Cơ chế mới để thúc đẩy khoa học Nga phát triển

Tại phiên điều trần trước quốc hội Nga, Viện sĩ Grigory Trubnikov, giám đốc Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna (JINR) nêu một số sáng kiến, bao gồm các gói hỗ trợ và phát triển các trung tâm khoa học quốc tế ở Nga, đồng thời giới thiệu "hộ chiếu khoa học" để đơn giản hóa việc xuất nhập cảnh vào Nga, cũng như cơ chế quản lý trong các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu khám phá.

Mới đây, Viện sĩ Grigory Trubnikov, giám đốc Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna (JINR) đã tham gia phiên điều trần trước quốc hội với chủ đề “Tiềm lực về nhân sự khoa học của đất nước: hiện trạng, xu hướng phát triển và giải pháp thúc đẩy tăng trưởng”. Ông Valentina Matvienko, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga, chủ trì. Viện sĩ Grigory Trubnikov đã trình bày trước các thượng nghị sĩ một số sáng kiến, bao gồm các gói hỗ trợ và phát triển các trung tâm khoa học quốc tế ở Nga, đồng thời giới thiệu “hộ chiếu nhà khoa học” để đơn giản hóa việc xuất nhập cảnh vào Nga, cũng như cơ chế quản lý trong các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu khám phá.

Trong bài phát biểu của mình, Viện sĩ Grigory Trubnikov đã ghi nhận vai trò cốt lõi của các dự án khoa học quốc tế ở Dubna, Gatchina, Protvino, Sarov, Hồ Baikal, Đảo Russky, và những dự án khác đối với sự phát triển đất nước. Ông lưu ý “Nhờ có Viện JINR, khoa học của nước Nga đã phát triển vươn ra khắp năm châu. Trong khuôn khổ sự hợp tác giữa Nga với các nước thành viên, cùng với các quốc gia khác như Đức, Trung Quốc, Pháp,… việc xây dựng tổ hợp máy gia tốc để có thể nghiên cứu về các đặc tính của vật chất baryon đậm đặc NICA (Nuclotron-based Ion Collider fAсility) trên quy mô toàn cầu đang được hoàn thành. Nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm quốc tế trên quy mô lớn đã được tiến hành tại các cơ sở đang hoạt động như: Cơ sở nguyên tố siêu nặng, lò xung nhanh, tổ hợp tính toán siêu hội tụ. Mô hình trung tâm khoa học liên chính phủ đã chứng minh tính hiệu quả to lớn của nó, và đó là lý do chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và cơ hội hợp tác nhằm phát triển các trung tâm quốc tế tại Nga, đồng thời nâng cao trình độ nhân lực cho các cơ sở này. Với chúng tôi, nhân viên là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của dự án”.

Ngoài ra, Viện sĩ Grigory Trubnikov cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận có hệ thống trong hợp tác quốc tế và phát triển ngoại giao khoa học để đạt được các mục tiêu chiến lược mà ban lãnh đạo khoa học và công nghệ đã đặt ra. Cơ sở cho cách tiếp cận như vậy đã được đề cập trong “Khái niệm Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH&CN”.

Giám đốc JINR cũng cho rằng: “Việc đảm bảo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học Nga và những cộng sự đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong mỗi dự án. Cần tạo ra cơ sở pháp lý hiện đại cho hoạt động của các trung tâm nghiên cứu quốc tế ở Nga, đồng thời đưa ra “hộ chiếu khoa học” nhằm đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh cho các nhà nghiên cứu đến từ các quốc gia khác. Chúng ta không thể sớm hoàn thành những nhiệm vụ đột phá sáng tạo nếu không tạo điều kiện cho việc di cư “thông minh” thông qua “hành lang xanh”, mà trước hết, cần dành ưu tiên đặc biệt cho các đối tác có kinh nghiệm làm việc tại các trung tâm khoa học hàng đầu và các nhà nghiên cứu đã lựa chọn Nga làm điểm đến để thực hiện những dự án tham vọng, cùng với các dự án được ưu tiên trong Chiến lược Phát triển KH&CN”.

Các hoạt động khoa học cần phải được đặt ở vị trí ưu tiên đặc biệt trong các chế tài lập pháp bởi đây là những hoạt động đặc biệt nhằm tạo ra tri thức và thúc đẩy phát triển. Viện sĩ Grigory Trubnikov cho biết: “Để các tổ chức và nhóm nghiên cứu có thể tập trung làm việc và tăng cường hiệu quả hoạt động cần có một cơ chế quản lý: loại bỏ việc kiểm soát qua các chỉ số trung gian để chuyển sang tập trung đánh giá kết quả cuối cùng; đồng thời đảm bảo quyền lợi đối với những rủi ro trong nghiên cứu cơ bản và khám phá; khởi động các chương trình nghiên cứu dài hạn trong các khung nhiệm vụ cấp quốc gia để giải quyết các bài toàn mở; cho phép đồng tài trợ cho các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu khoa học từ các nguồn ngân sách và ngoài ngân sách khác; chuyển giao liên ngân sách không rào cản và tăng cường hỗ trợ các thành phố khoa học; nới lỏng các quy định mua sắm đối với thiết bị khoa học đặc biệt và các vật liệu/chất thử sử dụng trong nghiên cứu. Sự phát triển khoa học và công nghệ đòi hỏi thực hiện vô điều kiện các cơ chế quy định đã đề ra”.

Sự kiện cũng có sự tham gia của Bộ trưởng Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga, ông Valery Falkov, Chủ tịch RAS Alexander Sergeev, Chủ tịch Liên minh Hiệu trưởng Liên bang Nga, Hiệu trưởng MSU (Moscow State University), ông Victor Sadovnichy, Thống đốc vùng Novosibirsk, ông Andrey Travnikov, cùng với đại diện các tổ chức khoa học và giáo dục, và cộng đồng chuyên gia.

Trần Thiện Phương Anh dịch

Nguồnhttps://vinatom.gov.vn/chu-tich-jinr-phat-bieu-truoc-hoi-dong-lien-bang-nga/

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)