Cứu nguy sông Sài Gòn – cần một giải pháp tổng hợp

Sông Sài Gòn với chiều dài gần 110km, chảy qua 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và TPHCM, là nguồn cung cấp  nước sinh hoạt quan trọng nhất cho hơn 10 triệu dân trong lưu vực, đang bị nước thải từ các hoạt động công nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, và cả sinh hoạt từ các khu dân cư đầu độc ở mức độ báo động khẩn cấp. Với viễn cảnh này thì chẳng bao lâu nữa sông Sài Gòn có thể sẽ trở thành sông Thị Vải thứ hai như Giáo sư - tiến sĩ Lâm Minh Triết đã nhận định: "nếu không cương quyết thực hiện (việc bảo vệ nguồn nước)  thì sông Sài Gòn cũng sẽ trở thành "dòng sông chết" trong tương lai gần.

Nhiều cuộc hội thảo đã diễn ra, nhưng những gì các nhà khoa học nêu ra đến nay chỉ dừng lại với việc và cảnh báo tình trạng ô nhiễm sông Sài Gòn và xác định các nguyên nhân chứ chưa có liều thuốc cụ thể cho căn bệnh ô nhiễm này. Vậy liệu có giải pháp tổng thể nào cho vấn đề này không?

Với một dòng sông như sông Sài Gòn – chảy qua địa phận nhiều tỉnh, để giải quyết vấn đề ô nhiễm thì việc quản lý không thể thực hiện đơn giản phân khúc địa lý theo kiểu hành chinh được. Rõ ràng là “nước chảy bèo trôi”, một sự cố gây ô nhiễm ở Tây Ninh, Bình Dương (thượng lưu) có thể dễ dàng lan toả tới TP. HCM (hạ lưu). Chuyện ô nhiễm kênh Ba Bò là một ví dụ sống động nhất. Việc chỉ lo xử lý nước sông ở tại TP. HCM sẽ chỉ là giải quyết phần ngọn, không bao giờ giải quyết dứt điểm được vấn đề. Do đó, cần phải thực hiện ngay việc quản lý tổng hợp sông Sài Gòn theo lưu vực.

Việc quản lý tổng hợp sông theo lưu vực là một vấn đề đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới trong nửa cuối của thế kỷ 20 và phát triển rất mạnh trong vài thập kỷ gần đây. Hiện nay trên thế giới đã có hàng trăm các tổ chức quản lý lưu vực sông được thành lập để quản lý tổng hợp lưu vực sông (Integrated river basin management: IRBM), đó là một quá trình bao gồm quản lý kết hợp gìn giữ và phát triển thống nhất tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan khác trong lưu vực nhằm tối ưu hoá các lợi ích về kinh tế, xã hội có được từ nguồn nước; giúp nhận diện, ngăn ngừa, xử lý các tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước, bảo đảm tính bền vững của hệ thống môi trường của toàn lưu vực.

Vấn đề quản lý tổng hợp lưu vực sông ở đây phải bao gồm:

Việc quản lý, bảo vệ, trồng mới rừng đầu nguồn sông Sài Gòn, góp phần bảo đảm cho sông có nguồn nước sạch và ổn định;

Việc quy hoạch xây dựng các công trình dọc theo dòng sông, đặc biệt là việc xây dựng các cơ sở sản xuất có khả năng gây ô nhiễm;

Việc sử dụng nguồn nước cho tất cả các mục đích: công nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi trồng trọt, nước cấp sinh hoạt, thuỷ điện… góp phần duy trì nguồn nước được dồi dào, ổn định theo mùa;

Việc sử dụng nguồn nước cấp và quan trọng hơn là nước thải ra trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, nông nghiệp (nước chảy tràn do mưa, nước xả ra từ ruộng có thể chứa một lượng thuốc bảo vệ thực vật đáng kể); nước thải từ hoạt động mang tính chất dịch vụ như y tế (bệnh viện), du lịch (khách sạn, nhà hàng), chợ… và cả nước thải  sinh hoạt từ các khu dân cư. Dần dần tiến đến xử lý cả nước thải sinh hoạt, không cho phép thải trực tiếp vào sông. Thực hiện điều này sẽ giúp đảm bảo nước được sử dụng hợp lý, bền vững, đồng thời hạn chế được nguồn gây ô nhiễm đối với sông Sài Gòn.

– Và quan trọng nhất là: quản lý nước thải và xử lý nước thải từ các khu công nghiệp. Cần có biện pháp buộc các khu công nghiệp phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải chung cho toàn khu; các nhà máy phải đấu nối dẫn nước thải về hệ thống xử lý; với nhà máy có trạm xử lý riêng thì cần tăng cường kiểm tra chất lượng nước thải;  

– Quản lý, giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước trong lưu vực giữa các nhóm lợi ích khác nhau (như nuôi trồng thuỷ sản với hoạt động sản xuất, trường hợp Vedan và các hộ nuôi tôm, cá là một ví dụ)

Để thực hiện tốt việc quản lý tổng hợp sông Sài Gòn theo lưu vực cần có một  bộ máy hiệu quả. Cụ thể là cần có một Ủy ban Lưu vực sông Sài Gòn đủ mạnh bao gồm đại diện các tỉnh, các ngành và cả đại diện người dân có lợi ích chung trên lưu vực và được hoạt động độc lập trên cơ sở Luật Tài nguyên nước và Luật Môi trường. Đứng đầu Uỷ ban sẽ là một Chủ tịch UBND tỉnh, thành và hoạt động theo chế độ luân phiên. Ủy ban sẽ làm nhiệm vụ xây dựng, quản lý quy hoạch lưu vực sông, điều phối tài nguyên nước, môi trường trên toàn lưu vực trên cơ sở tối ưu hóa đảm bảo hợp lý lợi ích hợp lý giữa các lĩnh vực và các vùng dùng nước, bảo vệ và kiểm soát môi trường nước, hệ sinh thái rừng đầu nguồn, cập nhật bổ sung các phát sinh trong quá trình quản lý, cấp phép theo phân cấp. Uỷ ban sẽ hoạt động bằng nguồn kinh phí đóng góp theo tỷ lệ lợi ích của các địa phương và các ngành sử dụng nước và chịu sự quản lý Nhà nước của ngành quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

Bên cạnh đó, cần lưu ý một số công cụ hữu ích có thể sử dụng để tăng hiệu quả  của việc quản lý chất lượng nước trong vấn đề quản lý tổng hợp lưu vực sông là:

– Mô hình hoá (Modelling):là phương pháp sử dụng các công cụ toán học và tin học áp dụng vào môi trường để xây dựng phần mềm mô tả diễn biến chất lượng môi trường dưới tác động của một hay một số tác nhân có khả năng tác động đến môi trường. Phương pháp này có ý nghĩa quan trọng trong việc mô tả, dự báo, kiểm soát ô nhiễm mà phương pháp quan trắc hoặc đo đạc thông thường khó thực hiện được. Phương pháp này cho phép thay thế một phần phương pháp quan trắc hoặc đo đạc thường đòi hỏi thời gian và kinh phí lớn.

– Chỉ số chất lượng nước ( WQI: Water Quality Index). Có rất nhiều thông số về chất lượng nước (gồm các thông số hoá học như: COD, BOD­5, DO, pH, tổng N, các kim loại nặng …; các thông số vật lý như: độ dẫn điện, chất rắn lơ lửng…; các thông số sinh học như:Colifom, Fecal streptococus, tổng số vi khuẩn hiếu khí…) việc có quá nhiều thông số chi phối, quyết định đến chất lượng nước như vậy dẫn đến việc với câu hỏi như chất lượng nước tuần nay (hoặc hôm nay) thế nào thì khó có thể đưa ra được một câu trả lời ngắn gọn, súc tích (như: khá hay tốt chẳng hạn). Các nhà khoa học trong mấy thập kỷ gần đây đã đưa ra được một phương pháp cho phép giải quyết vấn đề đó: xây dựng và sử dụng Chỉ số chất lượng nước (WQI). Một số thông số đại diện quan trọng (theo đặc điểm nguồn nước, mục đích sử dụng) được chọn ra để khảo sát và tổng hợp thành một chỉ số duy nhất: chỉ số chất lượng nước. Phương pháp này cho phép trả lời được câu hỏi tại một thời điểm nào đó chất lượng nước như thế nào, ví dụ. WQI = 90 -100 điểm: loại I : rất tốt (không ô nhiễm hoặc ô nhiễm rất nhẹ); WQI = 80 -90 loại II: Tốt (ô nhiễm nhẹ)…

Hy vọng rằng, nếu được áp dụng thì giải pháp quản lý tổng hợp sông Sài Gòn theo lưu vực sẽ giúp kiểm soát và khắc phục dần tình trạng nguy kịch vì ô nhiễm của sông Sài Gòn, và xa hơn nữa sẽ giúp cho toàn lưu vực sông có được một sự phát triển bền vững trên cơ sở một dòng sông Sài Gòn xanh và sạch.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)