Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2015: Mỗi công trình đều có những kết quả đỉnh cao

Theo GS Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng Tạ Quang Bửu, các công trình được xét tặng giải thưởng năm nay đều nằm trong top 3% danh mục hàng trăm các tạp chí ISI trong từng chuyên ngành và mỗi công trình đều có những kết quả đỉnh cao.

Niềm vui người nhận giải

Sáng 16/5 tại trụ sở Bộ KH&CN ở Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu cho ba nhà khoa học có công trình xuất sắc, gồm: GS.TSKH Đinh Dũng (Viện Công nghệ thông tin – ĐHQG Hà Nội); GS.TSKH Nguyễn Đông Yên (Viện Toán học – Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam); PGS.TS Trần Thanh Hải (Trường ĐH Mỏ Địa chất); và một nhà khoa học trẻ có công trình xuất sắc là PGS.TSKH Phạm Hoàng Hiệp (Viện Toán học – Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam).

Đã trở thành thông lệ, lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu là một trong những sự kiện được chờ đợi nhất trong loạt hoạt động chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam hằng năm.

Đến dự lễ trao giải sáng 16/5 có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân, Thứ trưởng KH&CN Phạm Công Tạc, đại diện gia đình cố GS Tạ Quang Bửu cùng nhiều nhà khoa học thuộc các viện, trường, cơ quan nghiên cứu trong cả nước.
Đọc diễn văn nhận giải, các nhà khoa học đều thể hiện niềm vui và vinh dự sâu sắc khi trở thành chủ nhân của một giải thưởng mà những tiêu chí lựa chọn của nó đã tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ trong giới khoa học, thúc đẩy họ sáng tạo, xây dựng các công trình khoa học chất lượng cao và có sức thuyết phục trên trường quốc tế, như nhận xét của PGS.TS Trần Thanh Hải.

Bên cạnh đó, họ cũng không quên nhấn mạnh niềm hồ hởi chung kể từ khi cơ chế hỗ trợ tài chính của Bộ KH&CN thông qua Quỹ KH&CN Quốc gia (NAFOSTED) ra đời, “thổi một luồng gió mới” vào sự nghiệp nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, trong đó có bản thân họ. “Cơ chế minh bạch, dân chủ và công bằng của Quỹ trong việc cấp kinh phí và đánh giá các công trình khoa học đang khích lệ tôi và các nhà khoa học nâng cao chất lượng nghiên cứu và hội nhập với cộng đồng khoa học quốc tế. Nó cũng loại ra khỏi sân chơi những ai đã và đang sử dụng một cách lãng phí tiền thuế của người dân, cho ra nhưng công trình nghiên cứu và triển khai kém chất lượng,” GS.TSKH Đinh Dũng chia sẻ.

Được biết, hai trong số bốn công trình nhận giải năm nay được thực hiện với sự hỗ trợ kinh phí của Quỹ NAFOSTED.

Kết thúc lễ trao giải, Bộ trưởng Nguyễn Quân phát biểu cho biết, năm 2014, lần đầu tiên Việt Nam vượt ngưỡng 2.000 công bố quốc tế trên các tạp chí ISI, đứng thứ tư ở Đông Nam Á, sau Singapore, Malaysia, và Thái Lan. Như vậy, chỉ trong vòng mười năm trở lại đây, Việt Nam đã vượt qua Philippines và Indonesia về số công bố quốc tế trên các tạp chí ISI.

Bộ trưởng cũng nói hết sức chân thành rằng, nếu có những nhà khoa học sẵn sàng dành cả cuộc đời để làm nghiên cứu thì những người làm công tác quản lý như ông phải có trách nhiệm làm hết sức mình để tháo gỡ các rào cản, tạo ra một môi trường nghiên cứu lành mạnh, thân thiện và tự do cho các nhà khoa học.

Bước đầu tạo dựng uy tín

Đây là năm thứ hai giải Tạ Quang Bửu dành cho nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên được trao như một nỗ lực của Bộ KH&CN nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong bối cảnh số lượng công bố quốc tế của Việt Nam có bước tiến nhảy vọt trong những năm qua dưới sự hỗ trợ của Quỹ NAFOSTED. Tham dự giải có 43 hồ sơ đăng ký thuộc các lĩnh vực: (i) Khoa học tự nhiên: Toán học, Khoa học máy tính và thông tin; Vật lý; Hóa học, các khoa học trái đất và môi trường liên quan; Sinh học, Khoa học tự nhiên khác; (ii) Khoa học kỹ thuật và công nghệ; (iii) Khoa học y dược; (iv) Khoa học nông nghiệp; trong số đó chín hồ sơ đã được các hội đồng khoa học chuyên ngành đề xuất xem xét tại Hội đồng giải thưởng.

Phát biểu tại lễ trao giải, GS Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng, nói về những nét đặc biệt của giải thưởng như sau:

Trước tiên, Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng quốc gia đầu tiên vinh danh các công bố khoa học xuất sắc mang tầm thế giới.

Thứ hai, đây là giải thưởng duy nhất có Hội đồng xét chọn chỉ gồm các nhà khoa học tiêu biểu, không có sự tham gia của các nhà quản lý thuần túy. Thành phần Hội đồng gồm bảy chủ tịch hội đồng ngành do cộng đồng các nhà khoa học bầu lên và hai nhà khoa học có uy tín thế giới là GS Pierre Dariulat và GS Vũ Hà Văn. Cơ cấu như vậy đảm bảo cho Hội đồng đủ khả năng đánh giá các công trình xuất sắc trong các lĩnh vực khoa học khác nhau.

Thứ ba, các công trình được đánh giá qua uy tín của tạp chí và nội dung khoa học nổi trội của công trình dựa trên ý kiến của các phản biện. Mỗi công trình đều được gửi xin đánh giá của hai nhà khoa học đầu ngành trong nước và từ một đến ba nhà khoa học có uy tín trên thế giới.

Và cuối cùng, các công trình được xét tặng giải thưởng năm nay đều nằm trong top 3% danh mục hàng trăm các tạp chí ISI trong từng chuyên ngành và mỗi công trình đều có những kết quả đỉnh cao.

Trả lời phỏng vấn của Tia Sáng bên lề lễ trao giải, GS Ngô Việt Trung nhận định, so với năm ngoái, năm nay có nhiều công trình xuất sắc đăng ký tham dự vì giải thưởng bắt đầu đã tạo dựng được uy tín trong cộng đồng nghiên cứu khoa học cơ bản (năm ngoái, chỉ có hai nhà khoa học được trao giải và không tìm ra được người để trao giải Nhà khoa học trẻ). “Uy tín của một giải thưởng không nằm ở giá trị vật chất của giải thưởng mà nằm ở chỗ chúng có được trao cho đúng những công trình xuất sắc nhất hay không. Giải thưởng Fields trong Toán học chỉ có giá trị 15 ngàn USD nhưng được coi là tương đương với giải Nobel,” ông nói.

Nên có giải riêng cho lĩnh vực lý thuyết và thực nghiệm

Bên cạnh đó, GS Ngô Việt Trung cũng nhận xét, quy chế giải thưởng Tạ Quang Bửu năm nay đã có những thay đổi nhằm khắc phục một số bất cập của lần trao giải năm ngoái như cho phép đề cử giải thưởng, nâng hạn tuổi cho giải thưởng trẻ lên đến 34, v.v… Ông cho rằng, tiếp theo, nên trao giải thưởng cho những cụm từ hai đến ba công trình xuất sắc về một đề tài nghiên cứu. “Ví dụ như cá nhân nào có hai công bố trên các tạp chí hàng đầu nên được ưu tiên hơn những cá nhân chỉ công bố một công trình có chất lượng khoa học tương đương.”

Theo vị chủ tịch Hội đồng giải thưởng Tạ Quang Bửu hai nhiệm kỳ liên tiếp, bất cập lớn nhất hiện nay là phân bổ không đồng đều về giải thưởng giữa các lĩnh vực khoa học mang tính lý thuyết và các lĩnh vực khoa học thực nghiệm. “Các nghiên cứu thực nghiệm phụ thuộc rất nhiều vào máy móc, vật liệu thí nghiệm cũng như vào tập thể các thí nghiệm viên nên khó lòng đạt được những kết quả xuất sắc đủ để công bố trên các tạp chí hàng đầu của thế giới,” ông nhận xét. Vì vậy, theo ông, trong những lần trao giải tới nên có giải riêng biệt cho lĩnh vực lý thuyết và thực nghiệm để các nhà khoa học ở hai lĩnh vực này cảm thấy được khuyến khích như nhau.
 

Hạng mục “Tác giả của công trình khoa học xuất sắc” (trị giá 200 triệu đồng)

* GS.TSKH Đinh Dũng được trao giải với công bố Dũng, D., &Ullrich, T. (2013). N-Widths and ε-dimensions for high-dimensional approximations (Xấp xỉ và khôi phục tín hiệu có số chiều rất lớn trên lưới thưa).

Công trình là một trong những đóng góp quan trọng nhất đối với bài toán tổng quát về xấp xỉ nhiều chiều, kết nối giữa lý thuyết xấp xỉ hàm nhiều biến kinh điển và các vấn đề hiện đại của toán học tính toán. Lý thuyết xấp xỉ hàm số nhiều biến – cơ sở của toán học tính toán và khoa học máy tính, có nhiều ứng dụng trong giải số phương trình đạo hàm riêng, xử lý ảnh, khôi phục tín hiệu.

Công trình đã được đăng trên tạp chí Foundations of Computational Mathematics, 13(6), 965-1003, là tạp chí đứng thứ năm trong lĩnh vực toán học tính toán do SCImago xếp hạng.

* GS.TSKH Nguyễn Đông Yên được trao giải với hai công trình: Lee, G. M., Tam, N. N., & Yen, N. D. (2012). Stability of linear-quadratic minimization over Euclidean balls và Qui, N. T., & Yen, N. D. (2014). A class of linear generalized equations, gọi chung là cụm công trình “Nghiên cứu tính ổn định và tính ổn định vi phân của một lớp bài toán quy hoạch toàn phương không lồi”. Hai công trình này mở đường cho một lớp bài toán có nhiều ứng dụng trong lý thuyết tối ưu bằng cách đưa ra một khái niệm hoàn toàn mới để giải quyết lớp bài toán đó một cách hiệu quả nhất.

Hai công trình đã được đăng trên tạp chí SIAM Journal on Optimization, là tạp chí đứng thứ sáu về chỉ số ảnh hưởng, thứ bảy về chỉ số trích dẫn trong số 251 tạp chí khoa học chuyên ngành của cơ sở dữ liệu ISI.

* PGS.TS Trần Thanh Hải được trao giải với công bố Tran, H. T., Zaw, K., Halpin, J. A., Manaka, T., Meffre, S., Lai, C. K., …&Dinh, S. (2014). The Tam Ky-Phuoc Son shear zone in Central Vietnam: tectonic and metallogenicimplications (Bản chất đới trượt Tam Kỳ – Phước Sơn ở miền Trung Việt Nam: Ý nghĩa kiến tạo và sinh khoáng của nó). Công trình đã có phát hiện mới quan trọng về lịch sử tiến hóa kiến tạo của địa khối Đông Dương. Đây là vấn đề đã và đang nhận được sự quan tâm lớn của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Việc xác định được hoạt động magma-kiến tạo và tạo khoáng vàng xảy ra vào khoảng 400 triệu năm trước đã mở ra một cách tiếp cận mới trong việc nghiên cứu tiếp theo về các quá trình kiến tạo và sinh khoáng vàng khu vực Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng.

Công trình đã được đăng trên tạp chí Gondwana Research là tạp chí quốc tế có thứ hạng cao, có uy tín cao trong lĩnh vực địa chất.

Hạng mục “Nhà khoa học trẻ” (trị giá 50 triệu đồng)

* PGS.TSKH Phạm Hoàng Hiệp được trao giải Tạ Quang Bửu ở hạng mục Nhà khoa học trẻ với công trình Demailly, J. P., &Phạm, H. H. (2014). A sharp lower bound for the log canonical threshold (Một đánh giá tốt nhất có thể của ngưỡng chính tắc), nghiên cứu một vấn đề quan trọng trong Lý thuyết kỳ dị có ứng dụng trong nhiều ngành toán học khác nhau. Kết quả của công trình tốt hơn hẳn các công trình trước đây và có khả năng giải quyết một giả thuyết được nhiều nhà toán học nổi tiếng trên thế giới quan tâm nghiên cứu là giả thuyết Guedj và Rashkovskii.

Công trình đã được đăng tải trên tạp chí Acta Mathematica, là một trong năm tạp chí toán học đỉnh cao và kinh điển nhất của các tạp chí toán học thế giới.

Tác giả