Khi khoa học trở thành công cụ tuyên truyền
Va chạm trên biển và xung đột lãnh thổ thường không liên quan nhiều đến khoa học. Nhưng ngày nay các nhà nghiên cứu và các tạp chí khoa học đang bị vướng vào những mâu thuẫn lãnh thổ kéo dài bấy lâu trên Biển Đông. 
Những xung đột liên quan tới biển Đông đã kéo dài vài thập kỷ, nhưng những báo cáo thăm dò trữ lượng dầu – ước tính có thể thu được từ 1,6 tỷ tới 21,3 tỷ thùng – và các nguồn tài nguyên khoáng sản càng làm tăng mối quan tâm quyền lợi từ các bên. |
Các cuộc thám hiểm thường gắn liền với công tác nghiên cứu, và do vậy các nhà khoa học đột nhiên bị lôi vào ngay giữa tâm điểm xung đột. Hồi tháng 6, Việt Nam khẳng định tàu cá của Trung Quốc đã xung đột với tàu thám hiểm địa chấn của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Và ngày 25/09, Nhật Bản đã yêu cầu một tàu nghiên cứu của Trung Quốc rời khỏi khu vực đặc quyền kinh tế mà Nhật Bản khẳng định chủ quyền xung quanh quần đảo Senkaku.
Những tranh chấp được đưa vào cả những trang tạp chí khoa học. Giới quan sát cho rằng các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang cố gắng biến vấn đề chủ quyền của đất nước mình thành chuyện đã rồi, bằng cách thường xuyên sử dụng các bản đồ trong đó vẽ ranh giới biển được mở rộng theo tuyên bố của Trung Quốc. Ví dụ, một bản đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với tài nguyên nước và nông nghiệp của Trung Quốc năm 2010, được công bố trên tạp chí Nature (2), đi kèm với một bản đồ trong đó thể hiện đa số Biển Đông là một phần của Trung Quốc.
Tháng trước, trong một bức thư được gửi qua internet tới Nature và các tạp chí khác, 57 nhà khoa học, kỹ sư, và các chuyên gia Việt Nam trên thế giới đã than phiền về việc sử dụng những bản đồ như vậy. Bức thư khẳng định rằng chính phủ Trung Quốc đang dùng các “chiến thuật cửa hậu”, và “sử dụng các tạp chí như một công cụ để hợp thức hóa một bản đồ phiến diện và thiên lệch” (“using your magazine/journal as a means to legitimize such [a] one-sided and biased map”). Một bản đồ xuất hiện trong một bản đánh giá điều tra dân số Trung Quốc công bố trên tạp chí Science (3) cũng gặp phải những chỉ trích tương tự. Tạp chí Science đã phản hồi những chỉ trích này bằng một thông điệp từ tòa soạn (4), trong đó khẳng định tạp chí “không đứng về phía nào đối với các tuyên bố chủ quyền”, nhưng sẽ “xem lại quy trình chấp thuận bản đồ, nhằm đảm bảo rằng trong tương lai tạp chí Science sẽ không bị coi là bênh vực hoặc đứng về một phía đối với các xung đột lãnh thổ/chủ quyền.”
Trong khi đó, Michael Oppenheimer, một nhà địa lý từ Đại học Princeton, đồng biên tập của tạp chí Climatic Change, đã nhận được nhiều thư điện tử kể từ hồi tháng 6 từ các nhà khoa học, phản đối một bản đồ Trung Quốc trong một số ra của tạp chí xuất bản từ hơn 4 năm trước(5). Bản đồ này vẽ một đường “lưỡi bò” thể hiện khẳng định chủ quyền Trung Quốc bao phủ một phần lớn Biển Đông. Các nhà khoa học từ Việt Nam, Phần Lan, Canada, và các nơi khác, đã yêu cầu sửa lại bản đồ này. Nhưng những cuộc tranh cãi mang đậm tính chính trị như vậy “không phải là vấn đề mà một tạp chí như của chúng tôi muốn dính líu đến”, Oppenheimer nói.
Một bản đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với tài nguyên nước và nông nghiệp của Trung Quốc năm 2010, được công bố trên tạp chí Nature, đi kèm với một bản đồ trong đó thể hiện đa số Biển Đông là một phần của Trung Quốc. |
Các nhà khoa học Việt Nam khác mà tạp chí Nature liên lạc đến là những người bức xúc nhất về những trường hợp mà họ coi là sử dụng bản đồ đường lưỡi bò một cách vô cớ. “Người ta đưa vào bản đồ đường lưỡi bò ở Biển Đông kể cả khi khu vực này, và những quần đảo nằm trong nó, chẳng hề liên quan tới chủ đề nghiên cứu”, nhận định từ Q. Tuan Pham, một kỹ sư hóa học từ Đại học New South Wales, Sidney, Úc.
Hiện chưa rõ vì sao các nhà khoa học Trung Quốc đưa bản đồ gây tranh cãi vào các bài báo của họ. Sau khi nhận được các phản đối qua thư điện tử, Oppenheimer quyết định rằng bản đồ gây tranh cãi này không liên quan tới kết luận của bài báo khoa học, và đã liên hệ với chủ nhiệm đề tài, Xuemei Shao của Viện Khoa học Địa lý và Nghiên cứu Tài nguyên Thiên nhiên ở Bắc Kinh, đề nghị điều chỉnh. Nhưng Shao từ chối, và giải thích qua thư điện tử rằng hình biểu đồ trong bài báo là “theo yêu cầu từ chính phủ Trung Quốc”.
Jingyun Fang, một chuyên gia về biến đổi khí hậu ở Đại học Bắc Kinh, đồng tác giả trong một đánh giá trên Nature, nói rằng ông đưa bản đồ vào vì phải “tuân thủ luật của Trung Quốc yêu cầu gắn kèm những vùng biển này của Trung Quốc trong bản đồ”. Cả Fang và Shao, cũng như bốn tác giả của các bài báo khác từng đưa vào bài nghiên cứu của họ tấm bản đồ gây tranh cãi, đều không trả lời khi tạp chí Nature đề nghị cung cấp chi tiết những quy định này.
Cuối cùng thì cả Science, Nature, và Climatic Change, đều quyết định không gỡ bỏ các bản đồ gây tranh cãi. Nhưng Tuan Nguyen, một giáo sư dược của Viện Nghiên cứu Dược Garvan ở Sydney, người đã phê bình một cách độc lập tới các biên tập tạp chí về các bản đồ Biển Đông của Trung Quốc, cho rằng những bản đồ in trong các tạp chí chỉ nên được coi là dữ liệu khoa học và phải được xác minh trước khi công bố. “Việc công bố những bản đồ như vậy là lợi dụng khoa học”, ông nói.
Lược dịch theo Nature:
http://www.nature.com/news/2011/111019/full/478293a.html
• Tài liệu tham chiếu
1. Nature 476, 10-11 (2011).
2. Piao, S. et al. Nature 467, 43-51 (2010).
3. Peng, X. Science 333, 581-587 (2011).
4. Bradford, M. Science 333, 1824 (2011).
5. Liang, E. et al. Climatic Change 79, 403-432 (2006).