Định nghĩa lại sai phạm trong khoa học

Để giảm sai phạm trong khoa học, cần đảm bảo rằng nhà nghiên cứu không thể nói dối bằng cách cố tình cung cấp thiếu thông tin.

Trước tình trạng những kết quả nghiên cứu sai sót, thiên lệch, và giả mạo, sự ứng phó của cộng đồng khoa học hiện nay còn rất yếu. Chỉ có những trường hợp nghiêm trọng quá mức là bị phát hiện và trừng trị, còn những trường hợp sai phạm ở mức độ nhẹ hơn hầu như lọt lưới, và cho đến nay hầu như chưa có một giải pháp nào chống lại những công bố thiên lệch. Vì vậy tại hội nghị toàn cầu lần thứ 3 về Đạo đức Nghiên cứu sẽ được tổ chức tại Montreal, Canada từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 5 năm 2013 tới đây, các đại biểu sẽ thảo luận về những giải pháp cho vấn đề này.

Trên tạp chí Nature và nhiều diễn đàn khoa học khác, người ta thường đưa ra những đề xuất như cải thiện công tác hướng dẫn và đào tạo, cho phép nhà nghiên cứu công bố những kết quả không hợp lý (negative result). Nhằm giảm thiểu những trường hợp các nhà nghiên cứu bóp méo thông tin để đạt được những kết quả có vẻ hợp lý, giảm nhẹ áp lực đòi hỏi nhà nghiên cứu phải có công bố, yêu cầu đăng ký trước thông tin về các công trình nghiên cứu1, tập huấn về đạo đức, và đảm bảo những chế tài trừng phạt nghiêm khắc.

Tất cả những điều trên đều quan trọng, tuy nhiên dường như người ta đã quá đề cao lợi ích của việc tác động tới tâm trí của nhà nghiên cứu mà quên mất rằng những kiến thức khoa học là đáng tin cậy không phải vì các nhà khoa học thông minh, khách quan hay trung thực hơn những người khác, mà bởi những phát kiến của họ luôn được công khai đối diện với sự phê bình và các thử nghiệm độc lập tái hiện lại quy trình tiến hành nghiên cứu. Do đó chìa khóa chống lại sai phạm trong khoa học không phải chỉ chú tâm vào [kiểm soát/đánh giá] hành vi của các nhà khoa học, mà nên tập trung vào [kiểm soát/đánh giá] những sản phẩm thông tin mà họ cung cấp.

Với việc định nghĩa sự sai phạm trong khoa học căn cứ trên các hành vi của nhà nghiên cứu, như cách làm hiện nay ở mọi quốc gia, chúng ta buộc phải dựa vào những người đứng ra tố cáo để phát hiện ra sai phạm, trừ khi sự sai phạm ấy tự thân bộc lộ một cách hiển nhiên ngay trên những gì được tác giả công bố. Rất hiếm khi những trường hợp sai phạm có người đứng ra làm chứng; và nhiều cuộc điều tra cho thấy rằng khi người ta biết một hành vi sai trái của một đồng nghiệp, họ hiếm khi trình báo. Những người làm công tác thanh tra do đó đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là làm sao tái hiện được những gì mà một nhà khoa học đã làm, xác minh được rằng hành vi ấy là sai so với những quy chuẩn trong hoạt động nghiên cứu, và xác định liệu sự sai lệch ấy có nhằm mục đích lừa dối hay không. Khó khăn ấy khiến chỉ có một số ít những trường hợp rõ ràng nhất bị phơi bày.

Ví dụ như vụ bê bối của Diederik Stapel, nhà tâm lý học người Hà Lan từng có không ít tiếng tăm, tới năm ngoái bị người ta phát hiện đã ngụy tạo dữ liệu nghiên cứu trong gần 20 năm. Ông ta đã làm điều đó bằng cách nào? Thứ nhất, Stapel luôn luôn tự mình thu thập các dữ liệu, qua đó loại trừ hoàn toàn khả năng có nhân chứng. Thứ hai, các nhà nghiên cứu khác không có động cơ để thực hiện lại những thí nghiệm của ông ta, và nếu có làm thì họ cũng không đủ thông tin để lý giải sự khác biệt trong kết quả với những kết luận trong nghiên cứu của Stapel. Và thứ ba, quan trọng nhất, là Stapel hoàn toàn được phép không cung cấp trong công bố của mình những chi tiết cụ thể có khả năng bộc lộ những gian dối và sai sót trong thống kê.

Nhằm giải quyết vấn đề này, đầu tiên chúng ta cần tái định nghĩa sự sai phạm trong khoa học: “đó là tất cả những sự cung cấp thiếu hoặc gây hiểu nhầm các thông tin cần và đủ cho việc thẩm định tính chính xác và tầm quan trọng của nghiên cứu, ở mức độ phù hợp cần thiết với bối cảnh của nghiên cứu được công bố”.

Một số người sẽ cho rằng định nghĩa này quá rộng. Tuy nhiên, nó không hề rộng hơn so với định nghĩa về sự giả mạo được Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ Hoa Kỳ sử dụng: “Ngụy tạo các nguyên liệu, phương tiện hay quá trình nghiên cứu; hoặc thay đổi hay bỏ qua những dữ liệu, kết quả, khiến cho việc nghiên cứu không được phản ánh chính xác trong biên bản nghiên cứu”. Định nghĩa này chỉ ra một cách rõ ràng rằng khi nào có một sự khác nhau giữa những gì được báo cáo và những gì nhà nghiên cứu đã làm trong thực tế, thì đó là sai phạm trong khoa học.

Nhiệm vụ chính của các biên tập viên và các trọng tài là bảo đảm rằng các nhà nghiên cứu tuân theo những quy định về báo cáo thông tin. Họ phải hướng dẫn các nhà nghiên cứu làm theo những bản hướng dẫn thích hợp, thậm chí trước cả khi việc nghiên cứu được bắt đầu, và bảo đảm rằng mọi thông tin chi tiết cần thiết đều được cung cấp đầy đủ theo yêu cầu quy định trong bản hướng dẫn. Nếu tác giả từ chối hay không thể tuân theo, bài báo (hoặc đơn đăng ký tài trợ kinh phí) của họ sẽ bị từ chối. Mỗi công bố khoa học cần nêu rõ quá trình nghiên cứu tuân theo những bản hướng dẫn nào.

Bằng việc thống nhất các quy định báo cáo thông tin, sự công bằng được nâng cao, trong khi quyền tự chủ trong khoa học vẫn được đảm bảo. Ví dụ như nhà khoa học vẫn được toàn quyền quyết định liệu có cần dò tìm qua các phép thử nhằm đạt được ý nghĩa thống kê như mong muốn (“fishing” for statistical significance) hay không, nhưng bản hướng dẫn sẽ yêu cầu nhà khoa học phải cung cấp danh sách mọi phép thử được thực hiện, qua đó cho phép độc giả nhận biết được nguy cơ về những kết quả thống kê không khách quan.
Những bản hướng dẫn được biên soạn cẩn trọng có thể khiến việc ngụy tạo và đạo văn trở nên khó khăn hơn, bằng cách yêu cầu công bố những chi tiết có thể kiểm chứng. Những chi tiết ấy sẽ giúp phát hiện những dấu hiệu đáng nghi vấn như bỏ quên tên tác giả (ghost authorship: bỏ qua không ghi nhận công lao của người có cống hiến quan trọng cho nghiên cứu được công bố), lợi dụng các trợ lý, giả thuyết hậu nghiệm (post hoc hypotheses: đặt ra giả thuyết mang tính chữa cháy nhằm hợp lý hóa dữ liệu thu được), hoặc cố tình loại bỏ những dữ liệu thống kê ngoài mong muốn của tác giả.

Các bản hướng dẫn vừa là tài liệu học tập cho các nghiên cứu sinh, vừa giúp họ luyện tập bằng cách thực hiện lại các nghiên cứu đã được công bố. Nên có những quỹ đặc biệt dành riêng cho những người độc lập tiến hành tái thử nghiệm những kết quả nghiên cứu chưa được thẩm định lại.

Cách nỗ lực phòng chống các sai phạm trong khoa học hiện nay đang bị lạc mục tiêu: cộng đồng khoa học đang cố gắng kiểm soát hoạt động nghiên cứu theo cách giống như kiểm soát hoạt động ở những ngành nghề khác, trong khi nghiên cứu khoa học có đặc thù hoàn toàn khác. Độ tin cậy của các “sản phẩm” khoa học được đảm bảo không phải do hoạt động của từng cá nhân, mà phải thông qua một tiến trình đối thoại tập thể.

Hữu Quang dịch theo bài viết của Daniele Fanelli, Nature số 494, 149 (ngày 14 tháng Hai năm 2013)

http://www.nature.com/news/redefine-misconduct-as-distorted-reporting-1.12411

—-

Việc đăng ký trước thông tin về các công trình nghiên cứu cũng nhằm tăng khó khăn trong việc ngụy tạo thông tin và quy trình tiến hành nghiên cứu.

Tác giả