Công bố quốc tế: Vẫn chuyện lượng hay chất

Tại buổi tổng kết hoạt động năm 2014 và phương hướng hoạt động năm 2015 của Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia (Nafosted) đã có một số quan điểm khác nhau trong đánh giá công bố quốc tế từ các nghiên cứu do Quỹ tài trợ.

Báo cáo tổng kết năm 2014 của giám đốc Quỹ Nafosted Đỗ Tiến Dũng cho thấy, số lượng công bố quốc tế từ các đề tài do Quỹ Nafosted tài trợ tiếp tục tăng so với các năm trước nhưng theo đánh giá của một số nhà khoa học, sự tăng trưởng về số lượng này vẫn chưa đi cùng với chất lượng, thậm chí đã xuất hiện xu thế “xé lẻ” đề tài để có nhiều công bố quốc tế hơn, đáp ứng đủ chỉ tiêu theo quy định của Quỹ.

PGS. TS Đặng Quang Á (Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và TS Đồng Văn Quyền (Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) chỉ ra, điều đó thể hiện phần nào qua hệ số trích dẫn từ những công trình do Quỹ Nafosted tài trợ vẫn còn thấp. Theo thống kê trích dẫn trung bình bài báo ISI từ nguồn ISIKNOWLEGE năm 2014, hệ số trích dẫn này mới đạt con số 0,29 lần. “Vì Việt Nam đã qua giai đoạn cần sự kích thích số lượng công bố quốc tế, Quỹ Nafosted nên có biện pháp phù hợp để tăng chất lượng các công bố do Quỹ tài trợ lên”, TS Đồng Văn Quyền nói. 

Tuy nhiên, từ góc độ của một nhà nghiên cứu có năng suất công bố quốc tế cao hàng đầu ở trường ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS. TS Nguyễn Văn Hiếu (Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu) lại có ý kiến trái ngược. “Nhiều nhà khoa học lo ngại về chất lượng công bố quốc tế từ đề tài do Quỹ Nafosted tài trợ và cho rằng chúng ta đang chạy theo số lượng. Nhưng thực chất, số lượng công bố trên các tạp chí ISI của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, thấp ngay cả so với khu vực Đông Nam Á. Theo thống kê ISIKNOWLEGE thì năm 2014, Việt Nam có tổng số 2.301 công bố, xếp hạng tư khu vực, sau Singapore – 12.387 công bố, Malaysia – 10.208 công bố, và Thái Lan – 6.633 công bố. Nếu tính theo tỷ lệ công bố trên tổng số dân hơn 90 triệu người thì rõ ràng chúng ta kém quá xa Singapore (hơn 5 triệu dân), Malaysia (hơn 30 triệu dân) hay Thái Lan (hơn 66 triệu dân).” 

PGS Nguyễn Văn Hiếu giải thích thêm về sự liên hệ giữa chất lượng và số lượng công bố quốc tế: “Nếu chưa có bài báo 1, 2 điểm thì chúng ta khó có thể có được bài báo 10 điểm, trừ một số trường hợp đặc biệt xuất sắc. Việc bắt đầu có công bố trên các tạp chí chưa có hệ số ảnh hưởng IF cao cũng giúp các nhà khoa học trẻ Việt Nam làm quen dần dần với môi trường nghiên cứu quốc tế”. Việc đi từng bước cũng là điều tất yếu với các nền khoa học bởi “cách đây năm năm, đến một cường quốc khoa học của châu Á như Hàn Quốc vẫn còn chưa nghĩ nhiều đến những tạp chí có hệ số IF cao. Nếu một viện nghiên cứu hoặc một trường đại học tự hạn chế mình công bố trên các tạp chí ISI có hệ số IF khiêm tốn, thì sẽ còn rất lâu chúng ta mới có được kết quả như của Hàn Quốc. Và với một môi trường nghiên cứu như trường đại học mà một năm có dưới 100 công bố quốc tế thì không còn là trường đại học nữa”. 

Theo giám đốc Đỗ Tiến Dũng, số lượng công bố quốc tế từ các đề tài do Quỹ Nafosted tài trợ có mức tăng trưởng tốt nhưng bản thân điều đó cũng bộc lộ một số hạn chế như nhiều nhà khoa học đã đề cập trong buổi tổng kết năm 2014 hay nhiều hội thảo trước đó. Vì vậy, Quỹ Nafosted đã đề ra nhiều mục tiêu để nâng cao chất lượng của các công bố quốc tế ngay trong năm 2015. Trước mắt, Quỹ sẽ có chính sách khuyến khích các tác giả có bài báo được đăng tải trên các tạp chí ISI có hệ số ảnh hưởng IF cao, có uy tín. Ví dụ, với những đề tài có bài báo chất lượng cao, Quỹ Nafosted và Hội đồng đánh giá chuyên môn sẽ xem xét công nhận một bài báo thay vì hai như quy định. 

Vì Việt Nam đã qua giai đoạn cần sự kích thích số lượng công bố quốc tế, Quỹ Nafosted nên có biện pháp phù hợp để tăng chất lượng các công bố do Quỹ tài trợ lên”. – TS Đồng Văn Quyền

Giải đáp câu hỏi của TS Lê Mai Hương (Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện KH&CN Việt Nam) và một số nhà khoa học khác: đâu là tiêu chí của một tạp chí ISI có uy tín, giám đốc Quỹ Nafosted Đỗ Tiến Dũng cho rằng do đặc thù của các ngành khác nhau nên hội đồng đánh giá có thể áp dụng tiêu chuẩn một cách linh hoạt theo từng ngành cụ thể; đồng thời trong danh mục các tạp chí ISI mà các nhà quản lý Quỹ Nafosted và các Hội đồng đánh giá đã lựa chọn trong những năm qua sẽ tiếp tục được tinh học, loại bớt các tạp chí ISI có chất lượng thấp. Các tạp chí tham khảo phải thuộc danh mục tạp chí SCI và SCIE (đối với với lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật) và thuộc danh mục AHCI và SSCI (đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn). Ngoài ra sẽ bổ sung danh mục tạp chí Scopus (Hà Lan), vốn có phổ rộng hơn nhưng có sự giao thoa với ISI cũng rất lớn. Danh mục tạp chí quốc tế cũng có thể xét đến những tạp chí của các trường đại học thuộc tốp 100, tốp 50 khu vực. 

Một nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình tài trợ của Quỹ Nafosted trong năm tới là hỗ trợ hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh ở các trường/viện, trước mắt sẽ là năm nhóm về khoa học cơ bản, trên cơ sở những quy định, tiêu chí về nhóm nghiên cứu mạnh được Quỹ xây dựng trong năm 2014. Việc hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh không chỉ góp phần đem lại khả năng triển khai các hướng nghiên cứu đỉnh cao, tiến tới hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, các trường phái khoa học mà còn góp phần tạo ra động lực cho các nhà khoa học Việt Nam nâng cao chất lượng các công bố quốc tế.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)