Chính sách hợp tác quốc tế về KH&CN của Israel

Là đất nước có tiềm lực mạnh về KH&CN, Israel luôn quan tâm hợp tác với các quốc gia, khu vực và tổ chức quốc tế.


Hằng năm Israel chi tới 4,2% GDP cho R&D của khu vực dân sự, một tỷ lệ vào hàng cao nhất trên thế giới. Tính theo sản phẩm KH&CN trên đầu người, Israel đứng thứ 13. Đội ngũ nhà khoa học và chuyên gia của Israel rất đông đảo, lên tới 140 người/10.000 lao động, cao hơn nhiều so với các nước phát triển khác như Mỹ và Nhật Bản. Trong ảnh: Khách tham quan khám phá công nghệ hàng không tại Bảo tàng Khoa học Bloomfield ở Jerusalem. Nguồn: israel21c.org.

Những mối quan hệ hợp tác điển hình

Tính đến năm 2015, Viện Hàn lâm Khoa học và Nhân văn Israel đã ký kết thỏa thuận hợp tác chính thức với 38 cơ sở nghiên cứu (phần lớn là các Viện Hàn lâm quốc gia) tại 35 nước châu Âu, Bắc và Nam Mỹ, Ấn Độ và Đông Nam Á. Mỹ là đối tác quan trọng số một của Israel trong hợp tác KH&CN. Hai quốc gia thành lập những quỹ tài trợ nghiên cứu chung ở tầm quốc gia cho các tổ chức nghiên cứu và các ngành công nghiệp, nông nghiệp, bên cạnh đó còn có những thỏa thuận hợp tác song phương giữa Israel với nhiều tiểu bang trên các lĩnh vực khác nhau. Tương tự như với Mỹ, Israel cũng hợp tác hình thành những quỹ tài trợ nghiên cứu chung với Đức, Canada, Hàn Quốc, Singapore.

Israel đặc biệt chú trọng quan hệ hợp tác với châu Âu. Từ năm 1996, họ đã tham gia vào Chương trình khung cho Nghiên cứu và Sáng chế của châu Âu, đến nay đã có hàng nghìn dự án thu hút sự tham gia của nhiều trung tâm nghiên cứu nhà nước và tư nhân. Israel cũng đồng thời là thành viên của nhiều tổ chức và dự án nghiên cứu lớn ở châu Âu, đáng kể như European Research Council, European Biology Laboratory hay Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu (CERN), Phòng thí nghiệm Sinh học Phân tử Châu Âu… Năm 2012, Viện khoa học Weizmann cùng với Đại học Tel Aviv được chọn để trở thành một trong các thành viên chủ chốt của dự án Hạ tầng tích hợp cho Sinh học cấu trúc (Integrated Structural Biology Infrastructure) với sự tham gia của những trung tâm nghiên cứu danh tiếng ở Pháp, Đức, Ý và Anh. Israel cũng là thành viên điều phối của dự án Elixir, chuyên sắp xếp, thu thập, quản lý chất lượng và lưu trữ dữ liệu lớn từ những phòng thí nghiệm trên lĩnh vực khoa học sự sống ở châu Âu.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, một đối tác quan trọng hàng đầu của Israel là Ấn Độ. Từ năm 2006, hai quốc gia đã thỏa thuận cùng đóng góp hàng chục triệu USD dành cho đào tạo, chủ yếu trên lĩnh vực công nghệ sữa, trồng trọt và nước tưới nông nghiệp. Năm 2013, hai nước đạt thỏa thuận thành lập 28 trung tâm nghiên cứu xuất sắc về nông nghiệp, trong đó có 10 trung tâm chuyên về các sản phẩm xoài, lựu và quít. Những trung tâm này đã đi vào hoạt động từ tháng 3/2014 và cung cấp cho nông dân Ấn Độ những khóa đào tạo miễn phí về áp dụng tiến bộ kỹ thuật như thâm canh, tưới nhỏ giọt và cải tạo đất.

Ngoài hợp tác song phương, Israel còn thúc đẩy những mối quan hệ hợp tác ba bên. Cụ thể là tam giác hợp tác khoa học giữa Mashav (Israel), GIZ (Đức) và Bộ Lương thực và Nông nghiệp Ghana nhằm đem lại chuỗi giá trị cao cho sản phẩm quít tại Ghana và cải thiện đời sống nông dân tại quốc gia châu Phi này. Tương tự như vậy, từ năm 2013, Canada, Trung Quốc và Israel cũng hợp tác thành lập một tam giác nghiên cứu chung về những ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp. Việc xây dựng những tam giác hợp tác như vậy là điều các đối tác tiềm năng của Israel rất nên quan tâm, bởi điều đó có thể sẽ gia tăng sự linh động trong huy động nguồn lực quốc tế để khai thác tài nguyên tri thức chất lượng cao mà Israel đang sẵn có.

Hải Đăng tổng hợp

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)