Đối mặt với thách thức,
quyết tâm chuyển sang cơ chế mới

Nghị định 115 ra đời năm 2005 với những quy định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập được ví von là  “khoán 10” trong lĩnh vực khoa học và hứa hẹn sẽ mang lại một sự thay đổi lớn nhằm “cởi trói” chất xám, bấy lâu nay vẫn luẩn quẩn trong môi trường quen thuộc của cơ chế bao cấp , nhằm nâng cao tính tích cực, năng động và hiệu quả của các tổ chức hoạt động KH&CN. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện, một số tổ chức KH&CN dường như “không mấy mặn mà” với các quy định có tính đột phá của Nghị định 115. Vì vậy, tốc độ chuyển đổi diễn ra chậm hơn nhiều so với qui định, thậm chí có Bộ với hàng trăm viện nghiên cứu hầu như vẫn “án binh bất động”.

Trao đổi với Tia sáng, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, đồng thời là một thành viên của Ban chỉ đạo Nghị định 115 cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó có nguyên nhân quan trọng là tư duy của các nhà quản lý, nhà khoa học chậm thay đổi, hiểu không đầy đủ hoặc hiểu sai tinh thần chỉ đạo, nội dung của Nghị định 115; bộ máy hành chính quan liêu, hoặc không muốn đổi mới, không muốn mất quyền…
P.V:  Việc các nhà quản lý, khoa học hiểu sai nội dung của Nghị định 115 có phải một phần là do một số thuật ngữ trong Nghị định thiếu rõ ràng?
Thứ trưởng Nguyễn Quân:  Đúng là trong Nghị định 115 có một số thuật ngữ chưa rõ ràng, từ đó làm cho các nhà quản lý và nhà khoa học hiểu nhầm, e ngại, không thấy hấp dẫn về việc chuyển đổi. Ví dụ trong Nghị định có ghi, các tổ chức nghiên cứu phát triển, tổ chức dịch vụ KH&CN được lựa chọn chuyển sang loại hình tổ chức tự trang trải, mà không giải thích từ ngữ khiến các tổ chức KH&CN hiểu “tự trang trải” là tự lo về toàn bộ kinh phí, Nhà nước không hỗ trợ nữa. Lẽ ra, thuật ngữ phải ghi rõ là “tự trang trải về kinh phí hoạt động thường xuyên”, để các nhà quản lý hiểu mọi nguồn kinh phí khác như kinh phí đầu tư phát triển, kinh phí các đề tài dự án nếu trúng tuyển qua tuyển chọn, các nguồn kinh phí hợp tác quốc tế… thì vẫn được ngân sách Nhà nước cấp. Riêng nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên chỉ thay đổi phương thức cấp, trước đây được Nhà nước cấp theo số lượng biên chế, nay sẽ được cấp theo nhiệm vụ được giao. Điều đó đồng nghĩa với việc, nếu tổ chức KH&CN thực hiện tốt công tác cải cách bộ máy làm việc, tinh giảm biên chế, lãnh đạo đơn vị năng động hơn thì chế độ đãi ngộ đối với các nhà khoa học sẽ còn cao hơn trước.
Cũng xuất phát từ sự chưa rõ ràng trong câu chữ nên các tổ chức khoa học nghiên cứu cơ bản và làm chiến lược chính sách cho rằng mình không phải chuyển đổi hoặc không cần làm đề án chuyển đổi, vẫn hoạt động theo cơ chế cũ. Thậm chí một số nhà khoa học còn hiểu lầm rằng Nhà nước bắt buộc các tổ chức KH&CN chuyển thành doanh nghiệp, các nhà khoa học phải làm kinh doanh, bỏ nghiên cứu…

Theo Nghị định 115, các tổ chức KH&CN khi chuyển đổi được thêm nhiều quyền về tổ chức, biên chế, tài chính và tài sản… Vậy vì sao tiến độ chuyển đổi lại diễn ra chậm chạp như vậy?

Tổ chức KH&CN được lựa chọn:    
* Tiếp tục là đơn vị sự nghiệp khoa học của Nhà nước với quyền tự chủ lớn hơn: vừa hoạt động KH&CN, vừa sản xuất kinh doanh như doanh nghiệp                                                  
* Nếu có nguyện vọng: chuyển thành doanh nghiệp KH&CN hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (với hình thức đa sở hữu).  

Đúng là nếu hoạt động theo Nghị định 115, tổ chức KH&CN có thêm được rất nhiều quyền như được quyền sản xuất kinh doanh, được cấp phép đăng ký kinh doanh và được hưởng những ưu đãi miễn giảm về thuế thu nhập doanh nghiệp như các doanh nghiệp mới thành lập (miễn 2 năm, giảm 50% trong 4 năm tiếp theo) cũng như nhiều ưu đãi khác như có quyền xuất, nhập khẩu trực tiếp công nghệ và sản phẩm thuộc lĩnh vực chuyên môn, được liên doanh, liên kết sản xuất với mọi tổ chức và cá nhân ở trong và ngoài nước… Ngoài ra, tổ chức KH&CN còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn khác như được hỗ trợ tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đối với các dự án đầu tư đáp ứng các điều kiện và thuộc đối tượng theo quy định; được thanh lý, chuyển nhượng tài sản do đơn vị mua sắm từ nguồn kinh phí tự có; được vay vốn của các tổ chức, cá nhân, vay tín

Khi Tổ chức KH&CN chuyển đổi sang hoạt động theo Nghị định 115, ngoài quyền tự chủ toàn diện về tổ chức, biên chế, tài chính của các đơn vị sự nghiệp, sẽ được:                          
* Quyền SXKD như Doanh nghiệp và được cấp Đăng ký kinh doanh, được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như doanh nghiệp mới thành lập;         
* Trả lương và thu nhập tăng thêm không giới hạn mức tối đa, mức lương thực tế trong hợp đồng được tính vào chi phí hợp lý trước thuế;                      
* Quyền nâng lương trước hạn và nâng lương vượt 1 bậc trong cùng một ngạch từ NCVC và tương đương trở xuống.                                                    

dụng ngân hàng để đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng các hoạt động của đơn vị và chịu trách nhiệm trả nợ vay theo quy định; được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay để thế chấp theo quy định. 
Trên thực tế, để đến với hàng loạt ưu đãi này, các tổ chức KH&CN phải trải qua một hành trình dài dằng dặc về thủ tục hành chính từ việc xây dựng đề án chuyển đổi cơ chế để được phê duyệt cho đến xin cấp giấy phép kinh doanh và làm thủ tục miễn giảm thuế. Thậm chí, ngay cả khi chấp nhận những thủ tục hành chính ban đầu, thì các tổ chức KH&CN vẫn phải đối đầu với việc có cơ quan quản lý đã vin vào cớ là tổ chức KH&CN không phải là doanh nghiệp nên không cấp giấy phép kinh doanh (Luật Doanh nghiệp không đề cập đến việc cấp giấy phép kinh doanh cho đơn vị là tổ chức KH&CN mà thường chỉ cấp đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp), mặc dù trước đó, các Bộ KH&CN và KH&ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn rất đầy đủ.
Chính sự nhiêu khê, rắc rối trong các thủ tục hành chính giấy tờ đã khiến nhiều tổ chức KH&CN nhụt chí khi thực hiện đúng Nghị định 115.

Một trong những vướng mắc nhất trong quá trình thực hiện chuyển đổi của các tổ chức KH&CN là quyền sử dụng tài sản. Vậy theo Thứ trưởng, vướng mắc này sẽ phải được giải quyết như thế nào?
Với việc được trao quyền tự chủ, tổ chức KH&CN phải có quyền quản lý và sử dụng tài sản được giao. Các tổ chức KH&CN có thể sử dụng các tài sản ấy cho các mục đích nghiên cứu khoa học hoặc là sản xuất kinh doanh (chuyển nhượng, góp vốn liên doanh liên kết…). Nhưng hầu hết cơ quan chủ quản của các tổ chức KH&CN, các địa phương đều không muốn giao tài sản cho các tổ chức KH&CN bởi tâm lý thích an toàn, không muốn thay đổi và nỗi e ngại sợ trách nhiệm, sợ giao tài sản cho các tổ chức KH&CN nếu kinh doanh thua lỗ sẽ mất tài sản Nhà nước. Khi tiến hành phê duyệt đề án chuyển đổi, họ thường trừ lại phần giao tài sản. Vì vậy, quyền tự chủ của các tổ chức KH&CN trong việc sử dụng các tài sản như máy móc trang thiết bị, đất đai… theo đúng mục đích công việc mới chỉ dừng lại trên giấy tờ và mang tính hình thức.
Nghị định 115 cho phép tổ chức KH&CN được sử dụng đất để liên doanh liên kết, sản xuất kinh doanh. Nhưng theo Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thuê đất của Nhà nước hoặc phải được giao quyền sử dụng lâu dài (tương tự như mua đất) của Nhà nước. Tuy nhiên, các tổ chức KH&CN không có vốn lưu động, chỉ có thể huy động vốn của cá nhân hoặc đi vay nên khó có thể trả tiền thuê đất của Nhà nước theo đơn giá hiện nay. Vì thế, đã xảy ra trường hợp “lách luật” là có đơn vị chuyển đổi có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng chỉ nộp lệ phí sử dụng đất như các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, dẫn đến hiện tượng cạnh tranh không sòng phẳng với doanh nghiệp. Đây là một trong những vướng mắc lớn nhất, muốn tháo gỡ cần phải sửa Luật Đất đai.

Xin Thứ trưởng cho biết, vì sao Bộ KH&CN lại trình Chính phủ gia hạn thời gian chuyển đổi đối với các tổ chức KH&CN ở các địa phương đến 31/12/2011.
Với các tổ chức KH&CN ở Trung ương và hai trung tâm lớn là Hà Nội và TP.HCM, việc chuyển đổi có thuận lợi hơn do tiềm lực mạnh, nguồn nhân lực dồi dào, bởi lẽ nhiều TS, cán bộ kỹ thuật… đều tập trung ở đây. Thế nhưng ở các địa phương khác, do chính sách cán bộ vẫn còn chưa hấp dẫn, không đủ sức níu kéo đội ngũ trí thức có trình độ cao, không quan tâm đến việc ưu tiên đào tạo lực lượng cán bộ kỹ thuật, đầu tư cơ sở vật chất tối thiểu cho các đơn vị khoa học. Vì thế tại địa phương, các tổ chức KH&CN khi chuyển đổi không đủ sức duy trì hoạt động vì thiếu nguồn nhân lực, thiếu điều kiện làm việc. Đây cũng là lý do các chuyên gia đề nghị kéo dài thời gian chuẩn bị chuyển đổi của các tổ chức KH&CN cấp cơ sở: xin gia hạn 2 năm, với điều kiện trong 2 năm đấy, Chính phủ, các địa phương cần có chính sách tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo nhân lực, những nhân tố đảm bảo bước đầu cho các tổ chức KH&CN địa phương đủ sức đứng vững. Ngoài ra chính sách hỗ trợ tinh giảm biên chế của Chính phủ theo Nghị định 132/2007/NĐ-CP cũng có hiệu lực đến hết 2011 sẽ giúp cho các tổ chức KH&CN chuyển đổi sắp xếp lại bộ máy thuận lợi hơn.

Để có thể hoàn thành việc chuyển đổi các tổ chức KH&CN trước ngày 31/12/2009 theo quy định của Chính phủ, chúng ta cần phải có những giải pháp gì?

5 VẤN ĐỀ CẦN SỚM THÁO GỠ:
* Giao đất đai và tài sản Nhà nước;                                                 
* Đầu tư phát triển;                         
* Đăng ký kinh doanh và miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp;   
* Chuyển sang cơ chế ký hợp đồng làm việc và chế độ hỗ trợ tinh giảm biên chế;                                           
* Tiền lương và thu nhập tăng thêm.                                                 

Trước hết, các cấp quản lý từ Trung ương tới địa phương và thủ trưởng các tổ chức KH&CN phải quyết tâm chuyển sang cơ chế mới, hiểu rõ nội dung Nghị định 115 và những việc phải làm; Có tư duy khoa học và thực tiễn trong việc xây dựng Đề án chuyển đổi theo cơ chế mới; Dám chịu trách nhiệm và đối mặt với thách thức từ phía cán bộ viên chức của đơn vị mình:  chăm lo đời sống, việc làm, giải quyết chế độ chính sách; Kiên trì thuyết phục và dám đấu tranh với các cơ quan quản lý (Sở, Tỉnh, Bộ, cơ quan chủ quản) để được giao quyền tự chủ đúng như Nghị định 115 quy định.
Về phía Bộ KH&CN và các bộ ngành có liên quan, cần trình Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 115 và hỗ trợ tổ chức KH&CN làm việc với các cơ quan liên quan để tháo gỡ vướng mắc (về Đăng ký kinh doanh, đất đai, thuế, chế độ đối với cán bộ…); Tăng cường hướng dẫn, tập huấn cho các tổ chức KH&CN của các bộ ngành, địa phương (về xây dựng Đề án, thủ tục chuyển đổi, giải pháp hoạt động theo Nghị định 115); Tăng cường việc giới thiệu các điển hình tốt qua các phương tiện truyền thông, hội nghị để các tổ chức KH&CN trao đổi kinh nghiệm.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
P.V thực hiện 
 

Nhờ Nghị định 115 mà tổ chức như phòng thí nghiệm Anphalab (tiền thân của TT) mới có cơ hội mạnh dạn chuyển đổi tư cách pháp nhân để chủ động thuê chuyên gia, kêu gọi vốn, mở rộng quy mô nghiên cứu và sản xuất. Tuy  nhiên, thực tế vẫn đang đòi hỏi những cải tiến mạnh mẽ trong môi trường hoạt động KHCN. Thứ nhất, ở Việt Nam hiện nay hầu như chưa có thị trường công nghệ vì Luật Sở hữu trí tuệ chưa thực sự đi vào đời sống. Vì vậy thay vì trực tiếp kinh doanh các bí quyết công nghệ, các cơ quan chỉ mới có thể kinh doanh gián tiếp, qua việc bán sản phẩm có ứng dụng cải tiến công nghệ. Thứ hai, nếu không có chế tài chặt chẽ, và thiếu hoạch định hợp lý về kinh phí Nhà nước cấp cho nghiên cứu, thì sẽ không tận dụng được các nguồn lực và sản phẩm của cơ quan nghiên cứu Nhà nước, và để các lợi ích này thao túng bởi tư nhân. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần phải triệt để cải thiện các khâu giao vốn, thanh quyết toán vốn, và đánh giá chất lượng sản phẩm.
Nguyễn Văn Minh –
Phó Giám đốc Trung tâm Tích hợp CN – Viện ƯDCN

Giống như nhiều cơ quan nghiên cứu khác, TT hiện còn thiếu nhân sự chất lượng cao. Việc nâng cao chuyên môn nghiệp vụ sẽ đòi hỏi thời gian, và không thể hoàn toàn hành xử theo lý mà thiếu đi chữ tình. Trong giai đoạn sắp tới, thiếu vốn, thiếu nhân lực, vậy thì làm cách nào để Trung tâm có thể đứng vững trên thị trường? Cho nên, việc triển khai Nghị định 115 ở Trung tâm chưa thể quyết liệt trong một sớm một chiều. Trước mắt rất cần được hỗ trợ về công tác nghiên cứu và đào tạo cán bộ.
Giang Đình Khôi-
Giám đốc  Trung tâm Triển khai Công nghệ – Viện ƯDCN

Tác giả