Đề bạt chức danh khoa bảng

Ở trong nước việc đề bạt chức danh khoa học còn “vàng thau lẫn lộn”, chưa tìm hết thực tài là do quy trình xét duyệt và “hệ thống” tiêu chuẩn thiếu tính khoa học, khách quan và “chưa rõ ràng”. Xin nêu một vài kinh nghiệm của nước ngoài đề “nhìn người còn nghĩ đến ta”.

Đối với người chưa quen với hệ thống khoa bảng, chức danh giáo sư thường được hiểu là dành cho những người làm công việc giảng dạy đại học, nhưng trong thực tế ngày nay, chức danh này còn được tiến phong cho những người làm nghiên cứu khoa học. Do đó, cũng như nhiều đại học khác, UNSW có chính sách công nhận cống hiến của nhiều thành phần khác nhau, và họ đề ra 3 ngạch để đề bạt chức danh giáo sư: ngạch nghiên cứu (research track), ngạch giảng dạy (teaching track), và ngạch hỗn hợp giữa nghiên cứu và giảng dạy.

Những ngạch này có những tiêu chuẩn tiến phong khác nhau. Vì thế, ứng viên phải rất cẩn thận chọn ngạch mình muốn được xét duyệt. Chẳng hạn như nếu chuyên về giảng dạy mà chọn ngạch nghiên cứu thì chỉ có chuốc lấy thất bại. Tỉ lệ thành công từ associate professor lên professor theo tôi xem qua kết quả trong quá khứ dao động từ 60 đến 70%.

 

Tiêu chuẩn

Các đại học ở Úc và Anh có 4 bậc khoa bảng: lecturer, senior lecturer, associate professor (hay reader), và professor. Nhưng ở các đại học Mỹ có 3 chức danh professor: đó là assistant professor, associate professor, và professor. Ở cả hai hệ thống, professor là chức danh cao nhất trong hệ thống học hàm đại học. Ở Úc, cũng như ở Mỹ, một khi người có chức vụ (position) assistant professor, hay associate professor, hay professor, thì danh xưng (title) vẫn là professor.

Mỗi chức vụ đều có những tiêu chuẩn riêng, mà những tiêu chuẩn này cũng khác biệt giữa các đại học. Do vậy, một giáo sư ở trường A chưa chắc sẽ được bổ nhiệm ở trường B. Tiêu chuẩn đề bạt vào các chức vụ khoa bảng tùy thuộc vào từng ngạch. Trong ngạch nghiên cứu, có 4 tiêu chuẩn chính: thành tựu nghiên cứu khoa học (research), lãnh đạo (leadership), giảng dạy (teaching), phục vụ (services). Mỗi tiêu chuẩn được đánh giá bằng 4 bậc như sau:

· Cống hiến trung bình (sustained contribution) – tức là những đóng góp ở mức độ kì vọng của chức vụ hiện tại;

· Cống hiến giỏi, tốt (superior contribution) – tức là những đóng góp ở mức trên trung bình;

· Cống hiến xuất sắc (outstanding contribution) – tức là những đóng góp trên trung bình của chức vụ mà ứng viên muốn được đề bạt;

· Cống hiến nổi bật (outstanding plus contribution) – tức là những đóng góp đem lại tên tuổi cho trường đại học, những đóng góp thuộc vào hàng “top 5%” của chuyên ngành.

Về tiêu chí để đề bạt từ associate professor lên professor thì ứng viên phải chứng minh mình ở bậc tối thiểu là outstanding về nghiên cứu + trung bình về giảng dạy + trung bình về phục vụ. Rất khó để xếp một ứng viên vào bậc nào, nhưng càng khó hơn khi trường đòi hỏi mỗi ứng viên phải tự mình đánh giá!

Mới đọc qua thì khá dài dòng và phức tạp như thế, nhưng tiêu chuẩn chính để đề bạt vẫn là: thành tựu nghiên cứu khoa học, lãnh đạo, và phục vụ. Chỉ tiêu chính để đánh giá thành tựu nghiên cứu khoa học là số lượng cùng chất lượng các công trình nghiên cứu, và bằng sáng chế.

Số lượng công trình nghiên cứu. Không có một qui định cứng nào trên giấy trắng mực đen là phải có bao nhiêu bài báo để đủ tiêu chuẩn đề bạt, nhưng hình như có những “qui ước” bất thành văn mà phần lớn người trong hệ thống khoa bảng đều biết qua:

·                     Lecturer phải có >10 công trình đã công bố;

·                     Senior lecturer: >20 công trình;

·                     Associate professor: >50 công trình;

·                     Professor: >80 công trình.

Cần nói thêm rằng những tiêu chuẩn theo qui ước bất thành văn này cũng tùy thuộc vào trường đại học, thậm chí tùy khoa. Trường lớn và lâu đời thường đòi hỏi cao hơn, trường nhỏ và chưa có tiếng thường có tiêu chuẩn thấp hơn. Ngay trong một trường, khoa luật có thể có tiêu chuẩn khác với khoa y, và tiêu chuẩn khoa y cũng không giống khoa kĩ thuật.

Ở các trường danh tiếng như Harvard, Stanford, Yale, UCLA, v.v… mà tôi có đồng nghiệp (và từng làm người bình duyệt đơn đề bạt của họ) thì tôi thấy phần lớn các associate professor đều có trên 50 công trình, và professor đều có trên 100 công trình khoa học và là những người có “high profile” trong chuyên ngành qua những hoạt động trong hiệp hội chuyên môn.

Chất lượng nghiên cứu khoa học. Hội đồng khoa bảng dựa vào những chỉ số như hệ số ảnh hưởng (impact factor, IF) của tập san và chỉ số H của cá nhân ứng viên. Không có con số cụ thể về IF để đánh giá chất lượng cao hay thấp, bởi vì IF quá tùy thuộc vào từng bộ môn khoa học, nhưng nói chung, hội đồng chú ý đến những bài báo được công bố trên những tập san hàng đầu trong chuyên ngành. Chỉ số H rất quan trọng, vì đây là chỉ số quyết định một phần sự thành bại của ứng viên. Các trường đại học danh tiếng và lớn ở Mỹ thường đòi hỏi ứng viên phải có chỉ số H tối thiểu là 15 (thường là 20) để được đề bạt chức danh professor.

Không có ngưỡng cụ thể về số bằng sáng chế bao nhiêu để đề bạt, nhưng hội đồng khoa bảng rất chú ý đến những nghiên cứu làm thay đổi định hướng của chuyên ngành, những nghiên cứu mở ra một hướng đi mới cho khoa học, những nghiên cứu mà kết quả được ứng dụng rộng rãi và đem lại lợi ích cho công chúng.

Tiêu chuẩn lãnh đạo ở đây không phải là lãnh đạo hành chính, mà là đi đầu trong một lĩnh vực nghiên cứu. Không có những thước đo cụ thể về tiêu chuẩn này, nhưng những “tín hiệu” sau đây được xem là liên quan đến “lãnh đạo”: được mời viết xã luận (editorial), bình luận (commentary), bài tổng quan (invited review), được mời thuyết giảng trong các hội nghị lớn tầm quốc tế (còn gọi là invited lecture, keynote lecture, v.v…) mà ban tổ chức tài trợ hoàn toàn, được mời tham gia soạn thảo chương trình khoa học cho hội nghị, đóng vai trò chủ tọa hội nghị, v.v…

Phục vụ cho chuyên ngành. Hội đồng thường xem xét đến những đóng góp cho các tập san khoa học trong vai trò phản biện, bình duyệt (referee hay reviewer), hay cao hơn là được mời làm thành viên của ban biên tập cho tập san, hoặc cao hơn là đóng vai trò tổng biên tập và phó biên tập của các tập san khoa học quốc tế. Phục vụ trong các hiệp hội khoa học cũng được xem là một chỉ tiêu quan trọng. Ngoài ra, hội đồng cũng xét duyệt đến những cống hiến bình duyệt đơn xin tài trợ, tham gia bình duyệt luận án tiến sĩ cho các đại học nước ngoài, tham gia bình duyệt đơn xin đề bạc của đồng nghiệp nước ngoài. Đó là những “chỉ tiêu” được xem là đóng góp, phục vụ cho chuyên ngành.

Ngoài các tiêu chuẩn chính trên đây, ứng viên còn phải báo cáo về thành tích thu hút tài trợ cho nghiên cứu (grant, funding), về số nghiên cứu sinh tiến sĩ và hậu tiến sĩ đã đào tạo trong thời gian qua, và những hợp tác quốc gia và quốc tế. Những “chỉ số” này cũng nói lên một phần mức độ tích cực hoạt động khoa học của ứng viên, nên hội đồng đề bạt cũng xem đó là những tiêu chuẩn cần thiết cho một professor.

Qui trình đề bạt

Qui trình đề bạt nói chung khá đơn giản (ít ra là đơn giản hơn so với Việt Nam), nhưng chuẩn bị hồ sơ và dữ liệu mới tốn nhiều thời gian. Nói tóm lại chỉ có 3 bước chính: đầu tiên là đệ đơn (nộp hồ sơ xin đề bạt), sau đó là bình duyệt, và sau cùng là phỏng vấn ứng viên.

Hồ sơ đề bạt gồm có 4 phần: (a) một đơn xin đề bạt; (b) một cái form liệt kê công trình khoa học; (c) một form hành chính chủ yếu lí lịch khoa học; và (d) một dossier gồm bản sao những công trình khoa học chính mà ứng viên xem là điểm nổi trong sự nghiệp của mình (họ không đòi phải photocopy hàng trăm hay chục bài báo, họ chỉ muốn xem cao lắm là 5 bài tiêu biểu mà thôi).

Đơn xin đề bạt. Ứng viên phải soạn một đơn xin đề bạt (application for promotion). Trong đơn này, ứng viên phải giải trình thành tích khoa học của mình một cách cụ thể dựa theo những tiêu chuẩn trên. “Cụ thể” ở đây có nghĩa là phải trình bày những số liệu, biểu đồ, phân tích nhằm thuyết phục hội đồng khoa bảng rằng ứng viên đạt tiêu chuẩn của một giáo sư. Đơn có thể chia thành 5 phần:

· Nghiên cứu khoa học và thành tựu (research achievements and outputs). Trong phần này, ứng viên trình bày những thành tựu chính của mình là gì, đã công bố bao nhiêu bài báo khoa học, chỉ số trích dẫn (citation index), hệ số ảnh hưởng (impact factor), chất lượng nghiên cứu, mức độ ảnh hưởng của nghiên cứu, và khả năng thu hút tài trợ cho nghiên cứu.

· Lãnh đạo (leadership). Một professor phải là một nhà lãnh đạo khoa học. Do đó, trong phần này, ứng viên phải trình bày bằng chứng cho thấy mình là chuyên gia hạng đầu ngành, được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận qua những bằng chứng cụ thể như được mời nói chuyện trong các hội nghị mà do ban tổ chức chi trả, hay được mời làm chủ tọa trong các hội nghị quốc tế.

· Giảng dạy và đào tạo (teaching and mentorship). Trong phần này, ứng viên phải trình bày dữ liệu về số sinh viên cấp thạc sĩ và tiến sĩ mà mình đã hướng dẫn thành công. Những sinh viên này hiện giờ ở đâu, làm gì, thành đạt gì trong sự nghiệp. Ngoài ra, ứng viên còn phải trình bày số nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ (postdoc) đến “đầu quân” làm việc cho nhóm của mình, và sự nghiệp của các postdoc này hiện nay như thế nào. Trong phần này, ứng viên cũng có thể viết về những khóa học ngắn hạn hay những seminar mang tính giáo dục cho đồng nghiệp mà ứng viên đã thực hiện.

· Phục vụ (services). Một nhà khoa bảng không phải chỉ ngồi trong tháp ngà, mà phải có cống hiến cho xã hội và cho chuyên ngành. Do đó, trong phần này, ứng viên phải trình bày bằng chứng về những đóng góp của mình cho chuyên ngành qua những việc làm như bình duyệt bài báo khoa học cho các tập san và phục vụ trong ban biên tập tập san. Ngoài ra, ứng viên phải cho biết trong thời gian qua đã có đóng góp gì cho xã hội qua những lần xuất hiện trên báo chí và hệ thống truyền thông, đóng góp gì cho chính sách y tế hoặc chính sách khoa học của Nhà nước, hay những đóng góp cho bạn bè và đồng nghiệp quốc tế.

· Định hướng tương lai (future direction). Trong phần này, ứng viên phải trình bày những định hướng trong tương lai nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của chính mình, và góp phần nâng cao tính cạnh tranh của trường đại học mình đang phục vụ.

Tất cả những điểm trên đây chỉ giới hạn trong vòng 10 trang giấy, kể cả 1 trang tóm lược (summary). Trang tóm lược này rất quan trọng, vì phần lớn người bình duyệt chỉ đọc trang này để đánh giá xem ứng viên có xứng đáng hay không, rồi mới đọc tiếp 9 trang sau. Ứng viên chỉ được viết đơn với kiểu chữ có kích thước font là 11 hay 12, chứ không cho “ăn gian” dùng font nhỏ hơn để “chèn” nhiều nội dung hơn người khác!

Danh sách công trình khoa học. Ngoài đơn xin đề bạt, ứng viên phải liệt kê tất cả những công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố. Những công trình này không tính đến những bài báo trong các hội nghị (“abstracts” hay “proceedings”). Mỗi công trình phải được viết theo kiểu tài liệu tham khảo (tức tên tác giả, tựa đề bài báo, tập san, năm và số trang). Ngoài những chi tiết này, ứng viên còn phải cho biết vai trò của mình trong công trình là gì, hệ số ảnh hưởng (impact factor) của tập san là bao nhiêu, và bài báo đã được trích dẫn bao nhiêu lần tính từ ngày công bố. Chính hai chỉ số sau này làm cho ứng viên phải tốn rất nhiêu công sức và thời gian, vì phải truy tìm trong cơ sở dữ liệu của Viện thông tin khoa học (ISI). Tuy nhiên, trường đại học sẵn sàng tài trợ cho chi phí này, nên ứng viên không tốn tiền để thu thập thông tin. Kinh nghiệm của tôi là có thể nhờ đồng nghiệp hay thư viện giúp đỡ thì sẽ tiết kiệm nhiều thì giờ cho các việc khác.

Trong form này, ứng viên còn phải đề ra 5 công trình tiêu biểu cho sự nghiệp của mình. Ứng viên có thể trình bày ngắn gọn về ý nghĩa và tầm quan trọng của từng công trình, mình đóng vai trò gì trong đó, và đã được cộng đồng khoa học đón nhận ra sao. Tất nhiên, tất cả lí giải đều phải kèm theo bằng chứng cụ thể về chỉ số trích dẫn, chứ không phải nói suông.

Ứng viên phải nộp bản sao của những công trình nghiên cứu tiêu biểu này (và một số công trình khác mà ứng viên thấy cần thiết) tại văn phòng của khoa trưởng. Việc nộp các bản sao này nhằm mục đích nếu thành viên trong hội đồng khoa bảng muốn đọc hay đánh giá thì có thể xem qua những bài báo.

Bình duyệt

Bình duyệt đơn được thực hiện qua 2 phía: cá nhân và đại học.

Về phía cá nhân, ứng viên có quyền chọn cho mình 4 người bình duyệt (referee), và trường đại học có trách nhiệm phải gửi hồ sơ đến 4 người bình duyệt này. Bốn người này có thể là đồng nghiệp của ứng viên, và cũng có thể là người nước ngoài hay ngoài trường đại học.

Về phía đại học, ứng viên phải đề cử 4-6 người bình duyệt cho trường đại học chọn. Phải nói rõ tại sao đề cử mấy người này. Dựa vào danh sách này, hội đồng đề bạt sẽ chọn 2 hoặc 3 người bình duyệt hồ sơ. Ứng viên không biết hội đồng sẽ chọn ai trong danh sách. Phần lớn trường hợp, hội đồng chỉ chọn các nhà khoa học nước ngoài, chứ ít khi nào chọn người trong nước.

Như vậy, tính trung bình một đơn đề bạt được 6-7 người xét, trong số này ứng viên biết chắc 4 người (mà mình chọn) còn 2-3 người kia thì ẩn danh. Mỗi người bình duyệt sẽ viết một báo cáo đánh giá ứng viên dựa vào các tiêu chuẩn (nghiên cứu khoa học, giảng dạy, lãnh đạo, phục vụ) và tiêu chí (trung bình, giỏi, xuấc sắc, nổi trội) mà trường đại học đưa ra. Một trong những điểm mà trường yêu cầu người bình duyệt phải chỉ ra cho được là ứng viên tương đương với ai (cụ thể là những giáo sư nào, tên tuổi, ở đâu, địa chỉ) trong ngành trên thế giới. Đây cũng là cách trường muốn kiểm tra và so sánh thêm về thành tích khoa học của ứng viên. Đến phần cuối của báo cáo bình duyệt, hội đồng khoa bảng yêu cầu người bình duyệt phải xếp hạng ứng viên vào hạng mấy trên thế giới (chuyên ngành): top 1%, 5% 10%, hay 20%.

Báo cáo của những người này rất quan trọng. Chỉ cần 1 người chất vấn là đơn của ứng viên có thể có vấn đề. Chỉ một người trong số 6-7 người bình duyệt đó đánh giá ứng viên không xứng đáng với chức danh thì coi như ứng viên sẽ thất bại trong đề bạt.

Do đó, việc chọn người bình duyệt rất quan trọng. Tôi đã từng nghe những câu chuyện thật nhưng có khi đau lòng, về tình đồng nghiệp có khi biến thành thù địch. Có một câu chuyện nổi tiếng mới xảy ra khoảng thập niên 1990, và vẫn còn lưu truyền trong giới khoa bảng như là một bài học. Câu chuyện về một chuyên gia miễn dịch học xin đề bạt lên chức vụ giáo sư, anh ta tiến cử 4 người bình duyệt cho mình, những người này anh ta quen biết khá thân và thậm chí từng làm chung trong vài dự án. Khi báo cáo bình duyệt về, có một báo cáo nói rất tốt về anh, nhưng vị đồng nghiệp chẳng hiểu vì lí do gì viết một câu cực kì bất lợi: “thành tích khoa học của giáo sư A rất tốt, nhưng nếu giáo sư ở trường tôi thì ông sẽ chẳng khó thành giáo sư!” Chỉ một câu như thế, hội đồng khoa bảng đã không đề bạt anh ta. Bài học quan trọng là: chọn người bình duyệt cẩn thận!

Sau khi nhận được các báo cáo này, hội đồng khoa bảng sẽ tổ chức một buổi phỏng vấn ứng viên. Hội đồng sẽ chọn 7-8 giáo sư, trong số này 3 người ngoài trường và ngoài khoa, để làm phỏng vấn ứng viên. Buổi phỏng vấn chỉ 40-50 phút, và thường đặt dưới sự chủ tọa của khoa trưởng. Phỏng vấn đều có thu âm và ghi chép lại, để phòng ngừa khi có khiếu nại thì Hội đồng đề bạt có thể xem lại những câu hỏi và trả lời xem có công bằng hay không.

Từ ngày nộp đơn đến ngày phỏng vấn là khoảng 6 tháng. Sau khi phỏng vấn, họ sẽ viết một đề nghị lên hiệu trưởng đại học để chính thức công bố kết quả. Ứng viên còn phải chờ 1 tháng sau thì mới có kết quả chính thức, và kết quả này do hiệu trưởng đại học công bố cho toàn trường biết.

Nếu thất bại (không được đề bạt), ứng viên có quyền khiếu nại và yêu cầu đánh giá lại. Trong trường hợp này (hiếm xảy ra), hội đồng khoa bảng sẽ chuyển hồ sơ của ứng viên đến một hội đồng khác mà trong thực tế là một hội đồng khoa bảng mới để xem xét hồ sơ.

Những bài học chung

Bây giờ, nhìn lại những qui trình xin chức fellow và professor, có thể rút ra một số bài học đáng chú ý. Nhưng “bài học” lớn hơn, theo tôi, là qui trình và thủ tục làm việc mà các nhà quản lí khoa học và khoa bảng trong nước có thể rút ra và tham khảo.

Ở trong nước, thời gian gần đây, có nhiều phàn nàn về thủ tục tiến phong các chức danh khoa bảng như giáo sư hay phó giáo sư. Người ta cho rằng thủ tục quá rườm rà mà lại thiếu minh bạch. Lại có người cho rằng tiêu chuẩn tiến phong không hợp lí (như tính số điểm bài báo nước ngoài bằng điểm bài báo trong nước), và do đó, vô hình chung làm cho chức danh giáo sư bị hạ thấp hay xem thường. Gs Hoàng Tụy nói nếu làm đúng thì chắc có đến 1/3 giáo sư hay phó giáo sư bị bãi nhiệm.

Nhìn qua thủ tục đề bạt ở nước ngoài và bên VN tôi thấy cũng có vài khác biệt đáng kể. Khác biệt thứ nhất là ở nước ngoài không có “đăng kí” tại cơ sở (tức trường) để được đề bạt, có lẽ vì chức danh khoa bảng ở nước ngoài là do trường tiến phong, còn ở trong nước thì do một hội đồng quốc gia xét. Ở nước ngoài có phỏng vấn ứng viên, nhưng ở trong nước thì không có phỏng vấn. Ở Úc không có bỏ phiếu kín, mà chủ yếu là qua bình duyệt của đồng nghiệp.

Còn về tiêu chuẩn cũng có khác nhau khá nhiều giữa Việt Nam và ở nước ngoài. Chẳng hạn như ở VN người ta tính toán điểm chi li cho từng bài báo, còn ở nước ngoài thì chỉ dựa vào các chỉ số như H hay chỉ số trích dẫn như là tham khảo chứ không phải để định đoạt được hay không được tiến phong.

Hy vọng rằng những kinh nghiệm trên đây cung cấp vài thông tin cần thiết cho các nhà quản lí giáo dục trong nước trong quá trình hoàn thiện qui trình tiến phong các chức danh khoa bảng và giúp nước ta từng bước hội nhập với quốc tế.

Thứ nhất là không có những tiêu chuẩn cứng nhắc theo kiểu cân đo đong đếm. Trái với các tiêu chuẩn đề bạt trong nước về đề bạt chức danh khoa bảng bằng cách tính điểm bài báo, ở nước ngoài hay cụ thể là UNSW người ta không có những điểm cụ thể, mà chỉ đánh giá mang tính nửa lượng nửa chất. Về lượng, họ xem xét đến hệ số ảnh hưởng của tập san, chỉ số trích dẫn của các bài báo khoa học đã công bố, và nhất là chỉ số H của ứng viên. Họ không đề ra những con số bài báo cụ thể phải là bao nhiêu để được đề bạt. Những chỉ số chỉ mang tính tham khảo, vì họ còn phải đánh giá số lượng bài báo được mời đóng góp hay những lần giảng tại hội nghị quốc tế được ban tổ chức mời và chi trả.

Thứ hai là vận dụng tối đa hệ thống bình duyệt (peer review). Không như ở một số nước việc bình duyệt chức danh khoa bảng được thực hiện bằng cách bỏ phiếu kín, ở UNSW và nhiều trường ở Mỹ, người ta sử dụng hệ thống bình duyệt do chính các đồng nghiệp của ứng viên làm. Triết lí đằng sau cách làm này là chỉ có đồng nghiệp cùng chuyên môn với ứng viên là những người đánh giá chính xác nhất về thành tựu và uy tín của ứng viên. Ngoài ra, để cho đồng nghiệp trong và ngoài đánh giá còn đảm bảo tính khách quan trong quá trình đề bạt.

Thứ ba là tính minh bạch. Tất cả các chi tiết về thủ tục và tiêu chuẩn đề bạt cho từng chức vụ đều được phổ biến trên Internet. Họ còn cho biết tiêu chí cho từng cấp bậc để ứng viên chuẩn bị. Ngoài ra, danh sách những người trong hội đồng phỏng vấn và lĩnh vực nghiên cứu của họ cũng được công bố cho ứng viên biết trước. Điều đáng nói là thành phần hội đồng phỏng vấn được tuyển chọn sao cho đảm bảo bình đẳng giới tính, khoa học và ngoài khoa học, trong và ngoài đại học, v.v… Tính minh bạch còn thể hiện qua qui định ứng viên có quyền được xem các báo cáo bình duyệt của đồng nghiệp. Nhưng trong thực tế, rất ít ứng viên muốn đọc những báo cáo này, bởi vì thường thường họ đều được đồng nghiệp cho biết trước!

Thứ tư là chuẩn bị tốt cho ứng viên. Trường đại học xem đội ngũ professor là một nguồn tài nguyên quan trọng (một critical mass), cho nên họ có trách nhiệm phải vun bồi đội ngũ này. Tôi chỉ có thể nói họ chuẩn bị rất tốt cho ứng viên. Trước khi đệ đơn và phỏng vấn, UNSW tổ chức đến 2 buổi seminar cho công việc này. Buổi seminar thứ nhất nói về thủ tục và hồ sơ xin đề bạt. Trong seminar này, họ mời phó hiệu trưởng và những người đã từng được đề bạt trước đây đến nói chuyện và chia sẻ kinh nghiệm về cách trình bày đơn xin đề bạt và cách trình bày hồ sơ sao cho có hiệu quả.

Để đảm bảo buổi phỏng vấn thành công, một seminar thứ hai về cách trả lời phỏng vấn được thực hiện rất công phu. Họ mời những người từng được đề bạt trước đây nói về những “thủ thuật”, phương pháp, thậm chí cách thể hiện cơ thể (body language) trong phỏng vấn; cách biến câu hỏi khó thành câu trả lời thuận lợi cho mình. Sau đó, họ tổ chức một cuộc phỏng vấn thử (rehearsal interview). Thực tế, buổi tập dượt phỏng vấn thử (rehearsal interview) thật có ích, bởi vì qua đó, có thể chuẩn bị những câu hỏi và biết cách hành xử trong khi trả lời phỏng vấn. Điều ấn tượng nhất là họ chỉ dẫn rất nhiệt tình, chứ không dấu diếm gì cả. Ngay cả những câu hỏi cũng được chuẩn bị trước rất bài bản!

——————————————————–

Có thể xem qua qui trình đề bạt tại UNSW ở đây. Còn về tiêu chuẩn ở các trường y bên Mĩ có thể xem qua các tài liệu sau đây: Duke University, Harvard University, Yale University, UCLA.

 

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)