Hạnh phúc được sống trong một tăng thân khoa học có nhiều tình thương và tuệ giác

Ngày 1-1-1982, khi mới hơn 23 tuổi một chút, tôi được nhận vào làm việc ở Viện Toán học, Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Làm khoa học cũng giống như đi tu; mỗi người tu nghiệp nghiên cứu, giảng dạy, và ứng dụng một môn khoa học nào đó. Trong 33 năm qua, tôi đã may mắn được tu nghiệp tại Viện Toán học, một đơn vị mạnh của tăng thân khoa học Việt Nam rộng lớncó rất nhiều tình thương và tuệ giác. Thật hạnh phúc khi được làm một tế bào nhỏ bé của một cơ thể khỏe mạnh như thế.

Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:

Yêu cành hoa bên những vực sâu
Yêu hoa một phần nhưng chính là yêu sự hái
Biết bao tình yêu còn lại
Nhờ một cành hoa không đâu.

(“Hái hoa”, 12-6-1980)

Bài báo được trao giải hôm nay – mà tôi viết chung với TS. Nguyễn Thành Quí, một giảng viên trẻ của Đại học Cần Thơ – là một trong số những cành hoa không đâu chúng tôi đã hái ở bên vực sâu (bảo là hoa được hái ở trên núi cao – cái đối ngẫu của vực sâu – thì cũng đúng). Vực sâu (hay núi cao) này là  giải tích biến phân, một lý thuyết mà những dòng đầu tiên của sách chuyên khảo có thể đã nói đến sự hội tụ của những dãy véctơ trong không gian đối ngẫu của không gian Banach theo tôpô yếu (được chúng tôi gọi đùa là “tôpô-yếu-làm-sao”, nói đầy đủ là “tôpô-[mà những hiểu biết của chúng tôi về nó mới]yếu-làm-sao”).

Tôi thiển nghĩ rằng để bơi được trong những dòng chính của các lý thuyết khoa học, chẳng còn cách nào khác là phải kiên trì cùng nhau xây dựng một tăng thân khoa học đẹp, có nhiều tình thương và tuệ giác, hội nhập quốc tế sâu rộng, chấp nhận sự cạnh tranh quốc tế khốc liệt về các ý tưởng mới, các kỹ thuật mới.

Nhận giải thưởng hôm nay, tôi nhớ đến một năm học lớp vỡ lòng,7 năm phổ thông đầu tiên học ở Vĩnh Phúc và Phú Thọ, 3 năm học ở Khối Phổ thông chuyên toán Đại học Sư phạm Hà Nội, 1 năm học Dự bị ngoại ngữ và ôn luyện kiến thức cơ bản ở Đại học Kỹ thuật Quân sự, 5 năm học ở Đại học Tổng hợp Minxcơ, những năm làm nghiên cứu sinh dưới sự dẫn dắt của Giáo sư  Phạm Hữu Sách và Phó Giáo sư Phạm Huy Điển; tôi nhớ ngày mà Giáo sư Trần Đức Vân – khi đó là Viện trưởng Viện Toán học – gửi công văn kính đề nghị Giáo sư Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Viện Khoa học Việt Nam, tài trợ cho tôi một phần kinh phí sang Ba Lan bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học (đề nghị đó đã được chấp nhận)…, và biết bao chuyện khác nữa.

Xin cảm ơn Viện Toán học, Hội đồng ngành Toán của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia, và Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã cho tôi vinh dự được nhận giải thưởng này.

Hiểu sâu sắc rằng “ta được làm bởi những cái không phải ta” và “không có ranh giới thực sự giữa ta và người”, nhân dịp này tôi xin được cám ơn cha mẹ tôi, gia đình và họ hàng của tôi, các thầy cô giáo đã từng dạy dỗ tôi, các đồng nghiệp gần xa, bạn bè, và các học trò của tôi đã luôn giúp đỡ, động viên tôi.

Tôi nguyện sẽ tiếp tục làm hết sức mình trong việc nghiên cứu, giảng dạy, ứng dụng toán học, xây dựng nhóm nghiên cứu, và đại diện xứng đáng cho nước nhà ở những tạp chí mà tôi tham gia ban biên tập hoặc làm phản biện, ở những hội nghị khoa học mà tôi có báo cáo.

(Trích phát biểu tại lễ trao giải Tạ Quang Bửu sáng 16/5)

Vài nét về tác giả:

GS.TSKH Nguyễn Đông Yên (Viện Toán học – Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) được trao giải Tạ Quang Bửu 2015 với hai công trình “Stability of linear-quadratic minimization over Euclidean balls” và “A class of linear generalized equations”, gọi chung là cụm công trình “Nghiên cứu tính ổn định và tính ổn định vi phân của một lớp bài toán quy hoạch toàn phương không lồi”. Hai công trình này mở đường cho một lớp bài toán có nhiều ứng dụng trong lý thuyết tối ưu bằng cách đưa ra một khái niệm hoàn toàn mới để giải quyết lớp bài toán đó một cách hiệu quả nhất.

Hai công trình đã được đăng trên tạp chí SIAM Journal on Optimization, là tạp chí đứng thứ sáu về chỉ số ảnh hưởng, thứ bảy về chỉ số trích dẫn trong số 251 tạp chí khoa học chuyên ngành của cơ sở dữ liệu ISI.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)