Đổi mới sáng tạo – vì doanh nghiệp như một cơ thể sống

Đó là nhận định của ông Lý Huy Sáng, phó TGĐ công ty Minh Long 1 tại hội thảo “Đổi mới sáng tạo, giải pháp đưa doanh nghiệp Việt vượt khủng hoảng và tiếp tục phát triển” do tạp chí Tia Sáng và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tại Đại học Bách Khoa TP.HCM hôm 26.4 vừa qua.

Từ câu chuyện của người dẫn đầu…

Theo ông Lý Huy Sáng – một trong 3 thành viên chủ trì của phần 1 hội thảo mang chủ đề “Doanh nghiệp dẫn đầu – Sức mạnh công nghệ trong phát triển năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, trong một thị trường đầy cạnh tranh hiện nay. “Khẩu hiệu hành động của Minh Long 1 là Tinh hoa từ đất – Tinh xảo từ người, nhưng làm thế nào để biến cái tinh xảo của bàn tay con người là điểm chốt chặn, còn tất cả các công việc khác thì máy móc, công nghệ có thể thay thế được, vậy mới tạo ra được sản luợng cao cùng chất luợng đồng nhất. Vì sao nhà máy Minh Long 1 luôn trong tình trạng nâng cấp, cải cách liên tục: vì chúng tôi tin rằng doanh nghiệp mình cũng giống như một cơ thể sống, phải luôn luôn phát triển, luôn luôn tái tạo năng lượng, thay đổi từng ngày để tốt hơn lên. Ngoài ra, chúng tôi muốn tự phát triển bằng năng lực của mình chứ không muốn dựa nhiều vào ngân hàng, do đó chúng tôi có kinh phí đến đâu thì đầu tư đến đó, liên tục và bền bỉ chứ không vay tiền làm ồ ạt…”.

Quan điểm này của ông Lý Huy Sáng cũng được ông Đỗ Duy Thái, chủ tịch tập đoàn Thép Việt – Thép Pomina chia sẻ: “Tôi tin rằng công nghệ và đổi mới công nghệ chính là tạo ra sức bật của mỗi doanh nghiệp.” Ông Thái kể lại câu chuyện về cái ngày ông nhìn thấy chiếc máy tính cá nhân, vốn còn rất thô sơ và cồng kềnh: “Tôi bị ngợp bởi sự màu nhiệm của những gì mà máy tính có thể làm được, và tôi biết rằng đây chính là tương lai. Và chúng tôi nhất định theo đuổi con đường áp dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, trong vận hành. Như thế, từng bước Thép Pomina đạt được những bước tiến trong công nghệ và tự hào đang sở hữu những kỹ thuật chế tạo thép hiện đại hàng đầu thế giới. Nhờ đó mới có thể đủ sức cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc để phục vụ một làn sóng xây dựng mạnh mẽ ở Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung”.

Còn ông Trần Thế Cương, giám đốc Trung tâm giải pháp CNTT và Viễn thông của Viettel thì mang đến diễn đàn câu chuyện về triết lý đổi mới sáng tạo mà mỗi thành viên của Viettel đều phải học thuộc lòng: Sáng tạo để phục vụ con người. Theo đó, thì Viettel đề cao sự thử nghiệm, dám chấp nhận thất bại để có thể phát triển: “Cách đây 6 năm, chúng tôi phải đi mua toàn bộ hạ tầng công nghệ thông tin. Làm chủ các công cụ phần mềm này là điều gần như không tưởng với chúng tôi vào thời điểm ấy. Nhưng các lãnh đạo của Viettel thì bảo: cứ làm thử xem, biết đâu lại đuợc. Và bây giờ Viettel “được” thật. Chúng tôi đã có thể tự mình quản lý toàn bộ các yếu tố về công nghệ thông tin, lại còn có thể cung cấp cho bên ngoài, chẳng hạn bán toàn bộ phần mềm quản lý kênh phân phối cho Vinamilk…” – ông Cương trao đổi. Chính trong dự án làm việc với Vinamilk, yếu tố sáng tạo cũng bộc lộ rất rõ: “Thông thường thì các doanh nghiệp phải mua phần mềm của nước ngoài, tốn cả năm trời để cập nhật, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế doanh nghiệp. Như vậy rủi ro sẽ rất lớn. Vậy nên Viettel chủ động đề nghị: chúng ta ký hợp đồng để Viettel xây dựng hệ thống quản lý kênh phân phối, nhưng chừng nào nó hoạt động hiệu quả thì Vinamilk mới phải trả tiền…”. Bây giờ, phần mềm bán hàng này đã được nhân rộng và phổ biến cho rất nhiều doanh nghiệp khác, bổ sung vào danh sách sản phẩm ngày càng rộng của Viettel.

Đến phát kiến miền Đồng Bằng sông Cửu Long

Một nét rất lạ của Hội thảo “Đổi mới sáng tạo, giải pháp đưa doanh nghiệp Việt vượt khủng hoảng và tiếp tục phát triển”, là ban tổ chức dành nguyên một nửa chương trình cho cuộc trao đổi: “Từ công nghệ sinh học đem lại giá trị gia tăng cho chế biến nông sản của Đồng bằng sông Cửu Long”. Đó là câu chuyện về loại gạo mầm Vibigaba của công ty Bảo vệ Thực vật An Giang mang nhiều chất dinh dưỡng đã triển khai thành những cánh đồng mẫu lớn, quy tụ đông đảo nhà nông tại An Giang cùng nhau xây dựng một thương hiệu mới của hạt gạo. Đó là câu chuyện của ông Kao Siêu Lực, người Việt Nam duy nhất giành hàng loạt giải thưởng quốc tế về làm bánh và được bầu chọn là chủ tịch hiệp hội bánh mì Châu Á. Người làm bánh độc đáo này đã xây dựng thành công quy trình làm bánh mì làm từ gạo huyết rồng. “Tôi cứ trăn trở vì sao xứ mình nhiều gạo ngon như vậy mà phải nhập bột mì để làm bánh, nên đi tìm công thức phối trộn bột gạo vào trong bánh mì. Cuối cùng, tôi chọn gạo huyết rồng vì nồng độ dinh dưỡng cao, lại là nét riêng của nông nghiệp Việt Nam dễ dàng xuất khẩu sang các nước khác. Bánh mì làm từ gạo, là tiết kiệm rất nhiều ngoại tệ để nhập bột mì…” – ông chủ công ty bánh kẹo Á Châu ABC Bakery cho biết.

Hội thảo còn có sự góp mặt của rượu Phú Lễ truyền thống dân gian được những kỹ sư lành nghề từ Pháp chế biến lại để mang tầm vóc của một sản phẩm hiện đại. Ngoài ra, câu chuyện nước tương công nghệ Nhật Bản Tamari được sản xuất đầu tiên cho nhu cầu chữa bệnh của người chủ, sau đó dần biến thành một công nghệ phẩm xuất khẩu đi khắp nơi. Câu chuyện từ đồng bằng sông Cửu Long còn tiếp tục với những sáng tạo của dòng sản phẩm ăn liền gốc gạo; dòng gạo lứt dinh dưỡng ST đỏ của Sóc Trăng; chuỗi máy nông nghiệp XK qua các nước Asean+1 của CT thiết bị máy nông nghiệp Bùi Văn Ngọ; Cám gạo và các loại mỹ phẩm từ thiên nhiên; Bánh snack gạo của ĐH Nông Lâm TP…

Theo bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao khẳng định: “Hội thảo chỉ mới là một gợi ý để chúng ta có thể bắt đầu một hành trình dài hơn, thúc đẩy công tác đổi mới sáng tạo trong từng doanh nghiệp nhằm tạo lực phát triển mới cho nền kinh tế”.

Tác giả