Để tự chủ thành công

Trong khi phần lớn các tổ chức KH&CN công lập trên cả nước còn chậm trễ trong triển khai cơ chế tự chủ theo Nghị định 115 của Chính phủ năm 2005, chưa thể dựa vào nguồn kinh phí từ các đề tài, nhiệm vụ, và thương mại hóa kết quả nghiên cứu để tự nuôi mình, thì Học viện Nông nghiệp Việt Nam bằng những chính sách hợp lý đã đạt được những bước tiến mạnh mẽ, từng bước “cai sữa” thành công cho nhiều đơn vị nghiên cứu của mình.

Không chờ tới Nghị định 115 năm 2005 của Chính phủ về quy chế tự chủ tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN, ngay từ năm 2000 Học viện Nông nghiệp Việt Nam (khi đó là Đại học Nông nghiệp Hà Nội) đã chủ động thử nghiệm cơ chế tự chủ với đơn vị tiên phong đầu tiên là Trung tâm Sinh thái Nông nghiệp, để rồi tiếp tục lan tỏa sang các đơn vị khác. Đến nay, Học viện đã có tới 17 Viện và Trung tâm nghiên cứu triển khai tự chủ thành công. Nhưng nguyên nhân mấu chốt khiến các tổ chức này tự chủ thành công là (1) người đứng đầu là một nhà khoa học có uy tín, có sức cảm hóa và tập hợp các nhà khoa học khác, dám dấn thân chỉ để khẳng định các nhà khoa học Việt Nam có thể sống đàng hoàng, tử tế bằng khoa học; (2) có chiến lược dài hạn và trung hạn rõ ràng, khả thi, không bị các chương trình KH&CN kiểu ăn đong ở đâu đó lôi cuốn, (3) môi trường làm việc chuyên nghiệp trên tinh thần “tình cảm trong sáng, kinh tế sòng phẳng” với tất cả mọi người, (4) liên tục chăm lo xây dựng đội ngũ, (5) thước đo giá trị của các thành viên là các công bố quốc tế và lượng tiền mang về trung tâm. Họ đã dũng cảm thoát ra khỏi bầu sữa do ngân sách Nhà nước tài trợ để được tự do nghiên cứu những gì họ tự thấy là cần cho dân cho nước, cần cho sự hội nhập quốc tế.
Mỗi viện/trung tâm nghiên cứu khi mới thành lập phải đệ trình và bảo vệ thành công đề án; và khi được Hội đồng Khoa học và giáo dục chấp nhận thì họ được “nuôi” ba năm, sau đó từ từ cai sữa trong hai năm tiếp theo để sau năm năm thành lập, tất cả các viện/trung tâm này tự sống bằng chính tiềm lực KH&CN của mình. Không những thế, từ năm thứ năm họ còn phải có trách nhiệm đóng góp vào Quỹ Khoa học và Công nghệ của Học viện. Sắp tới, để các viện/trung tâm không bị phân tâm vì hạn chế thu nhập cho cán bộ nghiên cứu, Học viện sẽ áp dụng chính sách mỗi viện/trung tâm nghiên cứu được hưởng năm suất ‘biên chế’ do kinh phí của Học viện chi trả với một điều kiện, trong ba năm liên tiếp buộc phải có ít nhất một công bố trên các tạp chí ISI, hoặc ít nhất một sản phẩm khoa học ứng dụng phục vụ nhu cầu kinh tế – xã hội được thừa nhận rộng rãi. Mỗi bài báo quốc tế, mỗi sản phẩm được xã hội thừa nhận được Học viện thưởng 25 triệu đồng và tác giả của các công trình đó được mặc nhiên thừa nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được xét lên lương sớm nếu không có các vi phạm pháp luật hoặc vi phạm các quy định của Học viện.

Tiếp tục bao cấp cho những đơn vị kém hiệu quả thì sẽ không đảm bảo tính chuyên nghiệp và sự công bằng, khiến những đơn vị khác sẽ mất đi động lực phấn đấu để tự chủ.

Chính sách tài trợ ưu đãi dựa trên các sản phẩm công việc như vậy đã thúc đẩy một số tổ chức nghiên cứu của Học viện vừa làm tốt việc nghiên cứu, vừa có những sản phẩm ứng dụng hữu ích cho xã hội. Ví dụ Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ sinh học Khoa Thú y – một đơn vị vẫn đang được Học viện tài trợ một phần nhưng chuẩn bị bước vào giai đoạn “cai sữa” hoàn toàn – là nơi vừa làm nghiên cứu với nhiều đề tài cấp Nhà nước và công bố quốc tế, đồng thời có nhiều ứng dụng thực tiễn với vài nghìn mẫu phân tích mỗi năm theo nhu cầu của doanh nghiệp và người nông dân. Hiện nay, Phòng đang nghiên cứu để cùng công ty RTD sản xuất ra vắcxin bệnh tai xanh ở lợn made in Vietnam, một công trình dự kiến được hoàn thành trong 2015-2016, sẽ mang lại những lợi ích kinh tế – xã hội to lớn, không chỉ giúp người nông dân có thêm nguồn vắcxin bảo vệ đàn lợn, mà còn tiết kiệm cho đất nước một khoản đáng kể do lâu nay vẫn phải nhập khẩu vắcxin chống tai xanh từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong thực tế, tự chủ hóa các đơn vị nghiên cứu là một tiến trình cam go, đầy chông gai và thách thức. Sau giai đoạn được Học viện bao cấp, ngoài 17 viện/trung tâm có thể tự đứng vững trên trên đôi chân của mình, đã có ba trung tâm thất bại, đó là những đơn vị không thể tự nuôi được mình, cũng không có sản phẩm nghiên cứu các công bố quốc tế trên tạp chí ISI hoặc các sản phẩm ứng dụng phục vụ xã hội. Cả ba đơn vị này đều đã phải giải thể, những người lãnh đạo và bộ máy nhân sự phải điều chuyển sang những công việc khác.“Nếu chúng tôi không làm như vậy mà vẫn tiếp tục bao cấp cho những đơn vị kém hiệu quả thì sẽ không đảm bảo tính chuyên nghiệp và sự công bằng, khiến những đơn vị khác sẽ mất đi động lực phấn đấu để tự chủ”, một lãnh đạo của Học viện cho biết.

Những tác nhân mấu chốt để tự chủ thành công

Ngoài yếu tố áp lực buộc phải tự chủ, thì một tác nhân khác đóng vai trò quyết định là ở người lãnh đạo các đơn vị. “Người đó phải có năng lực tổ chức chuyên nghiệp và đặc biệt là phải biết thu hút, trọng dụng nhân tài, biết dấn thân để khẳng định mình, khẳng định hướng nghiên cứu của mình và của đơn vị mình”. Muốn vậy thì không chỉ cần kỹ năng quản lý mà còn đòi hỏi năng lực chuyên môn cao. Người đứng đầu không có công trình công bố quốc tế trên các tạp chí ISI thì rất khó thuyết phục các đồng nghiệp của mình có công bố quốc tế;  đồng thời phải từng được đào tạo và nghiên cứu ở môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp. Chính vì vậy, cán bộ nghiên cứu của Học viện phải có tối thiểu một bằng thạc sỹ hoặc tiến sỹ (tốt nhất là có cả bằng Thạc sỹ và Tiến sỹ) do các trường đại học nằm trong top 200 trường đại học nước ngoài do tạp chí Times Higher Education (The World University Ranking) xếp hạng cấp. Không phải tất cả, nhưng phần lớn các nhà khoa học này đều có tư duy sáng tạo, có kinh nghiệm tổ chức các hoạt động nghiên cứu một cách chuyên nghiệp, bài bản từ những nền KH&CN phát triển. 


TS. Đỗ Đức Lực, Khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản, giới thiệu một cơ sở nghiên cứu
giống lợn chất lượng cao của Bỉ. TS. Lực cho biết giống lợn này mang lại cho người nông dân doanh thu cao hơn các giống thông thường của Việt Nam khoảng 3-5 nghìn đồng/kg.

Bên cạnh đó, tổ chức KH&CN cần xây dựng từ đầu những mục tiêu phát triển và một kế hoạch tổng thể hợp lý. Do có chiến lược phát triển đúng đắn, với những nỗ lực thực hiện bền bỉ qua từng nhiệm vụ KH&CN, các viện/trung tâm nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã từng bước tích lũy được các hệ thống trang biết bị tương đối hiện đại so với các nước lân cận trong cùng khu vực. “Một số nhà khoa học từ các nước Đông Nam Á như Malaysia khi đến làm việc tại phòng thí nghiệm của Học viện đã nói rằng các trang thiết bị mà chúng tôi đang có là niềm mơ ước của họ”, một trưởng phòng thí nghiệm tự hào chia sẻ.

Các tổ chức nghiên cứu phải xây dựng cho mình một quy chế hoạt động hợp lý, trong đó các chế độ lương, thưởng phải công khai, minh bạch, tương xứng công bằng với kết quả công việc. Về phía Học viện cũng có những chính sách thưởng – phạt phân minh đối với các tổ chức nghiên cứu.

Cuối cùng, để đảm bảo tính ổn định, bền vững, và sự phát triển lâu dài, Học viện yêu cầu các viện/trung tâm nghiên cứu trích lập quỹ do viện/trung tâm quản lý (Quỹ phát triển KH&CN, Quỹ khen thưởng, Quỹ ổn định thu nhập, Quỹ phúc lợi, …) với sự giám sát của Học viện, nhằm dự phòng cho các khoản kinh phí khấu hao trang thiết bị, đầu tư mới, các nghiên cứu mang tính thử nghiệm mở đường, v.v.

Các hiệu ứng lan tỏa tích cực

Tiến trình tự chủ hóa đã tạo động lực để các trung tâm nghiên cứu tiến hành những hoạt động nghiên cứu một cách thực chất, đồng thời cho phép họ tự do, chủ động xây dựng đội ngũ các nhà khoa học giàu năng lực, với một cơ chế hoạt động linh hoạt phù hợp với đặc thù các hoạt động KH&CN. Bên cạnh đó, còn giúp tăng cường tính độc lập vốn rất cần thiết ở các tổ chức khoa học, ví dụ các trung tâm, phòng thí nghiệm có thể tiến hành phân tích và trực tiếp đưa ra những kết luận mang tính độc lập theo yêu cầu của người dân và các doanh nghiệp, thay vì bị ràng buộc bởi các quy định về chia sẻ những thông tin gắn với các đề tài, nhiệm vụ KH&CN của Nhà nước.

Các tổ chức nghiên cứu phải xây dựng cho mình một quy chế hoạt động hợp lý, trong đó các chế độ lương, thưởng phải công khai, minh bạch, tương xứng công bằng với kết quả công việc.

Đồng thời, sự tự chủ cũng cho phép Học viện và các trung tâm nghiên cứu tạo một môi trường phát triển thích hợp cho các nhà khoa học trẻ, khi một phần nguồn kinh phí trích lập từ các trung tâm nghiên cứu được Học viện phân bổ vào các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu cấp trường, với giá trị có thể lên tới 400 triệu đồng cho mỗi đề tài. Đây chính là sân chơi phù hợp để các nhà khoa học trẻ, đặc biệt là những người được đào tạo ở nước ngoài về, đề xuất các ý tưởng nghiên cứu– Học viện tạo điều kiện cho mọi ý tưởng nghiên cứu hữu ích có khả năng ứng dụng trong điều kiện thực tế ở Việt Nam. Qua đó, các nhà khoa học trẻ có thể tích lũy thêm những kinh nghiệm và điều kiện cần thiết trước khi đăng ký các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước và đề tài của Quỹ Nafosted. Đây là chính sách tạo bước đệm cần thiết, mà nếu không có thì các nhà khoa học trẻ được đào tạo ở quốc tế sẽ rất khó để thích nghi với môi trường nghiên cứu trong nước, và chỉ sau vài ba năm họ sẽ thui chột, lãng phí tài năng và những kiến thức chuyên môn tích lũy từ nước ngoài.
           
Nhóm PV Tia Sáng thực hiện

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)