Dự án VTIS- giải pháp minh bạch hóa đề tài nghiên cứu

Ngày 16/3 vừa qua, đại diện của Viện Thông tin KH&CN Hàn Quốc (KISTI), ông Kim Jae Soo, đã có buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc về việc hợp tác triển khai một dự án quản lí thông tin các hoạt động R&D của Việt Nam dựa trên mô hình NTIS của Hàn Quốc. Dự án này được cho là một trong những giải pháp hữu hiệu để minh bạch hóa đề tài nghiên cứu từ ngân sách.  

NTIS là gì?

NTIS (National Science and Technology Information System – một đơn vị trực thuộc KISTI) là một hệ thống quản lý thông tin các đề tài, dự án R&D của nhà nước được cập nhật liên tục với thông tin được thu thập từ 17 bộ của Hàn Quốc, 125 các cơ quan quản lí khoa học và hàng chục viện nghiên cứu. Hiện nay, số người dân Hàn Quốc đăng kí và sử dụng dịch vụ của NTIS lên tới 66 ngàn và mức độ hài lòng lên đến gần 80% (số liệu năm 2010).

NTIS không phải là hệ thống quản lí thông tin chỉ tương tác một hay hai chiều mà nhiều chiều giữa các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp, nhà khoa học và công chúng. Mọi người có thể gửi ý kiến phản hồi trực tiếp trên máy tính để bàn và các thiết bị di động thông minh qua ứng dụng điện thoại và mạng xã hội. Họ chia ra ba gói dịch vụ cung cấp cho từng đối tượng: Các bộ, ban ngành (G2G); Doanh nghiệp và các nhà khoa học (G2B); và công chúng (G2C). Với gói dịch vụ G2G, nhờ liên kết và chia sẻ chiến lược và thông tin về các đề tài nghiên cứu được thực hiện giữa các bộ, NTIS cảnh báo về khả năng trùng lặp dự án và cung cấp thông tin cho các nhà quản lí về kinh phí, tiến trình và kết quả đề tài nghiên cứu. Với gói dịch vụ G2B, NTIS công bố danh sách các thiết bị hiện đại được nhà nước đầu tư để các doanh nghiệp có thể mượn nhằm tiết kiệm chi phí nghiên cứu và thông tin về các nhà khoa học để doanh nghiệp có thể tìm kiếm nhân lực cho R&D. Với gói dịch vụ G2C, NTIS đưa ra thông báo về các đề tài nghiên cứu nhà nước thông qua email hoặc tin nhắn, cung cấp các dịch vụ một cửa tự động thông suốt từ khi thực hiện dự án từ việc đăng kí đề tài, nộp kết quả nghiên cứu cho đến đăng kí sáng chế, chuyển giao và thương mại hóa công nghệ (tiết kiệm thời gian hai-ba tuần so với trước đây), cung cấp các thông tin phân tích về xu hướng KH&CN, đánh giá các tổ chức KH&CN, nhà khoa học. Tất cả các dịch vụ thông tin của NTIS đều miễn phí và hệ thống này được chính phủ hỗ trợ toàn bộ chi phí hoạt động.

Vai trò cốt yếu của NTIS là tạo ra một cơ chế để những người làm khoa học, quản lí khoa học và cả công chúng có thể chia sẻ và phản biện thông tin một cách minh bạch về các dự án họ đang làm cũng như các cơ sở vật chất và nguồn nhân lực họ đang sở hữu. Sau đó, họ xử lý dữ liệu lớn này thành các thông tin tổng hợp để đưa ra đánh giá, tư vấn. Chính vì vậy, trong vòng năm năm (từ 2008-2013), họ đã tiết kiệm được gần 800 triệu USD cho chính phủ Hàn Quốc thông qua việc ngăn cản thực hiện các đề tài trùng lặp nhiệm vụ và cảnh báo việc mua trùng các thiết bị nghiên cứu đắt tiền, liên kết giữa các viện nghiên cứu cùng quản lý các thiết bị hiện đang không sử dụng.

Con đường từ NTIS đến VTIS

Theo Thời báo Điện tử – Electronic Times (thời báo về KH&CN có lượng ấn hành lớn nhất tại Hàn Quốc hiện nay), Bộ KH&CN và Đầu tư (MSIP) của nước này đã dự định xuất khẩu mô hình NTIS tới Kazakhstan và Việt Nam1. Ở Việt Nam, dự án này có tên là VTIS. Theo đó, một trong những điều đầu tiên cần làm là xây dựng quy chế để thu thập thông tin. Bởi thông tin rải rác ở các cơ quan khác nhau thường không đồng nhất, vì thế việc đưa ra tiêu chuẩn để lựa chọn các đầu mục thông tin và tiêu chuẩn hóa chúng là điều hết sức cần thiết. Khi triển khai NTIS, Hàn Quốc đã thành lập một ủy ban đặc biệt bao gồm thành viên cấp cao của một số bộ, ngành và viện nghiên cứu để đưa ra các quy chế yêu cầu các viện và cơ quan nghiên cứu cung cấp thông tin cho họ.

Ông Kim Jae Soo cho biết dự án VTIS đã đi được 1/3 chặng đường. Triển khai từ năm 2013, đội ngũ thực hiện dự án đã phân tích và nghiên cứu thực trạng quản lý R&D ở Việt Nam và đưa ra sáu nhiệm vụ mà VTIS cần phải thỏa mãn bao gồm:
– Phân phối thông tin KH&CN;

– Xây dựng hệ thống quản lý dự án R&D của nhà nước;
– Xây dựng hệ thống dịch vụ thông tin KH&CN;
– Xây dựng hệ thống quản lý nguồn nhân lực quốc gia về KH&CN;
– Quản lý thành quả nghiêm cứu;
– Xây dựng các nền tảng chung về cơ sở công nghệ.

Theo phân tích của những người thực hiện dự án VTIS từ tháng 8/2013, việc quản lý KH&CN của Việt Nam có nhiều bất cập như: không có hệ thống cung cấp thông tin nghiên cứu thống kê về KH&CN, nhiều dự án bị trùng lặp và thành quả thu được từ các dự án nghiên cứu chưa được quản lý thống nhất và không phổ biến rộng rãi. Chính vì vậy, theo chị Đỗ Trà Giang, một trong những đại diện của KISTI, đồng thời là nghiên cứu sinh Việt Nam tại NTIS,  ngoài bao gồm hệ thống trao đổi thông tin về KH&CN giống như NTIS, VTIS còn cung cấp thêm công cụ quản lí dự án nghiên cứu khoa học cấp nhà nước theo quy trình khép kín từ đăng kí đề tài, chi phí thực hiện, nguồn nhân lực thực hiện dự án đến việc phê duyệt đề tài, các chuyên gia phản biện, nghiệm thu đề tài cho đến kết quả dự án (bài báo, sáng chế…), địa chỉ ứng dụng để duy trì tính thống nhất và minh bạch. Vì vậy, đó là lí do dẫn đến việc vào tháng Bảy năm 2014, Bộ KH&CN và Đầu tư Hàn Quốc đã đề xuất KOICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế của Hàn Quốc) cấp vốn ODA cho dự án VTIS với kinh phí khoảng năm triệu USD.

Nhưng dự án này chưa được thông qua do nó không thuộc ba lĩnh vực Hàn Quốc ưu tiên hợp tác với Việt Nam hiện nay là môi trường, đào tạo nghề và cơ sở hạ tầng giao thông. Tuy vậy, theo đại diện của KISTI, dự án VTIS vẫn có thể được triển khai vào năm 2017 nếu Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đưa dự án này vào danh sách đối tượng ưu tiên nhận hỗ trợ ODA. Để làm được điều này, Bộ KH&CN Việt Nam cần thảo luận với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đề nghị sự ủng hộ từ văn phòng KOICA tại Hà Nội. Nếu không được chấp thuận, VTIS sẽ phải triển khai với quy mô nhỏ trước (với vai trò là một tiểu dự án của NASATI) bằng vốn vay từ Ngân hàng Thế giới và dựa vào kết quả đạt được để tiếp tục xin cấp vốn ODA từ KOICA.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho rằng, VTIS là một dự án cần thiết trong quản lí khoa học ở Việt Nam. Vì thế, Bộ KH&CN sẽ trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và KOICA Việt Nam. Theo ông, việc xúc tiến dự án V-TIS có hai thuận lợi chính. Đó là, Bộ KH&CN có mối quan hệ khá chặt chẽ với KOICA Việt Nam (thông qua việc là đối tác trong việc xây dựng đề án VKIST) và với Việt Nam, từ tháng 1/2012 đầu tư cho công nghệ thông tin cũng được tính là đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

1 Theo chị Đỗ Trà Giang, Kazakhstan đã mua lại bản quyền NTIS và đang triển khai mà không cần sự trợ giúp của KOICA.

——————-—————————-

* Bài viết có sử dụng tư liệu do NTIS cung cấp.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)