KH&CN của Trung Quốc: Bí mật đằng sau sự vươn lên

Một cái nhìn toàn diện quá trình phát triển KH&CN nhanh chóng của Trung Quốc cho thấy cách chính phủ định hướng đầu tư và lập kế hoạch – bất chấp hàng núi khiếu nại về những vấn đề gian lận.


Triển lãm Thiết bị quốc tế lần thứ 17 của Trung Quốc tại Thẩm Dương, Liêu Ninh vào tháng 9/2018, tập trung vào ngành công nghiệp robotics và trí tuệ nhân tạo, thu hút 900 công ty trong nước và quốc tế. Nguồn: Tân Hoa Xã.

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã nổi lên như một cường quốc KH&CN, kết quả của việc lập kế hoạch có trọng tâm, được cân nhắc và đầu tư với những khoản kinh phí lớn. Tuy nhiên cùng với sự tăng trưởng đó là hàng núi khiếu nại về cách Trung Quốc chia sẻ dữ liệu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và trong một số trường hợp là vấn đề thực hiện nghiên cứu liên quan đến đạo đức khoa học.

Sự vươn lên nhanh chóng của KH&CN Trung Quốc đã được ghi nhận – gây ấn tượng nhiều hơn cả những câu chuyện thành công về công nghệ được biết đến rộng rãi như Hàn Quốc và Singapore. Khi Trung Quốc chuyển động từ chỗ là công xưởng của thế giới sang trở thành một trong những quyền lực công nghệ mới của thế giới, chính quyền Trung Quốc đã bơm tiền, gửi sinh viên ra khắp toàn cầu, phát triển một loạt kế hoạch quan trọng, thúc đẩy phát minh sáng chế và chuyển đến một tư thế tích cực hướng về phía thay đổi toàn bộ hệ thống KHCN và đổi mới sáng tạo.  

Trung Quốc đã trở thành một nhân vật gây thách thức ở tầm quốc tế về tăng trưởng nhanh chóng ở nhiều lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, IoT, công nghệ nano, công nghệ sinh học, tính toán lượng tử và dữ liệu lớn. Cơ quan Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo Anh (UKRI) đã dự đoán, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2022 để trở thành quốc gia số một thế giới về đầu tư vào R&D.

Ngay vào năm 2017, Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển châu Âu (OECD) đã ước tính, Trung Quốc chiếm 23% tổng số đầu tư vào R&D của thế giới. Và năm tiếp theo, tổng số đầu tư của quốc gia này tiếp tục gia tăng lên con số 2,19% GDP (năm 2017 mới là 2,15%) – nhiều hơn không đáng kể so với châu Âu. Trung Quốc không chỉ chiếm 25% nhân sự R&D của thế giới mà còn xếp hạng nhì thế giới về những ứng dụng sáng chế quốc tế trong năm 2018 (53.981), chỉ xếp sau Mỹ (55.981).

Những khiếu nại cũng tăng lên

Nhưng sự tăng trưởng này đi kèm với những khiếu nại không ngừng tăng lên của các đối tác thương mại. 

Việc bảo hộ tài sản trí tuệ đã trở thành nội dung chính. Các công ty nước ngoài được điều hành ở Trung Quốc đã khiếu nại qua nhiều năm về việc xâm phạm bản quyền và buộc phải chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc để đổi lấy quyền gia nhập thị trường, đón đầu tư hoặc cả những chấp thuận của nhà chức trách. 
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây bão trên tài khoản Twitter của mình. “Họ đã đánh cắp tài sản trí tuệ của chúng ta ở mức hàng trăm tỉ USD/năm, và họ muốn tiếp tục như thế. Tôi không muốn để điều đó xảy ra”.

Tương tự như vậy vào tháng 11/2019, Michael Kratsios – cố vấn công nghệ của Trump, nói “Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của chúng ta […] Nếu chúng ta không hành động bây giờ, sự ảnh hưởng và kiểm soát về công nghệ của Trung Quốc không chỉ làm xói mòn tự do của các công dân chúng ta mà còn cả công dân của thế giới.” Và cuộc chiến này đã được đưa ra bàn thảo tại WIPO khi Mỹ vận động các bên phản đối thành công một ứng viên Trung Quốc ứng cử vị trí đứng đầu tổ chức này. 


Mức đầu tư cho R&D của Trung Quốc và các quốc gia khác trong năm 2000-2018. Nguồn: sciencebusiness.net

Nhưng sở hữu trí tuệ không chỉ là nguồn khiếu nại duy nhất. Với EU, phần lớn các nhà nghiên cứu đã hợp tác với các nhà khoa học Trung Quốc đã khiếu nại về việc không thể truy cập toàn bộ dữ liệu mà họ muốn để nghiên cứu – và trong những ngày đầu khủng hoảng Covid-19, các nhà nghiên cứu Australia đến Mỹ đều nói rằng Trung Quốc, trong khi xuất bản một trình tự gene của virus, không sẵn sàng đưa công khai các mẫu virus. Trước khi diễn ra Covid-19, trường hợp liên quan đến đạo đức nghiên cứu của Trung Quốc vào năm 2018, khi một nhà nghiên cứu ở Thâm Quyến loan báo về một cặp bé gái sinh đôi có hệ gene đã bị anh ta chỉnh sửa trong nỗ lực ngăn các bé khỏi nhiễm HIV từ người bố mang bệnh. Do áp lực phản đối của quốc tế, chính quyền Trung Quốc đã bỏ tù nhà nghiên cứu. 

Triển khai các kế hoạch đầy tham vọng 

Dẫu vậy sự trỗi dậy về KH&CN của Trung Quốc vẫn là một trường hợp đáng nghiên cứu về ý chí quyền lực của chính phủ. Trong khi xây dựng trong nhiều năm, kế hoạch quan trọng và dài hạn dẫn đến thay đổi này bắt đầu vào năm 2006 khi chính phủ quốc gia này thiết lập một mục tiêu dẫn đầu thế giới vào năm 2050.

Kể từ đó, các kế hoạch phát triển năm năm đã thúc đẩy sự tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm các công nghệ thành phố thông minh và hình thành những liên minh khoa học. Ví dụ, Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị nông thôn đã chọn ra 193 chính quyền địa phương và vùng phát triển kinh tế là những nơi đặt các dự án quy mô pilot thành phố thông minh. Các địa điểm này đã đủ điều kiện nhận kinh phí đầu tư từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, với một khoản đầu tư 100 tỉ nhân dân tệ (16 tỉ USD). Kế hoạch 5 năm hiện tại bao gồm một mục tập trung vào môi trường, thúc đẩy các năng lực đổi mới sáng tạo và GDP, và cải thiện đời sống của các công dân. 

Người thúc đẩy sự tăng trưởng này là chủ tịch nước Tập Cận Bình. Ví dụ, từ năm 2012, năm nhậm chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông bắt đầu thúc đẩy Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) thành một viện nghiên cứu ở đẳng cấp thế giới. Và kế hoạch ngành công nghiệp mang tên “Made in China” là một trong những sáng kiến tham vọng nhất của ông, bắt đầu triển khai từ năm 2015 với mục đích đưa Trung Quốc trở thành người đứng đầu thế giới về số lượng các ngành công nghiệp công nghệ cao như thiết bị y tế, robotics, thiết bị hàng không vũ trụ. Một trong những mục tiêu của kế hoạch này là có thể tự chủ trong sản xuất thiết bị của các ngành này tới 70%.

Kế hoạch này không phải ở góc độ nào cũng tốt. Việc nhấn mạnh vào các vấn đề như “đổi mới sáng tạo trong nước”, “tự chủ” khiến chính quyền đang nhắm đích khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc vào chỗ mà theo các nhà bình luận quốc tế, gây bất lợi cho các công ty nước ngoài. Trong năm nay, BusinessEurope – nhóm vận động hành lang của ngành công nghiệp EU, đã kêu gọi EU đặt nhiều sức ép lên Trung Quốc để cho phép “đánh giá lẫn nhau” với các dự án do Trung Quốc đầu tư. Tại Mỹ, Trump đã thúc đẩy các công ty “bắt đầu tìm kiếm một giải pháp với Trung Quốc, bao gồm việc đưa các công ty về nhà và sản xuất các sản phẩm tại Mỹ”. Nhiều người khác lo ngại là chiến lược kiểm soát toàn bộ chuỗi cung cấp của Trung Quốc có thể dẫn đến rủi ro cho thế giới. Ví dụ, trong khủng hoảng Covid-19, các kế hoạch sản xuất iPhone của Apple đã bị đứt gãy vì các vấn đề từ nhà cung cấp ở Trung Quốc.

Xuất khẩu sinh viên, thúc đẩy công bố quốc tế

Sự thật khác ở sự tăng trưởng KH&CN của Trung Quốc là quyết định cử hàng trăm sinh viên xuất sắc đào tạo ở các trường đại học phương Tây. Thậm chí, Trung Quốc còn là một mạng lưới xuất nhập khẩu sinh viên: chỉ trong năm 2018 có 662.100 sinh viên ra nước ngoài, trong khi 492.185 sinh viên quốc tế từ 196 quốc gia đến Trung Quốc, theo Bộ Giáo dục Trung Quốc. Ví dụ tại Mỹ, sinh viên Trung Quốc chiếm vị trí hàng đầu trong số sinh viên quốc tế với khoảng 369.000 người. Nhưng chính quyền Trump đã thúc đẩy các trường đại học Mỹ cẩn thận hơn về việc có thể để các sinh viên Trung Quốc – và đặc biệt là các nhà nghiên cứu – truy cập vào những dữ liệu gì.


Nhà nghiên cứu Hạ Kiến Khuê đã bị bỏ tù vì chỉnh sửa gene một cặp bé gái sinh đôi vào năm 2018 để tránh mắc bệnh HIV từ bố. 

Nhưng đây là con đường hai chiều. Nhiều trường đại học phương Tây đã thiết lập các trung tâm R&D và các trường đại học ở Trung Quốc. Một ví dụ là việc mở Trung tâm đổi mới sáng tạo KH&CN Cambridge – Nam Kinh năm 2018, nơi trở thành viện nghiên cứu hợp tác đầu tiên được thành lập ngoài phạm vi Anh của Cambridge. Một trong những dự án hiện tại của Trung tâm là “tạo ra một máy quét độ phân giải cao có thể cung cấp phương pháp giá thành thấp để kiểm tra những vùng phức tạp của cơ thể người, ví dụ như các đốt xương sống mà không cần dùng đến các máy quét CT giá thành cao và cồng kềnh.” Các trường đại học khác cũng thành lập các cơ sở R&D tại Trung Quốc như trường Đại học Stanford, Đại học Hoàng gia London, Đại học Oxford và trường Đại học Quốc gia Singapore.

Theo một xuất bản của WIPO, trường Đại học Cornell và INSEAD, vào năm 2019, Trung Quốc xếp hạng ba sau Mỹ và Anh về chất lượng trường đại học và nơi đứng đầu trong các trường Trung Quốc là Đại học Thanh Hoa, tiếp theo là trường Đại học Bắc Kinh và Chiết Giang.

Về các ấn phẩm khoa học, năm 2017, Trung Quốc hoàn toàn vượt qua Mỹ về số lượng vào năm 2017. Trên thực tế, các xuất bản của Trung Quốc đã tăng lên một cách đáng ngạc nhiên 15%  trong vòng hai thập kỷ qua. Thế mạnh của họ là hóa học, vật lý, khoa học vật liệu, với các xuất bản y học tăng nhanh chóng trong thập kỷ qua. Nhưng ở một chừng mực nào đó thì sự gia tăng này là bởi các nhà nghiên cứu Trung Quốc thường xuyên được trả tiền để được xuất bản. Gần đây, chính quyền đã kêu gọi các viện nghiên cứu dừng giải pháp này, vì muốn khuyến khích chất lượng hơn số lượng. Và trên thực tế, Mỹ vẫn dẫn đầu khi là quốc gia có nhiều công bố được trích dẫn nhất, theo tính toán của OECD.

Mối quan hệ hợp tác EU và Trung Quốc

EU đã cố gắng để bắt đầu “đón lấy” sự tăng trưởng về R&D của Trung Quốc trong nhiều năm, và đạt được những kết quả khác nhau. Từ năm 1998, EU và Trung Quốc đã có hợp tác KH&CN; và trong năm 2018 hai bên đã lập một “lộ trình” hợp tác. Họ đã thông báo một gói những sáng kiến lá cờ đầu để thúc đẩy hợp tác chung và thảo những cơ chế đồng tài trợ thông qua Horizon 2020 trong nhiều lĩnh vực, bao gồm vận tải, nông nghiệp, công nghệ sinh học, hàng không, y tế, môi trường, đô thị bền vững và thực phẩm. Cùng thời gian này, hai bên đã có những thỏa thuận hợp tác về năng lượng nhiệt hạch và phân hạch.

Nhưng các quan  chức EU phàn nàn là Trung Quốc không giữ cam kết với tất cả các dự án nghiên cứu đồng tài trợ trong Horizon. Kế hoạch ban đầu giai đoạn 2016-2020 với phần chi của EU là 500 triệu Euro và Trung Quốc một tỷ nhân dân tệ (130 triệu Euro). Và đến tháng 2/2020, có 464 nhà nghiên cứu Trung Quốc tham gia các dự án Horizon và Trung Quốc cũng mới chỉ giải ngân 60% hứa hẹn cam kết của mình.

Năm ngoái, sau một cuộc họp với các đối tác Trung Quốc, Carlos Moedas – thành viên Hội đồng nghiên cứu châu Âu, đã kêu gọi trách nhiệm thỏa thuận hai chiều: “EU và Trung Quốc đã ghi nhận, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo đều cần cho sự thịnh vượng của tương lai chúng ta và giải quyết những thách thức toàn cầu. Chúng ta có thể thực hiện được điều này tốt hơn khi cùng hợp tác. Đó là nguyên nhân giải thích tại sao chúng ta muốn thắt chặt mối hợp tác về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực quan tâm chung trên cơ sở các điều khoản khung với tinh thần trao đổi”.□

Anh Vũ dịch
Nguồn: https://sciencebusiness.net/international-news/chinas-historic-rise-science-and-tech-stirs-criticism

Tác giả