ITIMS: Một điểm sáng trong nghiên cứu và đào tạo

Cùng với Viện Toán học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS) thuộc ĐH Bách khoa Hà Nội là một trong hai đại diện hiếm hoi của Việt Nam được tổ chức TWAS UNESCO công nhận là Trung tâm nghiên cứu chất lượng cao (Centre of Excellence in the South) và được đưa vào chiến lược hợp tác (Associateship Scheme) của họ. Và trong mắt nhiều nhà khoa học vật lý tại Việt Nam, ITIMS được coi như một “điểm sáng” về đào tạo chất lượng cao và nghiên cứu cơ bản.

Đào tạo tinh hoa

Từ những ngày đầu, ITIMS đã được GS. Thân Đức Hiền, GS. Nguyễn Phú Thùy và GS. Nguyễn Đức Chiến – những người đặt nền móng đầu tiên – xác định hướng phát triển thành một cơ sở nghiên cứu và đào tạo chất lượng cao, không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế. Vì thế, trong năm năm trở lại đây, ITIMS có 102 công trình xếp hạng ISI và mỗi năm, số công bố quốc tế đều có xu hướng tăng lên: Số bài báo ISI năm 2013 là 25, năm 2014 là 31.“Số lượng công bố của ITIMS là nhất trường”- PGS. Nguyễn Văn Hiếu, Viện phó ITIMS khẳng định. Còn trong đào tạo, theo Viện trưởng, PGS. Vũ Ngọc Hùng, khởi nguồn từ dự án được thực hiện từ năm 1992 với sự hợp tác liên Đại học Hà Lan và Việt Nam trên cơ sở ngành khoa học vật liệu, ITIMS có những lợi thế nhất định trong việc kết hợp giữa đào tạo trong nước và quốc tế. Không chỉ nằm ở việc trao đổi chương trình đào tạo, giảng viên mà các nghiên cứu sinh và thạc sĩ khoa học có kết quả nghiên cứu xuất sắc tại ITIMS có cơ hội được trường Đại học Tổng hợp Amsterdam, Hà Lan tiếp nhận để làm luận án Tiến sĩ; đồng thời ITIMS tận dụng cơ hội liên kết đó để thực hiện tốt những nghiên cứu có định hướng ứng dụng cao và phù hợp với xu hướng trên thế giới. Vì vậy, tuy là đơn vị hợp tác quốc tế mạnh, nhưng số lượng bài báo ISI hằng năm đều được thực hiện trong nước. PGS. Vũ Ngọc Hùng cho biết, điều đó thể hiện năng lực đào tạo và nghiên cứu thực sự của một cơ sở ở trong nước.

Khi được hỏi, chất lượng đầu vào đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ của ITIMS có gì khác biệt so với những viện khác, PGS. Hùng cho biết sự khác biệt là ở quá trình đào tạo. Ông nói: “Mình phải cung cấp cho họ đủ kiến thức, kiến thức này phải cập nhật và liên thông với các chương trình đào tạo quốc tế”. Hiện nay, ITIMS nhận đào tạo khoảng gần 20 thạc sĩ mỗi năm. Khoảng 2/3 số thạc sĩ theo học tại đây học tiếp lên Tiến sĩ.

Tất cả các nghiên cứu sinh  được đào tạo tại ITIMS khi bảo vệ luận án phải có hai bài báo trên các tạp chí quốc tế được công nhận ISI.

Hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh

Theo PGS. Hùng, một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng được các nhóm nghiên cứu mạnh là phải thu hút được các Tiến sĩ giỏi từ nước ngoài trở về. Hiện nay, trong 29 cán bộ cơ hữu tại ITIMS, có 21 Tiến sĩ và 80% Tiến sĩ được đào tạo tại nước ngoài. Đặc biệt là, những Tiến sĩ trở về ITIMS phần lớn đều được đào tạo Thạc sĩ tại đây. PGS. Hùng cho biết, nhóm nghiên cứu mạnh thực chất được hình thành từ hướng nghiên cứu mũi nhọn của viện. Mũi nhọn ấy, theo quan điểm của PGS. Hùng phải là những hướng nghiên cứu khiến ITIMS dẫn đầu trên cả nước và thậm chí, có tiếng nói trên trường quốc tế: “Nhắc đến cảm biến khí thì không thể không nhắc tới anh Hiếu (Nguyễn Văn Hiếu – Viện phó ITIMS) hay nhắc tới MEMS (công nghệ và linh kiện vi cơ điện tử) thì không thể không nhắc tới ITIMS”.

PGS.TS.Vũ Ngọc Hùng, Viện trưởng ITIMS

PGS. Nguyễn Văn Hiếu hiện nay là trưởng nhóm nghiên cứu iSensors thuộc viện ITIMS gồm các thành viên hầu hết là tiến sĩ trẻ dưới 40 tuổi. Từ năm 2008 đến nay, nhóm nghiên cứu đã có 65 công bố quốc tế trên tạp chí ISI, hoàn thành hai đề tài cấp Nhà nước hơn và bốn đề tài của Quỹ Nafosted. Điều đó khiến iSensors được các đồng nghiệp cùng lĩnh vực nghiên cứu ở trong và ngoài nước chú ý; qua đó ITIMS có thể thuyết phục được các Tiến sĩ từ nước ngoài trở về. PGS. Hiếu kể lại, anh đã thuyết phục được PGS một đang làm việc tại Nhật với mức lương 5000 USD và hợp đồng “muốn kéo dài bao nhiêu năm cũng được” về ITIMS để làm việc với nhóm nghiên cứu của anh.

Những người quản lý ITIMS tin rằng, họ tạo ra một môi trường làm việc đủ hấp dẫn để thu hút những người có năng lực tới đây làm việc. Nền tảng của môi trường đó ở chính những nhóm nghiên cứu mạnh tầm cỡ thế giới mà viện, dưới sự định hướng của Đại học Bách khoa đã xây dựng trong các năm qua. Cụ thể là, trung bình mỗi năm, ITIMS tuyển thêm hai – ba Tiến sĩ bằng cách các nhóm nghiên cứu mạnh thường xuyên giữ mối liên hệ với những Tiến sĩ tại nước ngoài có hướng nghiên cứu gần gũi với lĩnh vực của mình. Trước khi họ tốt nghiệp, lãnh đạo viện sẽ trực tiếp liên lạc và thuyết phục những Tiến sĩ ấy. “Chúng tôi đặt vấn đề và đề nghị họ đề xuất các hướng nghiên cứu và “ở nhà” sẽ giúp đăng kí các đề tài nghiên cứu khoa học. Khi đó, anh về là anh có đề tài làm ngay” – PGS. Hùng nói về quá trình “chiêu mộ” nhân lực của ITIMS. PGS. Hiếu nói thêm, kinh nghiệm của anh về việc thu hút các Tiến sĩ có năng lực còn nằm ở việc lựa chọn hướng nghiên cứu: “phải tiếp cận với trình độ thế giới để các bạn từ nước ngoài có thể tham gia vào nhóm của mình. Nếu nghiên cứu đề tài quá cũ kĩ, lạc hậu thì rất khó tuyển người”.

Việc tuyển chọn những Tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài không chỉ đem lại cho ITIMS lực lượng cán bộ nghiên cứu có năng lực mà cả những mối quan hệ hợp tác quốc tế. ”Khi các bạn về nước làm việc trong nhóm, họ vẫn viết thư trao đổi với những mối quan hệ bạn bè, giáo sư ở nước ngoài”– PGS. Hiếu nói về nhóm iSensors của mình. ITIMS không chỉ giữ mối quan hệ với các trường, viện tại Hà Lan như Đại học Twente, Đại học Tổng hợp Amsterdam, Viện Van der Waals-Zeeman, Viện nghiên cứu MESA, Đại học Kỹ thuật Delft mà còn mở rộng với các trường và viện tại nhiều nước khác như Đại học Ritsumeikan (Nhật Bản); Đại học Katholieke Leeuwen, Đại học Gent (Bỉ); Đại học Trento (Ý); Viện Khoa học và Công nghệ Seoul, Đại học Quốc gia Chungnam, (Hàn Quốc); Đại học Quốc gia Singapore (Singapore),…

Không có bột vẫn gột nên hồ

PGS. Nguyễn Văn Hiếu từng học và nghiên cứu tại Đại học Twente, Hà Lan trong năm năm. “Khi ở nước ngoài, tôi viết và được đăng bài trên các tạp chí quốc tế nhưng về Việt Nam thì điều đó vô cùng khó khăn. Trở về nước năm 2004 nhưng đến năm 2007 tôi mới có công bố quốc tế”. Anh kể lại, lí do chính của sự khó khăn đó là vì thiết bị thiếu thốn, nghèo nàn. Anh phải “góp nhặt từ chỗ này chỗ kia” rồi từ những kinh phí hỗ trợ trong các đề tài khoa học để chế tạo các thiết bị đo đạc, xây dựng phòng thí nghiệm. Ở ITIMS, đó không phải là khó khăn của riêng nhóm nghiên cứu iSensors.

 PGS. Nguyễn Văn Hiếu, Viện phó ITIMS, trưởng nhóm nghiên cứu mạnh iSensors với nghiên cứu định hướng ứng dụng là cảm biến có khả năng quan trắc không khí, cảnh báo sớm về ô nhiễm môi trường.

Mặc dù được Chính phủ Hà Lan hỗ trợ toàn bộ cơ sở vật chất ban đầu nhưng tính đến nay, các thiết bị công nghệ và đo lường đã hơn 20 “tuổi đời”. Mặc dù vẫn được khai thác và sử dụng nhưng những thiết bị này đã hạn chế khả năng triển khai những nghiên cứu mới của viện. Tuy có sự hạn chế về thiết bị khoa học công nghệ, viện ITIMS vẫn nỗ lực đẩy mạnh các nghiên cứu cơ bản có định hướng ứng dụng. Một số sản phẩm tiêu biểu của viện đã được nghiên cứu thành công như con quay vi cơ (MEMS micro gyroscope), cảm biến sinh học và thiết bị cảm biến có khả năng quan trắc không khí, cảnh báo sớm về ô nhiễm môi trường.

Nằm trong tình trạng chung của nhiều viện trên cả nước về tình trạng cơ sở vật chất và các cán bộ phải đối mặt với sự bấp bênh khi thu nhập dựa chủ yếu vào các đề tài nhưng “ITIMS vẫn là điểm sáng trong đào tạo nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học”- PGS. Hùng nhắc đi nhắc lại.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)