Đẩy lùi cơ chế “xin cho”

Sự ra đời của Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia là một bước đổi mới quan trọng được kỳ vọng sẽ tạo ra sự chuyển biến lớn về chất trong việc hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ươm tạo, chuyển giao, phổ biến nhân rộng công nghệ mới, giảm bớt đáng kể nguy cơ sử dụng kinh phí nhà nước sai mục đích, kém hiệu quả, bởi người được vay vốn từ Quỹ bắt buộc phải tính toán sử dụng hợp lý để có thể hoàn trả khoản vay. Bên cạnh đó, mô hình quản lý quỹ lần này đã áp dụng những tiến bộ từ kinh nghiệm quản lý kinh phí KH&CN trên thế giới, đặc biệt là sự giảm nhẹ vai trò của nhà quản lý hành chính, tăng cường tiếng nói của nhà khoa học và doanh nghiệp trong hội đồng quản lý quỹ, qua đó giảm bớt đáng kể nguy cơ lạm quyền từ nhà quản lý hành chính.

Tuy nhiên, các nguy cơ gắn với cơ chế xin cho vẫn đang tồn tại, trước hết ở hoạt động hỗ trợ tài chính theo hình thức tài trợ và cho vay.

Với hình thức cho vay thì nguy cơ xảy ra  chuyện “xin cho” không nhỏ khi mà tiêu chí phê duyệt, nghiệm thu các dự án cho vay là không dễ thẩm định, ví dụ tiêu chí yêu cầu các dự án tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới phải đạt những giá trị gia tăng tối thiểu. Đây là yêu cầu hợp lý, nhưng đòi hỏi năng lực thẩm định của hội đồng đánh giá phải rất cao, và một đội ngũ hỗ trợ chuyên nghiệp để thu thập, tổng hợp đầy đủ những dữ liệu cần thiết không chỉ về công nghệ mà cả tài chính, thị trường để phục vụ công tác đánh giá, dự báo (chưa kể sẽ có nhiều trường hợp không thể tổng hợp được đầy đủ dữ liệu như mong muốn). Tương tự như vậy, công việc dành cho các nhà kiểm toán cũng rất nhiều, dễ có nguy cơ xảy ra sơ sót, thiếu thông tin để kết luận trong công tác thẩm tra. 

Với hình thức tài trợ, người được tài trợ không chịu sức ép phải hoàn trả kinh phí cho Nhà nước, trong khi sản phẩm của hoạt động được tài trợ lại không dễ được thẩm định, khó áp dụng chế tài kiểm soát hiệu quả, đặc biệt với những hoạt động thuộc diện được tài trợ như đào tạo cán bộ KH&CN phục vụ chuyển giao, ứng dụng công nghệ, thuê chuyên gia tư vấn kỹ thuật trong và ngoài nước. Chúng ta không rõ cơ cấu vốn của quỹ dành cho hình thức tài trợ này là bao nhiêu, nhưng hi vọng rằng tỉ lệ vốn đó là không lớn, bởi tỉ lệ vốn tài trợ không hoàn lại cho các hoạt động như vậy càng cao thì nguy cơ của cơ chế xin cho càng nhiều, chưa kể áp lực cân bằng tài chính cho quỹ càng tăng.

Ở cả hai hình thức tài trợ và cho vay, việc đưa ra các quyết định khách quan, chính xác là nhiệm vụ rất nặng nề cho các hội đồng KH&CN của quỹ, nhưng tất cả các ủy viên hội đồng KH&CN đều do một người đề cử là giám đốc quỹ. Việc này tập trung quá nhiều trách nhiệm không hợp lý lên vai giám đốc quỹ, bởi nhiều dự án khác nhau sẽ đòi hỏi sự hiểu biết tường tận về các chuyên gia công nghệ, tài chính, thị trường trong nhiều lĩnh vực đặc thù chuyên biệt. Như vậy dễ xảy ra việc chọn không đúng người vào vị trí chuyên gia, và sự lựa chọn dễ mang tính hình thức. Nên chăng cần có những vị trí phụ trách cố định cho những lĩnh vực riêng biệt khác nhau, là những người am hiểu và có thẩm quyền lựa chọn các chuyên gia trong lĩnh vực riêng của mình, đồng thời có những tiếng nói phản biện của chuyên gia độc lập bên ngoài, thay vì giao toàn bộ trách nhiệm lựa chọn, đề cử chuyên gia lên vai một người duy nhất (kể cả khi người đó có một đội ngũ nhân viên tư vấn dưới quyền thì tính khách quan vẫn chưa thể đảm bảo).

Thực tiễn sẽ tiếp tục chỉ ra những vấn đề mới, thách thức mới của quỹ, nhưng trước hết, các vấn đề trên đây là những thách thức đầu tiên mà quỹ cần giải quyết tốt, để đảm bảo chúng ta không thay thế hình thức xin cho cũ bằng một hình thức xin cho mới. 

 

Tác giả