Khoa học cho mọi người

Đến quan sát Fête de la Science tại một số địa điểm ở Paris như Đại học Vật lý và Hóa học công nghiệp Paris (ESPCI), Đại học Hóa học quốc gia Paris (Chimie Paris Tech) hay Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Quốc gia, Cung Khám phá, Bảo tàng Curie…, chúng tôi nhận thấy đây thật sự là ngày hội dành cho mọi người.

Công chúng của ngày hội là những nhóm thanh niên, những người bạn già, và cả người khuyết tật, nhưng đông nhất vẫn là các cặp bố mẹ đi cùng con cái. Ai cũng chăm chú lắng nghe chuyên gia nói, tự tin nêu câu hỏi, và hào hứng tham gia làm các thí nghiệm, thực hành. Nhiều người, kể cả trẻ em, mang theo sổ tay ghi chép.

Ở bất kỳ điểm tổ chức sự kiện nào, không gian đều được tận dụng tối đa để cùng lúc có thể diễn ra nhiều hoạt động – thực hành thí nghiệm, trình diễn, hay tọa đàm, thuyết trình… Có những không gian có thể chứa đến trăm người, nhưng cũng có những không gian chỉ vừa cho hai-ba chục người nên cảnh ngồi bệt hay đứng lấp ló ngoài cửa không phải là hiếm, nhưng tất cả đều diễn ra trong trật tự.

Tính liên ngành thể hiện rất rõ ở các hoạt động, chẳng hạn toán học đối xứng được trình bày trong mối liên hệ với kiến trúc và âm nhạc của Bach; lịch sử ngành điện lực thế giới được viết thành bốn câu chuyện và do các nghệ sĩ thể hiện. Cũng dịp này, Raphael Haumont, nhà hóa học, Giảng viên Đại học Paris-Sud (Orsay), tác giả cuốn sách mới “Un chimiste en cuisine” (Nhà hóa học trong bếp) phân tích nghệ thuật làm bếp từ góc độ hóa học phân tử, cũng có buổi thuyết trình về tác phẩm được ông viết ra bởi hai niềm đam mê là khoa học và nấu ăn.

Đặc biệt, tại Đại học Hóa học quốc gia Paris (Chimie Paris Tech), chúng tôi đã có một chiều cuối tuần thú vị, xem các sinh viên tự tổ chức ngày hội. Hoạt động chính ở đây là trình bày và giải thích một số thí nghiệm, chẳng hạn như thí nghiệm làm ra điện từ hai củ khoai tây và nước Coca Cola; thí nghiệm cho phép quan sát một số tính chất vật lý và hóa học của tinh thể lỏng… Có tổng cộng khoảng hai mươi thí nghiệm được thực hiện trên những chiếc bàn dài phủ khăn trắng kê hai hàng dọc hành lang nối với sảnh ra vào lớn của trường. Mỗi thí nghiệm đều có ít nhất hai sinh viên phụ trách. Ghé thăm các bàn, tiếp sau nụ cười cùng lời chào niềm nở, bao giờ chúng tôi cũng được hỏi, “Các bạn có muốn nghe giải thích về thí nghiệm này không?” Riêng các em nhỏ còn được phát một phiếu trắc nghiệm gồm những câu đố vui khoa học, chỉ cần làm đúng quá nửa trong số đó, các em đã có cơ hội nhận những món đồ lưu niệm xinh xắn, chẳng hạn như chiếc thước kẻ in hình các nhà phát minh, nhà khoa học nổi tiếng thế giới và nước Pháp: Galileo, Eistein, Edison, anh em nhà Lumière…

Nina Marcard, sinh viên năm thứ hai, người chịu trách nhiệm tổ chức sự kiện này ở trường, cho biết, dự án hoàn toàn do cô cùng bạn bè xây dựng từ hồi tháng ba và sau đó tự đứng đường phát tờ rơi quảng bá. Dự án không cần thông qua nhà trường nhưng khi được Ban điều phối vùng lựa chọn, nhà trường vẫn hỗ trợ khoảng 70% chi phí. Theo lời cô, dự án được viết rất tỷ mỷ, từ việc vật liệu dùng làm thí nghiệm bao gồm những gì, có bảo đảm an toàn và vệ sinh không; giải pháp nào để không có quá nhiều người đến cùng một lúc; đến tình huống khách sẽ thoát hiểm theo lối nào nếu xảy ra sự cố…

Đúng như lời Nina nói – “chỉ những bạn có trình độ và năng lực thuyết trình mới được chọn” – nhóm sinh viên tham gia hướng dẫn thí nghiệm trong ngày hội ở đây có vẻ hùng biện đến ngạc nhiên, đồng thời cũng tỏ ra rất giỏi việc thu hút các em nhỏ bằng các điệu bộ hài hước. Quan sát nhóm bạn trẻ mặc đồng phục blouse trắng giao tiếp với công chúng, chúng tôi hiểu rằng, họ đang không chỉ chia sẻ kiến thức mà còn muốn truyền đi cả lòng nhiệt thành của mình với khoa học.
                  

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)