Đầu tư và cơ chế tài chính: Kìm hãm khoa học phát triển

Mới đây Bộ KH&CN đã phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng tổ chức hội thảo “Đầu tư và cơ chế tài chính phát triển KH&CN” – một khâu đột phá nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khoa học, giải phóng sức sáng tạo của các tổ chức và nhà khoa học – để góp phần vào việc chuẩn bị nội dung cho Hội nghị TƯ 6 về KHCN.

Đầu tư cho KH&CN còn hạn chế và dàn trải

Theo số liệu báo cáo của Bộ KH&CN, số liệu tuyệt đối về tổng chi cho KH&CN đã tăng từ 5.890 tỷ đồng năm 2006 lên 14.442 tỷ đồng vào năm 2011, đạt mức 2% tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN), tương đương 0.5 – 0.6% GDP. Trong đó chi đầu tư – phát triển chiếm tỉ trọng bình quân 35.5% và chi thường xuyên 48%, đạt mức 5.019,7 tỷ đồng vào năm 2011.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, “mức đầu tư cho KH&CN đạt 0.5 – 0.6% GDP là không thấp so với các quốc gia trên thế giới. Nhưng con số tuyệt đối tính trên đầu người dân cũng như tổng đầu tư xã hội cho KH&CN vào loại thấp nhất khu vực và thế giới (mức bình quân của các quốc gia trên thế giới là 1.9% GDP, trong đó các quốc gia phát triển chi tới 2.7 – 3.5% GDP cho KH&CN).

Dù được coi là quốc sách hàng đầu, nhưng đại diện của Liên hiệp các hội KH&KT (VUSTA) cho biết, đầu tư hằng năm cho KH lại xếp dưới cả các ngành văn hóa – thể thao, thủy lợi, hóa học…

Không những thế, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho KH&CN lại quá dàn trải: “Việc đăng ký đề tài đều được thông báo đến cho 29 Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành, Đơn vị nào cũng muốn có một chút tiền. Chúng tôi ở vị trí chia tiền, quyết định để ai, cắt ai là rất khó. Không có nước nào, đặc biệt là các nước đang phát triển lại đầu tư vào hầu hết các ngành, lĩnh vực mà phải có mũi nhọn, trọng điểm”.

Đồng tình với quan điểm của ông Đông, đại diện của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ông Lê Bộ Lĩnh khẳng định: “Với số tiền 400 tỷ/năm mà phải chi cho tới 7.500 cán bộ khoa học và 150 tổ chức khoa học nông nghiệp cùng hàng nghìn đề tài khoa học. Tất cả mọi nơi đều kêu thiếu tiền, đầu tư như vậy sao có hiệu quả”.

2% GDP vào năm 2020 là mục tiêu đầu tư toàn xã hội cho KH&CN

(Theo Chiến lược Khoa học và Công nghệ 2011 – 2020)

Cùng với đầu tư dàn trải, theo GS. Nguyễn Văn Hiệu  quản lý vốn đầu tư cho KH&CN còn bất hợp lý, thiếu sự phối hợp giữa các Bộ, các TP trực thuộc trung ương có quyền hạn quyết định các dự án đầu tư lớn cho KH&CN, dẫn đến lãng phí lớn. Ông dẫn chứng: trong phạm vi lĩnh vực nghiên cứu của tôi đã có trường hợp hai Bộ cùng quyết định đầu tư hai dự án gần giống và đơn vị được đầu tư lại không có người có năng lực sử dụng hiệu quả các thiết bị, dự án đầu tư đó. Cách đầu tư như vậy không phải là cá biệt, dẫn đến tình trạng có những dự án trị giá tới trên 50 tỷ, thậm chí trên 200 tỷ đã đắp chiếu từ nhiều năm nay. Ngoài phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia do Bộ KH&CN quản lý, có vốn trên 50 tỷ, thì lại còn ba dự án khác có vốn lên tới 500 tỷ, tức là gấp 10 lần phòng TN trọng điểm quốc gia, mà tôi tin là Bộ KH&CN không được biết. “Vì vậy tôi khẩn thiết đề nghị Chính phủ cần giao cho Bộ KH&CN chủ trì quyết định mọi dự án đầu tư cho KH&CN từ ngân sách Nhà nước”.

Khó huy động được vốn tư nhân

Tại hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Quân đưa ra một con số ấn tượng: tổng đầu tư xã hội cho KH&CN của Việt Nam (800 triệu USD) còn thấp hơn tổng đầu tư cho KH&CN của Tập đoàn SamSung (Hàn Quốc) với mức 1 tỷ USD/năm. “Thông thường các ở các quốc gia, mức đầu tư của xã hội cho KH&CN lớn gấp 2, 3 lần, cá biệt có quốc gia gấp 5 – 10 lần NSNN” – ông cho biết. Trong khi đó, số liệu được báo cáo tại hội thảo cho thấy, chỉ có 25% tổng đầu tư toàn xã hội cho KH&CN của Việt Nam đến từ khu vực tư nhân. Nguyên nhân của tình trạng này được các đại biểu đánh giá là một phần do chính sách KH&CN hiện nay chưa khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN, phần chủ yếu do đa số doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vốn ít, năng suất lao động thấp nên không có khả năng đầu tư lớn, dài hạn cho KH&CN.

Hiện nay, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp cho phép các doanh nghiệp được trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho KH&CN. Quy định này được các đại biểu đánh giá là không hiệu quả, do không có tính chất bắt buộc và không có chế tài đối với các doanh nghiệp vi phạm. Hầu hết các doanh nghiệp không trích hoặc trích không đủ. Bên cạnh đó, với những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nếu có trích đến 10% lợi nhuận trước thuế thì khoản trích ấy cũng chỉ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, không đủ để đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ của chính doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, “Chúng tôi kiên trì theo đuổi ý tưởng các doanh nghiệp phải dành ít nhất 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho phát triển KH&CN của chính doanh nghiệp và đóng góp cho sự phát triển KH&CN, trong đó xây dựng cơ chế để các doanh nghiệp có thể tự sử dụng khoản kinh phí 10% hoặc đóng góp nguồn kinh phí này cho các quỹ phát triển KH&CN địa phương”.

Cơ chế tài chính bất cập

Một trong những bất cập trong cơ chế tài chính là việc cấp phát kinh phí cho các dự án, đề tài thường đến tay các nhà khoa học chậm hàng năm vì để phê duyệt kế hoạch nghiên cứu hàng năm thì Bộ KH&CN phải xây dựng kế hoạch trước khoảng 18 tháng để chuyển Bộ Tài chính trình Chính phủ. Điều đó có nghĩa là để có các nhiệm vụ KH&CN năm 2011 – 2012 Bộ KHCN phải chuẩn bị kế hoạch từ cuối năm 2009 và hoàn thành muộn nhất ngày 31.7.2010. Nhưng đến tháng 7.2011, Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt Quyết định về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm 2011 – 2015, và Bộ Tài chính yêu cầu các nhiệm vụ KHCN của 2011 – 2012 phải tuân thủ các quy định trong quyết định của Thủ tướng. Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, “Chúng tôi đã phải giải trình với lãnh đạo Chính phủ rằng chúng ta không thể hồi tố bằng một quyết định ra ngày 25.7.2011 đối với các nhiệm vụ đã được phê duyệt trước ngày này. Cuộc tranh cãi này đã kéo dài đến tận tháng 2.2012 chúng tôi mới được giao kinh phí các nhiệm vụ năm 2011. Còn 92 nhiệm vụ của 2012 cho đến nay vẫn chưa được giao kinh phí và vẫn đang chờ ý kiến của Thủ tướng”.

Một bất cập khác của cơ chế tài chính là rất nhiều nội dung chi quan trọng nhưng chúng ta chưa quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật cho nên khi chúng ta thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, các đề tài dự án, có nhiều nội dung chúng ta không được thanh quyết toán, ví dụ: chi thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài, chi đăng ký sáng chế hoặc công bố quốc tế, chi dự phòng lạm phát, chi tuyên truyền kết quả nghiên cứu,… Thêm vào đó là những thủ tục thanh quyết toán quá chi li, cứng nhắc, khiến từ nhiều năm nay không ít nhà khoa học buộc phải nói dối, buộc phải chia đề tài nghiên cứu thành rất nhiều chuyên đề để có được một bản quyết toán “đẹp” với kho bạc. Cách làm này là một trong những nguyên nhân khiến “chất lượng nhiều đề tài nghiên cứu thấp” (ý kiến của Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng tại Hội thảo).

Cơ chế khoán được đề cập đến trong các thông tư liên tịch của Bộ Tài chính và Bộ KH&CN được nhiều đại biểu đánh giá là một cải tiến đáng kể về cơ chế tài chính, tuy nhiên lại gặp không ít khó khăn khi triển khai trong ngành nông nghiệp. Theo đại diện của Bộ NN&PTNN, “Đối tượng nghiên cứu của ngành nông nghiệp là cây trồng, vật nuôi, sản xuất mang tính mùa vụ, chu kỳ kinh doanh dài; nhiều đề tài nghiên cứu về cây trồng, vật nuôi không thể cho kết quả ngay trong năm. Vì vậy việc quyết toán theo năm tài chính là bất hợp lý”.

Đáp lại những phản ánh của các đại biểu về cơ chế tài chính bất cập hiện hành, bà Nguyễn Thị Minh – Thứ trưởng Bộ Tài chính trần tình: “Hiện nay chúng ta chưa có một bộ tiêu chí nào để kho bạc kiểm soát chi một cách thuận tiện cho nhà khoa học, đồng thời bảo đảm sự minh bạch trong chi tiêu,… Chúng ta phê  bình người làm kiểm soát chi, nhưng Bộ Tài chính chỉ góp một tiếng nói hoàn thiện, chứ không nghĩ ra cơ chế tài chính. Cơ chế tài chính là do các nhà khoa học nghĩ ra, đề xuất để làm sao phục vụ tốt nhất cho hoạt động nghiên cứu khoa học”.

Nhằm khắc phục những tồn tại này, Bộ KH&CN đã đề xuất giải pháp và nhận được sự ủng hộ của nhiều đại biểu tại hội thảo, theo đó, nhà nước cần chuyển cơ chế cấp phát tài chính cho các Quỹ khoa học công nghệ. Hiện Bộ KH&CN có Quỹ phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED) và Quỹ đổi mới KH&CN quốc gia, có chức năng xét duyệt các đề tài khoa học. Tuy nhiên, do việc cấp phát kinh phí cho đề tài vẫn thông qua kho bạc, nên các quỹ này không phát huy được hiệu quả như mong muốn. Việc chuyển giao chức năng cấp phát kinh phí cho các quỹ sẽ giải pháp cơ bản các vướng mắc về thủ tục tài chính hiện nay.

GS. Vũ Cao Đàm: Phải thay đổi từ tầm triết lý

Ở Việt Nam hiện nay, nhà nước đang chỉ huy khoa học. Tất cả chúng ta quan niệm cứ nói đến khoa học là nói đến nhà nước, đến xin tiền nhà nước, nhà nước bao cái này, nhà nước làm cái kia,… Thực chất là chúng ta mang rất đậm dấu ấn nhà nước làm khoa học, chỉ huy khoa học.

Ở các nước khoa học phát triển, nhà nước không chỉ huy khoa học, mà để cho khoa học tự trị. Tôi nghĩ phải có quan điểm thì khoa học mới phát triển được.

Gian dối, suy thoái đạo đức chẳng qua là cái ngọn. Cái gốc là toàn bộ thiết chế quản lý của chúng ta đặt các nhà khoa học tự nguyện đặt mình ở vị trí của kẻ đi xin xỏ, xin được đãi ngộ, xin được trọng dụng, xin được trọng đãi. Đấy là những hệ khái niệm không có trong khoa học tự trị, không có trong hệ thống mà nhà khoa học muốn được tôn trọng. Đây là vấn đề rất mấu chốt, khi giải được bài toán khoa học tự trị thì tự nó giải được bài toán về cơ chế tài chính cho khoa học.

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)