Đổi mới cơ chế hoạch định chiến lược KH&CN
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của Bộ KH&CN là xây dựng chiến lược phát triển KHCN trong giai đoạn 2008-2020. Vấn đề đặt ra là chiến lược này cần được hoạch định như thế nào để KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước
Những định hướng phát triển KH&CN và xu thế đổi mới công tác kế hoạch hóa KH&CN ở các nước trong nền kinh tế thị trường cũng như ở hầu hết các nước trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế là hình thức thể hiện các nhiệm vụ R&D trong kế hoạch KH&CN của từng quốc gia. Các nhiệm vụ này đều xuất phát từ điều kiện, thực tiễn khách quan của từng nước và xu thế phát triển KH&CN trên thế giới, nhằm nâng cao năng lực nội sinh, phát triển các ngành kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong cơ chế thị trường, phù hợp với quá trình hội nhập và toàn cầu hóa theo xu thế của nền kinh tế tri thức của nhân loại đang diễn ra trong thế kỷ XXI. Chẳng hạn như Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Séc… Nhà nước chỉ định hướng ưu tiên cho các chương trình KH&CN quốc gia mang tính chất trọng điểm, liên ngành. Các chương trình, dự án được đa dạng hóa về các nguồn tài chính. Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí cho quá trình đổi mới công nghệ trong khu vực doanh nghiệp. Các dự án phát triển công nghệ cao được vay ngân hàng với lãi suất ưu tiên và miễn thuế… Trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn được Chính phủ khoanh 10-15% ngân sách chi phí cho nghiên cứu và triển khai của Nhà nước. Cơ chế đặt hàng, đấu thầu, hợp đồng KH&CN cũng như việc hình thành các quỹ trong khoa học và công nghệ được phát triển rộng rãi.
Trong nền kinh tế thị trường, kế hoạch chiến lược phát triển KH&CN chỉ là định hướng. Phải chuyển trọng tâm của cơ chế kế hoạch xuất phát từ các viện, các trường sang khu vực doanh nghiệp trong hệ thống đổi mới quốc gia. Phải gắn quá trình hoạch định chiến lược với hệ thống đổi mới trong những năm 2010-2020 trong quá trình hội nhập quốc tế. Tạo ra cơ chế gắn kết hữu cơ hoạt động R&D của các viện, các trường đại học với hoạt động đổi mới công nghệ tạo ra những sản phẩm mới, công nghệ cao trong chuỗi giá trị của sản xuất-dịch vụ-thương mại với hàm lượng chất xám cao trong quá trình trao đổi quốc tế của nền kinh tế mở ở nước ta. Từ khâu xây dựng chiến lược KH&CN đến khâu kế hoạch hóa nên thoát khỏi cách tiếp cận tuyến tính và KH&CN quyết định theo mệnh lệnh từ trên xuống mà phải xuất phát từ thị trường, nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt trong xây dựng các chương trình KH&CN, dự án R&D phải theo liên kết ngang, gắn liền hoạt động R&D của các viện, các trường với khu vực doanh nghiệp tạo ra sản phẩm chủ lực cho nền kinh tế. Tuy vậy, đối với một số chương trình KH&CN quốc gia quan trọng, ưu tiên thì Nhà nước phải nghiên cứu lựa chọn ưu tiên, trực tiếp điều hành, quản lý theo mục tiêu gắn với thị trường và mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trên cơ sở tận dụng và khai thác nhanh, có hiệu quả những thành tựu KH&CN trên thế giới trong nền kinh tế tri thức của thế kỷ XXI.
Vì vậy, chúng ta cần sớm đổi mới cơ chế hoạch định chiến lược KH&CN trong giai đoạn 2008-2020 một cách khoa học, xuất phát từ thị trường, gắn với thực tiễn khách quan của Việt Nam và xu thế phát triển KH&CN trên thế giới.
————–
* TS. Viện Chiến lược và Chính sách phát triển Khoa học và Công nghệ