Đào tạo liên ngành ở Việt Nam
Đào tạo liên ngành được xem là một xu thế tất yếu của thế kỷ XXI. Việt Nam có nằm trong dòng chảy chung đó?
Năm 2011, Đại học Quốc gia Hà Nội khai giảng khóa đầu một chương trình có cái tên rất lạ: Thạc sĩ khoa học bền vững. Nhìn vào điều kiện dự thi, chúng ta còn ngạc nhiên hơn: sinh viên tốt nghiệp đại học các ngành khoa học môi trường, khoa học trái đất, khoa học cơ bản, kĩ thuật, công nghệ; khoa học xã hội và nhân văn, luật, kinh tế, xã hội học; nhân học, tâm lí học, khoa học chính trị, công tác xã hội; khoa học giáo dục, báo chí tuyên truyền đều có thể dự thi. Tại sao lại có chuyện sinh viên từ các lĩnh vực hoàn toàn trái ngược là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội lại cùng có thể học chung với nhau (thậm chí là học chung ngay lập tức, không cần phải học thêm bất kỳ môn cầu nối nào) trong cùng một chương trình thạc sĩ như vậy?
Nhưng Đại học Quốc gia Hà Nội không sáng tạo điều gì mới cả – có đến cả trăm trường đại học trên thế giới đã và đang làm “cái việc lạ lùng” đó. Trong số các trường nổi tiếng mở chương trình Master in sustainability science như ở Đại học Quốc gia Hà Nội, có thể kể tên một số trường tiêu biểu như Đại học Cambridge (Anh), Đại học Sydney (Úc), Đại học Liên Hợp Quốc (Nhật) hay Đại học Maastricht (Hà Lan)… Thường thì học viên tốt nghiệp các chương trình này có thể học tiếp lên tiến sĩ để trở thành các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học bền vững hoặc nếu muốn đi làm ngay có thể tham gia vào hệ thống hành chính công, các tổ chức phi chính phủ hay công ty tư vấn/thiết kế giải pháp cho vấn đề phát triển bền vững.
Như vậy, đúng như lời quảng cáo của chương trình Thạc sĩ tại Đại học Quốc gia Hà Nội, ngành khoa học bền vững ra đời nhằm đáp ứng một nhu cầu cấp thiết của cuộc sống là làm sao “nhận thức đúng đắn, sâu sắc và toàn diện hơn bản chất của tính bền vững, nhận diện các rủi ro và tìm ra các giải pháp khả thi nhằm giải quyết các vấn đề đe dọa đến sự phát triển bền vững của các tổ chức, quốc gia và cả thế giới loài người”. Để làm được điều này thì cần một kiến thức tổng hợp liên ngành, vì vậy, việc sinh viên từ các ngành khác nhau như đề cập ở trên đều có thể thi vào chương trình Thạc sĩ này cũng là điều dễ lý giải.
Khoa học bền vững không phải là ngành đào tạo duy nhất theo hướng liên ngành ở Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng cũng như ở các trường đại học nói chung trong cả nước hiện nay. Xin thử điểm qua một số chương trình tiêu biểu có tên gọi cũng lạ nhưng cũng không kém phần thiết thực cho đời sống: Thạc sĩ quản trị an ninh phi truyền thống của Đại học Quốc gia Hà Nội (liên ngành giữa quản trị, an ninh, công nghệ thông tin…), Cử nhân quản lý thể thao của Đại học Tôn Đức Thắng (liên ngành giữa quản lý, kinh doanh và thể chất thể thao), hay Cử nhân quản lý hệ thống thông tin của Học viện Ngân hàng (liên ngành giữa công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh)…
———————–
* Nghiên cứu sinh Đại học Văn hóa Trung Hoa, thành viên Nhóm Đối thoại Giáo dục.