Hai điều kiện cần
Trong xây dựng và thực hiện các chính sách đổi mới trong quản lý KH&CN, vai trò trung tâm chủ thể của các nhà khoa học là vô cùng quan trọng. Chính họ là những người trực tiếp làm ra các sản phẩm KH&CN, hiểu rõ nhất về thực trạng công việc này với những điều kiện khách quan và chủ quan, phương thức tổ chức thực hiện hiệu quả nhất để ra được những sản phẩm tốt, cách đánh giá công bằng những sản phẩm này, vì vậy hơn ai hết họ có trải nghiệm đầy đủ, toàn diện về các mặt hạn chế và tiêu cực trong thực tiễn cần được điều chỉnh, những vấn đề và mâu thuẫn mấu chốt mà chính sách KH&CN của Nhà nước cần giải quyết.
Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy trong quản lý KH&CN, khi thiếu sự tham gia và phát huy vai trò chủ động của các nhà khoa học, không đặt nhà khoa học vào vị trí chủ thể trung tâm trong xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ KH&CN – phương thức quản lý chỉ có tính top-down mà thiếu tính bottom-up – thì các quyết sách, chính sách điều chỉnh rất dễ sa vào khiên cưỡng, với các mục tiêu bất khả thi, xa rời thực tiễn, không đáp ứng nhu cầu thiết thực của các nhà khoa học, không giúp ích cho công việc của họ. Một ví dụ điển hình là chúng ta đặt mục tiêu trong Chiến lược KH&CN đến năm 2011-2020 rằng “đến năm 2015, hình thành 30 tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giới, đủ năng lực giải quyết những vấn đề trọng yếu quốc gia đặt ra đối với khoa học và công nghệ”, mà tính xa rời thực tế của nó thể hiện rõ khi năm 2015 đã đến nhưng chúng ta vẫn đang trong quá trình xây dựng định nghĩa về một tổ chức nghiên cứu đạt trình độ khu vực và thế giới, nghĩa là chưa thể xác định đầy đủ tính khả thi của việc hình thành 30 tổ chức như vậy, chưa biết rõ các tổ chức đó cần những chính sách hỗ trợ ra sao và nguồn lực hỗ trợ cần bao nhiêu v.v.
Kinh nghiệm thực tiễn cũng cho thấy khi các chính sách KH&CN được ra đời từ nguyện vọng của bản thân các nhà khoa học, đồng thời có sự tham khảo đích thực và trực tiếp nhất những ý kiến của họ trong quá trình xây dựng và triển khai chính sách, thì rất dễ tạo ra hiệu quả thiết thực trong cuộc sống. Thành công của một số chính sách như sự ra đời và hoạt động của Quỹ Nafosted hay gần đây hơn là Giải thưởng Tạ Quang Bửu, là ví dụ sinh động cho thực tế này.
Tuy nhiên, việc phát huy vai trò trung tâm của các nhà khoa học trong xây dựng và triển khai các chính sách KH&CN là chưa đủ, mà còn cần có sự đối chiếu, tham khảo những kinh nghiệm, thông lệ, chuẩn mực tiến bộ của quốc tế đã được thừa nhận rộng rãi, ít nhất là ở các quốc gia có nền quản lý KH&CN tiên tiến, để đảm bảo những chính sách của chúng ta không lạc hậu gây khó khăn cho khoa học Việt Nam trong quá trình tiếp cận, hội nhập quốc tế, đồng thời tránh tình trạng đặc quyền, đặc lợi ngay trong đội ngũ các nhà khoa học tham gia xây dựng và triển khai chính sách. Đơn cử cũng ngay từ Quỹ Nafosted, nếu họ không mạnh dạn áp dụng yêu cầu về công bố quốc tế cho các đề tài thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, thì chắc chắn các quyết định của những hội đồng ngành ở lĩnh vực này khó hoàn toàn đảm bảo tính khách quan, tránh được sự nể nang những cây đa, cây đề, là tình trạng từng tồn tại rất lâu trước đây.
Năm 2015 đã đến là dấu mốc cho nửa chặng đường thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN 2011-2020. Đây chính là dịp thích hợp để chúng ta nhìn lại quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược; đồng thời nhận diện đâu là những chính sách trong quản lý KH&CN chưa phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng đòi hỏi đổi mới cơ bản, toàn diện tổ chức và hoạt động KH&CN, từ đó tăng cường, phát huy sự tham gia ý kiến của các nhà khoa học, đồng thời tiến hành so sánh, đối chiếu với các thông lệ quốc tế để có thể tiến hành những điều chỉnh kịp thời cần thiết cho những bất cập này.
Phạm Trần Lê