Đạo văn và tác giả ma trong học thuật: vấn đề hệ thống

Bài báo khoa học “Was the fine-structure constant variable over cosmological time?” của nhóm tác giả Lê Đức Thông, Nguyễn Mộng Giao (Viện Vật lý TP.HCM), Nguyễn Thế Hùng (Viện Vật lý Hà Nội) và Trần Văn Hùng (Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ) đã bị tập san EPL rút xuống vì lí do đạo văn. Vụ đạo văn làm chấn động dư luận học thuật Việt Nam này đã cung cấp 3 bài học cần thiết  trong quản lí khoa học: quản lí nghiên cứu sinh, qui trình xuất bản bài báo khoa học, và đạo đức khoa học, nhằm tránh hay giảm thiểu những trường hợp tương tự trong tương lai.

Đạo văn được xem là một trong 3 trọng tội trong khoa học. Hai trọng tội kia là giả tạo dữ liệu và sửa dữ liệu. Trọng tội là vì đặc điểm của đạo văn là đánh cắp, và đánh cắp là một hành động không thể chấp nhận trong đạo đức khoa học.Từ điển American Heritage định nghĩa động từ plagiarize (đạo văn) là “đánh cắp và sử dụng ý tưởng hay tác phẩm của người khác làm của mình”. Từ điển Oxford định nghĩa danh từ plagiarism là “lấy hay sử dụng ý tưởng, tác phẩm, công trình sáng tạo của người khác làm của mình”. Trong khoa học, đạo văn được định nghĩa là sử dụng ý tưởng hay câu văn của người khác một cách không thích hợp (tức không ghi rõ nguồn gốc), đặc biệt là việc trình bày những ý tưởng và từ ngữ của người khác trước các diễn đàn khoa học và công cộng như là ý tưởng và từ ngữ của chính mình. Ở đây, “Ý tưởng và từ ngữ của người khác” có nghĩa là: sử dụng công trình hay tác phẩm của người khác, lấy ý tưởng của người khác, sao chép nguyên bản từ ngữ của người khác mà không ghi nguồn, sử dụng cấu trúc và cách lí giải của người khác mà không ghi nhận họ, và lấy những thông tin chuyên ngành mà không đề rõ nguồn gốc.

Hiểu theo những định nghĩa trên thì việc làm của nhóm tác giả trong bài báo rõ ràng là đạo văn. Điều đáng buồn ở đây là trước đây, một tác giả trẻ trong bài báo đó đã bị cảnh báo về đạo văn.  Thật vậy, trong một thư gửi cho tác giả, ông tổng biên tập của tập san Monthly Notices of the Royal Astronomical Society viết:

“We have received the referee’s comments on this paper, and these are summarised below. The referee notes that there are many instances of text are simply copy-and-pasted from existing literature. We note also that we have had a number of previous submissions from you, and that for two of these (MN-09-1683-MJ “SEARCH FOR TIME VARIATION OF THE FINE-STRUCTURE CONSTANT USING EMISSION LINE MULTIPLETS” and MN-09-1684-MJ “WAS THE FINE-STRUCTURE CONSTANT VARIABLE OVER COSMOLOGICAL TIME?”) the comment was made that substantial portions of the text were copied, often without attribution, from the publications by others, and so presented as if it were your own work. As was pointed out to you in connection with these earlier papers, this is not acceptable practice. In particular you would be unable to certify, as we require, that the paper is original work. Despite this warning, you have submitted this paper which also violates accepted scientific practice. Because of this, we are rejecting this paper and, furthermore, will not consider ANY future submissions from you for publication in MNRAS.
I have copied this letter to RAS Editorial Office Manager and to the Head of your Institute.
Yours sincerely,
RF Carswell
Editor-in-Chief
Monthly Notices of the Royral Astronomical Society”

(Tạm dịch: Chúng tôi đã nhận được lời nhận xét của người duyệt bài. Trong đó nêu rõ có nhiều đoạn trong bài viết chỉ đơn giản là chép lại từ những bài báo khoa học khác. Trước đây, chúng tôi đã nhận được một số bài ông gửi và hai bài trong số đó là: “SEARCH FOR TIME VARIATION OF THE FINE-STRUCTURE CONSTANT USING EMISSION LINE MULTIPLETS” và “WAS THE FINE-STRUCTURE CONSTANT VARIABLE OVER COSMOLOGICAL TIME?”. Người duyệt bài cũng đã nhận xét, những phần chính yếu của bài viết được chép lại, thường không có chú thích nguồn gốc, được trình bày như là của ông. Đây là cách hành xử không thể chấp nhận được. Đặc biệt, ông không thể xác nhận đây là nguyên bản của ông. Mặc dù đã có cảnh báo từ phía chúng tôi nhưng ông vẫn nộp bài báo vi phạm nguyên tắc khoa học này. Do vậy, chúng tôi rút lại bài báo và hơn nữa chúng tôi sẽ không xem xét bất cứ bài báo nào của ông gửi cho tạp chí của chúng tôi.)

Qua lá thư này, chúng ta thấy tác giả đã hơn một lần bị cảnh cáo về đạo văn, nhưng vẫn tiếp tục phạm phải lỗi lầm nghiêm trọng đó. Điều này cho thấy tác giả chẳng biết gì hay bất chấp những chuẩn mực về đạo đức khoa học, mà cứ tiếp tục chạy theo việc công bố bài báo khoa học. Hệ quả là tổng biên tập của một tập san khoa học phải viết thẳng thừng rằng sẽ không xét duyệt bất cứ bài báo nào của tác giả trong tương lai. Tôi cũng đã và đang làm biên tập trong tập san khoa học, nhưng chưa thấy một lá thư nào viết với giọng văn hết sức “trực tiếp” như thế này.

Tất cả phải chịu trách nhiệm
Tôi thấy có 3 ngạc nhiên trong sự việc: sự độc lập của tác giả, qui trình xuất bản bài báo khoa học, và tập san khoa học EPL. Điều đáng ngạc nhiên thứ nhất là tác giả trẻ này là một “junior scientist” (chứ chưa phải là postdoc) mà lại làm việc gần như độc lập với các nhà khoa học cao cấp trong viện. Anh ta gửi bài cho tập san khoa học mà chẳng ai hay biết! Thông thường, trước khi một bài báo khoa học được gửi đi cho một tập san, nhóm tác giả phải xem qua và chỉnh sửa cho hoàn chỉnh. Nhưng trong trường hợp này, theo như thư của GS Nguyễn Mộng Giao (và ông có trả lời phỏng vấn trên báo chí) là ông không hề biết tên ông có trong danh sách tác giả; ông thậm chí không biết 2 tác giả kia là ai!  Đó không phải là cách làm nghiên cứu khoa học theo nhóm mà tôi từng biết.

Điều ngạc nhiên thứ hai là hình như viện chẳng có qui trình quản lí việc xuất bản bài báo khoa học. Nếu là một viện nghiên cứu nghiêm chỉnh thì phải có qui trình (protocol) quản lí nghiên cứu sinh, quản lí công trình khoa học, chứ đâu thể để cho nghiên cứu sinh độc lập muốn làm gì thì làm, chẳng ai hay biết. Trước khi công bố công trình nghiên cứu khoa học, tác giả nhất định đã phải trình bày (hay đề cập đến) trong các seminar hay họp phòng thí nghiệm hàng tuần, chứ không thể nào đột nhiên công bố cứ như là trên trời rớt xuống đất được! Đây chính là một thiếu sót mang tính hệ thống.

Điều ngạc nhiên thứ ba là tập san EPL cho đăng bài mà không có giấy tờ chuyển nhượng tác quyền (copyright transfer) gì cả! Thông thường, sau khi bài báo đã qua khâu bình duyệt (peer review), thì khâu kế tiếp là thủ tục hành chính và pháp lí. Trong thủ tục này, nhà xuất bản gửi cho mỗi tác giả một bản copyright transfer và một bản gọi là conflict of interest (mâu thuẫn quyền lợi, đặc biệt rất quan trọng trong y khoa) để mỗi tác giả điền vào, kí tên, và gửi cho tòa soạn tập san. Không có hai bản này, tập san dứt khoát không công bố bài báo, bởi vì nếu công bố mà không có sự chuyển nhượng bản quyền của tác giả thì nhà xuất bản có thể bị kiện ra tòa như bỡn. Ấy thế mà trong trường hợp này, một tác giả nói rằng chưa hề thấy và chưa hề kí vào bản chuyển nhượng tác quyền! Nếu chưa bao giờ kí thì tại sao tập san EPA dám công bố? Tôi thấy đây là trường hợp rất hi hữu.  Cố nhiên, không loại trừ trường hợp tập san làm ẩu hoặc tác giả đầu giả mạo chữ kí của các tác giả khác. Dù sao đi nữa thì đây cũng là một điều hết sức ngạc nhiên và hiếm thấy trong lịch sự tập san khoa học.

Do đó, với những phân tích trên, tôi nghĩ trách nhiệm trong trường hợp này không thể chỉ qui về anh Lê Đức Thông, mà là tất cả tác giả có tên trong bài báo đều phải nhận lấy trách nhiệm. GS Nguyễn Mộng Giao đã giải thích rằng ông không có dính dáng gì đến bài báo, và trong một thư riêng, anh Lê Đức Thông cũng khẳng định như thế.  Nhưng cách biện minh vẫn thiếu tính thuyết phục. Trả lời trên báo Thanh Niên, GS Giao nói “Tôi xin khẳng định, bài báo này không có một chữ nào của tôi mà hoàn toàn là do Thông tự viết, tự ý cho tên tôi vào rồi gửi đăng báo.” Thế nhưng ngay sau đó ông lại nói “Sau khi bài báo được đăng Thông có cho tôi biết nhưng thời điểm đó tôi cũng chả quan tâm vì có quá nhiều việc phải làm. Thêm nữa, tôi cũng tin tưởng vào chất lượng bài viết khi nó đã được đăng trên một tạp chí uy tín. Tôi cũng nghĩ rằng nhiều khi học trò mượn tên thầy để vào bài viết của mình nên cho qua”! Nói cách khác, ông biết bài báo đã công bố, biết mình có tên trong đó, nhưng vì cả tin vào tập san, không kiểm tra xem bài báo viết gì. Có thể là sai lầm trong phán xét, nhưng cũng có thể là do quá dễ dãi – một điều cấm kị trong khoa học. Đây có thể xem là hiện tượng “tác giả ma” (ghost authorship) trong khoa học.

Một đồng tác giả khác cũng có vài nhận xét rất lạ lùng. Vẫn theo Thanh Niên một đồng tác giả lại cho rằng “Thực ra nói là đạo văn cũng hơi quá bởi trong bài viết có một phần khi trích dẫn Thông đã không nêu rõ nguồn tài liệu tham khảo.” Thật là kinh ngạc khi đọc những dòng chữ này! Trích dẫn mà không ghi nguồn thì theo định nghĩa tôi trình bày trên là đạo văn, chứ không thể nói khác đi được.  Đó là định nghĩa mà bất cứ nhà khoa học nào cũng biết. Câu phát biểu này chứng tỏ người phát biểu cũng chưa am tường thế nào là đạo văn! Tác giả này cũng nói rằng ông không hề viết một chữ trong bài báo, nhưng khi biết bài báo đã đăng thì ông cũng không … phản đối. Không đóng góp một chữ nào cho bài báo mà vô tư nhận danh tác giả thì đó chính là một vi phạm đạo đức khoa học. Khi bài báo chưa được phát hiện có vấn đề thì lặng lẻ đứng tên (và được biểu dương), nhưng khi bài báo được phát hiện có vấn đề thì lại biện minh rằng mình không có can dự trong đó! Trong khoa học không thể nào có tiêu chuẩn kép như thế.

Sự cố trên cho thấy khi vinh quang ai cũng đứng ra nhận công, nhưng khi có vấn đề ai cũng bỏ chạy, và như thế là một sự thiếu công bằng. Một tác giả không đóng góp một chữ hay một số liệu nào cho công trình trên được Viện khoa học công nghệ biểu dương vì bài báo, nhưng khi có vấn đề thì anh ta lại nói khác đi, thậm chí còn nói “bài báo được chọn để biểu dương một cách ngẫu nhiên”! Đã chọn để biểu dương thì làm sao có thể nói là ngẫu nhiên được? Thật là trớ trêu! Tôi nghĩ rằng tất cả các tác giả phải chịu trách nhiệm trước “sự cố”, chứ không thể và không nên qui trách nhiệm và lỗi lầm cho anh Lê Đức Thông.

Bình tâm nhìn lại sự việc tôi thấy anh Lê Đức Thông là một người ham học, thông minh, nhưng thiếu đạo đức khoa học. Một người mới là sinh viên đại học mà đã có ý tưởng táo bạo, dám dấn thân làm nghiên cứu, chủ động liên lạc các nhà khoa học đàn anh, v.v… thì quả thật là đáng khen. Chẳng những có ý tưởng mà anh ta còn làm nghiên cứu và cố gắng công bố kết quả trên tập san quốc tế. Thử hỏi trong giới nghiên cứu sinh, chứ chưa nói đến sinh viên, ngày nay có mấy người như thế. Thế nhưng Thông lại ở trong một môi trường học thuật thiếu sự quản lí chặt chẽ, và hình như cũng chưa ai trang bị cho anh ta về đạo đức khoa học, nên đã dẫn đến hệ quả bi thảm như vừa qua. Cố nhiên, sự việc xảy ra là một vấp ngã của một cá nhân, nhưng tôi thấy Thông là nạn nhân của hệ thống khoa học thiếu qui chuẩn đạo đức.

Và bài học
Mỗi sự cố đều để lại cho chúng ta vài bài học, và theo tôi, có 3 bài học chính từ trường hợp đạo văn chúng ta đang bàn: 

1. Quản lí nghiên cứu sinh. Các trung tâm nghiên cứu, kể cả đại học, phải có qui trình quản lí nghiên cứu sinh chặt chẽ hơn. Quản lí ở đây không có nghĩa là gây thêm thủ tục hành chính rườm ra và nặng nề thêm cho nhà nghiên cứu, mà là tạo ra môi trường sinh hoạt khoa học cởi mở, trong đó có seminar thường xuyên để nghiên cứu sinh trình bày kết quả nghiên cứu, có sự trao đổi thường xuyên giữa nghiên cứu sinh và giáo sư về tiến trình của dự án nghiên cứu, v.v…

2. Quản lí bài báo khoa học từ trung tâm nghiên cứu. Đây là vấn đề sở hữu trí tuệ. Trước khi một bài báo gửi đi mang tên của trung tâm nghiên cứu, thì tác giả cần phải báo cho trung tâm biết bài báo gửi cho tập san nào và kết quả công bố ra sao. Ở Viện Garvan của chúng tôi, mỗi bài báo còn phải qua phản biện của 2 người trong Viện và tác giả phải cung cấp thông tin cho Viện trước khi gửi ra ngoài.  Tuy rằng bình duyệt nội bộ có thể thiếu thực tế ở Việt Nam, nhưng một cơ chế quản lí bài báo gọn nhẹ như thế thiết tưởng cũng cần thiết để bảo đảm chủ quyền tri thức cho các viện nghiên cứu ở Việt Nam.

3. Đạo đức khoa học. Làm nghiên cứu khoa học, cũng như bất cứ ngành nghề nào, cũng cần phải có những chuẩn mực về đạo đức (ethical codes). Những chuẩn mực này bao gồm thành thật tri thức, cởi mở, khách quan, cẩn thận, ghi nhận công trạng thích hợp, v.v… Ở các nước phát triển, nghiên cứu sinh trước khi làm nghiên cứu đã được giáo sư thường xuyên nhắc nhở những chuẩn mực này, nên họ không còn xa lạ gì với đạo đức khoa học. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chuyện đạo đức khoa học chẳng mấy được quan tâm và đã trở thành một “văn hóa thiếu thành thật tri thức”, làm kìm hãm phát triển khoa học.  

Tiếng Latin có câu Verba volant, scripta manent (mà tôi hiểu nôm na là Lời nói sẽ theo gió cuốn bay đi, cái còn lại là chữ viết trên giấy trắng mực đen).  Câu chữ của nhà khoa học là cái còn lại với đời sau khi nhà khoa học khuất bóng trên cõi trần, là thể hiện sự đóng góp vào tri thức cho nhân loại, là cái manent hay di sản của khoa học.  Sở dĩ học thuật có uy tín là vì nó được xây dựng trên nền tảng sáng tạo tri thức mới qua khám phá dữ liệu mới, cách làm mới, cách diễn giải mới cho một dữ liệu cũ.  Những tri thức mới được lưu trữ cho đời sau.  Do đó, lấy ý tưởng hay chữ nghĩa của người khác làm của mình không thể xem là đóng góp cho tri thức khoa học, mà là một trọng tội vì nó làm lung lay niềm tin vào khoa học.

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)