KH&CN năm 2024: Giải phóng các nguồn lực bằng những cơ chế mới

Làm thế nào để giải phóng các nguồn lực cho KH&CN, ĐMST là một trong những câu hỏi căn cốt nhất của ngành KH&CN, không chỉ cho hiện tại mà còn cho tương lai. Vì vậy trong năm 2024, Bộ KH&CN sẽ tập trung vào việc tạo dựng những khung khổ quy định mới và những cơ chế vượt trội để đạt được mục tiêu này.


Cần chính sách mới giải phóng các nguồn lực

Không chờ đến hội nghị triển khai công tác năm 2024 của Bộ KH&CN, giới quản lý khoa học và cộng đồng khoa học Việt Nam mới nhìn nhận và đánh giá những hoạt động đã qua. Ở rất nhiều lĩnh vực ngành nghề, KH&CN ngày một được chứng thực giá trị của mình. Ai cũng nói rằng, một giải pháp công nghệ hữu hiệu khi đi vào cuộc sống sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề: nhà khoa học có nhiều đóng góp cho xã hội hơn, có điều kiện nâng cao thu nhập; doanh nghiệp có cơ hội có được sản phẩm mới, đủ sức cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập về chất lượng và giá cả; người lao động có thêm cơ hội việc làm khi doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh; thị trường có thêm nhiều hàng hóa cho người tiêu dùng; nhà nước có thể thu thuế nhiều hơn từ doanh nghiệp… Rất nhiều đóng góp khác nhau và từ nhiều góc độ khác nhau của KH&CN và ĐMST, khi các nguồn lực đầu tư từ lĩnh vực công và tư, nguồn lực con người đi kèm know-how… được khai thác một cách đúng đắn.

Tuy nhiên, có rất nhiều điểm khuyết thiếu về chính sách trên con đường thúc đẩy tạo ra tri thức mới, sản phẩm mới của nhà khoa học và sau nữa là biến sản phẩm đó thành hàng hóa. Những điểm khuyết thiếu đã khiến cho nguồn lực không thể được phân bổ hoặc phân bổ thiếu hiệu quả cho các hoạt động KH&CN, hệ thống cơ sở vật chất KH&CN thiếu hụt, xuống cấp, thiếu nguồn nhân lực KH&CN do tình trạng chảy máu chất xám ở khu vực công sang khu vực tư, nhiều kết quả nghiên cứu không thể chuyển giao cho doanh nghiệp… Đó là thực tại diễn ra ở nhiều trường viện, doanh nghiệp… trong vài năm trở lại đây. 

Trong hội nghị triển khai công tác năm 2024 của Bộ KH&CN, khi bày tỏ cảm kích trước đóng góp của KH&CN trong những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp, suốt từ nuôi trồng thủy sản, đảm bảo an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản, lâm nghiệp, thủy lợi…, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng nêu một số vấn đề mà ngành nông nghiệp phải đối diện khi thực thi các đề tài KH&CN, đó là có nhiều cái ràng buộc trong việc triển khai công việc ở các cơ sở nghiên cứu của ngành nông nghiệp, khi áp dụng chính sách tự chủ tự chịu trách nhiệm với rất nhiều chính sách kế tiếp nhau trong vòng hơn 15 năm qua. Trong đó, có ba điểm ràng buộc lớn nhất với các cơ sở nghiên cứu này là tự chủ nhiệm vụ, tự chủ tài chính, tự chủ tổ chức. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phân tích, “cả ba vướng mắc này đến nay vẫn chưa tháo gỡ được, khiến môi trường tài chính giằng chéo, thậm chí vướng mắc tài chính đã tạo ra những thứ mà anh em khoa học buộc phải tìm cách đối phó”. Vấn đề mà ông nêu lên, không chỉ khiến các nhà khoa học ngành nông nghiệp phải đau đầu mà còn khiến các nhà khoa học ở những lĩnh vực khác khó về xoay xở. Các nghị định về tự chủ, tự chịu trách nhiệm liên tiếp ra đời như Nghị định 115, Nghị định 54, Nghị định 60 không thể giải quyết được những vướng mắc ấy, thậm chí làm mọi việc thêm bế tắc hơn. “Từ hồi tôi còn làm giám đốc trung tâm đến nay tôi thấy vẫn chưa giải quyết được vấn đề. Giờ tôi vẫn hướng dẫn nghiên cứu sinh, sát cánh cùng anh em lắm, nên rất trăn trở về điều này”, ông nói. 

Có rất nhiều rào cản khác khiến các nguồn lực KH&CN trong các trường, viện không phát huy được sở trường của mình. “Các viện cứ bàn công việc trên tinh thần giảm biên chế nhưng môi trường làm việc thì chẳng được quan tâm gì cả”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói, đồng thời chỉ ra một số bất cập trong môi trường hoạt động của các cơ sở nghiên cứu: cơ sở vật chất thì lạc hậu, cần đầu tư; người làm khoa học chưa được quan tâm đúng mức, thu nhập thấp trong bối cảnh “các chuyên gia đầu ngành dần vắng bóng, có chuyên môn sâu dần ra đi”; kinh phí đầu tư cho khoa học chưa đủ, mới đáp ứng được 50% nhu cầu… “Chúng tôi người, có đất nhưng chưa có cơ chế để giải phóng con người”. 


Thứ nhất là Xây dựng thể chế. Chúng ta phải quản lý được lĩnh vực KH&CN và vẫn phải tạo dựng được hành lang cho phát triển. Đồng thời phải có chính sách đặc thù để phát triển và phát huy sức sáng tạo của lực lượng hết sức đặc biệt này. 
Thứ hai là Bộ KH&CN cần thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng KH&CN, tạo động lực để mọi người cùng tham gia.
Thứ ba là Phối hợp. Vấn đề phối hợp của chúng ta vẫn là điểm yếu, chúng ta phải tạo dựng được sự phối hợp giữa các bộ, ngành, Trung ương, địa phương, nhà khoa học với doanh nghiệp. Bên cạnh đó chúng ta cần kết nối để học hỏi và tận dụng được thành tựu của khoa học thế giới, đứng trên vai những người khổng lồ.  
Thứ tư là Tử tế. Ở đây, tôi muốn nói rộng hơn là tử tế với công việc, nghĩa là trách nhiệm hơn, quyết liệt hơn, biết chia sẻ với nhau hơn, đặc biệt đối với nhà khoa học. Nếu chúng ta không tử tế với các nhà khoa học thì chẳng bao giờ các nhà khoa học đến với chúng ta cả. 
Lược trích phát biểu của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại Hội nghị Triển khai công tác năm 2024 của Bộ KH&CN

Những suy nghĩ của người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng là điều mà ngành Y tế vẫn đang trăn trở. Trong báo cáo tham luận gửi Bộ KH&CN, Bộ Y tế nêu những vấn đề liên quan đến các cơ chế đầu tư cho R&D của ngành mình: nghiên cứu còn nhỏ lẻ, trang thiết bị còn thiếu và không đồng bộ do chưa được đầu tư thỏa đáng và đặc biệt thiếu nhân lực (chuyên gia, nhóm nghiên cứu), chưa khai thác được hết tiềm năng của y học cổ truyền; chưa được chú trọng vào các nghiên cứu có tính dự báo, đo lường khả năng và diễn biến của các bệnh dịch mới nổi, bệnh dịch tái diễn; ít nghiên cứu tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế (sinh phẩm chẩn đoán/điều trị, thuốc từ dược liệu,…), sản phẩm còn ít có khả năng cạnh tranh trên thị trường. 

Có vô vàn các vấn đề mà KH&CN có thể giải quyết nhưng cần phải dưới sự dẫn đường của chính sách. Những khung khổ tài chính mới trong đầu tư cho khoa học cũng như các quy định hướng dẫn thực thi các chính sách ấy sẽ là giải pháp để KH&CN có thể tham gia tháo gỡ. Trong những năm qua, các chương trình KH&CN quốc gia là những giải pháp quan trọng để khoa học có thể hỗ trợ tìm ra giải pháp cho các ngành nông nghiệp, y tế nhưng ngần ấy vẫn còn chưa đủ. 

Ngay trong hội nghị triển khai công tác năm 2024, Bộ KH&CN còn nhận được những “đơn đặt hàng chính sách” khác, đó là hỗ trợ Hà Nội trong việc sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012 ở những nội dung quan trọng về phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển khu công nghệ cao… Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nêu, đó là quy định một số cơ chế đặc thù để phát triển KH&CN của Thủ đô; quy định về các lĩnh vực KH&CN trọng điểm; chế độ ưu đãi trong lĩnh vực KH&CN; mở rộng đối tượng được áp dụng hình thức khoán kinh phí so với Luật KH&CN; doanh nghiệp, tổ chức KH&CN được hỗ trợ từ ngân sách của thành phố để mua sắm, vận hành máy móc, thiết bị phục vụ thực hiện nhiệm vụ KH&CN trọng điểm của Thủ đô… 

Những văn bản chính sách mới mà Bộ KH&CN sửa đổi và soạn thảo trong năm 2024 được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ các vướng mắc, điều được Thứ trưởng Phùng Đức Tiến gói gọn trong một vài câu “Bây giờ thì ở ngoài có tiền mà không tiêu được, nhưng ở trong nhà nước thì không có tiền để tiêu. Trung ương thì có người nhưng không có tiền, địa phương thì có tiền nhưng không có người làm đề tài”. 

Chính sách để nhà khoa học đóng góp nhiều hơn

Không chỉ khoa học ứng dụng và phát triển công nghệ gặp nhiều vướng mắc mà hiện tại, các ngành khoa học cơ bản của Việt Nam cũng phải đối diện với những khó khăn không nhỏ. Dẫu Bộ KH&CN đã hình thành Quỹ NAFOSTED và nhiều chương trình KH&CN cấp quốc gia do Bộ KH&CN và nhiều bộ, ngành quản lý như một khung chính sách quan trọng để tạo điều kiện cho các ngành khoa học cơ bản phát triển. Đó cũng là cơ hội để các nhà nghiên cứu cơ bản nâng cao năng lực, tạo ra nhiều tri thức mới và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên hiện tại, một trong những khó khăn của các ngành khoa học cơ bản là chưa nhận được sự đầu tư đầy đủ. 

Tại hội nghị, giáo sư Lê Minh Thắng (ĐH Bách khoa Hà Nội), một nhà hóa học từng chủ trì nhiều đề tài do Quỹ NAFOSTED tài trợ cũng như đề tài từ Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, KH sự sống, KH trái đất và KH biển của Bộ KH&CN, kể câu chuyện của mình “Đối với nhiều nhà khoa học trẻ mới chân ướt chân ráo từ nước ngoài về Việt Nam, Quỹ NAFOSTED đã tạo ra một cơ chế xét chọn minh bạch, công bằng, không phân biệt tuổi tác, đánh giá đơn giản dựa trên kết quả nghiên cứu được công nhận trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Cho đến hiện nay, theo chúng tôi, NAFOSTED vẫn là một kênh tài trợ kinh phí mà chúng tôi ưa thích nhất vì cảm thấy hiệu quả nhất và có thể dành nhiều thời gian cho khoa học nhất”.

Tuy nhiên, theo góc nhìn của chị và nhiều nhà khoa học khác, cơ chế tài chính áp dụng hiện nay đối với NAFOSTED chưa thỏa đáng và chưa đúng với bản chất tài trợ cho khoa học. “Kinh phí dành cho Quỹ NAFOSTED nên được tăng cường chứ không phải hạn chế hơn như hiện nay, đặc biệt khi các hồ sơ đăng ký chương trình NAFOSTED đang tăng đột biến như năm nay, chứng tỏ sự quan tâm của các nhà khoa học cho chương trình NAFOSTED vẫn rất lớn”, giáo sư Lê Minh Thắng nói.

Với các nhà khoa học, dù có thể là nghiên cứu cơ bản nhưng vẫn có rất nhiều cơ hội để biến tri thức của mình thành sản phẩm cho xã hội. “Với những đề tài các đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản định hướng ứng dụng, nhà khoa học vẫn có thể làm nghiên cứu khoa học cơ bản trong những bước khảo sát ban đầu trước khi tiến hành trên quy mô pilot nhưng là nghiên cứu cơ bản về những vấn đề nghiên cứu sẽ có khả năng ứng dụng thực tiễn. Đồng thời, những đề tài này cũng phải có sản phẩm pilot ở quy mô nhỏ, nhưng là bước cần thiết trước khi có thể đưa vào thực tiễn”, giáo sư Lê Minh Thắng nói. 

Dẫu có những khuyến khích bước đầu như vậy nhưng con đường chuyển hóa này đang bị nghẽn lại. “Đa số các nhà khoa học ở Việt Nam vẫn chỉ làm nghiên cứu cơ bản là chủ yếu. Nguyên nhân là vì nghiên cứu khoa học ứng dụng còn chưa có nhiều môi trường phát triển ở Việt Nam, các công ty chưa dành nhiều đầu tư cho bộ phận nghiên cứu phát triển R&D nên những đặt hàng của doanh nghiệp cho các trường đại học, viện nghiên cứu còn rất hạn chế. Hơn nữa, cơ sở vật chất dành cho nghiên cứu ở Việt Nam còn thiếu thốn, chưa đủ điều kiện để các nhà khoa học có khả năng phục vụ những nghiên cứu thực tế như trong những công nghiệp lớn”.

Đây không phải là rào cản duy nhất làm hạn chế đóng góp của nhà khoa học với xã hội. Giáo sư Lê Minh Thắng cho rằng, thủ tục tài chính đối với các đề tài nghiên cứu khoa học còn rất cứng nhắc, bị hành chính hóa, không phù hợp với diễn biến thực tế của nghiên cứu. Do đó, có hiện trạng là “khi thực hiện xong các đề tài KH&CN tương đối đủ lớn, để có thể làm được những sản phẩm xứng đáng một chút thì rất nhiều nhà khoa học đã nản lòng, không còn muốn xin tiếp các đề tài nghiên cứu khoa học lớn nữa. Đây là một sự lãng phí lớn”, chị nhận xét.

Dẫu hoạt động của các nhà khoa học là trong phòng thí nghiệm nhưng những chính sách đối với doanh nghiệp cũng ảnh hưởng sâu sắc đến họ. Theo nhận xét của giáo sư Lê Minh Thắng, cần phải tháo gỡ việc sử dụng Quỹ phát triển KH&CN tại doanh nghiệp để doanh nghiệp cũng có thể đóng góp vào các đề tài nghiên cứu trong các trường, viện và coi đó là những nghiên cứu khảo sát bước đầu hướng đến thực tế tại doanh nghiệp bởi nghiên cứu ứng dụng không thể giải quyết được ngay vấn đề của doanh nghiệ và không thể trông đợi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm phải hoàn toàn sát với thực tế sản xuất do quy mô nghiên cứu và sản xuất khác rất xa nhau. 

Khi chưa huy động được nguồn vốn lớn ở khu vực tư nhân đầu tư vào phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo thì theo giáo sư Lê Minh Thắng “đầu tư của nhà nước dành cho nghiên cứu khoa học cơ bản càng cần được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức khác nhau”.

Những trao đổi, thảo luận của các nhà quản lý và nhà khoa học tại hội nghị triển khai công tác năm 2024 của Bộ KH&CN đã cho thấy, thực tiễn đang rất cần những khung chính sách mới để giải phóng các nguồn lực cho KH&CN và ĐMST. Bởi như lời chia sẻ của Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt “cũng như cuộc sống, KH&CN vận động không ngừng, đòi hỏi các cơ chế, chính sách quản lý KH&CN luôn cần được rà soát để điều chỉnh kịp thời mới theo kịp và đáp ứng được, hỗ trợ được hoạt động KH&CN một cách hiệu quả”.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)