Chức danh khoa học không thể xin – cho

Nói về dự thảo Nghị định Quy định chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ đang trình Chính phủ, Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân cho biết, không thể xin - cho các chức danh như “Nhà khoa học đầu ngành”, “Nhà khoa học trẻ tài năng”...

Thưa Bộ trưởng, dự thảo Nghị định Quy định chính sách sử dụng, trọng dụng nhà khoa học nhận được sự hoan nghênh của dư luận. Song không ít nhà khoa học cũng quan ngại, việc hành chính hóa các chức danh như nhà khoa học trẻ tài năng, nhà khoa học đầu ngành dễ dẫn đến “lạm phát” các nhà khoa học này, Bộ trưởng có thể cho biết ý kiến về vấn đề này?

Trong quá trình dự thảo Nghị định, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cân nhắc và nghiên cứu ý kiến đóng góp của các nhà khoa học.

Ở đây, các nhà khoa học được coi là đâu ngành, nhà khoa học trẻ tài năng phải đáp ứng đồng thời nhiều tiêu chí.

Ví dụ, các nhà khoa học đầu ngành, bên cạnh gần chục tiêu chí theo quy định của Nghị định như đang đương chức, đứng đầu một cơ sở nghiên cứu hoặc đào tạo; là tác giả chính của bài báo khoa học được đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín, chủ biên sách chuyên khảo, sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ; tham gia hoặc chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ hợp tác quốc tế… thì quan trọng nhất, phải được sự tôn vinh của chính các nhà khoa học trong giới.

Ví dụ, nhà toán học đầu ngành, ngoài việc đáp ứng các tiêu chí quy định phải được Ban chấp hành Hội Toán học Việt Nam tín nhiệm thông qua hình thức bỏ phiếu và phải đạt quá 2/3 số phiếu mới được vinh danh. Một hội chuyên ngành không thể tôn vinh 5-7 nhà khoa học đầu ngành được. Vì thế, khó có nguy cơ tràn lan các nhà khoa học đầu ngành.

Nhà khoa học trẻ tài năng cũng như vậy, phải đáp ứng đồng thời nhiều tiêu chí như dưới 35 tuổi, có công trình đạt giải thưởng trong nước hoặc quốc tế có uy tín, có bài báo công bố quốc tế hoặc sáng chế được đánh giá tốt…

Với các tiêu chí ấy, theo thống kê của chúng tôi, số lượng các nhà khoa học trẻ tài năng sẽ không nhiều.

Tôi cũng phải nói thêm, nhà khoa học trẻ tài năng không phải đương nhiên được ưu đãi.

“Nhà khoa học đầu ngành, phải có sự tôn vinh của những người trong giới mà sự tôn vinh, tín nhiệm ấy không thể mua được. Hơn nữa, nhà khoa học có tự trọng cao, nói thực là họ khác với quan chức, quan chức có thể chạy để có cái nọ, cái kia nhưng các nhà khoa học sẽ không chạy để lấy chức danh đầu ngành đâu”. – Bộ trưởng Bộ KH và CN Nguyễn Quân.

Bên cạnh điều kiện cần là đáp ứng các tiêu chí thì điều kiện đủ là đề xuất nghiên cứu của anh phải được cơ quan có chức năng đánh giá tốt, cần thiết cho xã hội mới được hưởng các chính sách ưu đãi, trọng dụng. Tôi tin rằng, với các nhà khoa học trẻ tài năng, nếu chọn đúng người, giao đúng việc sẽ có sản phẩm khoa học tốt.

Nhiều nhà khoa học cũng bày tỏ, việc hành chính hóa các chức danh nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học tài năng có thể dẫn đến cơ chế xin cho?

Không thể xin cho, như tôi đã nói, thứ nhất nhà khoa học đầu ngành hay nhà khoa học trẻ tài năng phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đặt ra mới được tôn vinh mà các tiêu chí ấy thì không thể xin, cho.

Thứ hai, nhà khoa học đầu ngành, phải có sự tôn vinh của những người trong giới mà sự tôn vinh, tín nhiệm ấy không thể mua được.

Hơn nữa, nhà khoa học có tự trọng cao, nói thực là họ khác với quan chức, quan chức có thể chạy để có cái nọ, cái kia nhưng các nhà khoa học sẽ không chạy để lấy chức danh đầu ngành đâu.

Vậy theo Bộ trưởng, Nghị định khi đi vào thực tế sẽ tạo ra bước đột phá gì cho phát triển khoa học công nghệ ở Việt Nam?

Dự thảo Nghị định Quy định chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ hiện đã trình Chính phủ. Nếu được ban hành sẽ tạo ra mấy đột phá quan trọng như:

Thứ nhất, số lượng các sản phẩm khoa học của chúng ta những năm tới sẽ tăng rất nhanh và chất lượng tốt hơn vì các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học trẻ tài năng được ưu tiên giao các nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, có thể đứng đầu các nhóm nghiên cứu hoặc được tạo điều kiện thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ, tiến hành các đề tài nghiên cứu mới.

Thứ hai, chúng ta sẽ sớm có những nhà khoa học tầm cỡ quốc tế, có thể coi như những tổng công trình sư. Hiện nay Việt Nam gần như không có tổng công trình sư. Vì thế chúng ta chưa có được những công trình tầm cỡ do người Việt Nam tự làm.

Nói chung một tổng công trình sư phải có tầm cỡ quốc tế vì những công trình lớn bây giờ mang tầm quốc tế cả trong thiết kế và công nghệ. Với Nghị định này, chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ sớm có những tổng công trình sư như thế.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)