghiệp có thể tự đánh giá uy tín tài chính của mình qua một phần mềm mô hình mô phỏng thẩm định tín dụng mà doanh nghiệp tự điền thông tin tài chính đầu vào. Kết quả đánh giá sau đó sẽ được hiển thị công khai qua internet.
Đối với các trung tâm, chương trình nghiên cứu tại các vùng miền
Từ nhiều năm nay năng lực nghiên cứu triển khai, đổi mới công nghệ của các sở KH&CN và công nghiệp địa phương vừa rất hạn chế vừa phân tán, dẫn đến tình trạng hiệu quả đầu tư của nhà nước thấp, không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. Trong khi đó hầu như ở các địa phương của chúng ta đều có các viện nghiên cứu, trường đại học. Liệu có thể tận dụng những đơn vị này để thực hiện chức năng nghiên cứu vùng miền, cải tiến công nghệ cho địa phương? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần học hỏi mô hình hoạt động các trung tâm nghiên cứu vùng miền của Hàn Quốc.
Thành lập các Trung tâm Nghiên cứu Vùng miền
Các Trung tâm Nghiên cứu Vùng miền – Regional Research Center (RRC) được thành lập vào năm 1995 để nghiên cứu đặc thù riêng của vùng miền, củng cố năng lực nghiên cứu của các trường đại học, cao đẳng tại các tỉnh, và khai thác, liên kết với các ngành công nghiệp chủ đạo của từng địa phương.
Các RRC thẩm định các kế hoạch R&D cải tiến công nghệ ở từng địa phương, lựa chọn những kế hoạch phù hợp, và ký thỏa thuận cung cấp kinh phí từng năm một. Sau 3 năm sẽ thẩm định đánh giá lại một lần nữa, và có thể gia hạn nguồn kinh phí tới 9 năm tiếp theo.
Các trung tâm Cải tiến Công nghệ Địa phương (TIC/TBI/TP)
Mỗi trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước đều có một TIC. Những TIC này kết nối với nhau để hợp tác nghiên cứu, chia sẻ nguồn lực, và hợp tác đào tạo nhân lực, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, tập đoàn địa phương. Trung bình hằng năm Chính phủ hỗ trợ cho các TIC 1 tỷ Won để mua trang thiết bị phục vụ nghiên cứu (mỗi TIC được hỗ trợ như vậy trong 5 năm), trong khi các trường đại học và chính quyền địa phương có nghĩa vụ cung cấp đất, cơ sở nghiên cứu, chi phí vận hành, và chi phí nghiên cứu.
THANH XUÂN
(Toàn bộ nội dung được lược dịch và tổng hợp từ các trang điện tử của Bộ Kinh tế Tri thức Hàn Quốc và Quỹ Bảo lãnh tín dụng công nghệ Hàn Quốc)