INDEX – hoa tiêu trong mỗi cuốn sách

Trong giới nghiên cứu của ta hình như chẳng mấy khi quan tâm đến Index dù nó không chỉ là công cụ hướng dẫn truy tìm linh hồn căn cốt của cuốn sách bằng cách chỉ ra hệ thống lý thuyết của cuốn sách đó mà còn là cái làm nên văn hóa đọc, văn hóa xuất bản và văn hóa khoa học.


Một góc cửa biển Tư Hiền (Phú Lộc, Huế), địa danh có lịch sử thay đổi tên gọi nhiều lần.

Khi đọc về Biển Đông, chúng ta sẽ có hàng ngàn từ khóa, bao gồm các địa danh tên đảo, tên cồn, tên cù lao, tên các cửa biển, các vũng, các vịnh. Mỗi địa danh ấy lại có lịch sử thay đổi tên gọi của nó. Như cửa Tư Dung có tên Nôm là cửa Ông; cửa Biện, triều Lý là Ô Long, triều Mạc là Tư Khách, từ thời Thiệu Trị gọi là Tư Hiền. Chẳng những địa danh, mà nội dung có thể đề cập đến hàng trăm tên người, gồm tên-tự- hiệu các nhân vật lịch sử; Việt Nam có, Trung Quốc có, Hà Lan, Pháp… cũng có. Trí nhớ của con người sao có thể nhớ hết được ngần ấy chi tiết? Mà đâu chỉ có thế, còn có tên của các học giả- để người làm nghiên cứu có thể biết được lịch sử vấn đề; còn có các phẩm, hàm, trật, ngạch, tên của hệ thống hành chính, niên đại, triều đại, niên hiệu… tên các chức danh quan lại các cấp các đời… Index giúp người đọc tìm được các thông tin đó trong đại dương kí tự hàng vạn lượt chữ của một cuốn sách. Học thuật cũng như tri thức sử học phát triển được là nhờ công cụ index này.

Nhưng không chỉ có vậy, index còn là một hướng dẫn truy tìm linh hồn căn cốt của cuốn sách bằng cách chỉ ra hệ thống lý thuyết của cuốn sách đó. Một cuốn sách, nhất là sách chuyên luận khoa học, không thể nào không áp dụng một lý thuyết bất kỳ nào đó. Mà một lý thuyết bao giờ cũng có một bộ khung khái niệm, ít thì một đôi chục nhiều có thể đến cả trăm. Ví dụ như “nghiên cứu Biển Đông” (Đông hải học) – một ngành khoa học mới hình thành ở Việt Nam, là một bộ phận của Việt Nam học. Nhưng ngành này có bao nhiêu chuyên ngành, có bao nhiêu thuật ngữ, thì hiện chưa có thống kê nào hết. Có quá nhiều phân ngành khác nhau vẫn chưa được giới học thuật xác nhận và định vị, ngoài luật biển, kinh tế biển và thương mại biển. Ví dụ như khi đọc cuốn “Hoàng Sa Trường Sa- lãnh thổ Việt Nam nhìn từ công pháp quốc tế” (của Nguyễn Q. Thắng, Nhà xuất bản Tri thức, 2008), người đọc tưởng xác định được ngay đây là sách viết từ góc độ luật biển (historical marine law). Thế nhưng, việc không có index khiến việc tìm hiểu hệ thống thuật ngữ trở nên khó khăn. Phải giở đến các chương V- chương VI của cuốn sách, người đọc mới lọc lựa ra được mấy từ khóa như tính chất địa dư, tính chất pháp lý, vùng tranh chấp, quyền sở hữu, nguyên tắc tiếp giáp địa lý, sự thiết lập chủ quyền… Nhưng, các từ đó được triển khai như thế nào, với nội hàm ra sao ở từng vị trí trang dòng trong các chương sách khác, thì chắc còn phải mất nhiều công sức nữa.

Người đọc cũng khó lòng mường tượng được tác giả tư duy bằng các hệ khái niệm như thế nào trong so sánh với các nghiên cứu khác. Hệ thống thuật ngữ còn cần được trình bày bằng các chỉ mục đa tầng, có lớp lang và có hệ thống, có tính liên văn bản. Tức là, một mục từ cần có các dấu hiệu liên kết về nội hàm trong mạng lưới khái niệm của lý thuyết đó. Hơn thế nữa, một thuật ngữ tiếng Việt cũng cần được chú thích bằng một thuật ngữ tương đương trong các ngôn ngữ khác (như Anh, Trung, Pháp…). Chỉ khi “canh dòng thuật ngữ” như vậy, các học giả mới kiểm soát được tính thống nhất của các thuật ngữ, hay độ chênh của các lối dịch thuật, từ đó mà giới học thuật mới “cùng chung tiếng nói” hay có cơ hội nói giống cái ngôn ngữ mà học thuật quốc tế đang sử dụng. Làm khoa học là tư duy bằng khái niệm, một cuốn sách học thuật phải trình bày trước mắt người đọc hệ thống khái niệm được triển khai. Index là công cụ hiện thực hóa hệ thống ấy trước mắt người đọc.
Một ví dụ khác là cuốn “Tập bản đồ hàng hải 1841 ở thư viện Đại học Yale- dịch và chú giải- nghiên cứu về những ghi chép trong sử liệu Trung Hoa liên quan đến các địa danh ven bờ và hải đảo Việt Nam” – cuốn sách về sử liệu học Biển Đông. Đối tượng khảo sát là văn bản “bản đồ hàng hải”; nhưng thực chất cuốn sách này không hề nghiên cứu đến “hàng hải học lịch sử”/ “hải trình học lịch sử” mà là nghiên cứu về “hải danh học lịch sử”. Người đọc nếu không để ý sẽ khó có đủ kiên nhẫn để đọc hết ngần ấy trang sách với hàng trăm địa danh lạ lẫm, với những chú thích khảo cứu công phu có thể làm nản lòng bất kỳ người đọc ham học nào. Cuối sách nếu không có index, người đọc sẽ lạc lối trong những ma trận của lịch sử.

Index (chỉ mục, sách dẫn,…) đơn giản chỉ là một công cụ chức năng kiểu như một “tiểu google” cho một cuốn sách, dùng để giúp cho người đọc có thể tìm kiếm các nguồn thông tin cần yếu mà mình quan tâm thông qua các từ khóa (keywords) được sắp dưới dạng từ điển Alphabet.

Người đọc hiện nay sẵn lòng đọc cả trăm trang về Biển Đông với tinh thần của một người có trách nhiệm với vấn đề thời sự của đất nước. Đọc hết cuốn này rồi lại đọc cuốn khác, cứ như thế việc đọc như một quá trình tự nhiên, giở từ trang đầu và đọc hết cho đến trang cuối. Nhưng một người đọc chuyên nghiệp, một học sinh chuyên nghiệp, hay một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp không đọc với quy trình như vậy. Giở một cuốn sách ra, trước tiên người ta sẽ xem mục lục của sách, để xem cơ cấu nội dung của cuốn sách, sau đấy sẽ đến phần dẫn luận hay giới thiệu của tác giả để xem cách thức, lý thuyết và phương pháp luận, cũng như cách tiếp cận của soạn giả. Đọc dẫn luận sẽ giúp người đọc thâu tóm được toàn bộ phông nền tri thức cũng như bối cảnh xã hội để biết vì sao người viết lại soạn nên cuốn sách ấy. Nếu cẩn thận thêm nữa, ta sẽ đọc thêm phần kết luận, và không thể thiếu việc lần giở những trang index cuối sách để tìm những chìa khóa, và hệ thống thuật ngữ ở đằng sau sách. Index là công cụ, nhưng lại là cái làm nên văn hóa đọc, văn hóa xuất bản, và văn hóa khoa học.

Nghiên cứu Biển Đông là một lãnh vực mênh mông, còn index là hoa tiêu chỉ đường cho độc giả trên con đường khám phá và kết nối tri thức. Nếu không có index, người đọc sẽ chỉ như một bọt nước lênh đênh trên những trang sách vô định!

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)