Hợp tác Doanh nghiệp – Viện/Trường: Cần có tầm nhìn và năng lực từ cả hai phía

Nhằm tìm hiểu những kinh nghiệm đã giúp Trung tâm R&D Rạng Đông thành công trong hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp, Tạp chí Tia Sáng có bài phỏng vấn PGS.TS. Đỗ Xuân Thành - Giám đốc khoa học của Trung tâm.

Mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường, viện nghiên cứu đã xuất hiện từ lâu nay, nhưng hiếm có nơi nào đạt được thành công như tại Trung tâm R&D Rạng Đông. Phải chăng nguyên nhân là do Nhà nước còn thiếu những cơ chế, chính sách phù hợp?

Chúng ta đã có một số cơ chế, chính sách tiến bộ nhằm thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ phục vụ cho các ngành công nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp. Tuy nhiên, khả năng hiện thực hóa vào thực tế đời sống không cao, điển hình như Nghị định 115 của Chính phủ về tự chủ hóa các đơn vị nghiên cứu công lập là một chủ trương đúng đắn, nhưng đến nay việc thực hiện vẫn bế tắc, chưa tạo ra những chuyển biến thực sự. Vì vậy, tôi cho rằng vướng mắc mấu chốt đối với công cuộc phát triển khoa học và công nghệ phục vụ đời sống và các doanh nghiệp không hoàn toàn nằm ở cơ chế, chính sách khoa học và công nghệ của Nhà nước.

Hay phải chăng hoạt động hợp tác nghiên cứu và phát triển với các tổ chức nghiên cứu chỉ có thể khả thi ở những doanh nghiệp sung túc, giàu có với nguồn vốn lớn?

Với trường hợp của Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, chúng ta thấy rằng đây là một công ty cổ phần có nguồn vốn liếng rất vừa phải nhưng đã thành lập được Trung tâm R&D hoạt động khá tích cực trên cơ sở hợp tác có hiệu quả với một số trường đại học và Viện nghiên cứu. Tâm tư và động lực chủ yếu để các nhà khoa học có năng lực đến với Trung tâm không đơn thuần vì thu nhập cao mà điều rất quan trọng là mong muốn sản phẩm trí tuệ của mình được ứng dụng vào thực tiễn đời sống. Chỉ cần sau một vài dự án hợp tác đem lại sản phẩm ứng dụng thành công là họ tự nguyện tham gia vào các dự án tiếp theo. Vì vậy tôi cũng không cho rằng thiếu tiền hay các nguồn hỗ trợ từ Nhà nước là nguyên nhân khiến chúng ta không thúc đẩy được quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và các Trường và Viện nghiên cứu.

Như vậy theo ông vướng mắc mấu chốt gây khó khăn cho quan hệ hợp tác nghiên cứu giữa doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu là gì?

Điều mấu chốt là chúng ta thiếu những người lãnh đạo chủ trì có tầm nhìn và năng lực ở cả hai phía, doanh nghiệp cũng như các tổ chức nghiên cứu. Đơn cử như Trung tâm R&D Rạng Đông của chúng tôi sẽ không thể thành công được như bây giờ nếu thiếu vai trò của các anh Đặng Vũ Minh và Nguyễn Đoàn Thăng. Cả hai người đều có tầm nhìn và nhận thức sâu sắc về vai trò của khoa học và công nghệ đối với doanh nghiệp. Anh Thăng hiểu rằng doanh nghiệp của mình cần có khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất và cải thiện trình độ sản xuất lạc hậu, còn anh Minh cũng thấy rõ rằng khoa học cần được ứng dụng vào doanh nghiệp để đóng góp cho thực tiễn đời sống. Tiếng nói chung của hai người đứng đầu đó đã dẫn đến sự ký kết hợp tác giữa hai bên, tạo khuôn khổ để các nhà khoa học có thể tham gia cùng Rạng Đông nghiên cứu giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đem lại những kết quả tích cực, tạo tiền đề cho việc hình thành Trung tâm R&D Rạng Đông sau này.

Ở Việt Nam đã có không ít các nhà khoa học hợp tác nghiên cứu phục vụ cho doanh nghiệp, nhưng những mối quan hệ hợp tác như vậy không phải khi nào cũng đem lại kết quả mong muốn, và thường không lâu bền.

Quan hệ hợp tác giữa nhà nghiên cứu và doanh nghiệp nên được hướng tới một mối quan hệ liên tục lâu dài, thay vì chỉ đặt mục tiêu ở một vài công việc rời rạc cụ thể. Rủi ro là đặc thù cố hữu của công việc nghiên cứu, nhiều khi tiến hành 5-7 dự án nghiên cứu nhưng chỉ 1-2 dự án là thành công. Đồng thời có những dự án đề ra nhưng chưa thể làm được ngay, hoặc chưa đạt hiệu quả ngay như mong muốn, nhưng về lâu dài lại có giá trị rất lớn.

Vì vậy, doanh nghiệp cần kiên nhẫn không nên đòi hỏi đạt được thành quả ngay từ công việc nghiên cứu của nhà khoa học. Tuy nhiên, để có được sự kiên nhẫn đó, doanh nghiệp cần phải có niềm tin vào nhà khoa học. May mắn của chúng tôi ở Rạng Đông là mỗi khi các nhà nghiên cứu còn ‘lăn tăn’ trước lúc đề nghị doanh nghiệp hỗ trợ thực hiện một nghiên cứu nào đó, thì doanh nghiệp đều mạnh dạn sẵn sàng chìa tay ra giúp đỡ, dù bản thân nhà nghiên cứu cũng chưa dám chắc dự án có thành công hay không.

Cơ sở lợi ích nào tạo thành động lực để doanh nghiệp có thể duy trì sự kiên nhẫn và niềm tin như vậy đối với công việc nghiên cứu của nhà khoa học?

Thông thường các doanh nghiệp khi tìm đến các nhà khoa học thường chỉ nhằm đề nghị giải quyết một số vấn đề công nghệ cụ thể, dựa trên nhu cầu ngắn hạn trước mắt. Nhưng các nhà khoa học thường có tầm nhìn xa hơn, tổng quan hơn. Họ có thể giúp doanh nghiệp nhìn nhận lại bức tranh tổng thể, chỉ ra đâu là vấn đề cần ưu tiên giải quyết, đâu là mục tiêu cần đạt được – chẳng hạn như xác định nội địa hóa cấu phần nào trong sản phẩm thì khả thi và có lợi – và đề ra một hệ thống các giải pháp giúp giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp một cách tối ưu. Đa số các doanh nghiệp Việt Nam chưa có tầm nhìn và cách tiếp cận bài bản như vậy trong nghiên cứu và phát triển công nghệ. Vì thế mà họ cần sự hợp tác từ các nhà khoa học. Bản thân Rạng Đông trước đây khi chưa có sự trợ giúp từ các nhà khoa học cũng rất lúng túng trong các hoạt động công nghệ. Đội ngũ kỹ thuật viên do thiếu nền tảng kiến thức nên chỉ đủ khả năng mày mò tìm kiếm những giải pháp mang tính cục bộ, và chưa đủ năng lực để giải quyết các vấn đề công nghệ và kỹ thuật một cách tối ưu nhất.

Tuy nhiên, với đặc thù của hoạt động nghiên cứu là không tránh khỏi rủi ro, vậy trước khi có sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà khoa học, làm thế nào để xây dựng lòng tin giữa hai bên với nhau?

Đầu tiên nên khởi đầu sự hợp tác từ những dự án nhỏ. Sau khi đạt được thành công, niềm tin giữa hai bên sẽ được bồi đắp, củng cố, từ đó mới mở rộng chương trình hợp tác, phát triển những dự án nghiên cứu có quy mô lớn hơn.

Bên cạnh đó, hai bên cần nỗ lực tự điều chỉnh, cải thiện mình để có thể tìm thấy tiếng nói chung. Đây là một tiến trình diễn ra song song. Phía các nhà khoa học thì cần bước ra khỏi tháp ngà, đặt ra những mục tiêu nghiên cứu gắn với nhu cầu thực tiễn và thực trạng của doanh nghiệp. Phía doanh nghiệp thì cần học hỏi, đội ngũ kỹ thuật cần tự nâng cao trình độ để nắm bắt, am hiểu, và phối hợp trong công việc với các nhà nghiên cứu. Đây là một quá trình lâu dài, bản thân Trung tâm R&D Rạng Đông cũng phải mất 4 năm mới có thể vận hành được trơn tru như hiện nay.

Xin ông cho biết vì sao doanh nghiệp cần hình thành một trung tâm R&D cho riêng mình, thay vì chỉ đơn thuần tiến hành những mối quan hệ hợp tác với các tổ chức nghiên cứu?

Một trung tâm R&D không chỉ đóng vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà nghiên cứu mà còn là nơi giúp doanh nghiệp tích lũy nguồn vốn tri thức công nghệ, hoạch định chiến lược phát triển công nghệ và thu hút, đào tạo đội ngũ chuyên gia phục vụ lâu dài cho doanh nghiệp. Khi có trong tay một trung tâm R&D với những chuyên gia giỏi thì vị thế của doanh nghiệp sẽ được nâng lên do năng lực nắm bắt, hấp thụ, và giải mã công nghệ tăng lên rõ rệt. Trong quá trình hợp tác với các đối tác nước ngoài, đôi khi họ vô tình hé ra những bí quyết mà nếu không phải là những chuyên gia có chuyên môn sâu thì không nắm bắt được – giá trị này không phải khi nào cũng quy ngay ra tiền nhưng rất quan trọng, và đặc biệt hữu ích về lâu dài.

Từ khi có Trung tâm R&D, các đối tác khi đến làm việc tại Rạng Đông có một cảm nhận khác hẳn về công ty. Với tư duy và năng lực chuyên môn của mình, chúng tôi giúp cho công ty đàm phán, thảo luận với đối tác trong các vấn đề liên quan tới công nghệ một cách sòng phẳng hơn, chọn được những đối tác và hợp đồng có lợi nhất.  

Tư duy và cách làm việc của doanh nghiệp có những khác biệt so với nhà khoa học. Như vậy một trung tâm R&D cần được tổ chức theo nguyên tắc như thế nào để sự hợp tác đạt hiệu quả cao nhất thưa ông?

Các nhà khoa học khi làm việc cho trung tâm R&D của doanh nghiệp cần được quán triệt rõ rằng công việc nghiên cứu của họ tại trung tâm là nhằm phục vụ cho lợi ích thực tiễn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, công việc mà họ được giao không thể cứng nhắc, mà cần phân chia linh hoạt thành hai phần. Phần thứ nhất là những công việc bắt buộc hằng ngày theo phân công nghiệm vụ của trung tâm. Phần thứ hai là những công việc do họ được tự chủ động đề xuất theo sở thích nghiên cứu riêng dưới sự đồng ý của lãnh đạo trung tâm. Ở Trung tâm R&D Rạng Đông chúng tôi rất khuyến khích không gian sáng tạo riêng của các nhà khoa học, và đây là điều mà họ rất tâm đắc, đặc biệt là với những người được đào tạo ở nước ngoài.

Không gian sáng tạo riêng của nhà khoa học sẽ đem lại lợi ích gì cho doanh nghiệp?
Không gian sáng tạo riêng này là rất cần thiết cho công việc của nhà nghiên cứu và về lâu dài sẽ đem lại lợi ích trực tiếp cho bản thân trung tâm R&D và doanh nghiệp. Có thể nhà nghiên cứu tự đề xuất ra 3 việc mà chỉ làm được một, nhưng hai việc không thành kia vẫn đem lại kinh nghiệm, giúp nhà nghiên cứu bồi đắp nền tảng chuyên môn để đem lại những sản phẩm nghiên cứu tốt hơn cho doanh nghiệp sau này.

Như vậy, việc đầu tư cho nghiên cứu và đổi mới công nghệ là một việc tốn kém, không phải khi nào cũng đạt kết quả ngay. Đây là điều rất bất lợi khi các nhà sản xuất phải đối diện với những hình thức cạnh tranh không lành mạnh. Trung tâm R&D Rạng Đông đã giúp doanh nghiệp của mình giải quyết vấn đề này như thế nào?

Rạng Đông cạnh tranh bằng sự trung thực và hài hòa cả hai yếu tố, chất lượng cùng giá cả. Nếu chỉ tìm cách hạ thấp giá thành và hi sinh chất lượng thì chắc chắn chúng tôi không thể cạnh tranh được với hàng Trung Quốc. Từ kinh nghiệm riêng chúng tôi thấy rằng trong ngành của mình, khách hàng là người trọng tài công bằng. Ví dụ, khi đưa đèn LED Rạng Đông ra thị trường chúng tôi mới thấy rằng sản phẩm này rất được ưa chuộng bởi bà con nông dân, kể cả vùng sâu vùng xa. Cho dù giá thành cao nhưng họ sẵn sàng chấp nhận vì sản phẩm phù hợp với điện áp thấp, tuổi thọ đèn lại cao.

Mặt khác, Trung tâm R&D Rạng Đông không chỉ nghiên cứu chế tạo ra một vài chiếc đèn, mà còn có thể tạo ra những giải pháp công nghệ mang tính tổng thể, là loại hàng hóa phi vật thể nhưng có giá trị gia tăng cũng như giá trị kinh tế cao hơn so với hàng hóa thông thường, đồng thời lại không ngại cạnh tranh, vì chỉ những nhà sản xuất có sự đầu tư chất xám mới có được loại sản phẩm này.

Trên đây ông đã đề cập rằng cơ chế, chính sách khoa học của Nhà nước không phải là vướng mắc chính gây hạn chế ứng dụng khoa học và công nghệ ở các doanh nghiệp. Vậy Nhà nước có thể làm gì để thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà nghiên cứu?

Tôi cho rằng Nhà nước không cần có những chính sách hỗ trợ trực tiếp, mà nên căn cứ trên những nhu cầu thiết yếu của xã hội để đặt hàng doanh nghiệp các sản phẩm công nghệ có giá trị gia tăng cao cho cộng đồng. Đó không nhất thiết cứ phải là những sản phẩm quốc gia. Đơn cử như đèn LED năng lượng mặt trời là một sản phẩm rất tiềm năng, phù hợp cho những nơi nằm xa lưới điện quốc gia, nhưng nếu để doanh nghiệp tự lực sản xuất thì chi phí, giá thành sẽ vượt quá túi tiền của người dân. Vì vậy, rất cần có sự đặt hàng và hỗ trợ của Nhà nước, vì nếu đưa được sản phẩm đến tay bà con thì sẽ đem nguồn sáng cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của họ, giúp gia tăng không chỉ lợi ích kinh tế cho người dân mà còn gián tiếp đóng góp những giá trị thiết thực về giáo dục, văn hóa. Nếu làm được như vậy thì không chỉ người dân và doanh nghiệp được lợi mà còn phát huy được chất xám của các nhà khoa học, giúp thúc đẩy ứng dụng những sản phẩm nghiên cứu của họ đóng góp cho thực tiễn đời sống và sự phát triển của đất nước.

      

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)