Điện hạt nhân phải đi kèm với văn hóa an toàn

Theo quan điểm của PGS. TS Nguyễn Mộng Sinh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, công nghệ càng phức tạp, càng tinh vi thì càng tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể dẫn đến nguy cơ mất an toàn trong vận hành và sử dụng. 

Thưa ông, vì sao điện hạt nhân phải gắn liền với văn hóa an toàn?

Điện hạt nhân là một ngành công nghiệp năng lượng rất phức tạp dựa trên việc sử dụng nhiệt năng được giải phóng từ quá trình tự phân hạch và phá vỡ hạt nhân nguyên tử của nhiên liệu hạt nhân để chuyển hóa thành nhiệt năng. Bản thân phân hạch là một quá trình tự phát, xảy ra theo quy luật thống kê. Sản phẩm phân hạch, phá vỡ và chuyển hóa hạt nhân nguyên tử là các chất phóng xạ, phát ra bức xạ ion hóa với cường độ, năng lượng và thời gian tồn tại khác nhau nhưng nhìn chung là độc hại đối với cơ thể sống.

Điện hạt nhân là sản phẩm tổ hợp, kết hợp, phối hợp  của nhiều bộ môn, chuyên ngành, nhiều lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ, công nghiệp khác nhau nhằm phục vụ cho việc điều khiển các phản ứng phân hạch hạt nhân, phản ứng dây chuyền, không cho các phản ứng này ở những mức danh định, cô lập các sản phẩm của chúng, khai thác sử dụng năng lượng được giải phóng ra một cách an toàn nhất, hiệu quả nhất.

Hệ kỹ thuật công nghệ càng phức tạp, càng tinh vi thì càng có khả năng ẩn chứa, tiềm ẩn những yếu tố có thể dẫn đến nguy cơ mất an toàn trong vận hành và sử dụng.

Điện hạt nhân không phải là ngoại lệ, vì vậy khi sản xuất và sử dụng điện hạt nhân phải nghĩ đến việc đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.

Văn hóa an toàn có thể được hiểu một cách đơn giản đó là những gì con người sáng tạo ra và sử dụng nhằm làm cho cuộc sống và hoạt động của mình chắc chắn hơn, yên ổn hơn, trọn vẹn hơn, không bị đe dọa bởi mối nguy cơ, nguy hiểm nào.

Từ cách tiếp cận và lý giải như trên, việc gắn điện hạt nhân với văn hóa an toàn đã trở thành lẽ đương nhiên, là sự gắn kết ràng buộc hữu cơ, là sự tồn tại song hành không thể khác được. 

Vậy văn hóa an toàn trong điện hạt nhân bao gồm những yếu tố gì, trong đó vấn đề nào là quan trọng nhất?

Văn hóa an toàn nói chung cũng như văn hóa an toàn của điện hạt nhân nói riêng gồm hai thành phần chủ yếu:

Hợp phần thứ nhất là khuôn khổ, là cơ cấu của một hệ thống tổ chức cần có để thực hiện nhiệm vụ đặt ra với sự phân cấp, phân nhiệm rõ ràng, tường minh cùng những mối quan hệ hữu cơ bên trong hệ thống. Hợp phần thứ hai là thái độ quan điểm cách hành xử của toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động tham gia thực hiện các công việc, hoạt động ở các cấp trong hệ thống luôn hướng đến mục tiêu chất lượng, hiệu quả, an toàn; sẵn sàng phấn đấu để đạt và thụ hưởng các lợi ích chung của cả hệ thống cũng như lợi ích riêng của mỗi cá nhân.

Xét từ góc độ cam kết trách nhiệm thì văn hóa an toàn của điện hạt nhân bao gồm ba thành tố: thứ nhất là sự cam kết ở cấp độ hoạch định chính sách; thứ hai là sự cam kết của người lãnh đạo chỉ huy, quản lý và thứ ba là sự cam kết của các cá nhân.

Trong tất cả các vấn đề đặt ra, có thể coi quản lý an toàn là vấn đề quan trọng nhất của văn hóa an toàn điện hạt nhân. Sở dĩ như vậy vì quản lý an toàn có bốn chức năng then chốt.

Chức năng thứ nhất liên quan đến chính sách và việc hoạch định chính sách. Nó bao gồm việc xác lập mục đích an toàn, định lượng mục tiêu và thứ tự ưu tiên, hoạch định chương trình công tác nhằm đạt được các mục tiêu và sau đó các mục tiêu trở thành các đối tượng để đo đạc và kiểm định.

Chức năng thứ hai là tổ chức và giao tiếp tức là việc thiết lập các tuyến rõ ràng về trách nhiệm và quan hệ giao lưu hai chiều, nhiều chiều ở tất cả các cấp.

Chức năng thứ ba là quản lý hiểm họa, tức là việc bảo đảm sao cho tất cả các hiểm họa được nhận biết một cách tường minh, các nguy cơ được giám sát, cách thức kiểm tra nguy cơ được xác lập, được áp dụng và là đối tượng để đo đạc, kiểm định.

Chức năng thứ tư là quan trắc, theo dõi, xem xét việc thực thi an toàn; việc tồn tại, đồng hành và thực thi cả ba chức năng trước. Việc quan trắc phải bao gồm các bước cụ thể, chính xác nhằm kiểm định, đánh giá việc thực hiện các chương trinhg, kết quả tính toán lợi ích và hiệu quả mỗi chương trình.

Để đảm bảo văn hóa an toàn điện hạt nhân, Việt Nam cần phải thực thi những bước đi như thế nào về xây dựng lực lượng, hệ thống văn bản pháp quy…?

Để tiến tới việc xây dựng và đưa vào vận hành, khai thác sử dụng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, Việt Nam đã và đang thực hiện những bước đi đầu tiên khá thận trọng, hướng đến việc đạt được mục tiêu an toàn và hiệu quả của chương trình, trong đó chú trọng đến việc xây dựng lực lượng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy. Đó là những cố gắng lớn!

Yếu tố con người ẩn chứa, định hình hoặc được thiết lập tại
bất kỳ giai đoạn nào đó trong “cuộc đời” của một cơ sở
hạt nhân. Ảnh:
Đội ngũ vận hành lò phản ứng hạt nhân
Đà Lạt đang hướng dẫn sinh viên thực tập đưa lò đạt tới
trạng thái tới hạn. Nguồn: Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt

Tuy nhiên theo cách nghĩ của tôi, có một số vấn đề dường như vẫn chưa được lưu ý ngay trong những bước đi ban đầu này.

Thứ nhất, đó là chưa có một cách nhìn nhận, một cách tiếp cận mang tính hệ thống và toàn diện tập hợp tất cả các khía cạnh liên quan đến việc đưa điện hạt nhân vào Việt Nam như một vấn đề, một nhiệm vụ chiến lược quan trọng tầm cỡ quốc gia. Chưa thấy rõ một tuyên cáo, một cam kết rõ ràng ở cấp hoạch định chính sách. Chưa thấy định hình rõ ràng minh bạch một hệ thống tổ chức chặt chẽ, đồng bộ và có hiệu lực để chỉ huy, điều hành quản lý toàn bộ các hoạt động có liên quan ngay từ đầu. Chưa có một chương trình, kế hoạch tổng thể chung của quốc gia cho toàn bộ hệ thống với những tính toán kỹ lưỡng, có tính thực thi cao cho mỗi bước đi cho từng giai đoạn cụ thể.

Thứ hai, nếu coi văn hóa là nền tảng phát triển của xã hội thì cũng phải coi văn hóa an toàn, văn hóa an toàn hạt nhân là nền tảng cơ sở  của việc xây dựng và phát triển điện hạt nhân ở nước ta. Điều này có nghĩa là muốn xây dựng điện hạt nhân thì trước hết phải lo xây dựng và bảo đảm văn hóa an toàn trong tất cả các lĩnh vực, các cấp, các ngành, các tổ chức đơn vị được hoặc sẽ được thu hút, tham gia vào các công việc liên quan đến điện hạt nhân.

Với quốc gia mới phát triển chương trình điện hạt nhân như Việt Nam, những vấn đề nào của văn hóa an toàn cần được đặc biệt lưu ý? Việt Nam có thể học hỏi những gì từ kinh nghiệm của các quốc gia có nền công nghiệp điện hạt nhân tiên tiến của thế giới?

Khi trả lời câu hỏi trước tôi có đề cập đến hai vấn đề cần lưu ý khi thực thi những bước đi ban đầu của chương trình Điện hạt nhân.

Vấn đề cần được đặc biệt lưu ý của văn hóa an toàn là yếu tố con người. Suy cho cùng, tất cả các sự cố, tai nạn hiểm họa đều trực tiếp hoặc gián tiếp do con người gây ra và là hậu quả hành vi của con người.

Với điện hạt nhân, yếu tố con người ẩn chứa, định hình hoặc được thiết lập tại bất kỳ giai đoạn nào đó trong “cuộc đời” của một cơ sở hạt nhân, tính từ khi quyết định việc xây dựng lập luận chứng khoa học – công nghệ, luận chứng kinh tế – kỹ thuật đến thiết kế, xây dựng, lắp ráp, hiệu chỉnh, thử nghiệm, đạt công suất, vận hành, khai thác, kéo dài thời hạn khai thác sử dụng cho đến khi kết thúc khai thác, ngừng hoạt động, tháo dỡ công trình, lưu giữ chất thải hạt nhân. Yếu tố này đóng vai trò chủ đạo và là yếu tố quan trọng nhất.

Trên bình diện văn hóa an toàn thì tâm lý và tư cách cá nhân của tất cả các cá thể tham gia vào xây dựng điện hạt nhân luôn được coi là các nhân tố chủ yếu đảm bảo cho an toàn của điện hạt nhân. Nhìn một cách tổng thể, cơ sở để đảm bảo an toàn được quyết định bởi hành vi của các cá nhân riêng biệt dưới tác động, ảnh hưởng của quan điểm, động cơ của mỗi người hoặc một nhóm người. Đồng thời, sự hình thành nhân cách và tư chất cá nhân như cơ sở của động cơ, hành vi cá nhân lại chịu ảnh hưởng quyết định bởi môi trường chính trị xã hội, truyền thống, đặc điểm dân tộc và nền giáo dục mà cá nhân được tiếp thu, thụ hưởng.

Xây dựng nền văn hóa an toàn cho điện hạt nhân thực sự không dễ dàng!

Các quốc gia đi trước trong xây dựng, phát triển điện hạt nhân đã tích lũy nhiều kinh nghiệm, nhiều bài học quý báu. Việt Nam là quốc gia đi sau trong tiến trình phát triển điện hạt nhân, nếu biết cầu thị thì có thể học hỏi được nhiều điều có ích, đặc biệt trong những điều kiện thuận lợi của hội nhập quốc tế, khi an toàn của điện hạt nhân trở thành mối quan tâm chung có ý nghĩa toàn cầu và tính công khai của thông tin liên quan đến an toàn điện hạt nhân được nhìn nhận như một trong những nguyên lý cơ bản của văn hóa an toàn!

Xây dựng và phát triển điện hạt nhân phải dựa trên ba cột trụ chủ yếu. Đó là an toàn (bao gồm an toàn kỹ thuật, an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, an toàn môi trường), lợi ích kinh tế và sự đồng thuận, tin tưởng của người dân. Đó cũng là kinh nghiệm và bài học tổng thể nhất, bao trùm nhất mà ta cần tiếp thu.   

Trân trọng cảm ơn ông!

Trang Thúy thực hiện

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)