Chính sách nào thu hút nhân lực khoa học?

Chính sách đối với trí thức khoa học có lẽ là một trong những vấn đề được bàn thảo tốn nhiều giấy mực nhất.

– Có ý kiến cho rằng, lương cho trí thức hiện nay quá thấp, phải trả cho trí thức theo một chế độ đặc biệt ưu đãi. Nhưng ưu đãi thế nào?

– Có ý kiến cho rằng, điều kiện sinh hoạt và làm việc của trí thức hiện còn rất nhiều khó khăn, cần có chính sách tháo gỡ khó khăn cho họ. Vậy tháo gỡ khó khăn đó bằng cách nào?

– Có ý kiến cho rằng hiện nay các nhà lãnh đạo sử dụng trí thức không đúng thực tài, phải có chế độ để tự động sàng lọc nhân tài, lại có ý kiến là nhà nước phải có chính sách thu hút nhân tài. Vậy làm thế nào thu hút được và sử dụng được những trí thức có thực tài?

– Có ý kiến đòi hỏi phải có chế độ lương đặc đãi đối với lớp trí thức “cao cấp”, như là giáo sư và phó giáo sư (GS/PGS)

Vân vân và vân vân

Vì vậy, để Nghị định của Chính phủ quy định chính sách ưu đãi, sử dụng và trọng dụng nhà khoa học do Bộ KH&CN soạn thảo có tính khả thi, cần được thảo luận trong cộng đồng khoa học.

Cách đây mấy năm đã đưa bàn về chế độ lương “đặc đãi” cho GS/PGS ở Quốc hội, nhưng bàn đi bàn lại mãi, cuối cùng câu chuyện đành xếp lại vì chưa có sức thuyết phục trên các diễn đàn.

Lùi xa mấy thập niên về trước, từ đầu thập niên 1970, thế hệ chúng tôi đã được chứng kiến những cuộc tranh luận về các chế độ “đặc đãi” tương tự như thế. Đến năm 1976, Nhà nước quyết định phân phối nhà cho “cán bộ khoa học và kỹ thuật (KHKT)” để giải quyết bớt khó khăn trong sinh hoạt của anh chị em, để họ có thêm điều kiện làm nghiên cứu khoa học. Sau khi có quyết định thì mới xuất hiện khó khăn: Quỹ nhà để phân phối chỉ có mấy chục căn hộ, mà đối tượng gọi là “Cán bộ KHKT” thì có đến hàng ngàn. Vậy phân cho ai?. Sau khi bàn soạn rối bời thì đi đến quyết định, cái đối tượng gọi là “Cán bộ KHKT” được giới hạn trong nhóm gồm những người có bằng tiến sỹ và phó tiến sỹ (TS/PTS).

Sau khi các TS/PTS được phân phối nhà, thì các kỹ sư bậc cao có ý kiến “Chúng tôi trực tiếp sản xuất còn quan trọng hơn TS/PTS”, thế là trong danh sách “Cán bộ KHKT” được nối dài thêm “Kỹ sư từ bậc 3 trở lên”. Sau khi kỹ sư 3 được giải quyết thì công nhân bậc 7 đòi quyền lợi. Họ nói: “Bọn kỹ sư là lý thuyết chỉ tay năm ngón, chúng tôi mới là người lao động trực tiếp làm ra của cải vật chất”… thế là danh sách được bổ sung thêm “Công nhân từ bậc 6 trở lên”.

Sau khi công nhân bậc 6 trở lên được đưa vào danh sách, thì các anh trung cấp kỹ thuật phản ứng: “Kỹ sư là anh lý thuyết chỉ tay năm ngón, công nhân là bọn chỉ biết làm theo quy trình… Đầu tắt mặt tối sớm khuya lăn lộn chỉ đạo quy trình sản xuất là chúng tôi. Hà cớ gì chúng tôi không được xem là cán bộ KHKT”… Quá trình phản ứng kéo dài tiếp cho đến bác sỹ… “Bọn họ chỉ trông coi máy móc, chúng tôi trông coi tính mạng con người”… Rồi đến cánh giáo viên… “Bác sỹ chỉ trông coi phần xác, chúng tôi mới chính là người chăm sóc phần hồn”.

Thế là ông nhà nước lâm vào một tình cảnh đại lúng túng, không biết xử lý ra sao, đành làm nốt một đợt năm 1977 là chấm dứt.

Tôi xin nêu sự kiện thứ hai. Mấy năm lại đây có phong trào các tỉnh công bố chính sách “Thu hút nhân tài”, chẳng hạn, có tỉnh thu hút bằng cách: “Nếu có bằng tiến sỹ về thì được 100 triệu đồng”, “Nếu có bằng thạc sỹ thì 60 triệu”, “Nếu có bằng cử nhân thì 40 triệu”, “Nếu là giáo sư thì 150 triệu”, “Nếu là phó giáo sư thì 120 triệu”. Khi làm việc với các vị có trách nhiệm trong tỉnh thì được biết là, một năm sau khi chính sách được công bố, tỉnh đã có được một thành tích rất khả quan, được cấp trên tuyên dương trong các bản báo cáo của tỉnh, là đã thu hút được hàng trăm nhân tài các hạng. Chúng tôi hỏi tiếp: “Anh chị em đó đã làm gì cho tỉnh”… Thế là như bị đánh vào chỗ đau, vị lãnh đạo cấp sở này mới trút bầu tâm sự rất dài dòng, tôi tạm lược kê tóm tắt mấy sự kiện sau: (1) Một số tiến sỹ, thạc sỹ thất nghiệp ở các tỉnh khác, được thu hút về đây, chưa biết bố trí vào đâu vì phân phối cho cơ quan nào người ta cũng trả lại. (2) Một cử nhân đỗ thủ khoa ở Hà Nội được nhận về một thời gian lại bỏ đi vì chê là công việc tẻ nhạt, vân vân và vân vân. Chúng tôi hỏi tiếp vị giám đốc sở: “Loại người nào được gọi là nhân tài để địa phương thu hút?” Ông trả lời “Chúng tôi lấy tiêu chuẩn là bằng cấp”.Vậy ra bằng cấp là nhân tài (!)

Tôi ngẫu nhiên lại gặp một sinh viên cũ, là thạc sỹ rất trẻ trong danh sách các “nhân tài” mới được “thu hút” về tỉnh. Khi hỏi thì tôi được biết, sau khi được biết chủ trương này của tỉnh, thì cô quyết định phải kiếm ngay một mảnh bằng thạc sỹ. Tôi hỏi cô bảo vệ thạc sỹ ở đâu, thì cô cho biết ở một trung tâm bồi dưỡng giáo viên thuộc một trường đại học lớn ở Hà Nội. Tôi hỏi “Tại sao cô lại chọn trung tâm này, nơi nổi tiếng là chất lượng đào tạo rất kém”Cô xác nhận là ở đây đào tạo rất ẩu. Cô cho biết, khi trình luận văn cho thầy cô, thì được thầy cô giao hẹn: “Thầy cô chỉ sửa lỗi chính tả thôi đấy nhá”. Khi thấy tôi lắc đầu ái ngại thì cô cho biết, là cô cũng hiểu như thế là không đúng, nhưng vẫn theo học, vì giá đào tạo thạc sỹ ở đây là rẻ nhất.

Kết luận của chúng tôi là, khi “thu hút nhân tài” và “đãi ngộ” theo cái mà nhiều người vẫn gọi là theo “chủ nghĩa bằng cấp” thì sẽ kéo theo hệ lụy là mua bằng cấp kém chất lượng. Đây không phải là “Bằng giả”, mà là “Bằng thật”, nhưng trong ngôn ngữ Việt hiện đại mới xuất hiện một khái niệm rất thú vị, rất dí dỏm, nghe rất hài hước, nhưng rất chuẩn xác đó là “Bằng đểu”.

Ở nước ta còn một hiện tượng nữa, là cứ nghe thấy ở đâu đó “quốc tế” trao cái bằng này, cái giải nọ thì một số cấp quản lý  như bắt được vàng, vội vã vinh danh, cấp nhà cấp đất, phong tước phong hầu, cấp nọ cấp kia…, rồi các đương sự đưa ra những lời hứa hẹn nghe rất mùi mẫn …  Nhưng rồi ba bốn mươi năm chẳng thấy họ có cái giải “quốc tế” nào như Nhà nước kỳ vọng. Thế là lại đi truy tầm những gương mặt mới, và bi kịch vẫn lặp lại như lần đầu tiên. Có nghĩa, cái cách “trọng thị” theo kiểu đó là không trúng rồi.

Tóm lại, với những ví dụ nêu trên đây, tôi muốn khẳng định rằng, cơ quan nhà nước các cấp của chúng ta đã có nhiều biện pháp ưu đãi, trọng dụng, và trọng thị nhưng kết quả vẫn chưa làm cho khoa học và giáo dục nước ta phát triển, mà ngược lại, hầu như chỉ đưa lại hệ lụy.

Vậy phải làm như thế nào?

Tôi rất nhớ, một lần vào dịp gần tết năm 1988, ba vị ủy viên Bộ Chính trị, là Đào Duy Tùng, Nguyễn Đức Tâm và Trần Xuân Bách, mời một số anh chị em trí thức khoa học đến phòng họp của Ban Bí thư để gặp gỡ cuối năm và hỏi ý kiến về chính sách đối với trí thức khoa học. Buổi đó tôi nhìn chỉ thấy khoảng chưa đến hai mươi người, họp mặt trong một không khí rất cởi mở và thân tình.

Hôm đó ba vị hỏi rất nhiều chuyện về chính sách đối với giới trí thức khoa học. Khi một vị hỏi về “Chính sách đãi ngộ”, ông nói rõ “Đãi ngộ”, thì tôi nhớ chị Hoàng Xuân Sính bật dậy khỏi chỗ ngồi và nói với tình cảm rất bức xúc. Tôi không nhớ nguyên văn lời chị, nhưng nhớ chuẩn xác ý tứ của chị: Chị nói rất rành rẽ, ý là “Xin Nhà nước đừng đãi ngộ chúng tôi”. Các vị lãnh đạo sửng sốt như nghe phải một lời giận dỗi. Nhưng không. Chị không hề giận dỗi. Chị nói tiếp “Chúng tôi không muốn nhận đãi ngộ, mà chúng tôi cần trả lương cho đúng với lao động”. “Ai trong chúng tôi không lao động xứng đáng thì dù bằng cấp cao Nhà nước đừng có trả lương”. Chị nói tiếp: “Nhưng không chỉ có trả lương, mà chúng tôi cần thái độ của Nhà nước đối với các công trình khoa học và công nghệ”. Chị dẫn sự kiện một chuyên gia kỹ thuật mang từ Pháp về một bộ hồ sơ kỹ thuật về chế tạo máy bay, thì gặp khó dễ ở sân bay, phải đến Thủ tướng Phạm Văn Đồng can thiệp thì bộ hồ sơ kỹ thuật đó mới qua được cửa khẩu. Chị nói “Ở các nước khác, khi các chuyên gia ‘ăn cắp’ được hồ sơ kỹ thuật thì đại sứ quán của họ chuyển về, nhưng ở ta thì, trong số những sứ quán mà chị biết, thì không thấy sứ quán nào nhận làm việc đó. Tôi nghe có tiếng cười và xì xào bình luận: “Là vì họ còn bận đi buôn!”.

Trong các luận văn thạc sỹ về quản lý khoa học và công nghệ mà tôi hướng dẫn, một vài luận văn đã đi theo hướng thu hút nhân lực (chứ không phải nhân tài, vì khái niệm này hiện còn rất tù mù) theo các dự án phát triển của địa phương. Hướng nghiên cứu này được các hội đồng cho là một phương hướng triển vọng.

Tôi nhớ hồi đầu thập niên 1980, tôi có cơ hội làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái (khi đó còn gọi là Ban Khoa học và Kỹ thuật của Tỉnh), thì được biết, tỉnh Yên Bái khi đó đã có mười mấy dự án phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, và mời tham gia rất nhiều chuyên gia trong tỉnh và ngoài tỉnh. Mặc dầu thời đó tỉnh còn rất nghèo, nhưng các chuyên gia được nhận kinh phí và điều kiện làm việc rất ưu tiên. Kết thúc công việc thì ai lại về nhà nấy, không cơ quan nào bị gây sức ép về bổ nhiệm hoặc đề bạt cán bộ.

Đó là một hướng thu hút nhân lực rất triển vọng mà chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện trong tầm tay.

Ai cũng biết Albert Einstein, là cha đẻ của thuyết tương đối vĩ đại. Nhưng ít người biết rằng Ông cũng là người mở đường cho các lý thuyết về nhiệt học và nguyên tử. Công trình nghiên cứu đầu đời của Einstein năm 1905 lúc 26 tuổi có nhan đề “Một phương pháp mới xác định kích thước phân tử”. Đây chính là luận văn tiến sĩ, dày 21 trang của Einstein. Khi ông nộp cho Trường Đại học Zurich Thụy Sĩ thì bị loại và gửi trả lại với lý do luận văn quá ngắn. Sau này, Einstein đã cười toáng lên kể lại với mọi người rằng Ông chỉ viết thêm đúng có một dòng thôi, nộp lại và được chấp nhận. Dễ hiểu rằng lần đầu, chỉ những viên chức hành chính kiểm tra theo chuẩn, không đạt theo quy định độ dài, nên loại ngay. Lần sau, công trình khoa học may mắn đến tay những người đủ sức đánh giá chất lượng, nên lập tức được thông qua. Nếu máy móc theo quy chuẩn số trang luận văn, Einstein sẽ không bao giờ là tiến sĩ, và chắc là không có giáo sư Einstein rồi thiên tài Einstein cũng đã bị chôn vùi từ lâu, may ra chỉ còn lại một Einstein viên chức hạng 2 ở phòng thẩm định sở hữu trí tuệ tại Bern!

 

Tác giả