Kết quả nghiên cứu sau năm năm thành lập
Theo báo cáo của GS Ngô Bảo Châu tại buổi Lễ Kỷ niệm 5 năm “Chương trình trọng điểm Quốc gia về Toán” và thành lập “ Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán” (NCCCVT) sau năm năm tồn tại, Viện đã có nhiều đóng góp tích cực cho việc học, dạy và nghiên cứu toán ở Việt Nam; được cộng đồng toán học ở trong và ngoài nước công nhận. Ở nửa chặng đường của chương trình trọng điểm, Viện NCCCVT đã có một số thành tựu, và hiện thực được một phần kỳ vọng mà Chính phủ và Cộng đồng toán học đặt vào nó. Tia Sáng xin trích đăng phần nghiên cứu cơ bản và ứng dụng của báo cáo đó.
Nghiên cứu cơ bản
Viện NCCCVT đã tập trung hỗ trợ những nhóm nghiên cứu ở những chủ đề mạnh truyền thống ở Việt Nam, và ưu tiên cho sự hình thành một số nhóm mới.
Các hướng nghiên cứu mạnh truyền thống ở Việt Nam là: Tối ưu, Giải tích phức, Đại số giao hoán, Topo đại số, Số học … Viện đã đón tiếp các nhóm nghiên cứu ở các chuyên ngành kể trên nhiều hơn một lần. Với điều kiện nghiên cứu tập trung ở Viện NCCCVT, các nhóm nghiên cứu đã có điều kiện củng cố hợp tác trong nước và quốc tế, cải thiện đáng kể công bố khoa học. Số lượng công bố khoa học được đăng ký như công trình hoàn thành ở Viện NCCCVT cũng như số lượng công bố khoa học ngành toán trong phạm vi cả nước đã tăng gấp đôi trong năm năm gần đây.
Các hướng nghiên cứu chưa mạnh ở Việt Nam, nhưng có cơ hội để phát triển là: lý thuyết biểu diễn, tổ hợp xác suất, phương trình đạo hàm riêng và phương trình vật lý toán, hình học vi phân và giải tích trên đa tạp … Ở những lĩnh vực này có những nhà toán học Việt Nam rất có uy tín đang làm việc ở nước ngoài như các anh Phạm Hữu Tiệp (Arizona), Vũ Hà Văn (Yale), Dương Hồng Phong (Columbia), đặc biệt bên phương trình, có một nhóm trẻ hơn là các anh Nguyễn Hoài Minh (Zurich), Trần Vĩnh Hưng (Madison), Nguyễn Lực (Oxford) … Những nhóm làm việc ở Việt Nam theo các hướng này còn đang manh nha nên trong thời gian tới,Viện sẽ ưu tiên hơn nữa để các anh kể trên về Việt Nam làm việc thường xuyên hơn, có nhiều hơn cơ hội, thời gian để tương tác với sinh viên và các nhà nghiên cứu trẻ ở Việt Nam.
Viện đã thiết kế một chức danh mới là Associate members dành cho những nhà toán học rất có uy tín như các anh Phạm Hữu Tiệp, Vũ Hà Văn, với kỳ vọng các anh sẽ đến Viện làm việc thường xuyên và xây dựng trường phái toán học của mình ở Việt Nam.
Nghiên cứu ứng dụng
Viện đã hết sức nỗ lực trong ứng dụng của toán học vào thực tế và vào các ngành khoa học khác. Tuy vậy, bên cạnh một vài thành tựu đáng khích lệ, nhiều dự định vẫn còn đang phôi thai hoặc hãy còn đang dang dở.
Viện đã hỗ trợ để các anh Hồ Tú Bảo và Nguyễn Xuân Long tổ chức hai trường hè về thống kê và học máy rất thành công. Thống kê và học máy là một hướng toán học ứng dụng rất nóng, với nhiều ứng dụng quan trọng vào khoa học thông tin và trí tuệ nhân tạo thông qua xử lý các hệ thống dữ liệu lớn. Mặt khác, số lượng các chuyên gia ở Việt Nam trong lĩnh vực này còn rất hạn chế. Vì hai lý do kể trên nên trường hè về thống kê và học máy tổ chức ở Viện NCCCT đã đáp ứng được một nhu cầu rất cấp thiết, và được hưởng ứng rất tích cực (trên dưới 100 học viên).
Hè 2014, Viện đã tổ chức một trường hè và giai đoạn nghiên cứu tập trung với chủ đề là ứng dụng của toán học trong cơ học, với sự tham gia là một nhóm các nhà cơ học Pháp, hợp tác với những người nghiên cứu cơ học ở Việt Nam. Trường hè Cơ học 2014 được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng cơ học Việt Nam. Tuy vậy, dường như chúng tôi không cảm nhận được hiệu quả rõ nét của chương trình trong việc đẩy mạnh nghiên cứu Cơ học ở Việt Nam. Viện NCCCVT luôn mở cửa cho những hoạt động nghiên cứu liên ngành, nhưng chúng tôi cũng sẽ rút kinh nghiệm từ những khó khăn của nghiên cứu liên ngành ở Việt Nam.
Viện đã phối hợp với Viện nghiên cứu Viettel trong việc thống nhất các dữ liệu radar để xác định quỹ đạo máy bay địch. Tuy chưa đạt được độ chính xác ở tiêu chuẩn của các nước với nền công nghệ tiên tiến, đề tài nghiên cứu này đã góp phần cải thiện đáng kể độ chính xác vốn có.
Viện đã bắt đầu phối hợp với một nhóm các nhà khoa học Pháp, dưới sự điều phối của GS. Nguyễn Kim Đan (Caen) để tính toán mức độ xói lở bờ biển ở khu vực Hội An. Tuy dự án này còn đang ở trong giai đoạn thai nghén, Viện có kỳ vọng nó sẽ có đóng góp trong việc giải quyết một vấn đề thực tế nghiêm trọng.
Trong số các dự án nghiên cứu ứng dụng thực tế, kế hoạch có quy mô lớn nhất là thành lập Trung tâm Toán học ứng dụng trong kinh tế, tài chính và ngân hàng (Fmathlab) vào đầu năm nay. Đối tác chiến lược của dự án này là Ngân hàng đầu tư phát triển (BIDV). BIDV cam kết hỗ trợ hơn 40 tỷ đồng trong thời gian năm năm cho các hoạt động của FMathlab. Tuy việc triển khai công việc của FMathlab hiện còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu liên quan đến các quy tắc hành chính còn nặng nề, nhưng chúng tôi rất kỳ vọng vào sự phát triển tương lai của toán tài chính ở Việt Nam, mà Fmathlab sẽ là hạt nhân.
Một trong những khó khăn căn bản cho việc phát triển toán học ứng dụng ở Việt Nam là lực lượng những người làm toán ứng dụng có trình độ cao còn rất mỏng. Tuy vậy, lực lượng người Việt Nam ở nước ngoài làm toán ứng dụng, đặc biệt trong lĩnh vực toán tài chính, là khá mạnh. Vai trò của Viện NCCCVT sẽ tạo sự kết nối lâu dài với những chuyên gia người Việt ở nước ngoài để tham gia giải quyết những bài toán từ thực tế Việt Nam đặt ra, qua nhiều hình thức, trong đó có thông qua chức danh Associate members.