Chương trình điện hạt nhân Việt Nam: Những điều kiện để thành công

Ngày 24/5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân có cuộc tọa đàm với các nhà khoa học, chuyên gia trong các lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân nhằm trao đổi, tìm những giải pháp hỗ trợ triển khai chương trình điện hạt nhân Việt Nam. Bài viết sau đây tổng hợp những ý kiến rất đáng quan tâm của GS. Pierre Darriulat về một số điều kiện cần để đảm bảo thành công của chương trình.

Sự thành công của chương trình điện hạt nhân ở mọi quốc gia đều đòi hỏi những nỗ lực tối đa của các nhà khoa học, trước hết là trong công tác đào tạo các chuyên gia, kỹ sư vận hành nhà máy điện hạt nhân. Nếu không làm tốt công tác đào tạo, các nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào sự quản lý của các cán bộ hành chính thiếu trình độ chuyên môn, kết hợp với chuyên gia nước ngoài, là những người không thể có nhiều tâm huyết như các nhà khoa học trong nước đối với các vấn đề quan trọng như an toàn hạt nhân, thông tin liên lạc với công chúng, xây dựng phát triển nguồn nhân lực KH&CN, v.v. Thiếu sự tham gia của các nhà khoa học trong nước dẫn đến chủ quyền của Việt Nam trong các dự án điện hạt nhân sẽ bị suy giảm và nguy cơ tai nạn hạt nhân sẽ cao hơn.

Vai trò của tổng công trình sư

Điều chúng ta cần nhất hiện nay là một tổng công trình sư thực sự chịu trách nhiệm thay vì một hội đồng – một dự án điện hạt nhân có tầm quan trọng lớn lao với nền kinh tế và sự phát triển đất nước, đồng thời có tính nhạy cảm cao đối với công chúng, không thể được quản lý bởi một hội đồng.

Người tổng công trình sư nhất thiết phải là người: có tri thức khoa học và sự am hiểu sâu sắc về lĩnh vực điện hạt nhân, thấy được sự cần thiết của chương trình điện hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng để phát triển đất nước; có đủ kinh nghiệm về quản lý các dự án quy mô lớn, am hiểu tầm quan trọng của từng cấu phần dự án, gồm các khía cạnh khoa học, kỹ thuật, quản trị, và tài chính; có tầm nhìn rộng về chính sách của đất nước trong các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường, và địa chính trị…; đồng thời là người có ý thức cao về công tác thông tin tới công chúng, duy trì hình ảnh tích cực của chương trình điện hạt nhân, và đặc biệt nhạy cảm với các vấn đề an toàn hạt nhân.

Người đó phải được giao điều hành một cơ quan đủ mạnh, ví dụ như các ủy ban năng lượng nguyên tử ở Mỹ, Anh, và Pháp khi các nước này bắt đầu khởi động các chương trình năng lượng nguyên tử của họ. Và trên hết là phải nhận được sự tôn trọng từ cả Bộ KH&CN và Bộ Công thương, đồng thời được quyền báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ là người trực tiếp chỉ đạo các bộ trưởng và lãnh đạo các, ban ngành.

Đào tạo nhóm chuyên gia điện hạt nhân

Bên cạnh đó, Việt Nam cần tập trung xây dựng một trung tâm quốc gia, với nhiệm vụ duy nhất là đào tạo một nhóm các nhà khoa học và kỹ sư phục vụ cho chương trình điện hạt nhân – khi chưa thực sự đầu tư cho nguồn nhân lực thì việc sử dụng ngân sách nhà nước cho bất kỳ hoạt động nào khác của chương trình điện hạt nhân đều chỉ mang lại sự tốn kém vô ích. Mặc dù trung tâm này có nhiệm vụ phục vụ nhu cầu đào tạo của Bộ KH&CN và các bộ, ngành liên quan, nhưng người lãnh đạo trung tâm phải báo cáo trực tiếp với tổng công trình sư của chương trình điện hạt nhân quốc gia.

Tôi muốn nhấn mạnh sự cần thiết đào tạo theo nhóm thay vì tách biệt từng cá nhân, nhằm xây dựng những đội ngũ cán bộ, chuyên gia tốt nhất. Đào tạo theo nhóm nghĩa là học viên không được gửi ra nước ngoài trong thời gian quá dài. Họ cần phải trở về trung tâm sau mỗi đợt tập huấn ở nước ngoài (khoảng một năm hoặc ngắn hơn) và tham gia vào một tiến trình giảng dạy và học liên tục. Sự tương tác và trao đổi kinh nghiệm như vậy sẽ tạo lập các mối liên kết gắn bó giữa các thành viên trong nhóm, xây dựng một phông văn hóa chuyên môn chung. Trung tâm cần theo dõi sát sao tiến trình học tập của từng học viên khi họ ở nước ngoài và tổ chức các bài giảng, hội thảo để họ có nhiều cơ hội tham gia thuyết trình, giảng dạy. Nên mời các chuyên gia quốc tế trong các khoảng thời gian ngắn hạn (thông thường khoảng một tháng) để họ thuyết giảng và tương tác gần gũi với học viên.

Thầy và trò tại các trung tâm đều phải là những người xuất sắc. Không chỉ giỏi chuyên môn, họ còn phải là những người nhiệt thành và trung thực. Chúng ta cần tạo dựng một trung tâm được hình thành bởi lòng khát khao phục vụ tổ quốc thay vì lợi ích của các cá nhân. Việc tuyển chọn thầy và trò phải tuân thủ những quy định chặt chẽ, công khai minh bạch.

Cán bộ của trung tâm không nên chỉ là các nhà kỹ trị, mà phải gồm những người có tầm nhìn phong phú trong các lĩnh vực, vấn đề liên quan tới nhà máy điện hạt nhân, như vấn đề an toàn, thông tin, tương tác với công chúng, và các chuyên gia địa chính trị châu Á am hiểu về Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc. Đương nhiên chúng ta cần những chuyên gia am hiểu các vấn đề kỹ thuật như xử lý chất thải hạt nhân, các công nghệ tiên tiến như lò phản ứng tái sinh, các máy gia tốc tạo ra nhiệt hạch, v.v. Nếu có thể thì nên thành lập một hội đồng tư vấn quốc tế và có sự tham gia của chuyên gia quốc tế (không chỉ là chuyên gia Nga) trong các hội đồng tuyển chọn nhân sự.

Việc thu hút thầy và trò giỏi đòi hỏi sự lên kế hoạch dài hạn (ví dụ một kế hoạch chi tiết cho 5 năm tới được gối đầu với một kế hoạch 5 năm kế tiếp có mức độ chi tiết cụ thể thấp hơn) về nhân lực và tài chính, để họ thực sự tin tưởng vào tính nghiêm túc của chương trình đào tạo và sự quyết tâm của Nhà nước phát triển nguồn nhân lực chương trình điện hạt nhân của quốc gia.

Một số đề xuất khác

Một điều vô cùng cấp bách là xây dựng một kế hoạch triển khai có tính hiện thực cao, được tuân thủ nghiêm ngặt thay vì liên tục bị trì hoãn. Kế hoạch này phải được công bố công khai rộng rãi nhằm tăng uy tín, lòng tin từ công chúng đối với chương trình điện hạt nhân.

Việc xây dựng những quy định quản lý Nhà nước đối với chương trình điện hạt nhân phải vô cùng thận trọng để tránh sự áp đặt gây trì trệ và quan liêu. Thủ tục hành chính nên được đơn giản hóa tối đa – hoạt động hành chính chỉ nên nhằm mục đích phục vụ thay vì mục đích kiểm soát.

Cần ưu tiên phát triển năng lực, trình độ để quản lý chương trình điện hạt nhân thành công trong lâu dài, tuy nhiên, cũng phải tìm ra những giải pháp để bù lấp các khoảng trống trước mắt, cụ thể như cần cân nhắc tuyển dụng các chuyên gia nước ngoài, Việt kiều, khi không có giải pháp khả thi nào khác.

Chính sách, chế độ đãi ngộ các chuyên gia cần kết hợp cả hợp đồng có thời hạn và hợp đồng vô thời hạn, với mức lương đủ sức hấp dẫn. Điều này đặc biệt cần trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta phải đối diện với những thực tế đáng buồn và có hại cho nền khoa học nước nhà, chẳng hạn những thạc sỹ chuyên ngành kinh tế, marketing, quản lý dự án, v.v có thể có mức lương cao gấp ba lần lương một giáo sư đại học giàu kinh nghiệm. Chúng ta cần tạo mức thu nhập đủ cao cho chuyên gia, cán bộ (ít nhất gấp 5 lần mức lương thông thường) làm việc cho chương trình điện hạt nhân quốc gia, là những người đã chứng tỏ được năng lực, trình độ của mình sau giai đoạn thử thách ban đầu. Điều này vô cùng quan trọng để thu hút các nhà khoa học, kỹ sư giỏi nhằm đảm bảo thành công của các dự án điện hạt nhân.

Công tác thông tin và quan hệ với công chúng của chương trình điện hạt nhân còn những hạn chế cơ bản phải được khắc phục cải thiện. Ví dụ điển hình như việc đề xuất địa điểm thích hợp cho việc xây dựng lò phản ứng nghiên cứu mới ở Đà Lạt bị ủy ban nhân dân của địa phương từ chối, hay việc mới đây chúng ta tổ chức Ngày KH&CN Việt Nam lần đầu tiên nhưng đáng tiếc không hề có các hoạt động giới thiệu thông tin về chương trình điện hạt nhân.

Nhận xét về đề nghị bổ nhiệm một tổng công trình sư chuyên trách chương trình điện hạt nhân của Việt Nam như GS. Pierre Darriulat trình bày trong bài viết này, GS. Phạm Duy Hiển cho rằng đây là một ý kiến đúng đắn cần thiết và là điều thông thường ở những chương trình điện hạt nhân của các quốc gia khác.
Tuy nhiên, GS. Phạm Duy Hiển cũng chỉ ra một trở ngại cơ bản cho đề nghị này trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam, đó là nhiều khả năng cơ chế quản lý hành chính hiện hành ở nước ta sẽ đòi hỏi tổng công trình sư đó phải đang giữ một vị trí cao – tương đương cấp lãnh đạo một Bộ, ngành – trong bộ máy quản lý của Đảng và Nhà nước. Nhưng không một cá nhân nhà lãnh đạo cấp cao nào như vậy ở nước ta có đủ kinh nghiệm, tri thức khoa học, cùng các tri thức liên quan để có thể đảm nhiệm công việc tổng công trình sư cho chương trình điện hạt nhân Việt Nam. Mà nếu Nhà nước bổ nhiệm một người thiếu năng lực vào vị trí này thì chương trình điện hạt nhân của chúng ta sẽ rất khó được triển khai một cách hiệu quả, chưa kể còn mang đến những nguy cơ tiềm ẩn không nhỏ.

        PHẠM TRẦN LÊ dịch

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)