Chống lại tạp chí “săn mồi”: Cuộc chiến dai dẳng

Hoạt động bình duyệt là nền tảng của xuất bản và đánh giá học thuật – hai điều thiết yếu của quá trình nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, các mô hình xuất bản học thuật, hệ thống bình duyệt và đánh giá nghiên cứu theo chuẩn mực thông thường chưa bao giờ hoàn toàn miễn nhiễm trước sự lợi dụng và gian dối. Điểm yếu đó làm tổn hại chất lượng nghiên cứu và khiến hệ thống truyền thông học thuật trở nên yếu đuối trước các hành vi săn mồi trắng trợn.

Nguồn: Scholary Kitchen.

Sự sinh sôi của các tạp chí và hội nghị săn mồi

Mặc dù việc số hóa truyền thông học thuật và sự phát triển không ngừng của các mô hình truy cập mở đã thay đổi nhiều bộ phận của khoa học và mở ra những cách thức hứa hẹn để truy cập, truyền bá và tạo ra kiến ​​thức, nhưng chúng cũng làm cho các hành vi săn mồi ngày càng nở rộ. Những thay đổi trong truyền thông học thuật, đánh giá, bình duyệt, xếp hạng trường đại học, số liệu và mô hình kinh doanh đã vô tình nuôi dưỡng các hành vi săn mồi.

Các hành vi săn mồi đang gia tăng. Chúng ngày càng tinh vi hơn khiến việc phát hiện, theo dõi và giám sát các ấn phẩm và hội nghị mang tính lừa đảo, cũng như việc phân biệt rõ ràng chúng với những ấn phẩm đứng đắn nhưng kinh phí vận hành khiêm tốn và chất lượng thấp, trở nên khó khăn hơn. Sự khác biệt giữa các tạp chí ăn thịt và tạp chí đáng tin cậy đang trở nên mờ dần (chủ yếu là do cái trước xâm nhập vào cái sau), điều này khiến nỗ lực ngăn chặn chúng trở nên ngày càng thách thức.

Ngày nay, “danh sách đen/danh sách an toàn” cố gắng tách biệt các quy trình tốt và các quy trình xấu theo cách trắng đen rạch ròi vẫn đang quá đơn giản. Cách phân biệt này có nguy cơ dẫn đến việc từ chối các tạp chí và hội nghị nhỏ nhưng nghiêm túc, trong khi lại bỏ qua các hoạt động có vấn đề ở các biên tập viên đã xây dựng được uy tín. Và bức tranh ở đây không chỉ là màu trắng và đen. Định nghĩa được quốc tế đồng thuận về các hành vi săn mồi còn công nhận cả các sắc thái màu xám [1].

Phạm vi chất lượng của các tạp chí trải dài từ mức Lừa đảo đến Nghiêm túc, trong đó mức Chất lượng thấp nằm ở giữa. Những kẻ lừa đảo tồi tệ nhất là những kẻ thể hiện những lời nói dối trắng trợn và hành vi không trung thực, thiếu kiểm soát biên tập, bỏ qua bình duyệt và sử dụng tên của các ấn phẩm, tổ chức hoặc nhà nghiên cứu có uy tín một cách gian đối. Nhưng ngay cả những đơn vị đã có danh tiếng và được công nhận cũng có thể có những hành vi đáng ngờ và phi đạo đức. Một ví dụ tiêu biểu là hành động tạo ra các tạp chí hạng hai nhằm xuất bản các nghiên cứu bị từ chối trước đó để đổi lấy tiền. Các sắc thái xám nhạt như vậy có thể khó phát hiện hơn, chủ yếu do hầu hết các tạp chí và hội nghị (dù hợp pháp hay mang tính lừa đảo) đều hoạt động sau những cánh cửa đóng kín. Hơn nữa, các tạp chí và hội nghị học thuật có thể thay đổi tình hình nhanh chóng, từ năm này sang năm khác.

Nghiên cứu gần đây cho thấy có hơn 15.500 tạp chí săn mồi, theo Báo cáo Săn mồi Cabells năm 2022 [2, tr. 12]. Mặc dù không có nhiều số liệu thống kê về các hội nghị săn mồi, chúng có thể còn phổ biến hơn các hội nghị nghiêm túc thực chất. Các hoạt động học thuật săn mồi từng xảy ra chủ yếu ở châu Phi và châu Á, nhưng giờ đây chúng xuất hiện trên toàn thế giới, ngay cả ở Hoa Kỳ và châu Âu.

Một cuộc khảo sát toàn cầu của các nhà nghiên cứu

Để ghi lại quan điểm của các học giả và nhà nghiên cứu về các tạp chí và hội nghị săn mồi, IAP đã tiến hành một cuộc khảo sát đặc biệt, mở và toàn diện đối với cộng đồng nghiên cứu toàn cầu vào năm 2021. Kết quả khảo sát chứng minh rằng tình trạng này đã thâm nhập vào tất cả các nơi trên thế giới trong nhiều lĩnh vực và giai đoạn nghề nghiệp. Hơn 80% trong số hơn 1.800 người được hỏi từ 112 quốc gia tự nguyện tham gia đã cho rằng các tạp chí và hội nghị săn mồi đã là một vấn đề nghiêm trọng hoặc đang gia tăng ở quốc gia của họ, với mức độ lo ngại cao nhất được thể hiện bởi những người ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình: nhiều nhà nghiên cứu ở Nam Á, Châu Mỹ Latinh & Caribe và Châu Phi cận Sahara bày tỏ nhiều lo ngại hơn so với những người ở EU.

Nếu không có giải pháp, các hoạt động học thuật săn mồi có nguy cơ sẽ xâm nhập và phá hoại hệ thống nghiên cứu, thúc đẩy các thông tin sai lệch và gây ra những hậu quả đối với chính sách công, cũng như có khả năng gây tổn hại và mở rộng khoảng cách nghiên cứu giữa các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập cao trong một hệ thống vốn đã thiên vị nặng nề.

Những người tham gia khảo sát trên toàn thế giới lo ngại rằng, nếu không có giải pháp, các hoạt động học thuật săn mồi có nguy cơ sẽ xâm nhập và phá hoại hệ thống nghiên cứu, thúc đẩy các thông tin sai lệch và gây ra những hậu quả đối với chính sách công, cũng như có khả năng gây tổn hại và mở rộng khoảng cách nghiên cứu giữa các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập cao trong một hệ thống vốn đã thiên vị nặng nề. Những người được hỏi cho rằng sự thiếu nhận thức là lý do chính khiến họ trở thành nạn nhân của các hành vi săn mồi, qua đó cho thấy nhu cầu cấp thiết phải có các chiến dịch nâng cao nhận thức, đào tạo và các hoạt động cố vấn để bảo vệ các nhà nghiên cứu ở mọi giai đoạn trong sự nghiệp của họ.

Cũng có bằng chứng về sự thông đồng giữa các cá nhân và tổ chức: các nhà nghiên cứu cố tình xuất bản trên các tạp chí săn mồi và tham dự các hội nghị săn mồi; thái độ chủ quan hoặc chấp nhận hành vi săn mồi mang tính hệ thống trong các cơ quan; và các tổ chức hàng đầu tổ chức các hội nghị săn mồi để tạo thu nhập trong khi dựng nên vẻ ngoài đáng tin cậy cho những kẻ điều hành săn mồi. 14% số người tham gia khảo sát thừa nhận đã xuất bản trên các tạp chí săn mồi hoặc tham dự các hội nghị săn mồi, chủ yếu là vì họ không biết vào thời điểm đó hoặc đăng bài để thăng tiến trong sự nghiệp. Trong khi đó, 10% cho biết họ không chắc chắn, qua đó cho thấy việc phân biệt các hành vi săn mồi khó khăn như thế nào. Còn những người khác, mặc dù trả lời câu hỏi ẩn danh, có thể đã do dự trong việc tự thừa nhận hoạt động này vì lo sợ hậu quả.

Nếu ngoại suy, 14% các nhà nghiên cứu trên thế giới tương đương với hơn 1,2 triệu nhà nghiên cứu. Điều này thể hiện hàng tỷ USD ngân sách nghiên cứu đã bị lãng phí. Một số nhà bình luận lập luận rằng sự lãng phí của việc xuất bản săn mồi chỉ là một giọt nước trong thùng khi so sánh với sự lãng phí nghiên cứu do việc thiết kế hoặc mua sắm thiết bị một cách yếu kém gây ra. Tuy nhiên, cách lập luận này đã bỏ qua một mối lo ngại nghiêm trọng: sự mất lòng tin của công chúng vào khoa học và tính liêm chính của nghiên cứu nếu các hành vi trục lợi và các nghiên cứu đầy thiếu sót và đưa thông tin sai lệch được phép phát triển. Nhận thấy sự lo lắng này, hơn 90% số người tham gia cuộc thăm dò ý kiến ​​cho biết phải chấm dứt hoạt động xuất bản các tạp chí săn mồi.

Các công cụ chiến thuật để chống lại các hành vi săn mồi

Có rất nhiều các biện pháp can thiệp đa dạng để giảm thiểu các tạp chí và hội nghị săn mồi. Chúng giúp (i) phơi bày những hành vi này bằng danh sách theo dõi tạp chí an toàn/tạp chí phải bị chặn [2]; (ii) đào tạo các nhà nghiên cứu để họ có thể tránh thực hiện hành vi này và giảm thiểu rủi ro của chính họ thông qua các hướng dẫn, danh sách kiểm tra[3] và các chương trình đào tạo; (iii) xây dựng chính sách quốc gia và chính sách viện nghiên cứu để áp dụng các quy định gây bất lợi; và (iv) hỗ trợ tất cả các tạp chí và hội nghị (ở mức độ thấp hơn), bao gồm cả những tạp chí địa phương và chất lượng thấp (có thể các tạp chí này thể hiện một số đặc điểm săn mồi) nhưng có thiện chí cải thiện, bằng cách đặt ra các nguyên tắc minh bạch và thực hành biên tập nỗ lực tối đa.

Nguồn: Nature.

Các nhà nghiên cứu nên thực hành việc thẩm định để giảm thiểu rủi ro khi sử dụng các đơn vị săn mồi và không nên chỉ dựa vào danh sách theo dõi các tạp chí. Dù các danh sách kiểm tra giúp nhận ra các đơn vị tốt và đơn vị chưa tốt là một biện pháp phổ biến, tuy nhiên, chúng có nguy cơ gây bất lợi cho các tạp chí ít danh tiếng hơn. Đồng thời, các danh sách này cũng cần phải cập nhật để theo kịp lĩnh vực xuất bản săn mồi đầy sôi động.

Dưới đây là các mẹo sinh tồn phổ biến chống lại nhà xuất bản săn mồi:

• Logic thông thường là các nhà xuất bản phải trả tiền cho các tác giả để có nội dung chất lượng, chứ không phải ngược lại.

• Suy nghĩ về các mức độ chất lượng, chứ không phải chỉ theo kiểu “đen và trắng”.

• Làm quen với tiêu chuẩn và các điểm đặc trưng nhất của các tạp chí và hội nghị săn mồi được đề cập đến trong bài viết này. Nếu tạp chí hoặc hội nghị đó khớp với nhiều hơn hai trong số các đặc điểm đã nêu, bạn nên tránh chúng.

• Kiểm tra thông tin nếu một tạp chí tuyên bố rằng họ nằm trong một danh mục có uy tín, ví dụ: Scopus hoặc Web of Science. Nếu thông tin không đúng, hãy tránh tạp chí đó.

• Kiểm tra xem DOAJ (Directory of Open Access Journals) có liệt kê tạp chí này hay không: nếu có, tạp chí đó ít có khả năng gặp vấn đề vì nó đã được đánh giá; tương tự, nếu một tạp chí là thành viên của COPE (Ủy ban Đạo đức Xuất bản), thì tạp chí đó phải tuân theo đạo đức xuất bản của COPE (Các Thông lệ Cốt lõi của COPE).

• Thận trọng với (các) danh sách tạp chí được chấp nhận và không được chấp nhận của cơ quan bạn; danh sách đó có thể đã lỗi thời. Việc thẩm định có nghĩa là bạn phải kiểm tra chéo.

• Tìm kiếm lời khuyên từ người cố vấn/người giám sát/đồng nghiệp: nếu họ cần được cung cấp thêm thông tin, hãy khuyến khích họ tiếp tục tìm hiểu.

• Hãy nghi ngờ nếu một tạp chí đề nghị xuất bản bài báo nhanh chóng đến mức phi thực tế: cần biết rằng việc bình duyệt nghiêm túc cần phải có thời gian.

• Bỏ qua các email SPAM: chúng có thể là các email LỪA ĐẢO. Địa chỉ website sai, nhầm tên, phạm vi học thuật quá rộng và liên tục gửi lặp lại các email dù bạn không mong muốn chính là những dấu hiệu cảnh báo.

Các tác giả nên ngừng việc cố ý xuất bản, hoặc trích dẫn các tạp chí săn mồi hoặc trình bày tại các hội nghị săn mồi, hay lãng phí thời gian và tiền bạc cho chúng. Các giảng viên nên từ chối đóng vai trò là người phản biện cho các tạp chí như vậy hoặc ngồi trong ban biên tập của họ. Các thành viên ban giám khảo nên đánh giá các tạp chí mà các ứng cử viên và chủ nhiệm đề tài đã xuất bản để áp dụng các biện pháp trừng phạt.

Các tổ chức nghiên cứu nên hỗ trợ và đào tạo các giảng viên và giáo sư. Những người hướng dẫn hoặc cố vấn cũng cần có trách nhiệm đặc biệt trong việc giải quyết vấn đề này để giúp đỡ sinh viên một cách thích hợp. Các thành viên của các hội học thuật, học viện, hoặc hiệp hội các nhà khoa học có nhiệm vụ hoạt động tích cực để bảo vệ sự liêm chính của nghề nghiệp.

Tất cả những công cụ và biện pháp can thiệp này đều có vai trò của mình, đặc biệt là trong việc nâng cao nhận thức để giảm thiểu rủi ro cho mỗi cá nhân. Tuy nhiên, cũng cần phải có các biện pháp can thiệp toàn cầu và những biện pháp giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống – các vấn đề thúc đẩy các hành vi săn mồi – cũng như những hậu quả lường trước ​​và ngoài dự kiến.

Chiến lược dài hạn chống lại các tác nhân dẫn đến hành vi săn mồi

Cho đến nay, chúng ta vẫn gần như chưa chú ý đến những động lực thúc đẩy các hoạt động săn mồi. Đối với các nhà xuất bản săn mồi đã biết, họ khai thác việc số hóa xuất bản học thuật, truy cập mở thương mại (hoặc vàng) và các mô hình tác giả trả tiền, để làm lợi cho mình. Các tiêu chí đánh giá nghiên cứu dựa trên số lượng, chứ không phải chất lượng, có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động săn mồi. Dưới đây là ba nguyên nhân chính thúc đẩy hoạt động của các tạp chí và hội nghị học thuật săn mồi, nếu được giải quyết, sẽ có tác động lâu dài và bền vững:

a) việc kiếm tiền và thương mại hóa ngày càng tăng của hệ thống học thuật, bao gồm hệ thống xuất bản học thuật mà lợi ích thương mại và độc quyền có thể dẫn đến xung đột với tính liêm chính của nghiên cứu, với mô hình tác giả trả tiền (trả tiền để xuất bản, trả tiền để hiện diện) đang được áp dụng sẽ đặc biệt dễ bị lạm dụng bởi các đơn vị săn mồi;

b) sự phổ biến của các hệ thống đánh giá nghiên cứu lấy số lượng làm trọng hơn chất lượng, cùng với các động lực và sự khuyến khích mang tính thể chế định hình hành vi của từng học giả;

c) những thách thức và điểm yếu nghiêm trọng trong hệ thống bình duyệt, đặc biệt là sự cần thiết có một hệ thống minh bạch hơn (cho dù là hoàn toàn mở, ẩn danh hoặc kết hợp) trong quá trình bình duyệt, và sự thiếu đào tạo, năng lực và sự công nhận của những người bình duyệt.

Cuộc chiến chống lại các tạp chí và hội nghị săn mồi nằm trên ba mặt trận này. Các bên liên quan chính có ảnh hưởng hoặc hành động có thể tạo ra sự thay đổi bao gồm các nhà nghiên cứu, lãnh đạo của các Tổ chức Giáo dục Đại học, học viện khoa học, nhà tài trợ nghiên cứu, thư viện và dịch vụ lập chỉ mục, nhà xuất bản và các tổ chức quản lý khoa học quốc tế. Các bên liên quan có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến toàn cầu chống lại các tạp chí và hội nghị săn mồi, đồng thời phá hủy các động lực, cấu trúc và các dịch vụ liên quan hỗ trợ chúng.

Để trả lời a), tất cả các bên liên quan quan trọng có trách nhiệm thúc đẩy một cuộc thảo luận cởi mở, toàn diện và toàn cầu về cách chuyển đổi sang các mô hình kinh tế bền vững hơn, ít động cơ lợi nhuận hơn của xuất bản truy cập mở [2], bao gồm cả việc đưa ra các lựa chọn thay thế cho mô hình tác giả trả tiền hoặc trả tiền để xuất bản / trả tiền để xuất hiện, để trang trải các chi phí liên quan đến xuất bản học thuật.

Việc trả lời câu b) đòi hỏi chúng ta phải thừa nhận rằng bản chất “công bố hay là chết” (số lượng hơn chất lượng) của các hệ thống đánh giá nghiên cứu tạo ra sự khuyến khích sai lầm khiến các nhà nghiên cứu cố tình xuất bản ở các tạp chí săn mồi. Các cơ quan quản lý nghiên cứu – các trường đại học, các nhà tài trợ nghiên cứu, các cơ quan chuyên môn và đại diện, chẳng hạn như các học viện – chịu trách nhiệm cải cách hệ thống đánh giá nghiên cứu sao cho phù hợp hơn với mục đích, dựa trên đà đánh giá nghiên cứu có trách nhiệm thực hiện bởi một số tổ chức học thuật và các nhà tài trợ nghiên cứu.

Đối với c), bình duyệt là lĩnh vực ít được hỗ trợ và lưu trữ tài liệu nhất của quy trình nghiên cứu. Các quy trình mù đôi (double-blind), ban đầu được thiết kế để giảm thiểu sự thiên vị trong hệ thống thông qua tính bảo mật, nay lại là một nguyên nhân khiến cho các hành vi săn mồi không bị chú ý. Việc thiếu sự công nhận và đào tạo chuyên nghiệp về bình duyệt khiến cho việc trở thành người bình duyệt nghiên cứu trở nên kém hấp dẫn. Và khi cầu vượt cung sẽ xuất hiện nguy cơ giảm bớt sự nghiêm ngặt trong bình duyệt, khiến cho lời hứa của các dịch vụ săn mồi càng trở nên hấp dẫn hơn. Việc tăng cường tính minh bạch trong bình duyệt (dù là mở hoàn toàn, ẩn danh hay kết hợp), đào tạo, bồi dưỡng và khen thưởng thực hành tốt đều là những yêu cầu cấp bách, cũng như như việc phải nghiên cứu sâu hơn về các mô hình cho sự phát triển của nó khi kết quả nghiên cứu đa dạng hóa.

Chúng ta có thể thực hiện một số biện pháp ngay lập tức; song một số biện pháp khác lại đòi hỏi phải áp dụng lâu dài, bền vững để có thể thay đổi hệ thống. Tất cả phải nhận ra rằng các hệ thống sản xuất tri thức/nghiên cứu, truyền thông và quản trị sẽ tiếp tục phát triển, vì vậy phải tạo không gian cho các chủ thể mới, sáng tạo hơn và toàn diện hơn. Gần như ngay lập tức, việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng học thuật về những nguy cơ tiềm tàng của các tạp chí và hội nghị săn mồi phải là ưu tiên hàng đầu, đồng thời phải cung cấp hướng dẫn rộng rãi mang tính bắt buộc cho các nhà nghiên cứu.

Kết luận

Nhận thức và hiểu biết về các hoạt động và hành vi săn mồi cần được cải thiện, bao gồm cả cách tránh chúng và hậu quả của việc không làm như vậy. Thực sự, các tác động kinh tế, chính sách, nghiên cứu, nghề nghiệp và cá nhân đang bị đánh giá thấp trong các nghiên cứu hiện tại. Hơn nữa, không chỉ các nghiên cứu chất lượng thấp tìm đến các tạp chí săn mồi; các nghiên cứu chất lượng cũng có thể rơi vào những tạp chí như vậy. Do đó, nhu cầu cấp thiết là phải tập huấn cho tất cả các cấp học – từ sinh viên tốt nghiệp đến nhà nghiên cứu lâu năm, người giám sát, người cố vấn và thủ thư – để nâng cao nhận thức và giảm thiểu rủi ro, tính dễ bị tổn thương và sự cám dỗ đối với việc đăng bài trên các tạp chí săn mồi.

Các tạp chí và hội nghị săn mồi có nguy cơ ăn sâu vào văn hóa nghiên cứu. Một số nhà nghiên cứu cố tình sử dụng các tạp chí săn mồi để thăng tiến trong sự nghiệp, đáp ứng các mốc thời gian nghiên cứu hoặc do áp lực từ đồng nghiệp, và có dấu hiệu cho thấy các hành vi săn mồi đang được thể chế hóa để nâng cao thứ hạng của tổ chức. Chúng ta nên đưa ra các thực hành thể chế tốt, việc thẩm định và biện pháp không khuyến khích đối với những người vi phạm nhiều lần vào tất cả các Tổ chức Giáo dục Đại học, thông qua sự hỗ trợ của các nhà tài trợ nghiên cứu và các tổ chức quản lý khoa học, và sự ủng hộ của các hiệp hội học thuật và các học viện quốc gia.□

Mỹ Hạnh dịch

—–

Chú thích

[1]  A. Grudniewicz et al., “Predatory journals: no definition, no defence,” Nature, vol. 576, no. 7786, pp. 210–212, Dec. 2019, doi: 10.1038/d41586-019-03759-y

[2] M. Hà-Dương, “Truy cập mở: Giấc mơ lãng mạn ?,” Tia Sáng, vol. 1+2, pp. 34–39, Jan. 10, 2023.

[3]  IAP, Combatting Predatory Academic Journals and Conferences. InterAcademy Partnership, 2022. Accessed: Apr. 25, 2023. [Online]. Available: https://www.interacademies.org/project/predatorypublishing

Tác giả

(Visited 18 times, 1 visits today)