Gắn kết với đời sống để tạo sinh lực mới cho ngành Toán Việt Nam

Cuộc tọa đàm “Toán học, cơ hội và thách thức” được Viện Toán học Việt Nam phối hợp với tạp chí Tia Sáng tổ chức nhân Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 là cơ hội để các nhà toán học cùng thảo luận, tìm một hướng đi giúp nền toán học nước nhà có giá trị ứng dụng cao hơn, trở nên thiết thực và gần gũi hơn với công chúng.

 

Qua trao đổi giữa các nhà toán học, có thể thấy một thực tế là lâu nay số lượng và chất lượng đầu vào của ngành toán bị hạn chế, khi những học sinh giỏi, giàu năng lực thường theo đuổi các ngành kinh tế, tài chính, và phần lớn chỉ những người không đủ điểm đỗ vào những ngành này mới theo ngành toán. GS. Nguyễn Hữu Dư, Giám đốc Điều hành Viện Nghiên cứu Cao cấp về toán, đồng thời là Phó hiệu trưởng Đại học KH Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết có những học sinh từng đoạt giải quốc gia, quốc tế về toán sau khi được tuyển vào Đại học KH Tự nhiên cũng từ bỏ ngành toán để thi vào Đại học Ngoại thương. Còn theo GS. Lê Tuấn Hoa, Viện trưởng Viện Toán học, việc thiếu hụt nguồn nhân lực đầu vào khiến viện của ông rất khó tìm được người để giới thiệu xin học bổng ở những trường đại học nước ngoài danh tiếng và tiếp cận những thầy giỏi hàng đầu trên thế giới, dù những cơ hội như vậy hiện nay ở viện cao hơn rất nhiều so với trước đây.

Xu thế nhân lực trẻ đầu vào cho ngành toán suy giảm là điều đáng lo ngại, giữa bối cảnh ngành toán đang gặp khủng hoảng vì thiếu nguồn nhân lực, không chỉ thiếu những nhà toán học uy tín, tên tuổi mà còn thiếu về số lượng những người làm toán chuyên nghiệp, như nhận định của GS. Lê Tuấn Hoa. Đồng tình với quan điểm này, GS. Nguyễn Hữu Dư cho rằng đa số các trường đại học và viện nghiên cứu đang phải đối diện với thực tế là đội ngũ các nhà toán học đang già đi, với những nhà toán học tuổi 58 – 60 chiếm phần lớn, trong khi đội ngũ kế cận ở độ tuổi 40 – 58 có rất ít.

Vì sao ngành toán ở Việt Nam không hấp dẫn
giới trẻ?    
   

Nguyên nhân cơ bản khiến thế hệ trẻ không còn thiết tha với ngành toán xuất phát từ một nghịch lý như GS. Lê Tuấn Hoa đã chỉ ra, đó là cử nhân ngành toán ở Việt Nam khó tìm việc làm, khác với ở các nước công nghiệp phát triển, nơi những người tốt nghiệp đại học ngành toán rất “đắt hàng”, với nhiều cơ hội xin việc làm trong các ngành công nghiệp và doanh nghiệp.

Nghịch lý này dẫn tới một nghịch lý thứ hai, đó là đa số người theo nghiệp toán ở Việt Nam làm việc trong các trường đại học và viện nghiên cứu – trong khi ở Mỹ số người theo đuổi sự nghiệp học thuật sau khi tốt nghiệp tiến sỹ chỉ khoảng một phần ba, số còn lại làm việc trong các ngành công nghiệp, theo nhận xét của PGS. Vũ Hoàng Linh, chủ nhiệm khoa Tính toán và Toán ứng dụng của Đại học KH Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, công việc nghiên cứu, giảng dạy toán trong các trường, viện không phải là một lựa chọn hấp dẫn cho nhiều người, do nguồn thu nhập thấp và các chính sách, chế độ đãi ngộ của Nhà nước còn hạn chế. PGS. Bùi Xuân Hải, Khoa Toán Tin, Đại học KH Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết đơn vị ông từ lâu nay rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, mà nguyên nhân chủ yếu do cơ chế Nhà nước về trọng dụng, đãi ngộ nhà khoa học chưa thỏa đáng. Phần lớn các sinh viên giỏi do khoa đào tạo thường tìm cơ hội đi du học, sau đó không quay lại làm việc ở khoa do mức thu nhập quá thấp.

Nguyên nhân cơ bản thứ hai khiến bộ môn toán kém hấp dẫn với giới trẻ là do phương thức giảng dạy còn khô khan, chưa gắn kết với thực tiễn đời sống, bởi “những người dạy toán không giúp người học nhận thấy sự thiết thực của những gì mình dạy; sa đà vào việc tìm cách chứng minh, lập luận chặt chẽ mà ít chú ý tới việc giới thiệu tính ứng dụng của toán”, theo GS. Phạm Thế Long, Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự.

Cùng tham gia cuộc tọa đàm, em Nguyễn Huy Tùng, học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Phú, Hải Phòng, đồng thời là thành viên đội tuyển Olympic toán quốc tế cho biết đối với nhiều bạn học cùng lứa của em, những khái niệm cơ bản như đạo hàm, tích phân chỉ là “những thứ tự nhiên nhảy vào sách giáo khoa” buộc học sinh phải học với rất nhiều bài tập phải làm, trong khi rất ít nội dung trong sách giáo khoa giúp học sinh thấy được giá trị ứng dụng của các kiến thức đã học. “Học xong thì tất cả những thứ đó trở thành dĩ vãng, và rốt cục, sau 12 năm học, với nhiều bạn toán chỉ là môn giúp người ta… đếm tiền chứ không phải là một môn giúp con người có những suy luận logic trong đời sống”, em Tùng nói.

Ngành toán cũng cần được “tái cơ cấu”?

Các nhà toán học và chuyên gia cho rằng ngành toán cần một cuộc “tái cơ cấu” toàn diện, theo xu hướng tăng cường gắn kết với nhu cầu ứng dụng các kết quả nghiên cứu nhằm phục vụ thực tiễn đời sống song song với làm nghiên cứu cơ bản. Được biết trong thời gian gần đây, GS. Ngô Bảo Châu và Viện Nghiên cứu Cao cấp về toán đã bước đầu trao đổi với một số tổ chức và doanh nghiệp, tìm kiếm cơ hội cùng hợp tác nghiên cứu đưa các ứng dụng toán vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cụ thể trong đời sống. Ngoài ra, theo GS. Phùng Hồ Hải, Phó Viện trưởng Viện Toán học, một số nhà nghiên cứu toán ứng dụng ở Việt Nam cũng đã bắt đầu tập hợp, mày mò tìm một hướng phát triển để trở thành các nhóm nghiên cứu toán ứng dụng một cách chuyên nghiệp hơn.

Những dự định trên đây mới chỉ đang dừng lại trong các ý tưởng, chưa được triển khai một cách bài bản, có hệ thống. Nhìn chung các tổ chức nghiên cứu còn khá thụ động, dè dặt, lấy lí do là đơn vị mình chưa có đủ người làm toán ứng dụng cũng như nguồn kinh phí hỗ trợ cần thiết của Nhà nước để có thể thay đổi, đột phá. Ngoài ra, một số nhà toán học cho rằng nhu cầu sử dụng chất xám của những người làm toán ứng dụng ở các ngành công nghiệp của Việt Nam còn ở mức độ hạn chế, do đặc thù nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn phát triển chạy theo bề nổi. Theo PGS. Vũ Hoàng Linh, những năm gần đây mới chỉ có các doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực như tài chính, chứng khoán, và công nghệ thông tin bước đầu có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của ngành toán.

Tuy nhiên, đa số các ý kiến đều thống nhất cho rằng bản thân các nhà toán học có trách nhiệm chính trong việc tự tăng cường các tri thức và năng lực nghiên cứu ứng dụng toán học, đồng thời thuyết phục cộng đồng về tầm quan trọng của toán học đối với thực tiễn đời sống. Bước đi cần thiết đầu tiên là trong lĩnh vực giáo dục, bắt đầu ngay từ cải cách sách giáo khoa theo xu hướng chú trọng hơn tới việc giới thiệu những giá trị ứng dụng của toán học trong đời sống. Theo GS. Trần Văn Nhung, Việt Nam không cần lãng phí, tốn kém vào việc tự biên soạn từ đầu những nội dung mới, mà chỉ cần sử dụng lại nội dung những cuốn sách của các nước có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ và châu Âu – điều mà một nước phát triển trong khu vực như Singapore đã làm – trong đó không chỉ giới thiệu cho học sinh các lý thuyết toán học một cách có hệ thống mà còn đưa vào xen kẽ rất nhiều minh họa sinh động về các tình huống ứng dụng của toán học vào các vấn đề cụ thể trong thực tiễn.

Trong chuỗi các sự kiện được các viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ tổ chức để hưởng ứng Ngày KH&CN Việt Nam vừa qua, có thể nói chương trình “Một ngày với toán học” – cuộc tọa đàm “Toán học, cơ hội và thách thức” cũng được tổ chức trong khuôn khổ chương trình này – là một trong số ít những sự kiện được tổ chức thành công nhất, với nhiều hoạt động phong phú vừa có tính chuyên môn vừa đảm bảo sự gần gũi và lôi cuốn đối với công chúng, thu hút được sự tham gia của nhiều sinh viên, học sinh, và các phụ huynh. Những hoạt động như vậy là vô cùng cần thiết trong tiến trình nâng cao nhận thức của công chúng, góp phần thay đổi quan điểm định kiến sai lầm rằng toán học khô khan, buồn tẻ, và không gắn với sự phát triển của cộng đồng, xã hội. 


Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)