Điểm mới trong thuyết minh đề tài và khoán chi

Tại Hội thảo “Giới thiệu và hướng dẫn tham gia các Chương trình KH&CN Quốc gia” vừa qua do Văn phòng các Chương trình KH&CN quốc gia tổ chức, đã đưa ra nhiều điểm mới, thuận tiện hơn cho doanh nghiệp khi tiến hành các thủ tục thanh quyết toán.


Dự án cánh tay Robot của VNRobotics tạo điều kiện thực hành cho sinh viên các ngành cơ khí, điện tử được Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đầu tư

Sau một số năm thực hiện các chương trình KH&CN quốc gia, có một nghịch lý là: Trong khi, các chương trình, dự án nghiên cứu ứng dụng KH&CN rất cần sự tham gia của doanh nghiệp vì chỉ doanh nghiệp mới có hiểu biết về thị trường, đánh giá được tiềm năng của dự án và đủ khả năng để tiếp tục đầu tư, đưa sản phẩm ra thị trường thì doanh nghiệp lại không muốn tham gia vì cho rằng quy trình tham gia và thủ tục thanh quyết toán của nhà nước quá phức tạp. Chính vì vậy, hội thảo “Giới thiệu và hướng dẫn tham gia các Chương trình KH&CN Quốc gia” được tổ chức nhằm kết nối các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp để giải đáp thắc mắc về quy trình tham dự các dự án này. 

Doanh nghiệp dễ giải ngân hơn

Hiện nay, có sáu Chương trình KH&CN Quốc gia mà Văn phòng các Chương trình KH&CN đều lấy doanh nghiệp làm trung tâm nhằm đổi mới công nghệ, đầu tư “tới ngưỡng” để ra được sản phẩm có hàm lượng KH&CN cao có thể thương mại hóa. Trong đó, có bốn chương trình dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm: Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020, Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về KH&CN đến năm 2020, Chương trình 592 hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (Các doanh nghiệp có kết quả nghiên cứu tốt có thể đăng kí tham gia chương trình này và nhà nước sẽ hỗ trợ để doanh nghiệp đó phát triển thành doanh nghiệp KH&CN hoặc hình thành nên một doanh nghiệp spin-off).

Hai chương trình còn lại dành cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn kết hợp với các viện trường đầu tư các dự án lớn bao gồm: Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 (tập trung vào bốn lĩnh vực: Công nghệ thông tin, Vật liệu mới, Công nghệ sinh học, Tự động hóa) và Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.

Vốn nhà nước sẽ được hỗ trợ theo nguyên tắc: Với các hoạt động nghiên cứu, nhà nước sẽ hỗ trợ 100% kinh phí, kể cả công lao động, nguyên vật liệu. Với hoạt động sản xuất thử nghiệm, nhà nước hỗ trợ tối đa 50% tổng kinh phí (và đối với vùng nông nghiệp khó khăn thì có thể hỗ trợ đến 70%). Với các dự án đưa vào sản xuất, đưa ra thị trường thì nhà nước hỗ trợ nguyên vật liệu khi sản xuất lô số không là 30%. Ngoài ra, nhà nước cũng hỗ trợ 100% trong việc đào tạo cán bộ nghiên cứu, kỹ thuật viên và xây dựng các phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu mạnh để kết hợp với các đơn vị triển khai. 

Quy trình đăng ký tham gia các chương trình trên được thực hiện theo Thông tư 07 của Bộ KH&CN. Theo đó, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu đặt hàng sẽ xem điều kiện của mình phù hợp với khung chương trình nào và gửi đề xuất nhiệm vụ lên các bộ, ngành, địa phương. Sau đó, các bộ, ngành, địa phương sẽ tập hợp các nhiệm vụ này và gửi lên Bộ KH&CN. Thông qua một hội đồng tư vấn và các chuyên gia độc lập, Bộ KH&CN sẽ xác định nhiệm vụ nào sẽ triển khai. Tiếp theo, Bộ KH&CN sẽ công khai các nhiệm vụ được phê duyệt và các cá nhân, tổ chức sẽ tham gia nộp thuyết minh. Thuyết minh này sẽ được Hội đồng khoa học khác tuyển chọn và đánh giá. Nếu được, sẽ có một hội đồng thẩm định kinh phí của dự án. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tổng hợp, Bộ KH&CN Hoàng Minh Thức cho biết, nếu các cá nhân, tổ chức có vướng mắc gì về quy trình có thể liên hệ trực tiếp với Vụ.

Buổi hội thảo còn giới thiệu hai thông tư mới về tài chính mới có hiệu lực trong năm 2016 là Thông tư 55 và Thông tư 27. Trong đó, Thông tư 55 có nhiều điểm mới trong quy định về thuyết minh các đề tài: các nhà khoa học không phải “chẻ nhỏ” đề tài thành các chuyên đề trị giá 10-20 triệu đồng nữa mà chia thành các nội dung thực hiện với chi phí tùy ý. Thông tư này cũng tạo điều kiện để các đơn vị thuê chuyên gia nước ngoài dễ dàng và cho phép đơn vị chủ trì sử dụng tùy ý 5% kinh phí tài trợ (không quá 200 triệu đồng). Thông tư 27 về khoán chi cho phép các nội dung chi được điều chỉnh trong quá trình thực hiện đề tài, dự án và nếu doanh nghiệp tiết kiệm được khoản nào thì cũng được tùy ý sử dụng cho hoạt động của mình. Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Thức cũng nêu rõ là tiền đầu tư này không được khuyến khích để mua trang thiết bị, máy móc, vật tư sản xuất.

Nếu doanh nghiệp thất bại?

Trong buổi hội thảo, ông Nguyễn Xuân Lưu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Việt Nam, từng tham gia dự án cơ khí trọng điểm quốc gia chia sẻ rằng, công ty ông gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện thanh quyết toán. Thông tư 93 (có quy định về khoán sản phẩm) đi vào cuộc sống rất khó khăn vì Bộ KH&CN không đủ sức mạnh tác động tới Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước nên có tới ba bên kiểm tra chứng từ và mỗi bên kiểm tra một kiểu. Ông đề xuất sắp tới, Bộ nên tập hợp các đơn vị đang thực hiện các nhiệm vụ quốc gia, trình bày những vướng mắc, khó khăn và đề xuất cụ thể để gửi lên Bộ Tài chính và nên ban hành một bộ hồ sơ mẫu thanh toán.

Với đề xuất này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, Thông tư 27 (thay thế Thông tư 93) đã được Bộ KH&CN và Bộ Tài chính cam kết thực hiện từ mức cơ sở. Đồng thời, Kho bạc Nhà nước và Bộ Tài chính đang triển khai việc tập huấn cho các cán bộ thực hiện thông tư trên. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nói thêm rằng, vì thông tư mới có hiệu lực vào đầu năm nay nên cần thời gian để đi vào thực tế.

Chị Nguyễn Thị Hương Liên, phụ trách nghiên cứu ở Công ty dược Sao Thái Dương hỏi: “Bộ KH&CN có chấp nhận cho nhà khoa học thất bại hay không? Và mình đặt mục tiêu nghiên cứu sản phẩm này, nhưng khi nghiên cứu phát hiện ra một cái mới thì Bộ KH&CN có chấp nhận cho tôi báo cáo kết quả phụ nhưng ý nghĩa lại lớn hơn rất nhiều, cònmục tiêu ban đầu thì thất bại không?”

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng: “Câu hỏi rất khó trả lời, vì theo các văn bản hiện nay, thì chúng ta gần như chỉ có thành công thôi. Còn không thì phải có hội đồng đánh giá, xem nguyên nhân khách quan, chủ quan như thế nào đó, không loại trừ khả năng hoàn trả lại toàn bộ ngân sách nhà nước…” Một cán bộ của Văn phòng các chương trình KH&CN quốc gia bổ sung thêm: “Khi thực hiện dự án là các đơn vị ký kết một hợp đồng với Bộ KH&CN. Dự án thất bại thì mình hiểu rằng mình không đạt được sản phẩm như hợp đồng đã ký kết. Sau đó, Bộ sẽ có một hội đồng đánh giá, cái việc do nguyên nhân khách quan thì Bộ không thu hồi kinh phí còn nếu do nguyên nhân chủ quan thì nhà nước sẽ thu hồi. Điều này là để tránh khả năng trục lợi ngân sách nhà nước. Còn về điều chỉnh kết quả nghĩa là điều chỉnh lại hợp đồng, thì đương nhiên lại thông qua hội đồng đánh giá của Bộ”.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)