Đạo đức trong nghiên cứu và đào tạo

Khoa học đòi hỏi đạo đức và sự liêm chính. Nghiêm ngặt tri thức và đạo đức luôn đi cùng nhau. Cách duy nhất để ngăn chặn sự lừa đảo, dối trá và tham nhũng xen lẫn vào các trường học, phòng thí nghiệm và đại học, là làm gương cho sinh viên. Không làm được điều đó, chúng ta sẽ không bao giờ xây dựng được đội ngũ trí thức tinh túy mà Việt Nam trong tương lai xứng đáng có được.

Trong bài phát biểu trước sinh viên trường Caltech nhân dịp khai giảng năm học 1974-1975, Feynman đã nói với họ2, “điều mà tất cả chúng tôi hy vọng các bạn đã học được qua nghiên cứu khoa học ở trường – dù chúng tôi chưa bao giờ nói ra một cách rõ ràng nó là gì, nhưng hy vọng các bạn hiểu được điều đó qua tất cả các ví dụ về thực hành nghiên cứu khoa học. Đó là liêm chính khoa học, một nguyên tắc của tư duy khoa học gắn với sự trung thực tuyệt đối.” Sau khi minh họa điều mình nói về liêm chính, ông đã kết thúc bài nói của mình với những lời lẽ sau: “Cuối cùng tôi chỉ ước cho các bạn một điều – chúc các bạn may mắn được làm việc ở một nơi nào đó, nơi mà các bạn có thể tự do gìn giữ sự liêm chính như tôi đã nói, và không bị áp lực bởi nhu cầu giữ địa vị trong tổ chức đó hoặc bị áp lực bởi các nguồn tài trợ,… mà mất đi sự liêm chính. Tôi ước các bạn có được sự tự do đó.” 

Tôi cũng xin trích dẫn lời của François Jacob3: “Quy tắc của cuộc chơi, trong khoa học, là: không dối trá; không dối trá về ý tưởng, và cũng không ngụy tạo căn cứ thực tế. Cam kết này vừa mang tính tư duy khoa học vừa mang tính đạo đức. Người lừa dối  đang đánh mất mục tiêu, dần dần không thể thoát ra được sai lầm. Anh ta đang tự sát.” 

Nhiều trí thức Việt Nam nổi tiếng vì dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, đôi khi phải trả giá bằng cả sự nghiệp hoặc thậm chí mạng sống của mình, trong đó nổi tiếng nhất dĩ nhiên là Chu Văn An và Nguyễn Trãi. Nhiều người đã kịch liệt phản đối những tác hại của sự trái đạo đức và sự xuống cấp của văn hóa khi đạo đức bị xâm phạm. Trong lịch sử Việt Nam, Nguyễn Khắc Viện4 đã mô tả tình trạng đại học Việt Nam ở thế kỷ XVIII như sau: “Những học giả am hiểu Nho giáo đã không còn tin vào những giá trị mà họ đang dạy học trò […] Khi chế độ suy tàn, những kỳ thi và cuộc thi đã không còn kiểm soát được nữa […] Gian lận thường xuyên xảy ra, khiến bằng cấp bị mất giá. Kết quả dẫn đến sự nổi lên của các quan lại quan liêu, kém năng lực, vô liêm sỉ, tham tiền và danh, thiếu những phẩm chất đạo đức của thế kỷ trước.” 

Chúng ta cũng nhớ đến những lời của Hồ Đắc Di5: “Nghiệp vụ của giảng viên và bác sỹ bao hàm một sự rộng lượng sâu sắc, hơn tất cả các ngành khác. Bác sỹ đem lại cho con người cuộc sống, giảng viên đem lại kiến thức. Cả hai ngành đều đòi hỏi những người thực hành chúng có một tâm hồn trong sáng […] Tài chưa đủ mà đức cũng không để ai có thể chê trách được.” 

Trong xã hội Việt Nam ngày nay, cũng có nhiều tiếng nói nhắc nhở chúng ta về tầm 

Ruộng siêng làm cỏ thì lúa tốt1  
Hồ Chí Minh

quan trọng của việc hun đúc đạo đức như vậy trong thời điểm mà nghiên cứu và giáo dục đang phát triển rất nhanh. Khoan nói đến những hành vi sai trái hiển nhiên nhất6, chúng ta xem lại ngay bài phát biểu của Hoàng Tụy  nhân dịp ông nhận giải thưởng Văn hóa Phan Chu Trinh cho nỗ lực không mệt mỏi cho việc nâng cao chất lượng giáo dục trong các thập niên qua: “Suy cho cùng sự nghiệp chấn hưng giáo dục tùy thuộc quyết định vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Chừng nào tham nhũng còn nặng thì dối trá, lừa đảo còn phổ biến  khắp hang cùng ngõ hẻm, làm sao giáo dục có thể trung thực, lành mạnh được, nói chi đến hiện đại”7. 

Gian lận trong khoa học xảy ra với nhiều mức độ, sắc thái khác nhau, có khi rất nghiêm trọng, có khi đáng tội nghiệp. Một ví dụ nổi tiếng về gian lận nghiêm trọng là trường hợp Lyssenko, anh hùng của Liên bang Xô Viết, Chủ tịch Viện Hàn lâm Lê Nin về Nông nghiệp, Giám đốc Viện Gene thuộc Viện Hàn lâm Khoa học trong suốt 25 năm. Được chế độ từ thời Stalin cho đến Khrushchev ủng hộ, ông ta đã kìm hãm sự phát triển của ngành gene di truyền của Xô Viết trong suốt ba mươi năm, áp đặt gian lận và sai lầm giáo điều của mình. Những ví dụ về gian lận một cách tội nghiệp thì thường đáng cười. Có nơi thì một nhà sinh học sơn vào phía sau khối u của những con chuột thí nghiệm và tuyên bố đã quan sát thấy sự xuất hiện đó. Có nơi thì nhà khảo cổ học đem chôn một cái vò vào một hôm rồi đào nó lên vào hôm sau. 

Ở giữa hai thái cực đó, gian lận tồn tại ở dạng tinh vi hơn. Nó thường bắt đầu bằng sự bất cẩn đơn giản, từ đó tạo nên những kết luận sai lầm. Sự bất cẩn có thể trở thành lừa dối khi người ta không gửi kết quả đến những nơi phản biện nghiêm túc và nghiêm khắc hơn. Không hiếm ví dụ về các nhà khoa học cứ khăng khăng bảo vệ sai sót của mình và tiếp tục tuyên bố rằng họ đã có những phát minh quan trọng. Sự hứng khởi khi đột nhiên đứng dưới ánh sáng của thành công làm họ mất đi tư duy phản biện, dẫn họ đến việc lừa dối. Tôi dẫn ra ba trường hợp đã được lưu lại trong nhiều tài liệu: đó là trường hợp nhiệt hạch lạnh với Fleischmann và Pons vào năm 1989, họ tuyên bố tạo ra đơteri trong điện cực palađi với năng lượng thấp một cách nực cười8; rồi về khả năng nhớ của nước, năm 1988, với Benveniste, làm loãng một dung dịch kháng thể trong nước cho đến điểm không có một phân tử kháng thể nào còn lại và tuyên bố rằng nước vẫn giữ tính chất của dung dịch ban đầu9; bằng chứng về khả năng truyền nhớ hóa học trong hiện tượng ăn thịt đồng loại của giun không ký sinh và chuột cống, những phản xạ thu được có vẻ được truyền đến các đối tượng thí nghiệm trong điều kiện cho ăn nhất định10

Một dạng gian lận phổ biến là đạo văn. Luôn tái diễn tình trạng một số nhà khoa học gửi đăng bài báo chép từ bài của người khác mà ký tên mình. Những hành vi này là không thể chấp nhận được. Thành công của Wikipedia và các phương tiện lưu trữ thông tin khác trên mạng Internet, cùng với sự dễ dàng của việc “cắt và dán” đã tạo điều kiện phát triển cho những thói xấu này. Tôi đã chứng kiến có sinh viên trình bày luận văn tốt nghiệp làm theo kiểu đó mà không hiểu một từ trong những phần đã chép. Ta phải phân biệt khi gặp những tình huống đó: nên khuyến khích sinh viên sử dụng các phương tiện có sẵn trên mạng để tăng cường hiểu biết nhưng người hướng dẫn phải đảm bảo rằng sinh viên của mình thực hiện việc đó với khả năng phán xét tốt, hiểu điều được viết ra và trích dẫn nguồn sử dụng một cách đầy đủ. Một lý do khác thúc đẩy thói gian lận đó là chính sách “đăng bài hay là chết (publish or perish)” mà một số tổ chức tài trợ đang theo đuổi. Dù chúng ta hết sức ủng hộ những nỗ lực tìm cách đánh giá theo những tiêu chí khách quan, nhưng những hội đồng khoa học chịu trách nhiệm không nên bám theo quy định một cách mù quáng mà phải xem: chất lượng quan trọng hơn số lượng. Qua tất cả các điểm này, chúng ta thấy rằng rõ ràng còn chỗ để Việt Nam có thể cải thiện và tất cả chúng ta nên cảm thấy có trách nhiệm trong việc khuyến khích thúc đẩy những cách làm đúng đắn hơn và chỉ bảo sinh viên nhận thức được tầm quan trọng của việc tôn trọng giá trị sở hữu trí tuệ. 

Một dạng dối trá phổ biến khác, trông có vẻ ít đáng trách hơn nhưng tôi cảm thấy nó đặc biệt tệ hại đó là việc sử dụng những thuật ngữ khoa trương mà đằng sau chẳng có gì ngoài lời nói. Người ta đặt tên cho một viện hoặc một lớp học ở đại học những cái tên của những lĩnh vực khoa học danh giá và rất mốt, tuy nhiên kiến thức được dạy lại thậm chí chưa đạt mức cơ bản cần biết trước khi bước vào những lĩnh vực đó. Làm sao người ta có thể hy vọng đào tạo sinh viên ở môi trường như vậy hiểu được những điều cơ bản về đạo đức? 

Một việc nữa cũng đáng bị chỉ trích liên quan đến việc đánh giá sinh viên đại học. Luận văn tốt nghiệp đại học và cao học luôn được cho điểm từ 8 đến 10, thường là từ 9 đến 10. Như vậy không còn chỗ cho việc đánh giá sự khác biệt giữa kiến thức và sự kém hiểu biết, không có cách nào phân biệt được một sinh viên thông minh, xuất sắc với một sinh viên bình thường. Một lần, tôi hướng dẫn một sinh viên làm luận văn tốt nghiệp và tôi cho đó là một sinh viên bình thường, tôi được giáo sư phụ trách nói rằng điểm thấp nhất phải cho là 9 vì sinh viên đó thuộc bộ môn lý thuyết và theo truyền thống sinh viên ở bộ môn đó không bao giờ được điểm thấp hơn 9! Mặc dù bị phản đối nhưng cuối cùng sinh viên đó cũng nhận được điểm 10. Chúng ta đã nghe Nguyễn Khắc Viện nói thế nào về học giả thể kỷ XVIII, chúng ta phải đảm bảo rằng học giả của thế kỷ XXI không giẫm lên vết xe đổ! 

Việt Nam đang đối mặt với thách thức làm sao để nâng cao chất lượng đại học và nghiên cứu tới chuẩn mực quốc tế cao nhất có thể được, và quyết tâm của Chính phủ để đạt được mục tiêu đó đã được tuyên bố nhiều lần và rất rõ ràng. Do đó, chúng ta phải đảm bảo rằng đạo đức cũng phải được cải thiện một cách song hành vì nếu đạo đức không được cải thiện thì không thể nào có sự tiến bộ.     
                                     
Phạm Ngọc Điệp   dịch

Tài liệu tham khảo
1. Hồ Chí Minh, bài nói chuyện về Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, 1952.
2. Richard P. Feynman, Surely you’re joking Mr Feynman, Bantam New Age books, New York, 1986.
3. François Jacob, Le Jeu des Possibles, Fayard, 1981.
4. Nguyen Khac Vien, Vietnam, A Long History, The Gioi, Ha Noi, 1993.
5. Hàm Châu, Hồ Đắc Di, Science and Conscience, Vietnamese Studies 175/1 (2010) 30.
6. Nguyễn Đình Cự, Corruption in general education in Vietnam, 2007, UK Department for International Development (DFID) report, http://www.viet-studies.info/Corruption_in_education_report.pdf.
7. Hoàng Tụy, Diễn từ nhân dịp được trao giải thưởng Phan Chu Trinh, tháng 3 2011.
8. Fleischmann and Pons, Journal of Electro analytic Chemistry, 261 (1989) trang 301.
9. P. Kourilsky, La Science en Partage, Editions Odile Jacob, Paris, 1998.
10. R. Sommer, James McConnell (1925-1990), American Psychologist 6 (1991), trang 650 trong đó có chú thích kèm theo.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)