Giáo dục đại học và nghiên cứu cơ bản nhằm tạo ra tri thức mới: Mô hình Trung Quốc

Việt Nam và Trung Quốc có nhiều tương đồng trong những thách thức phải đối diện suốt bảy mươi năm qua nhằm đuổi kịp trình độ thế giới về nghiên cứu cơ bản và giáo dục đại học. Khác biệt là đến nay Trung Quốc đứng thứ hai thế giới về năng lực tạo ra tri thức mới1. Sẽ hữu ích nếu chúng ta cùng tìm hiểu nhờ đâu đất nước này đạt được thành tựu ngoạn mục như vậy.

Phi hành gia Wang Yaping được nhìn thấy đang “bay” bên trong mô-đun lõi trạm vũ trụ Tianhe. Ảnh: Trung tâm Phi hành gia Trung Quốc

Trung Quốc và các nước dưới sự ảnh hưởng của Nho giáo như Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc, tới tận cuối thế kỷ 19 quan điểm giáo dục được coi là công cụ đào tạo ra tầng lớp tinh hoa điều hành đất nước vẫn được duy trì. Tất nhiên, những giá trị của giáo dục chúng ta tin tưởng hôm nay vốn đã có từ hai mươi lăm thế kỷ trước: Bác Hồ từng nói “Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ” cũng như Khổng Tử từng viết: “Có kiến thức thì không nghi ngờ, có lòng nhân thì không ưu tư, có dung cảm thì không sợ hãi”. Điều thay đổi là nhận thức về đối tượng được thụ hưởng các lợi ích của giáo dục. Năm 1803, tổng giám mục thành phố London tuyên bố điều được cho là nhận thức bình thường của thời kỳ đó: “chính sách an toàn nhất cho Chính quyền và nhà thờ là để mặc các tầng lớp thấp trong sự dốt nát mà tạo hóa đã sắp đặt cho họ”. Các trào lưu Phục hưng và Khai sáng đã bắt đầu nhen nhóm từ thế kỷ 17 và 18, nhưng phải tới thế kỷ 19, số đông trong các xã hội phương Tây mới có ý thức rằng các giá trị công bằng, bình đẳng và tự do không thể chỉ là đặc quyền riêng của tầng lớp thống trị. Cũng phải thêm hơn một thế kỷ sau đó, họ mới ý thức được rằng những quyền lợi ấy không chỉ dành cho người phương Tây mà phải được phổ quát ở cả châu Á, Nam Mỹ và châu Phi.

Để minh họa cho thực tế là chỉ mới gần đây con người mới có ý thức về lợi ích của giáo dục không chỉ dành cho tầng lớp thống trị mà phổ quát cho toàn thể nhân loại, tôi xin đưa ra một vài con số. Vào nửa đầu thế kỷ 20, tỉ lệ mù chữ ở Trung Quốc là 80%, ở Việt Nam là 95%. Ngày nay ở cả hai quốc gia tỉ lệ đó dưới 5%. Năm 1820, chỉ 12% dân số thế giới có thể đọc và viết, ngày nay tỉ lệ đó đảo ngược, năm 2016 chỉ còn 14% dân số mù chữ. Trong vòng 60 năm qua, cứ mỗi năm năm tỉ lệ người biết chữ tăng 4% – từ 42% năm 1960 lên 86% năm 2015. Việt Nam tự hào2, với tầm nhìn và quyết tâm của Bác Hồ, với công cuộc xóa mù chữ mang tính biểu tượng. Tôi vẫn nhớ cảm xúc khi đọc hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình, Gia đình, Bạn bè và Đất nước, về những ngày tháng anh hùng khi cả đất nước nỗ lực phổ cập giáo dục cho toàn dân. Trên bình diện toàn cầu, con người vẫn còn chặng đường dài phía trước: ở vài nước châu Phi, trẻ em chỉ được đến trường trong năm năm; tỉ lệ mù chữ ở những nước này và một số nước Nam Á vẫn trên 50%3.

Trao cho các nhân tài hàng đầu về đổi mới sáng tạo quyền quyết định con đường phát triển công nghệ và sử dụng kinh phí.

Trong thế kỷ 20, mục tiêu biến giáo dục nhanh chóng phổ cập tới số đông trên bình diện toàn cầu đã đặt ra những vấn đề và thách thức, đa số đến nay vẫn còn gây tranh cãi. Để tránh nhầm lẫn, tôi xin phân định khác biệt giữa giáo dục phổ cập đại chúng, giáo dục nhằm phát triển đất nước, và giáo dục nhằm tạo ra tri thức mới.

Trong bài viết này, tôi tập trung bình luận về loại hình giáo dục thứ ba, giáo dục nhằm tạo ra tri thức mới. Nó cũng gần với những bài viết của tôi về nghiên cứu cơ bản. Cùng các đồng nghiệp trong giới khoa học, tôi đã nhiều lần bày tỏ niềm tin rằng khám phá tri thức mới là một trong những nỗ lực nhân bản của con người và là điều kiện tiên quyết cho tiến bộ xã hội. Chúng ta tin tưởng như vậy mà không cần phải minh chứng chi li. Từ khi đến Việt Nam hơn hai mươi năm trước, tôi nhận ra nguyên lý đó không được coi là hiển nhiên ở các nước đang phát triển, vì vậy nó cần được quan tâm đến nhiều hơn. Tôi đã viết vài lần về chủ đề này trên Tia Sáng, cụ thể là bài “Tầm quan trọng của nghiên cứu cơ bản ở các nước đang phát triển”, trong đó nhắc đến cuối tọa đàm tại Quy Nhơn tháng 7/2016, và một bài viết khác tựa đề “Kinh phí cho nghiên cứu cơ bản” với kiến nghị tài trợ thích đáng cho Quỹ NAFOSTED. Tôi không nhắc lại nội dung đã nêu trong các bài viết này, dù phải thừa nhận rằng đến nay trên thực tế chúng ta vẫn chưa đạt được tiến bộ đáng kể nào so với trước đây. Thay vào đó, cách tiếp cận của bài viết này là xem xét những gì đáng học hỏi từ mô hình Trung Quốc. Việt Nam và Trung Quốc có nhiều tương đồng trong những thách thức phải đối diện suốt bảy mươi năm qua nhằm đuổi kịp trình độ thế giới về nghiên cứu cơ bản và giáo dục đại học. Khác biệt là đến nay Trung Quốc đứng thứ hai thế giới về năng lực tạo ra tri thức mới4. Sẽ hữu ích nếu chúng ta cùng tìm hiểu nhờ đâu đất nước này đạt được thành tựu ngoạn mục như vậy.

Lịch sử Trung Quốc trong nửa sau thế kỷ 20 là một trong những chương hấp dẫn nhất lịch sử nhân loại. Từ sự ra đời Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949 cho tới khi bắt đầu đi theo đường lối phát triển thực dụng của Đặng Tiểu Bình sau khi Mao Trạch Đông qua đời năm 1976, đất nước này đã trải qua những thể chế cực đoan, bao gồm công cuộc Đại nhảy vọt (1958-1960) và Cách mạng Văn hóa (1966-1976). Bối cảnh đó không phù hợp để xây dựng một nền văn hóa khoa học hiện đại, tuy nhiên đã đặt nền tảng cho nền khoa học Trung Quốc, phần lớn với sự hỗ trợ và ảnh hưởng từ Liên Xô.

Tàu thăm dò Chang’e-5 trở về mang theo đất và đá Mặt trăng. Ảnh: Nature

Một phần tư cuối của thế kỷ được đánh dấu bởi “Bốn hiện đại” năm 1976: nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng, và khoa học công nghệ. Đặng Tiểu Bình đảo ngược các chính sách Cách mạng Văn hóa và dần cải cách mô hình cũ của Liên Xô. Năm 1995, “Quyết định Tăng tốc phát triển Khoa học và Công nghệ” trong đó coi khoa học và công nghệ là động lực chủ đạo, quyết định sự phát triển kinh tế, xã hội, tiềm lực quốc gia và chất lượng đời sống. Hoạt động nghiên cứu mở rộng ra ngoài các viện nghiên cứu theo mô hình Liên Xô, đi vào các trường đại học và doanh nghiệp tư nhân. Các mô hình hợp tác và dịch chuyển nhân lực nghiên cứu được khuyến khích, lương bổng tương xứng với kết quả, các quyền sở hữu trí tuệ được tôn trọng, môi trường khoa học được bảo vệ, các quan chức được nâng cao nhận thức về khoa học và công nghệ, đưa khoa học vào các quyết sách, sự tôn trọng tri thức và tài năng được cổ xúy bởi tất cả các bên, bao gồm Đảng, công đoàn và truyền thông đại chúng.

Thành công nhanh chóng của nền KHCN Trung Quốc trong hơn ba mươi năm qua đã khiến cả thế giới ngạc nhiên, đã có nhiều nghiên cứu đi sâu phân tích cơ chế vận hành của nó. Một biểu tượng của thành công hiện tại là bài diễn văn của ông Tập Cận Bình vào tháng 9/20205 tại một diễn đàn khoa học. Sau khi ghi nhận thành tựu phát triển của nền KHCN Trung Quốc trong thập kỷ qua và biểu dương các nhà khoa học, ông khẳng định thế giới đang thay đổi rất nhanh, đòi hỏi cấp thiết nền KHCN đất nước tăng tốc nhằm xác lập quỹ đạo phát triển mới cho nền kinh tế, công nghệp, thương mại và phúc lợi xã hội. Cụ thể, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của những đột phá trong đổi mới sáng tạo và bày tỏ niềm tin rằng “nhiều nhà khoa học và kỹ sư sẽ đảm nhận trọng trách lịch sử này, bền bỉ hướng tới chân trời mới của tri thức KHCN, phục vụ các trận địa kinh tế chủ đạo, các nhu cầu căn bản của quốc gia, phục vụ đời sống và sức khỏe nhân dân, và không ngừng tiến bước theo hơi thở và chiều sâu của KHCN.” Ông Tập đề ra sáu điểm lưu ý.

Một là xác định các lĩnh vực cần sự hỗ trợ KHCN một cách mạnh mẽ, bao gồm nông nghiệp, tài nguyên năng lượng và thiết bị y tế.

Phải khuyến khích các nhà khoa học tập trung vào công việc nghiên cứu và tận hiến cho khoa học, “không đố kỵ và phù phiếm, xem thường danh lợi”.

Hai là tối ưu hóa phân bổ các nguồn lực KHCN, vượt qua tình trạng phân mảnh, thiếu hiệu quả và chồng chéo: “Chúng ta cần các nhà khoa học tài năng phát huy hiệu quả các nguồn lực nghiên cứu khoa học. […] Cần phát huy vai trò quan trọng của các trường đại học trong nghiên cứu, khơi thông nhiệt huyết của các viện nghiên cứu, phát huy sở trường của các nhà khoa học tài năng và tổ chức nghiên cứu, hình thành một lực lượng chiến lược”.

Thứ ba, ông Tập nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu cơ bản, cội nguồn của đổi mới sáng tạo trong KHCN. Ông nhận định “một mặt, nghiên cứu cơ bản phải đảm bảo các nguyên tắc của quá trình khám phá khoa học, với động lực là niềm khao khát tìm hiểu các bí ẩn của thế giới, khuyến khích tinh thần khám phá tự do, trao đổi và tranh luận đến cùng; mặt khác, được thúc đẩy bởi các vấn đề KHCN quan trọng, từ các vấn đề lý thuyết trừu tượng tới các nghiên cứu ứng dụng cốt lõi. Cần làm sáng rõ các nguyên lý trong khoa học, để nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng thúc đẩy lẫn nhau”. Ông đề cao tầm quan trọng của việc làm rõ định hướng và mục tiêu phát triển của quốc gia trong nghiên cứu cơ bản, gia tăng đầu tư, hướng dẫn và hỗ trợ đầy đủ, xây dựng môi trường nghiên cứu lành mạnh, hoàn thiện cơ chế đánh giá và đãi ngộ trong khoa học, khuyến khích tự do tư tưởng và mạnh dạn sáng tạo trong nghiên cứu, tạo điều kiện cho nhà khoa học tập trung vào nghiên cứu, tăng cường trao đổi học thuật trong nước với quốc tế.

Thứ tư, tăng cường giáo dục và ươm tạo tài năng: “Nhân tài là tài nguyên số một. Năng lực đổi mới sáng tạo KHCN có gốc rễ trong con người”. Giáo dục đại học cần đẩy mạnh giảng dạy các ngành cơ bản và liên môn, quyết liệt thúc đẩy nghiên cứu cơ bản, định hướng những sinh viên xuất sắc nhất cống hiến trên con đường này. Cần phát triển các trung tâm khoa học xuất sắc và đại học nghiên cứu. “Chúng ta cần quan tâm hoàn thiện các tài năng KHCN trẻ, giúp họ trở thành lực lượng nòng cốt mới của đổi mới sáng tạo KHCN. Tập hợp những người tài năng nhất với tầm nhìn ra thế giới, thu hút các nhân tài xuất sắc từ nước ngoài, tạo môi trường cạnh tranh và hấp dẫn cho nhà khoa học nước ngoài đến làm việc tại Trung Quốc”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Học viện Khoa học Quân y ở Bắc Kinh, một trong những đơn vị nghiên cứu phát triển vaccine COVID. Ảnh: Theguardian

Thứ năm, cải cách quản lý KHCN trở nên hiệu quả hơn, tin tưởng giao quyền tự trị cao hơn cho các trường đại học và tổ chức khoa học, trao cho các nhân tài hàng đầu về đổi mới sáng tạo quyền quyết định con đường phát triển công nghệ và sử dụng kinh phí. Nội dung của điểm này nhắc lại nhiều nội dung điểm thứ hai.

Thứ sáu, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong KHCN bằng cách tích cực hòa nhập mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu, thực hiện chiến lược hợp tác quốc tế về KHCN mang tính cởi mở, chia sẻ và cùng có lợi. “Chúng ta cần mở cửa cho các tổ chức KHCN quốc tế đặt cơ sở tại Trung Quốc, tạo điều kiện cho các nhà khoa học nước ngoài giữ vị trí ở các tổ chức KHCN trong nước, đưa đất nước vào vị thế trên trường quốc tế rộng mở cho hợp tác KHCN”.

Sau khi bàn sâu vào sáu điểm nêu trên, ông Tập Cận Bình bàn về các giá trị và đạo đức trong khoa học. Ông nhắc lại vào tháng 5/2021, Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố “Quan điểm về thúc đẩy tinh thần khoa học và tăng cường xây dựng phong cách làm việc và học tập”, cổ vũ tình yêu Tổ quốc, tham vọng xuất sắc, quyết tâm tìm kiếm chân lý, sự thật và liêm chính. Nội dung ca ngợi “một tinh thần tận hiến, không màng danh lợi, nghiên cứu cẩn trọng với tâm trí minh tĩnh; một tinh thần phối hợp với trí tuệ tập trung giải quyết những vấn đề then chốt, đoàn kết, và hợp tác; một tinh thần giáo dục tận tình hỗ trợ những người khác phát triển, khen thưởng và động viên thế hệ trẻ”. Ông nhận định “khoa học không có biên giới, nhà khoa học có Tổ quốc” và bày tỏ hy vọng các nhà khoa học và kỹ sư kế thừa di sản các thế hệ cha anh luôn yêu nước và phụng sự nhân dân, mang những cống hiến khoa học phục vụ sự nghiệp xây dựng một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại.

Ông Tập đưa ra kết luận với sự ca ngợi phương pháp luận khoa học: đổi mới mang tính nguyên bản, suy nghĩ sáng tạo, lý luận chặt chẽ, không theo lập luận áp đặt của cấp trên, suy nghĩ xa hơn, mạnh dạn thách thức các lý thuyết đã có, tận lực thu thập dữ liệu để xây dựng lý thuyết mới, không ngừng quan sát và thực nghiệm; nghiên cứu cơ bản, ông nói, thường bắt đầu từ trí tò mò tìm hiểu những bí ẩn sâu sắc về tự nhiên, đòi hỏi sự cẩn trọng và tận lực; Trung Quốc phải tạo ra những kết quả nguyên bản tầm cao và tích cực đóng góp vào tiến trình tích lũy và phát triển khoa học. Phải khuyến khích các nhà khoa học tập trung vào công việc nghiên cứu và tận hiến cho khoa học,“không đố kỵ và phù phiếm, xem thường danh lợi”.                  

Tháng 1/2022, Luật Phát triển KHCN của Trung Quốc được sửa đổi có hiệu lực12. Trong đó, một trong những mục tiêu tương lai của Trung Quốc được nhấn mạnh là thúc đẩy khoa học cơ bản. bốn trụ cột làm động lực cho chiến lược phát triển khoa học và công nghệ được xác lập gồm: các phòng thí nghiệm quốc gia, các viện R&D quốc gia, các trường đại học nghiên cứu xuất sắc và các tập đoàn khoa học và công nghệ hàng đầu.       

“Đảng và chính quyền và cán bộ lãnh đạo các cấp phải nhiệt tình thực hiện chiến lược phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, tôn trọng công sức, trí tuệ, tài năng, sáng tạo, tuân theo các nguyên tắc phát triển khoa học, thúc đẩy sự hình thành nhiều thành tựu KHCN đổi mới sáng tạo, ứng dụng để nâng cao năng suất thực tế. Cán bộ lãnh đạo phải tăng cường học hỏi các tri thức khoa học và quan tâm tới các xu hướng toàn cầu về đổi mới sáng tạo. Tôi tin tưởng rằng các nhà khoa học và kỹ sư trong nước có sự tự tin, quyết tâm, và năng lực tiến lên các đỉnh cao trong khoa học, và đóng góp xứng đáng vào công cuộc vĩ đại đổi mới đất nước Trung Quốc và góp phần xây dựng cộng đồng chung của nhân loại!”

Tôi tin rằng nhiều nhà khoa học Việt Nam khá đồng cảm với nội dung bài diễn văn năm 2020 này của ông Tập Cận Bình. Nội dung cấp tiến của nó khác với cách tiếp cận thận trọng ở Việt Nam. Mặc dù không thể áp dụng nguyên xi những nội dung cụ thể vào bối cảnh có những khác biệt ở Việt Nam, quan điểm mạch lạc và những phân tích thấu đáo của nó nên được coi như một ví dụ tham khảo khi xác định phương hướng chung cho nền KHCN Việt Nam, cụ thể là cho nghiên cứu cơ bản và giáo dục đại học nhằm tạo ra tri thức mới. Nhưng để nói sâu về các hàm ý sẽ cần đến một bài viết khác, với phần còn lại của bài viết này tôi muốn tóm lược những đặc điểm quan trọng nhất để so sánh giữa hai nền khoa học Trung Quốc và Việt Nam6.

Năm 2021, Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong 7 trên 11 lĩnh vực nghiên cứu, xét về mức độ sôi động trong hoạt động nghiên cứu tạo ra tri thức mới7, đạt được điểm số cao nhất trong bảy tiêu chí của Chỉ số Nghiên cứu Dẫn đầu (Research Leadership Index) bao gồm: khoa học nông nghiệp, thực vật và động vật học; khoa học sinh thái và môi trường; y học lâm sàng; hóa học và khoa học vật liệu; toán học; khoa học máy tính; kinh tế, tâm lý và các ngành khoa học xã hội. Nguyên nhân chính cho xếp hạng cao đó là số lượng lớn các công bố có ảnh hưởng về COVID-19, cho thấy khả năng xác định đúng các lĩnh vực nghiên cứu nổi bật, không chỉ ở các nhà khoa học mà cả các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc.

Quả thực nền khoa học Trung Quốc ba thập kỷ qua đã có bước tiến ngoạn mục8. Có được những tiến bộ đó là nhờ hạ tầng hiệu quả. Được sáng lập từ thập kỷ 80, Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia Trung Quốc (NNSFC) và Chương trình Nghiên cứu Cơ bản Quốc gia đóng vai trò chính trong sự phát triển nhanh chóng của nghiên cứu cơ bản. Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc duy trì một mạng lưới toàn diện về nghiên cứu và phát triển, các tổ chức học thuật khuyến khích thành tích thực tế và hệ thống giáo dục đại học, tập hợp các nhà khoa học và kỹ sư từ Trung Quốc và khắp thế giới cùng giải quyết các vấn đề lý thuyết và thực tiễn. Kiến tạo quan hệ hợp tác giữa các viện nghiên cứu, đại học và doanh nghiệp trên 130 quốc gia bằng cách xây dựng các viện nghiên cứu ở nước ngoài, khởi động các dự án nghiên cứu lớn, thúc đẩy trao đổi và đào tạo tài năng. Hiện Trung Quốc có 495 phòng thí nghiệm trọng điểm nhà nước và 28 quỹ nghiên cứu quốc gia, kết nối gần 800 trường đại học, viện nghiên cứu và công ty. Trung Quốc đã đẩy mạnh hợp tác sâu về nghiên cứu cơ bản và sáng tạo tri thức mới với các dự án quốc tế lớn theo sáng kiến của các nhà khoa học Trung Quốc, như thí nghiệm neutrino với lò phản ứng Daya Bay và kính viễn vọng hình cầu khẩu độ 500m (FAST). Các nhà khoa học Trung Quốc tham gia ngày càng nhiều và đóng vai trò trọng yếu trong các chương trình khoa học quốc tế lớn, bao gồm ITER (lò phản ứng thí nghiệm nhiệt hạch quốc tế) và LHC (Máy gia tốc hạt lớn).    

Công nghệ sinh học của Trung Quốc. Nguồn ảnh: C&EN

Tháng mười một năm ngoái, Bắc Kinh chủ trì Diễn đàn Phát triển KHCN Thế giới lần thứ ba9. Đó là một cơ hội để các nhà khoa học Trung Quốc thể hiện quyết tâm hợp tác với các đồng nghiệp quốc tế, đẩy mạnh hợp tác sâu trong các dự án khoa học tiên tiến nhất, cùng giải quyết các thách thức toàn cầu. Họ đặc biệt quan tâm đến việc xóa tan tâm lý e ngại từ bên ngoài rằng khoa học Trung Quốc có thể bị định hướng bởi các tham vọng của chủ nghĩa dân tộc, và có thể xa rời các nguyên tắc của khoa học thế giới về đạo đức, chống xung đột lợi ích, tự do học thuật, bảo vệ dữ liệu và minh bạch. Các chủ tịch của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Hiệp hội KHCN Trung Quốc và Viện Hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc đều đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ khoa học mở và tri thức khoa học mở, ca ngợi hợp tác quốc tế, tôn trọng lẫn nhau, đoàn kết, tin tưởng và cởi mở.

Để minh họa cho các thành tựu quan trọng của Trung Quốc trong việc tạo ra tri thức khoa học mới, tôi có thể nhắc đến một số ví dụ về Chương trình Không gian, phát triển các xúc tác nano, tính toán và viễn thông lượng tử10.

Chương trình Không gian Trung Quốc hiện vẫn đang diễn ra là một thành công ngoạn mục. Gần đây, họ có một tàu vũ trụ hạ cánh ở rìa xa của Mặt trăng, và một xe tự hành đáp xuống sao Hỏa. Họ mang về Trái đất mẫu vật chất đầu tiên từ Mặt trăng sau bốn thập kỷ. Cuối năm 2022, Trung Quốc có kế hoạch mở một trạm không gian phục vụ các dự án nghiên cứu quốc tế, cấu phần thứ nhất được phóng lên từ tháng 4/2021. Nó được thiết kế cho phép ba nhà du hành vũ trụ cùng làm việc trong sáu tháng. Trung Quốc cũng lên kế hoạch khởi công xây dựng một căn cứ trên cực Nam Mặt trăng, làm nơi lưu trú cho các nhà du hành vũ trụ và là địa điểm triển khai các cuộc thám hiểm sâu trong vũ trụ.

Ứng dụng các hạt nano làm xúc tác đã trở thành một trong những lĩnh vực nghiên cứu sôi động nhất của Trung Quốc. Nó có tiềm năng tạo ra những phát kiến quan trọng trong các lĩnh vực công nghệ năng lượng tái tạo, nhiên liệu sinh học, lọc nước và sản xuất hóa chất. Các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển các cấu trúc lập phương rỗng kích thước nguyên tử đơn và tích cực ứng dụng vào tăng tốc các phản ứng hóa học. Họ cũng phát triển các xúc tác nano chuyển hóa methane thành ethylene, làm nền tảng cho nhiều loại nhựa ở nhiệt độ trong phòng, một bước tiến quan trọng giúp giảm chi phí. Mỗi năm, các nhà nghiên cứu xúc tác nano đều nổi bật trong số 300 Học giả Trẻ Xuất sắc, những người được nhận tài trợ NNSFC có giá trị từ 300 tới 600 nghìn USD. Cơ hội làm việc và nhận tài trợ tại những cơ sở nghiên cứu tiên tiến đã thôi thúc các nhà khoa học mới nổi của Trung Quốc trong lĩnh vực xúc tác nano về nước làm việc sau khi thụ nghiệp ở nước ngoài. Năm 2011, Trung Quốc vượt qua Mỹ để dẫn đầu thế giới về công bố trong ngành khoa học nano nói chung, và năm 2018 vượt qua Mỹ trong nghiên cứu liên quan tới nano trên 82 tạp chí khoa học uy tín xếp hạng bởi Nature Index.

Hơn hai thập kỷ qua, tính toán lượng tử thu hút sự quan tâm rất lớn từ giới khoa học trên toàn cầu, bởi những đặc tính kỳ diệu và ứng dụng tiềm năng trên nhiều lĩnh vực, từ mã hóa tới máy học và truyền thông lượng tử. Lĩnh vực sau cùng là nơi Trung Quốc đặc biệt xuất sắc, với mạng lưới QKD lớn nhất thế giới nối Bắc Kinh với Thượng Hải, vận hành thành công Micius, một vệ tinh tạo ra các cặp photon rối với các đặc tính quấn vào nhau bất kể khoảng cách. Năm 2017, Micius khiến các cặp đó trở thành chìa khóa mã hóa các trạm mặt đất gần Vienna và Bắc Kinh, cách xa nhau 7400 km. Sự kiện này đưa Trung Quốc lên bản đồ khoa học lượng tử và trở thành quốc gia dẫn đầu trong truyền thông lượng tử. Nỗ lực của họ trong tính toán lượng tử nhanh chóng được tạo đà, với tuyên bố gần đây là nơi đầu tiên trên thế giới tiến hành tính toán trên một hệ thống lượng tử, điều bất khả thi với một siêu máy tính cổ điển, đưa ra thách thức trực tiếp tới phòng thí nghiệm tính toán lượng tử của Google, nơi cũng đưa ra tuyên bố tương tự một năm trước đó.

Xu hướng chảy máu chất xám ở Trung Quốc đã giảm xấp xỉ 20% trong thập kỷ qua. Chính phủ Trung Quốc coi chảy máu chất xám là điểm yếu trong chiến lược cải thiện năng lực công nghệ quốc gia nên đã dành hàng tỷ USD cho kinh phí tài trợ thu hút và giữ chân người tài. Gần đây, tỉ trọng sinh viên Trung Quốc du học trở về gia tăng (83%). Một phần nguyên nhân là mức lương cao hơn cho người làm nghiên cứu postdoc trong nước và môi trường bài Trung căng thẳng ở Mỹ dưới nhiệm kỳ của ông Trump. Các nhà nghiên cứu xuất sắc nhất của Trung Quốc lựa chọn làm việc trong nước do đãi ngộ cao và cách nhìn nhận mới về người làm khoa học trong nước khiến công việc trong nước hấp dẫn hơn.

Tháng 1/2022, Luật Phát triển KHCN của Trung Quốc được sửa đổi có hiệu lực11. Trong đó, một trong những mục tiêu tương lai của Trung Quốc được nhấn mạnh là thúc đẩy khoa học cơ bản. Việc phát triển khoa học cơ bản sẽ phải đạt được nhu cầu của đất nước, đó là tiến bộ khoa học công nghệ của Trung Quốc phải đạt đến một tầm cao mới. Bốn hướng đi được đưa ra: khám phá những công nghệ tiên phong trên thế giới, giải quyết được những thách thức kinh tế, đáp ứng được những nhu cầu chính của người dân trong nước và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, bốn trụ cột làm động lực cho chiến lược phát triển khoa học và công nghệ được xác lập gồm: các phòng thí nghiệm quốc gia, các viện R&D quốc gia, các trường đại học nghiên cứu xuất sắc và các tập đoàn khoa học và công nghệ hàng đầu. Luật này yêu cầu đóng góp của nhà nước trong đầu tư cho khoa học công nghệ phải tăng dần, tính bằng tỉ lệ GDP dành cho R&D và tỉ lệ tài trợ cho khoa học cơ bản trên tổng ngân sách dành cho R&D. Bên cạnh việc hỗ trợ nghiên cứu cơ bản, luật này cũng kêu gọi phải cải cách hệ thống giáo dục cần phải kết hợp lý thuyết với thực hành, nuôi dưỡng năng lực đổi mới sang tạo, tư duy phản biện và sự nghiêm cẩn. Những chính sách mới cũng được đưa ra để bồi dưỡng tài năng Khoa học và Công nghệ bao gồm nâng cao địa vị xã hội của họ, đảm bảo rằng họ có một môi trường phù hợp cho những hoạt động đổi mới sang tạo, với tiêu chí đánh giá và khuyến khích đúng đắn, và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của họ.

Tóm lại Trung Quốc đang làm nên lịch sử với những những tiến bộ chưa từng có trong nghiên cứu cơ bản và giáo dục sau đại học, hướng đến làm chủ những tri thức tiên phong trên thế giới. Hiển nhiên, rất nhiều bài học có thể rút ra từ câu chuyện này mà các nhà làm chính sách ở Việt Nam trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục thực sự nên chú ý một cách nghiêm túc. Nhưng chúng ta cũng không nên vội vẽ ra một bức tranh màu hồng về sự thành công rực rỡ của Trung Quốc trong tương lai. Vẫn còn một con đường dài trước mắt, mà bài phát biểu của Tập Cận Bình cũng đã chỉ ra, đặc biệt là, Trung Quốc đang thiếu những nhà khoa học hàng đầu trong khoa học cơ bản và vì vẫn chưa thể thu hút đầu tư từ khối tư nhân và xã hội vào lĩnh vực này, các nhà khoa học nước ngoài cũng khó khăn để hòa nhập vào cộng đồng khoa học của Trung Quốc. □   

Thanh Xuân dịch

Từ 2001 đến 2016, chi tiêu cho nghiên cứu cơ bản ở đất nước này tăng gấp 16 lần. Từ 2007 đến 2017, chỉ số trích dẫn các công bố khoa học quốc tế của Trung Quốc xếp thứ hai trên thế giới. Nó xếp trong tốp 10 về lượng trích dẫn trong 18 lĩnh vực học thuật, xếp thứ ba về số lượng công bố có nhiều trích dẫn. Trung Quốc đã có nhiều đột phá dẫn đầu thế giới về nghiên cứu cơ bản, đóng vai trò ngày càng rõ ràng trong hỗ trợ và định hướng phát triển kinh tế xã hội, trong những lĩnh vực như tăng cường thu hồi dầu, viễn thông băng tần millimeter, gene học chức năng của gạo và bạch cầu.

—–

1 https://opengovasia.com/china-ranks-second-in-frontier-science-technology-research/

2https://saigoneer.com/saigon-culture/20199-b%C3%ACnh-d%C3%A2n-h%E1%BB%8Dc-v%E1%BB%A5,-vietnam-s-revolution-against-the-enemy-of-illiteracy

https://laodong.vn/archived/chuyen-ve-phong-trao-diet-giac-dot-70-nam-truoc-697946.ldo

3 https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_literacy_rate

4 https://opengovasia.com/china-ranks-second-in-frontier-science-technology-research/

5 https://www.newamerica.org/cybersecurity-initiative/digichina/blog/translation-xi-jinpings-sept-2020-speech-science-and-technology/

6 https://issues.org/what-do-chinas-scientific-ambitions-mean-for-science-and-the-world/

What Do China’s Scientific Ambitions Mean for Science—and the World? (April 2021)

7 https://global.chinadaily.com.cn/a/202112/09/WS61b13a34a310cdd39bc7a300.html

Report: China surpasses US in frontier research

8 https://academic.oup.com/nsr/article/5/2/126/4816745

Advancing basic research towards making China a world leader in science and technology (January 2018)

9 http://english.www.gov.cn/news/internationalexchanges/202111/09/content_WS6189c750c6d0df57f98e4b17.html

China to strengthen scientific cooperation (November 2021)

10 https://www.nature.com/articles/d41586-021-01405-0

China’s leading researchers set their sights on new frontiers  China sets lofty goals as it vies for global dominance in the highly competitive fields of quantum science, space exploration and nanocatalysis (May 2021)

11 https://academic.oup.com/nsr/article/9/2/nwac014/6528384

New focus on basic research in China’s advancement in science and technology (February 2022)

12 https://academic.oup.com/nsr/article/9/2/nwac014/6528384

New focus on basic research in China’s advancement in science and technology (February 2022)

 

Tác giả

(Visited 14 times, 1 visits today)