Có sự thiên vị trong các khoản tài trợ uy tín của châu Âu ?
Theo một nghiên cứu về vòng tài trợ năm 2014, nhiều khả năng là các khoản tài trợ uy tín của Liên minh châu Âu – vốn dành cho các nhà khoa học ở giai đoạn đầu sự nghiệp – được các ủy ban xét duyệt tài trợ trao cho những ứng viên có mối liên hệ với cơ quan nghiên cứu của một số thành viên trong ủy ban xét duyệt.
Sự thiên vị dường như chỉ giới hạn trong lĩnh vực khoa học sự sống, KHXH&NV. Nguồn: Nature
Có hai điểm đáng chú ý là tác động này dường như chỉ giới hạn trong lĩnh vực khoa học sự sống, KHXH&NV; bản thân nghiên cứu này hiện nay vẫn chưa được bình duyệt. Tuy nhiên, “những phát hiện này cần được xem xét một cách nghiêm túc”, đồng tác giả nghiên cứu, Peter van den Besselaar, một nhà khoa học xã hội tại ĐH Tự do Amsterdam, cho biết.
Mặc dù các nghiên cứu trước đây đã tìm thấy bằng chứng về sự thiên vị trong các khoản tài trợ ở những quốc gia châu Âu, nhưng “tôi rất ngạc nhiên khi hiện tượng này lại được ghi nhận ở mức cao đến vậy trong khoản tài trợ của ERC”, Giovanni Abramo, giám đốc nghiên cứu công nghệ tại Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia (CNR) của Ý, cho biết.
Khoản tài trợ ‘khởi đầu sự nghiệp’ ERC là một trong những chương trình tài trợ dành cho các nhà khoa học trẻ có uy tín nhất trong giới học thuật, trao đến 1,5 triệu euro trong vòng năm năm cho các tiến sĩ trẻ tài năng đã hoàn thành chương trình đào tạo nghiên cứu sinh từ bảy năm trở lại. Van den Besselaar và Charlie Mom – một nhà tư vấn nghiên cứu đang làm việc tại Amsterdam, đã cùng đánh giá sự thiên lệch trong phân bổ các khoản tài trợ giai đoạn 2014, với 3.207 người nộp hồ sơ xin tài trợ và 375 người nhận được tài trợ.
Các tác giả đã xem xét thứ mà họ gọi là “hiệu ứng thân cận với người trong hội đồng Quỹ” – nếu người trong hội đồng ‘ở chung nhà’, nghĩa là đến từ cùng một trường đại học hoặc cơ quan nghiên cứu của ứng viên; hoặc đến từ ‘tổ chức chủ trì’ nơi người trong ứng viên dự định thực hiện nghiên cứu – thì sẽ gây ra các tác động như thế nào.
Họ phát hiện ra, với tất cả các lĩnh vực, những ứng viên ở ‘chung nhà’ và ‘tổ chức chủ nhà’ với một thành viên trong hội đồng trở lên thì khả năng nhận được tài trợ sẽ cao hơn 40% so với nhóm còn lại. Những trường hợp này chủ yếu nằm ở những người nộp đơn dự định sẽ sử dụng khoản trợ cấp tại cơ quan mà họ đã đăng ký. Tỷ lệ thành công của những người nộp đơn kể trên cao hơn khoảng 80% so với mức trung bình trong lĩnh vực khoa học sự sống, 40% trong lĩnh vực KHXH&NV nhưng điều này dường như lại khá mờ nhạt trong lĩnh vực vật lý và kỹ thuật.
Van den Besselaar thừa nhận, “hiệu ứng thân cận với hội đồng Quỹ” cũng chưa chắc là bằng chứng của thiên vị, bởi những người nộp đơn chất lượng nhất có xu hướng tập trung tại một số cơ quan nghiên cứu nhất định. Để kiểm tra điều này, họ đã đánh giá xem liệu những người nộp đơn có mối quan hệ gần với một người trong hội đồng thì có điểm tốt hơn trên các thước đo về thành tích nghiên cứu học thuật hay không. Phân tích cho thấy, những người nộp đơn thành công và có quan hệ với thành viên hội đồng, lại đạt điểm kém hơn về các chỉ số thành tích so với những người nộp hồ sơ nhận được tài trợ mà không có quan hệ với thành viên hội đồng, và thậm chí còn thấp hơn một số ứng viên không được nhận tài trợ. Tuy vậy, “không thể giải thích ‘hiệu ứng than cận với hội đồng Quỹ’ bằng cách chỉ ra thành tích của những người nộp hồ sơ”, Van den Besselaar nói.
Ngược lại, những ứng viên có quan hệ dường như xuất bản thường xuyên hơn trên các tạp chỉ có chỉ số IF cao và có nhiều hợp tác hơn với những nhà nghiên cứu từ các tổ chức xếp hạng cao. Tuy nhiên, các tác giả đã phân loại hai thước đo này như là dấu hiệu của danh tiếng hơn là thành tích.
Theo chính sách của ERC, nếu một thành viên hội đồng làm việc trong cùng một tổ chức với người nộp đơn, ERC sẽ không cho phép họ – trừ một số trường hợp ngoại lệ – tham gia xét duyệt và yêu cầu họ rời khỏi các cuộc họp khi thảo luận về hồ sơ của ứng viên này. Van den Besselaar và Mom không trực tiếp quan sát các hội đồng làm việc để biết rằng liệu họ có tuân thủ quy tắc này hay không.
Trong tuyên bố qua e-mail, ERC cho biết không thể bình luận gì vì nghiên cứu này chưa được bình duyệt. □
Hà Trang dịch
Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-021-01362-8
(Visited 1 times, 1 visits today)