Chính sách ứng phó COVID-19 của Thụy Điển: Canh bạc rủi ro

Thụy Điển vẫn ứng phó với đại dịch một mình một kiểu - theo đuổi miễn dịch cộng đồng. Giới khoa học rất quan tâm, bởi nếu cách làm này thành công sẽ khiến nhiều nước phải nhận thức lại về cách chống dịch của mình. Tuy nhiên, bài viết mới đây trên Science cho thấy, Thụy Điển đã phải trả một giá rất đắt cho chính sách khác biệt của mình, và tạo ra những rạn nứt đau đớn trong cộng đồng khoa học.


Người dân ở Stockhom vẫn không đeo khẩu trang, ảnh vào tháng 9/2020. Các quan chức y tế Thụy Điển vẫn cho rằng việc đeo khẩu trang cho cảm giác an toàn giả tạo, khiến mọi người quên biện pháp giãn cách xã hội. Nguồn ảnh: Euronews

Ngày 5/4, Anders Tegnell, trưởng nhóm dịch tễ học của cơ quan y tế công cộng Thụy Điển, đã gửi email đến Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật châu Âu (ECDC) để bày tỏ sự quan ngại về đề xuất đeo khẩu trang nơi công cộng vì cho rằng tình trạng lây lan qua không khí vẫn chưa được xác nhận rõ ràng, bằng chứng yếu, khuyến cáo này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin giữa người dân và nhân viên y tế. Đến ngày 8/4, ECDC vẫn công bố các khuyến nghị mới, trong đó “nên xem xét việc đeo khẩu trang nơi công cộng, đặc biệt ở không gian kín, đông người”. Tegnell phản hồi rằng họ vẫn không đồng tình với ECDC sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng.

Cách tiếp cận của Thụy Điển với đại dịch khác biệt so với toàn bộ phần còn lại của thế giới. Chính phủ không ban hành lệnh phong tỏa, giữ các trung tâm chăm sóc ban ngày và các trường tiểu học mở cửa. Trong khi các đô thị khắp nơi trên thế giới gặp cảnh đìu hiu thì người Thụy Điển và chuyện trò trong quán cà phê và tập thể dục trong phòng gym. Các quốc gia khác vừa ngưỡng mộ vừa cảnh giác với cách tiếp cận khác biệt này. Các chuyên gia đang tranh luận liệu chiến lược trên có thực sự xuất sắc, hay kiến trúc sư trưởng của nó, Tegnell, đã thất sách.

Nước này không hoàn toàn phớt lờ mối đe dọa. Mặc dù các cửa hàng và nhà hàng vẫn mở cửa, nhiều người Thụy Điển vẫn ở nhà, với tỷ lệ tương tự các nước láng giềng, theo một cuộc khảo sát và dữ liệu di động cho thấy. Chính phủ cũng ban hành một số biện pháp nghiêm ngặt từ cuối tháng ba, bao gồm lệnh cấm tụ tập hơn 50 người và hạn chế đến thăm viện dưỡng lão. 

Tuy nhiên, sự khác biệt trong chính sách của Thụy Điển vẫn rất nổi bật, bởi họ muốn tránh làm gián đoạn cuộc sống hằng ngày, và hy vọng cả nước sớm đạt được “miễn dịch cộng đồng” bằng cách trả một cái giá chấp nhận được sớm hơn nơi khác. 

Chính phủ không khuyến khích người dân đeo khẩu trang, vì nghĩ việc này đem lại cảm giác an toàn giả tạo, hoặc gây lo sợ dịch bệnh quá mức, trong khi đeo sai cách là tình trạng phổ biến. Họ thậm chí đã khiển trách và sa thải các bác sĩ khăng khăng ủng hộ việc đeo khẩu trang, mặc dù các bác sĩ nước này chỉ nói những gì các đồng nghiệp quốc tế đang nói.

Cho đến tháng trước, chính sách chính thức của Thụy Điển vẫn khẳng định người nhiễm không triệu chứng rất khó lây lan virus. Vì vậy, thay vì được cách ly hoặc yêu cầu ở nhà, những trường hợp tiếp xúc gần người bệnh vẫn đi học và đi làm nếu không biểu hiện triệu chứng. Tỷ lệ xét nghiệm của Thụy Điển vẫn thấp hơn nhiều các nước khác, người bị nhiễm phải tự thông báo tình trạng bệnh đến người mà họ tiếp xúc, trong khi Na Uy và Đức có những đội chuyên trách truy vết những người có khẳ năng bị phơi nhiễm. Cách tiếp cận này thậm chí còn nhận được một số lời ca ngợi, trong đó có Scott Atlas, thành viên nhóm ứng phó coronavirus của Tổng thống Donald Trump. Đặc biệt, chính sách được công chúng Thụy Điển ủng hộ rộng rãi. 

Cộng đồng khoa học và y tế Thụy Điển đã nổ ra cuộc tranh luận sôi nổi về chiến lược cá biệt này. Nhóm Vetenskapsforum Covid-19 (Diễn đàn khoa học Covid-19)  gồm nhiều nhà khoa học đã gay gắt phê bình cơ quan y tế công cộng của nước này, Folkhälsomyndigheten (FoHM). Họ cho rằng cái giá của cách tiếp cận này quá cao. Tỷ lệ tử vong tích lũy của Thụy Điển ngang ngửa với Mỹ, nơi đã có chính sách phản ứng tệ hại trước đại dịch. Virus gần như tự do lây lan bên trong các viện dưỡng lão, chừng 7% trong 14,000 người sống ở đây đã qua đời vì coronavirus. Hiện nay số ca nhiễm đang gia tăng nhanh chóng vùng đô thị Stockholm, nơi 1/4 dân số Thụy Điển sinh sống.

Lena Einhorn, một tác giả và nhà làm phim có bằng bác sĩ và tiến sĩ chuyên ngành virus và ung thư, lo lắng viết email cho Tegnell hỏi về mức độ sẵn sàng của Thụy Điển trước cảnh báo của Lancet về tình trạng lan tràn của virus trên toàn thế giới. Tegnell nói mô hình dự báo phức tạp này có quá ít dữ liệu. Bà tiếp tục nhấn mạnh mức độ dễ lây lan từ những người nhiễm không triệu chứng, đề nghị hạn chế du lịch từ Trung Quốc, và chỉ dừng chất vấn khi Tegnell trích dẫn sự phản đối của WHO đối với biện pháp này. 

Cuối tháng hai, vào kỳ nghỉ giữa năm học, ngay trong đợt bùng phát dịch ở miền Bắc nước Ý, hàng nghìn gia đình vẫn đi trượt tuyết trên dãy Alps. Họ đã băn khoăn nên đi hay không cho đến khi cơ quan y tế bảo rằng “Không, đừng hủy chuyến đi của bạn.” Và khi họ trở về, họ tự hỏi mình có nên tự cách ly hay không, nhưng Cơ quan Y tế công cộng Thụy Điển FoHM vẫn trấn an đừng nên lo lắng. 

Einhorn cùng nhiều chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, virus và dịch tễ đều đứng ngồi không yên trong lúc 30,000 người vẫn hồn nhiên tham dự vòng chung kết quốc gia của cuộc thi âm nhạc Eurovision. 

Đến ngày 12/3, khi số ca mắc mới vượt quá năng lực xét nghiệm, FoHM yêu cầu các bác sĩ chỉ xét nghiệm cho những người có biểu hiện bệnh nghiêm trọng. Nhà miễn dịch Cecilia Söderberg Nauclér từ viện Karolinska nói họ cần 500 giường hồi sức tích cực ICU trong khi Stockholm hiện chỉ còn có 90 giường. Trong cùng ngày, nước láng giềng Na Uy phong tỏa biên giới, đóng cửa trường học, cơ sở kinh doanh.

Tuần sau đó, Tegnell thông báo Thụy Điển sẽ cố gắng “làm phẳng đường cong”, nhằm tránh quá tải cho hệ thống y tế. Chính phủ giới hạn các cuộc tụ tập tối đa 500 người, nhưng nhà trẻ và trường học đến lớp 9 vẫn mở cửa, bậc học cao hơn sẽ được dạy trực tuyến. FoHM khuyến nghị mọi người nên làm việc tại nhà, nhưng năng lực xét nghiệm vẫn hạn chế và những trường hợp tiếp xúc gần không được yêu cầu ở nhà trừ khi họ có triệu chứng. 


Lena Einhorn (ảnh trái) là thành viên của Vetenskapsforum Covid-19, một nhóm chỉ trích mạnh mẽ chính sách của người đứng đầu cơ quan y tế công cộng Thụy Điển, Anders Tegnell (ảnh trên phải) và người tiền nhiệm, Johan Giesecke (ảnh dưới,  phải). Ảnh: Astrid Eriksson Tropp/CC3.0; Anders Wiklund/Getty Images; IBL/Shutterstock.

Chẳng bao lâu sau, số ca nhiễm tăng vọt. Cuối tháng ba, mỗi ngày có hơn 30 ca nhập ICU. Đến đầu tháng tư, Thụy Điển ghi nhận 90 ca tử vong mỗi ngày. Theo nhiều nhà phê bình, con số chưa phản ảnh đúng thực tế, vì nhiều người chết chưa được xét nghiệm. Các bệnh viện không quá tải như tại New York hay miền Bắc Ý vì nhiều bệnh nhân nặng không nhập viện, có lẽ vì chỉ thị ngày 17/3 yêu cầu các bệnh viện tại Stockholm không nhập ICU các bệnh nhân trên 80 tuổi hoặc BMI >40 vì khả năng phục hồi thấp. Hầu hết các viện dưỡng lão không trang bị thiết bị cung cấp oxy, nên nhiều người đã được tiêm morphine giảm đau. Báo chí đã kể về những trường hợp tử vong sau khi bị từ chối nhập ICU vì bệnh viện nghĩ họ còn quá trẻ để gặp biến chứng nghiêm trọng của Covid-19.  

Ngày 25/3, khi số ca mắc mới vượt quá 300 mỗi ngày, khoảng 2000 nhà khoa học ký một thư ngỏ kêu gọi các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn. Một bài nghiên cứu bởi 22 nhà nghiên cứu đăng trên báo Dagens Nyheter ngày 14/4 đã chỉ trích gay gắt sự thất bại của cơ quan y tế công cộng, yêu cầu các chính trị gia phải can thiệp. Báo cáo lưu ý rằng tỷ lệ tử vong tại Thụy Điển tương đương Ý và gấp 10 lần Phần Lan. Bài báo chê trách các quan chức của FoHM “đến nay không thể hiện được năng lực trong việc dự báo và hạn chế dịch bệnh”.

Bài báo ngay lập tức bị phàn nàn là đáng xấu hổ, thiếu tôn trọng các nhân viên y tế công cộng vì sự tấn công trực diện như vậy vi phạm chuẩn mực văn hóa tối thượng ở Thụy Điển, thêm nữa họ không phải là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực, và đã chọn lọc trích dẫn số liệu các ngày cao điểm. Göran Hansson, Tổng thư ký Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, thì cho rằng sự tranh luận là cần thiết. “Có lẽ Thụy Điển có văn hóa đồng thuận quá mức… Thảo luận khoa học là điều lành mạnh”, im lặng mới là điều cần tránh.

Brusselaers, thành viên Vetenskapsforum cho biết bà phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ các đồng nghiệp, bị chủ nhiệm khoa công khai khiển trách là “kẻ gây rối, nguy hiểm cho xã hội”. Họ cho rằng mọi người cần gắn bó và bảo vệ FoHM. “Chưa bao giờ cảm thấy mình là người nước ngoài”, nhưng hoàn cảnh mới khiến cô quyết định về nước để làm việc tại Đại học Antwerp, Bỉ, tuy vẫn giữ nhóm nghiên cứu tại Viện Karolinska.


Biểu đồ: Nguồn số liệu: Science, Văn phòng thống kê quốc gia Anh.

Agnieszka Howoruszko, một bác sĩ nhãn khoa cũng bị khiển trách vì đeo khẩu trang khi khám bệnh. Nhưng bà vẫn giữ vững lập trường, từ chối làm việc nếu không được đeo khẩu trang. Cuối cùng người quản lý phòng khám cũng chấp nhận, vì nhiều bệnh nhân ở đây là người cao tuổi và thuộc nhóm nguy cơ cao. 

Dorota Szlosowska, một bác sĩ hô hấp viết cho Science rằng lý do bà không được gia hạn hợp đồng là “cứ đi vòng quanh với một chiếc khẩu trang” khiến và trở nên không thân thiện. Björn Lindström, một bác sĩ nhãn khoa khác đã mạnh dạn viết cho tờ Dagens Nyheter giải thích lý do ông trở thành người duy nhất đeo khẩu trang vì không muốn vi phạm đạo luật an toàn bệnh nhân của Thụy Điển, phòng ngừa lây nhiễm cho bệnh nhân khi được chăm sóc. 

Và điều gì phải đến cũng đã đến. Các ổ dịch bùng phát bên trong bệnh viện mặc dù họ đã tuân thủ chính sách của FoHM. Hiện tại có 17 ổ dịch như vậy đang được điều tra. Bệnh viện khu vực Ryhov ở  Jönköping thông báo 20 bệnh nhân và 40 nhân viên đã nhiễm bệnh trong đợt bùng phát hồi tháng năm, trong đó 5 ca tử vong. Ít nhất 3 bệnh nhân tử vong vì Covid-19 sau khi nhiễm bệnh tại bệnh viện Đại học Lund. 

Quyết định không đóng cửa trường học của FoHM càng làm dịch bệnh thêm lan rộng. Lúc trẻ em chưa được xét nghiệm mặc dù có biểu hiện bệnh, tỷ lệ nhiễm ở trẻ em tại Thụy Điển tương đương Phần Lan, nơi thực hiện đóng cửa trường học. Đến khi FoHM cho phép xét nghiệm trẻ em có biểu hiện bệnh, số ca tăng vọt lên 100 ca vào tuần thứ hai của tháng sáu. Rồi đến tháng bảy, FoHM lại đảo ngược hướng dẫn lần nữa, không tiến hành xét nghiệm ở trẻ em. Dữ liệu gián tiếp chứng minh trẻ em Thụy Điển mắc bệnh nhiều hơn đáng kể so với Phần Lan. Tại Thụy Điển, 14 trẻ nhập khoa ICU, 70 trẻ gặp hội chứng đáp ứng viêm toàn thân, so với 1 và 5 trẻ ở Phần Lan. 

Tác động tiêu cực của cách tiếp cận mà Thụy Điển áp dụng là rất rõ ràng. Tổng cộng có 94.000 người đã mắc bệnh, ít nhất 5.895 người đã tử vong. Tỷ lệ tử vong 590 ca trên 1 triệu dân ở đây ngang với Hoa Kỳ (591) và Ý (600), gấp nhiều lần so với Na Uy (50), Đan Mạch (108) và Đức (113).


Một cặp đôi cao tuổi đang dùng bữa tách biệt với những thành viên còn lại của gia đình. Nhiều người Thụy Điển giảm tiếp xúc xã hội mặc dù chính phủ không yêu cầu. Ảnh ngày 18/4/2020. Ảnh: David Lidstrom/Getty Images.

So với số ca tử vong trung bình các năm trước, số ca tử vong vượt mức [được quy kết cho Covid-19] ở Thụy Điển tuy thấp hơn Anh và xứ Wales (nơi mức phí y tế cao nhất châu Âu) nhưng vẫn cao hơn Đức và các nước Bắc Âu khác. Cộng đồng nhập cư ở Thụy Điển chịu ảnh hưởng nặng nề, 111 người từ Somalia và 247 người từ Syria tử vong so với mức trung bình 5 năm trước tuơng ứng là 34 và 93 người.

Tegnell nhiều lần nhấn mạnh, Thụy Điển có cách tiếp cận tổng thể, cân bằng giữa nguy cơ do virus và thiệt hại từ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Chiến lược của họ là ưu tiên bảo vệ người cao tuổi và nhóm nguy cơ cao, đồng thời làm chậm sự lây lan đủ để tránh tình trạng quá tải bệnh viện. Tegnell cho rằng cách tiếp cận này bền vững hơn các biện pháp khắc nghiệt của các nước khác. Ông lấy làm tiếc về con số tử vong trong các viện dưỡng lão, và nói đáng ra Thụy Điển cần hỗ trợ tài chính dễ dàng hơn cho nhân viên chăm sóc tại gia. Tegnell cho biết tỷ lệ lây lan trong viện dưỡng lão nay đã thấp hơn trong cộng đồng, và nghi ngờ rằng cuối cùng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở các nước khác sẽ đạt mức tương đương Thụy Điển. Einhorn cảm thấy điều này quá vô lý. “Tôi sẽ ngả mũ bái phục nếu Na Uy bắt kịp Thụy Điển về tỷ lệ tử vong do Covid-19”.

Nhiều người chỉ trích FoHM đang cố gắng đạt “miễn dịch cộng đồng”. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng từng đùa giỡn với ý tưởng này, nhưng cuối cùng đã bác bỏ nó (sau khi chính ông cũng mắc Covid-19). Thủ tướng Hà Lan trước đây cũng cho rằng phương pháp này không làm tổn thương nền kinh tế.

Các nhà khoa học dự đoán cần 40-70% dân số đạt miễn dịch mới đủ ngăn chặn sự lây lan của virus. Nhưng nếu tỷ lệ đó đạt được không nhờ vaccine thì đồng nghĩa với số lượng tử vong quá cao, và kéo theo nhiều hệ lụy lâu dài. 

Tegnell luôn phủ nhận việc FoHM theo đuổi mục tiêu “miễn dịch cộng đồng”. Nhưng các rò rỉ cho biết ông từng thảo luận về vấn đề này, và suy đoán “việc giữ cho các trường học mở cửa giúp đạt đến miễn dịch cộng đồng nhanh hơn”. Khi các đồng nghiệp Phần Lan cho biết đóng cửa trường học có thể làm giảm 10% tỷ lệ lây nhiễm ở người cao tuổi, Tegnell đã trả lời “10% liệu có đáng không?”.

Lãnh đạo tiền nhiệm của Tegnell là Johan Giesecke, giáo sư dịch tễ học tại viện Karolinska, nay đã về hưu, cũng bảo vệ cho chiến lược của FoHM. Ông cho rằng 98-99% người nhiễm bệnh không nhận ra mình bị nhiễm, vậy nên ngăn chặn sự lây lan là vô ích, nên tập trung vào việc chăm sóc các nạn nhân kém may mắn. 

Giesecke, đồng thời là thành viên nhóm tư vấn của WHO về bệnh truyền nhiễm, cũng tư vấn cách tiếp cận tương tự cho các chính phủ khác. Ngày 23/9, ông nói với Ủy ban Quốc hội Ireland rằng nên hướng tới lây nhiễm có kiểm soát ở người dưới 60 tuổi và ở mức độ chấp nhận được ở người trên 60 tuổi. Tuy nhiên sau đó ông vẫn cho rằng Chính phủ Ireland chịu trách nhiệm cho các chính sách của mình. Trong một bài báo trên Lancet, Giesecke tuyên bố 21% dân số Stockholm đã nhiễm bệnh, Tegnell thì dự báo tỷ lệ này đạt 40% vào cuối tháng năm. Khi các số liệu cho thấy con số thực sự chỉ là 6%, Tegnell giải thích rằng khả năng miễn dịch rất khó đo lường. Đến giữa tháng sáu, chỉ 12% dân số Stockholm và 6-8% dân số Thụy Điển có kháng thể với virus.

Lợi ích của “miễn dịch cộng đồng” vẫn còn đang gây tranh cãi và chưa rõ ràng. Từ số ca mắc mới kỷ lục 1,698 ca ngày 24/6, đến đầu tháng chín chỉ còn khoảng 200 ca mỗi ngày, tỷ lệ xét nghiệm dương tính thấp kỷ lục, đạt 1.2%. Nhưng nguyên nhân chính ở đây có thể là kỳ nghỉ hè truyền thống của Thụy Điển, khi hàng trăm nghìn người rời đô thị đi dã ngoại. Và khi kỳ nghỉ kết thúc, số ca mắc mới tăng lên 633 ca, trong ngày 25/9. Số ca mắc mới của Stockholm tăng gấp ba trong vòng hai tuần.
“Thí nghiệm” của Thụy Điển sắp dừng lại, vì nước này đang lặng lẽ điều chỉnh chính sách cho phù hợp với các nước láng giềng. Họ tăng tỷ lệ xét nghiệp ngang bằng với Na Uy, mặc dù chỉ bằng 1/4 Đan Mạch. Khuyến nghị không xét nghiệm cho trẻ em 6-16 tuổi đã được loại bỏ lần hai để giúp các em có triệu chứng được trở lại trường sớm hơn nếu kết quả âm tính. Trẻ em dưới 6 tuổi vẫn không được xét nghiệm trừ khi bệnh nặng. 

Số ca mắc giảm xuống cho phép áp dụng hệ thống theo dõi tiếp xúc dành cho các bệnh khác để theo dõi Covid-19. FoHM cũng đã yêu cầu người thân của người bệnh cần ở nhà trong bảy ngày ngay cả khi không có triệu chứng (mặc dù trẻ em vẫn đến trường). Hansson và đồng nghiệp kiến nghị FoHM nên giảm 50% hành khách trên phương tiện giao thông công cộng, khuyến cáo đeo khẩu trang và cách ly tất cả khách du lịch đến từ vùng đang bùng phát dịch. Ngày 25/9, Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển đã tập hợp một nhóm chuyên gia để so sánh phản ứng của Thụy Điển với các quốc gia khác nhằm chuẩn bị cho các tình huống khủng hoảng tương lai.

Hansson cho rằng FoHM nên lắng nghe ý kiến của cộng đồng khoa học trong và ngoài nước một cách cẩn trọng hơn. Ông hy vọng những rạn nứt sẽ được hàn gắn. Nhưng không phải ai cũng lạc quan như ông, ít nhất ba thành viên của Vetenskapsforum đang cân nhắc rời khỏi Thụy Điển như Brusselaers. Ngay cả khi “miễn dịch cộng đồng” đủ mạnh để tránh làn sóng lây lan tiếp theo, nhiều nhà khoa học vẫn không muốn các nước học theo cách làm của Thụy Điển để phải trả cái giá quá đắt như vậy.

Cao Hồng Chiến lược dịch
Science DOI: 10.1126/science.370.6513.159

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)