… Hướng tới những hoạt động hỗ trợ lẫn nhau và xa hơn là đóng góp vào sự phát triển ngành Hóa VN

Ngày 07-08/11 tới, Hội Thảo Hóa học và Công nghệ Hóa học - Người Việt ở nước ngoài sẽ được tổ chức tại đại học ENSAM, Paris, Pháp. Đây là một trong những Hội thảo khoa học có quy mô lớn nhất được cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam tại nước ngoài trong những năm gần đây. Nhân sự kiện này, Tia Sáng đã có bài phỏng vấn với Giáo sư (GS) Vũ Ngọc Cẩn, Đại học Công nghệ Compiègne, thành viên của Ban Tổ chức hội thảo.

Tia Sáng:  Xin GS có thể cho biết hoàn cảnh ra đời, nội dung và mục đích của Hội thảo lần này ?

GS Vũ Ngọc Cẩn: Ý tưởng tổ chức Hội thảo Hóa (HTH) 2008 được nhen nhóm sau cuộc gặp gỡ năm 2005 tại thành phố Lyon, Pháp giữa sinh viên Nhóm Hóa học Trẻ và một số trí thức Việt Nam tại Pháp. Trong cuộc gặp này, rất nhiều câu hỏi được đặt ra trong đó có vấn đề tạo ra điều kiện thuận lợi để hình thành được một mạng lưới trí thức ngành Hóa trước hết là tại Pháp, sau có thể rộng hơn. Từ mạng lưới này, chúng tôi muốn hướng đến những hoạt động hữu ích nhằm hỗ trợ lẫn nhau và xa hơn, có thể là hỗ trợ và đóng góp vào sự phát triển của ngành Hóa tại Việt Nam. Hội thảo Hóa học và Công nghệ Hóa học – Người Việt ở nước ngoài 2008 đã ra đời từ đấy. Mục đích của hội thảo lần đầu tiên này là tạo một nhịp cầu gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà Hóa học Việt Nam đồng thời trao đổi về một số chủ đề liên quan đến tình hình phát triển, xu thế mới của Hóa học và Công nghệ Hóa học. Trên cơ sở đó cùng hợp tác trong công việc, hỗ trợ nhau phát triển đồng thời từng bước có những đóng góp cho Việt Nam.

Như ông vừa nhắc đến ở trên, Hội thảo lần này có sự tham gia rất tích cực của Nhóm Hóa học Trẻ, xin ông có thể giới thiệu về Nhóm này?
 Nhóm Hóa học Trẻ, được thành lập năm 2001 tại Pháp bởi các du học sinh ngành Hóa. Hiện nay nhóm quy tụ được trên 300 tiến sỹ, nghiên cứu sinh, thạc sỹ và sinh viên ngành Hóa học ở trong và ngoài nước. Nước Pháp là nơi có số lượng thành viên đông đảo nhất (khoảng 150) và là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động của Nhóm. Do đặc thù của Nhóm là các thành viên sinh sống và làm việc ở nhiều thành phố, nhiều nước khác nhau nên “Mailing-list Yahoo” là một công cụ hữu hiệu nhất giúp cho hoạt động của nhóm được liên thông, hiệu quả. Từ năm 2001 đến nay Nhóm đã tổ chức 7 lần gặp mặt thành viên ở Pháp và châu Âu, qua đó tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và hợp tác giữa các thành viên.Việc phối hợp tổ chức Hội thảo Hóa học và Công nghệ Hóa học là cơ hội để mở rộng hơn nữa mối liên hệ giữa các nhà Hóa học trong và ngoài nước. Trang web http://www.hoahoctre.org/ đã được xây dựng nhân sự kiện đặc biệt này và nó sẽ được phát triển để ngày càng phục vụ tốt hơn hoạt động của Nhóm.
Xin ông cho biết một vài thông tin cá nhân của ông và một vài thành viên trong Ban Tổ chức và trong Hội đồng Khoa học?
Trong Ban Tổ chức (BTC), những bạn trẻ trong Nhóm Hóa học Trẻ là động lực chính. Đây đều là những bạn có trình độ tiến sỹ chủ yếu ở Pháp, một ở Bỉ và một ở Đức. Ngoài ra, BTC còn có 3 người chúng tôi là người Việt sinh sống lâu năm tại Pháp, có nhiều năm làm việc trong ngành Hóa. Tôi (Vũ Ngọc Cẩn) giảng dạy tại Đại học Công nghệ Compiègne (chuyên Hóa ứng dụng), GS. Vũ Quang Kính thuộc Đại học Paris 6 (chuyên về vật liệu chống ăn mòn) va GS. Lê Đoàn Trung thuộc Đại học Paris 11 (chuyên về vật liệu polymer sinh học). Đây là lần đầu tiên một HT như thế này được tổ chức. Chúng tôi đã bắt đầu từ một Ban vận động cho HT, lúc đầu chỉ là vài người, sau số lượng thành viên cứ thế tăng dần. Đa số họ đều là chuyên gia ngành hóa, tuy nhiên mối quan hệ của họ lại không chỉ giới hạn trong ngành hóa. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia có tiếng tăm thuộc các ngành khác sau khi được nghe giải thích về mục đích và tinh thần HT, đã tự nguyện trở thành thành viên trong Ban vận động cho HT thậm chí tham gia vào Hội đồng Khoa học như GS. Phạm Xuân Yêm, Đại học Paris 6 (ngành Vật lý) hay GS. Võ Tòng Xuân, Đại học An Giang (ngành Nông nghiệp) chẳng hạn. Hiện nay, khoa học trở nên một lĩnh vực đa dạng, liên quan với nhau, bổ sung nhau, nên xu hướng và nhu cầu của khoa học là phối hợp một số ngành khác nhau, có cách nhìn khác nhau, nhưng có khả năng nảy mầm ra được ý kiến mới và phát minh độc đáo.

Quá trình chuẩn bị cho hội thảo đang diễn ra như thế nào Đã có bao nhiêu người đăng ký, nếu có thể, ông cho biết nội dung sơ lược của 1 số bài báo đã đăng ký? Những người đăng ký đến từ đâu?

Khi được thông tin về HT, nhiều đồng nghiệp trong và ngoài nước đều tán thành ủng hộ.Tuy thông tin cũng rộng rãi, nhưng những đóng góp cụ thể nhất cũng từ những người chúng tôi quen biết. Ví dụ từ Việt Nam là Khoa Hóa trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội có GS Trần Thị Mỹ Linh và GS Nguyễn Văn Nội, từ Thành phố Hồ Chí Minh có GS Chu Phạm Ngọc Sơn….Chúng tôi hy vọng hội nghị lần sau sẽ có nhiều đồng nghiệp tham gia hơn, một khi đã quen biết nhau. Ngoài ra theo tôi biết, còn một lực lượng đông đảo các bạn trẻ đang học tập và làm việc ở nước ngoài được thông tin nhưng chưa có điều kiện tham dự. Với sự ủng hộ nhiệt tình như trên, quá trình chuẩn bị cho hội thảo đang diễn ra hết sức tốt đẹp và thuận lợi. Cho đến nay đã có trên 80 người (ngày 12/10) đăng ký HT. Các bài gửi tham gia chủ yếu liên quan đến các vấn đề mấu chốt trong Hóa học và Công nghệ Hóa học như các loại vật liệu mới, các phương pháp tổng hợp một số hợp chất mới, xử lý môi trường… Những người đăng ký đến từ Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ, Đức, Úc, Mỹ, Nhật và tất nhiên là cả từ Việt Nam.

Ông có nhận xét gì về vị thế cộng động khoa học ngành Hoá học của người Việt Nam ở nước ngoài?
Chúng tôi không có những thông tin cụ thể về mối quan hệ giữa các thế hệ các nhà Hóa học trên các nước khác ra sao. Tuy vậy tại nước Pháp, mối quan hệ chặt chẽ cũng bắt đầu hình thành, nhất là sau HTH 2008 lần này. Rất khó để đưa ra một nhận xét chính xác về vị trí của Hoá học của Việt Nam hiện nay trên bản đồ Khoa học thế giới. Riêng tại Pháp, cũng có một số nhà Hóa học gốc Việt được đồng nghiệp nước ngoài đánh giá cao. Tuy vậy theo tôi nghĩ thì tỉ lệ những người Việt thành công trong cộng đồng chúng ta chưa phải là cao so với những cộng đồng khác (cộng đồng người Hoa, người Do Thái…). Chúng tôi sẽ tổ chức những trao đổi liên quan đến chương trình giáo dục và sự phát triển ngành Hóa tại Việt Nam.

Xin ông cho một vài nhận xét về mối liên hệ giữa cộng đồng Hoá học Việt Nam với các cộng đồng các ngành khác?
Điểm này không nằm trong nội dung liên quan tới HTH 2008, tuy nhiên chúng tôi có cảm tưởng là liên hệ giữa chuyên gia kiều bào dựa trên quan hệ bạn bè nhiêu hơn là trên chuyên môn. Về chuyên môn thì kiều bào thường liên hệ với các tổ chức tại nơi họ sinh sống. Đây cũng là lẽ tự nhiên, vì họ sinh hoạt tại nơi sinh sống từ lâu. Liên hệ giữa các cộng đồng các ngành khác nhau cũng không phải dễ dàng. Nhiều kiều bào sinh sống đã lâu ở nước ngụ cư, quan hệ bạn bè thường giới hạn trong từng nhóm riêng. Họ ít quan tâm đến cộng đồng vì lẽ này hay lẽ kia, chỉ một số có ý thức tích cực thì vẫn tiếp tục. Số trí thức Việt sống ở nước ngoài có khả năng nhưng thụ động là đa số. Chúng tôi mong cơ hội gặp gỡ như HTH 2008 tạo điều kiện thuận lợi bắt đầu những kế hoạch có tầm cỡ hơn.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)